top of page

"Quái vật" Lady Gaga đã lộ diện từ khi nào?

Jazz là thứ âm nhạc tôi đem lòng yêu đầu tiên, sau đó tôi yêu nhạc Rock N Roll, và rồi tôi bắt đầu hát nhạc Pop


Sự nghiệp âm nhạc của Lady Gaga quay ngược dòng như nhân vật Benjamin trong truyện ngắn “The Curious Case of Benjamin Button” vậy. Thể loại nhạc của cô ra mắt thị trường bắt đầu với Dance Pop, tiếp đến pha chút Rock và sau đó đến lúc cô hát nhạc Jazz, đặc biệt trong đĩa song ca với huyền thoại Tony Bennett thì mọi người phải ngã ngửa ra. Như vậy là nhạc của Gaga “trẻ hóa” trở về thể loại nhạc Jazz mà cô nghe từ thuở nhỏ, dù rằng đúng ra nhạc Jazz này lại đa phần không phải là món ăn thường thấy của người trẻ. Thế nên nhiều người phải đến khi nghe album Cheek To Cheek (2014) của cô với Tony Bennett mới nhìn ra tài năng thực sự của cô nàng này. Hóa ra, cô đã nắm giữ kỹ thuật hát vừa tinh tế, vừa phức tạp để hát nhạc Jazz từ tuổi nhỏ và đây chỉ là thời điểm cô bộc lộ các ngón nghề thực thụ của mình. Nhưng mà đó vẫn chưa phải là tất cả những gì Lady Gaga có thể làm được.


Tôi đã ngờ ngợ cô nàng cá tính này có vẻ giấu nghề từ khi nghe nhạc và xem video clip các bản hit đời đầu của cô như “Poker Face”, “Paparazzi”, “Alejandro”. Nghe qua thì có vẻ như đó là những bản nhạc “Dance vô hồn” có giai điệu cực bắt tai như Lady Gaga tự ví nhạc của mình. Xem qua thì có vẻ như việc ăn mặc táo bạo và diện mạo cùng các điệu nhảy gây sốc trong các video của Gaga có nét tương đồng với Madonna như chính Madonna từng lên tiếng chê bai cô nàng này.


Nhưng có gì đó đằng sau giai điệu bắt tai là âm thanh đàn điện tử, như tiếng synth bass trong “Alejandro” chẳng hạn, vô cùng ấn tượng. Và bản thân cái giai điệu bắt tai đó cũng đủ hay để nếu nghe phần nhạc đó thể hiện qua các kiểu mix khác nhau, thậm chí chỉ acoustic hoặc trên đúng tiếng đàn piano, nó vẫn mê hoặc, đến độ lần tôi xem bản chế bài “Poker Face” trên series hoạt hình láo lếu South Park mà nhân vật Cartman hát, tôi vẫn thấy nó hay lạ thường. Rồi trên cả, đó là giọng hát dầy tiếng, khỏe, hơi chút khàn của Gaga, thay cho lối hát nhẹ, giọng mỏng thường dùng ở nhạc Disco, khiến các bài nhạc Dance của Gaga có một năng lượng đầy đặn, và quan trọng nhất là một cái hồn - soul cho bài hát.

Rồi đằng sau phong cách ăn mặc thời trang và lối nhảy gây sốc, Lady Gaga vẫn mang tới nét cá tính rất riêng. Nó không giống với Madonna bởi phong cách đa dạng đến quái dị của Gaga. Tôi nhớ lần xem cô lên sân khấu để nhận giải Nghệ Sĩ trẻ xuất sắc của MTV do Eminem đứng lên trao. Đến cả tay rapper chuyên rap lời gây sốc còn không giấu nổi vẻ mặt như muốn chửi thề khi phải đưa giải cho cô nàng phủ từ đỉnh đầu đến chân bộ trang phục màu đỏ che kín cả khuôn mặt. Đỉnh điểm là lần Gaga khoác trên mình bộ váy làm từ các miếng thịt bò sống đến tham dự buổi trao giải khiến báo chí tha hồ viết bài đánh giá. Với hình ảnh Gaga tạo ra thời kỳ đầu, luôn có một cái gì đó dị hợm trong đó nhưng lại vẫn gây tò mò với người xung quanh. Và nó có lẽ không chỉ đơn thuần là chiêu thức PR tiếp thị hình ảnh bản thân một cách gây sốc, mà đằng sau đó là sự tự tin có thừa của cô nàng biết và hiểu mình đang làm cái trò quái quỷ gì.

