top of page

Motörhead: bộ ba Tam Hợp của Lemmy

Updated: Dec 29, 2019

Tìm được từ ngữ hợp lý để mô tả Lemmy và Motörhead có lẽ cũng khó ngang việc xếp âm nhạc của họ vào thể loại nào. Lem không bao giờ thừa nhận Motörhead có dính dáng đến thrash metal hay speed metal, thậm chí heavy metal; nhưng họ chơi cuốn và nặng hơn nhiều so với punk rock. “New wave”, vâng, đấy là cách mọi người gọi thứ không rõ tên từ trước khi có từ “alternative”.

Tam Hợp quái nhân: Eddie Clarke, Phil Taylor, và Lemmy

Và tất cả các thrash metal band đời đầu lẫn phong trào New Wave of British Heavy Metal đều trỏ về Motörhead như là nguồn cảm hứng khi họ bắt đầu. Còn bố già Lemmy thì luôn có vị trí trong trái tim của tất cả các headbanger lẫn sự vị nể của giới nghệ sĩ nhạc Rock, dù những thành tựu nổi bật nhất mà Motörhead tạo ra: Ace of Spades, Overkill, Bomber, và đĩa live No Sleep đều nằm gọn trong 4 năm vắt ngang cuối thập niên 70s, đầu thập niên 80s.


Có lẽ kiểu của Lem không có ai gọi tên được chính xác bằng chính gã: Born to lose, Live to win. Và trong trường hợp bạn chưa được nghe, Lemmy sinh ra với mọi ngôi sao xấu chĩa vào gã: thủng một bên màng nhĩ, mắc chứng ho gà ngay khi vừa sinh, và không biết cha đẻ của mình là ai cho đến tận khi gã 25 tuổi. Lem miễn cưỡng gặp bố đẻ của mình ở trong quán pizza, và nhân tiện xin ông tiền để mua amply cho ban nhạc. Thay vào đó bố đẻ của gã, đề nghị cho gã tiền đi học làm hướng dẫn viên du lịch. “May cho ông là pizza chưa ra nhé, không thì ông đã có chiếc mũ tuyệt đẹp để đi về rồi”. Lemmy không bao giờ gặp lại bố đẻ nữa.


Lem là như vậy. Gã học được cách yêu sự cô độc và tồn tại một mình mà cóc cần gì từ khi còn nhỏ. Và với khả năng chơi thuốc không ngừng nghỉ từ thời thanh niên đến khi chết, phần lớn cuộc đời của Lem, gã đều tin rằng mình kim cương bất hoại.


Chịu ảnh hưởng lớn từ âm nhạc của The Shadows khi lớn lên, Lem luôn mơ được chơi guitar với cây Stratocaster nhưng không phải như tay solo Marvin Hank, mà như tay rhythm guitar Jet Harris với điệu bộ cực ngầu. Và cả Beatles thời còn mặc áo khoác da nữa. Đúng vậy, bộ đồ da không lẫn đi đâu được của Motörhead.


Thế giới Rock n Roll có lẽ phải nhướng lông mày lần đầu bởi cái tên Lemmy vào năm 1972 với single Silver Machine của nhóm Hawkwind. Một cái tên chả giống ai với kiểu chơi bass cũng dị. Thêm vào những thứ kì dị như Ziggy, Iggy, và cả Ozzy.


Lem gặp Hawkwind như được định mệnh sắp đặt: một tay rhythm guitar nghiện ngập và lấc cấc được dung nạp bởi một ban nhạc lấc cấc và nghiện ngập nhất London, lúc đó đang thiếu tay bass. Kệ mịa, Hawkwind tụ tập lại với nhau bởi đam mê chơi thuốc, và sau tự chia rẽ cũng bởi hai nửa của sự đam mê: speed và ảo giác (LSD).  Theo như lời của Lem, Hawkwind làm ngược lại hoàn toàn với Pink Floyd: họ tìm kiếm sự ghê sợ, ranh giới với cái chết, và tâm thần như chực nổ tung. Và Hawkwind đem tất cả những thứ đó lên sân khấu.


Đội hình lủng củng của Hawkwind có đến 7 người, với kiểu chơi nhạc không có định hình gì nửa psychedelic, nửa progressive: Dave Brock (guitar), Bob Calvertt (nhà thơ), Nik Turner (saxophone), Lemmy (bass), Simon King (trống), Dikmik (synth), Del Dettmar (synth). Kiểu như cả bọn chơi không rõ đầu của tai nheo như nào phần ai chơi bao lâu nên cả band cứ chơi dài ngoẳng như progressive. Thành công bắt đầu đến với Hawkwind với single Silver Machine (đạt No 3 ở UK) cũng làm phát sinh sự ganh ghét lẫn nhau: cả band Hawkwind đều không thích việc Silver Machine trở thành hit nhờ có Lem lần đần tiên góp giọng hát.


Sau khi thu nạp thêm một tay trống nữa, Alan Powell, khán giả và đám phê bình bắt đầu trông đợi nhiều vào “hawkestra” như là một band experimental tiếp theo sau những Frank Zappa hay Grateful Dead. Nhưng thực ra những thành công le lói sau đấy của Doremi Fasol Latido (1972) và album live Space Ritual Alive (1973) chỉ càng làm cho mọi thứ tệ hơn trong nội bộ của Hawkwind. Nguyên nhân lớn nhất, có lẽ là từ khẩu vị ma túy khác nhau của các thành viên: trưởng nhóm Dave Brock cực ghét Speed trong khi Lem thì không chơi LSD. Rốt cục, cả band không cho Lem đóng góp sáng tác nữa, vì nhạc của Lem quá xù xì so với kiểu ảo diệu của Dave Brock.


Thời cơ để sa thải Lem đã đến, khi gã bị cảnh sát Canada bắt vì tội mang theo cocaine (thực ra là Amphetamine sulphate, hay Speed, lúc đó còn chưa bị cấm ở Canada). Nguồn cơn thực ra đã đến từ trước đó vài ngày, khi Hawkwind diễn ở Chicago, và Lem được một em giới thiệu cho món crystal meth (đá). Lemm cố gắng thuyết phục ban nhạc cho gã ở lại Chicago them vài ngày, trong khi cả band nhất định phải đi ngay đến Detroit, dù rằng buổi diễn tiếp theo chưa bắt đầu ngay.


Không được chấp thuận, ngày tiếp theo khi đang trên đường đến Detroit, khi xe bus dừng lại, Lem đột nhiên biết mất. Hai ngày sau, Lem mới xuất hiện lại ở show diễn với lý do rằng gã đi toilet ở chỗ dừng và bị đấm bất tỉnh để cướp camera. Khi gã tỉnh dậy, xe bus đã đi mất.


Cả band đều tin rằng Lem đã quay ngược về Chicago để đập đá, vì Lem tiền chơi thuốc còn không đủ chứ nói gì đến tiền sắm camera đâu. Và giọt nước tràn ly là khi Hawkwind rời Detroit đi qua biên giới, Lem bị cảnh sát Canada tóm vì mang theo cocaine (thực ra là oan cho Lem vì đó là speed). Hawkwind suýt nữa thì nhỡ show.