Thời trang gây sốc của Lady Gaga luôn là câu chuyện hấp dẫn cho cánh nhà báo

Chỉ là khi Lady Gaga muốn thể hiện “cái tôi” muôn hình vạn dạng cho cả thế giới, khiến bao người đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác thì đa phần sự ngạc nhiên đều chủ yếu xoay quanh những khía cạnh về hình ảnh mà Gaga tạo dựng ngày đầu… cho đến khi sự ngạc nhiên đó quay ngoắt 180 độ, chuyển sang sự nể phục bởi tài năng của một nghệ sĩ thực thụ.


Với tôi, đó là khi được xem cô biểu diễn tại lễ trao giải Grammy tháng 1 năm 2010 với tư cách là một nghệ sĩ mới tại buổi lễ lớn như này. Lời dẫn giới thiệu trước khi cô xuất hiện như sau: “The real Gaga comes complete with five No. 1 singles… and she has no soul!”. Một lần nữa, thông điệp “no soul” này có vẻ như chỉ để khớp với hình ảnh “monster” mà Gaga tự gán cho mình từ cái tên album, chứ phong cách và âm nhạc của cô thì chả thiếu “cái hồn” tẹo nào. Bằng chứng là bản chuyển thể của “Poker Face” được thể hiện vô cùng cuốn hút và gây sững sờ sau đó ở màn song tấu piano và hát cùng với ngài Elton John. Phần biểu diễn của hai nghệ sĩ này sau đó là sự xen kẽ của hai ca khúc thuộc diện top các bài tuyệt hay của họ, với Gaga là bài “Speechless” và với Elton là bài “Your Song”. Qua màn trình diễn đó, tôi nhận ra rằng Lady Gaga không phải là một nghệ sĩ dạng vừa. Nghệ thuật ẩn sâu trong nhạc của cô có vẻ như chỉ đợi ngày cô có được tiếng vang và thành tài mới được bộc lộ ra.

Thế nên ngay từ album đầu tay, trong bản The Fame Monster (2009), Gaga mới cài cắm những ý tứ nhạc Rock trong bài “Speechless” có sự biến đổi hợp âm đầy diệu kỳ, hoặc R&B trong “Teeth” có lối hát của nhạc Gospel. Rồi sau lần trình diễn đó với Elton John, Gaga tiến hành ghi âm album Born This Way (2011) có nhiều ảnh hưởng hơn của nhạc Rock với âm thanh điện tử. Có điều khi những thành công thương mại của cô dần nguội đi sau lần phát hành album Artpop (2013), nó là lúc cô lại đưa ra quyết định chuyển hướng bằng thể loại nhạc Jazz trong album với Tony Bennett.


Đó là thời khắc quan trọng trong cuộc đời của Gaga. Sau khoảng thời gian 8 năm chú tâm vào việc gây sự chú ý trong giới âm nhạc bằng thể loại nhạc dễ tiếp cận số đông và phù hợp để chơi tại bất kỳ các buổi tiệc hay vũ trường nào, cô mới chuyển sang việc “hát hò” bằng tình yêu thực sự.

Lady Gaga, tên thật là Stefani Joanne Angelina Germanotta. Từ năm 4 tuổi, cô đã tập chơi đàn piano. Với khả năng học nhạc qua đôi tai, sự cảm thụ nhạc của cô hoàn toàn rất tự nhiên. Lớn lên trong môi trường tràn ngập âm nhạc, những nghệ sĩ mà cô chịu ảnh hưởng đầu tiên lại là Elle FitzgerardBillie Holiday. Chỉ đến khi lớn hơn, cô bắt đầu mới ngấu nghiến các đĩa nhạc Rock kinh điển của bố, mà trong đó có ban nhạc Queen và ca khúc “Radio Ga Ga” mà sau này cô tạo nên nghệ danh cho mình. Người ta có thể thấy sự ảnh hưởng của ca khúc của Queen ở trong ca khúc “Dance In The Dark” của Gaga trong album The Fame Monster. Cô sau đó học xướng âm và hát nhạc Jazz ở năm 13 tuổi. Do đó, cho đến lúc cô theo đuổi dòng nhạc Dance Pop cho sự nghiệp khởi đầu của mình, cái gốc rễ nhạc Jazz vẫn luôn ở trong đó.

Đã có lần Lady Gaga hát thử bằng kỹ thuật hát và chất giọng tự nhiên của mình thì bị mọi người gạt phăng đi. Họ không muốn lối hát “già” đó phát ra trên tivi và radio. Chính thế mà giọng hát cô sử dụng cho nhạc Dance Pop của mình luôn giữ một độ dầy nhất định; trước là để kìm nén chất giọng thật, và sau là để khác biệt với nhiều ca sĩ nhạc Pop mainstream khác. Chất giọng thật đấy hóa ra như “con quái vật” mà Gaga phải nhốt lại trong lồng ngực của mình, đợi đến ngày mà cô được dịp hát với huyện thoại Tony Bennett thì ông phải thốt ra, tại sao Lady Gaga lại có thể kìm nén để hát nhạc Pop lâu đến vậy. Nhờ Bennett, người nghe nhạc mới có cơ hội nghe thứ giọng kỹ thuật ngọt ngào của Gaga trong ca khúc tuyệt hay “Nature Boy”. Nhờ Bennett, Gaga mới tự tin thể hiện solo bài “Lush Life” trong album này, một ca khúc thuộc dạng khó tới mức Frank Sinatra từng từ chối phát hành bản thu của ông. Với những người nghe nhạc Jazz, họ khen cách luyến giữa các nốt nhạc của cô phiêu một cách tự nhiên, không bị gồng cứng. Giọng hát của Gaga như trong bài “Firefly” trôi mượt mà cùng với nhịp điệu, như tiếng kèn nhảy múa đằng sau.


Nếu như bạn để ý lại câu nói của Lady Gaga mà tôi trích dẫn ở đầu bài, động từ “yêu” chỉ được cô dùng cho nhạc Jazz và Rock. Còn nhạc Pop thì cô dùng động từ “hát” như thể mô tả cho việc nhạc Pop chỉ như một nghề của mình, còn tình yêu thì vẫn là hai dòng nhạc kia. Có điều, từ sau album nhạc Jazz “Cheek To Cheek” đó, cô không vì thế rũ bỏ thể loại nhạc Dance Pop. Thứ nhạc phù hợp với số đông và mainstream này qua lối viết nhạc của Gaga chưa bao giờ là thứ nhạc thị trường mà cái “chất lượng” lại thiếu vắng. Sau “Cheek To Cheek”, Lady Gaga có vẻ lấy lại được niềm tin nhiều hơn, nhất là sau khi cô đã chứng tỏ thực lực với giới phê bình và người yêu nhạc. Nhờ đó những album như Joanne (2016)Chromatica (2020) vẫn có những trải nghiệm mới của Gaga và giữ được cái “chất” của cô nàng ngỗ nghịch một thời này.

Thêm vào đó, hình ảnh trưởng thành và dịu dàng của cô qua “Cheek To Cheek” cũng tiếp thêm sức mạnh cho Gaga thử sức với việc làm diễn viên và làm nhạc phim cho bộ phim A Star Is Born. Kể từ The Fame Monster, chưa bao giờ sức nóng của Lady Gaga lại lớn đến vậy qua vai diễn đầy nội tâm và loạt các ca khúc ballad có giai điệu bắt tai đầy ngọt ngào, một thế mạnh trong sáng tác nhạc của cô. Thành công trong thương mại có thể không còn lớn như giai đoạn đầu, nhưng bù lại, Gaga giờ đây có thể thoải mái theo đuổi các đường lối nghệ thuật khác nhau.

Cho đến giờ, Gaga vẫn tiếp tục làm nhạc Jazz qua đĩa song ca thứ hai với Tony Bennett trong Love For Sale (2021), vẫn tham gia đóng phim với vai chính đang được khen ngợi hết lời và hút các đề cử diễn xuất trong House Of Gucci. Có thể thấy rằng, nghệ thuật dù có phục vụ số đông hay theo thị trường ngách, dù có được trình bày dưới phong cách gì đi chăng nữa, thì sẽ vẫn là nghệ thuật đáng được trân trọng nếu cái chất và tài năng của người nghệ sĩ chuyển tải được trong đó. Và Lady Gaga là một ví dụ như vậy.


Hẹn gặp lại!

Kroon

2,478 views

Recent Posts

See All
bottom of page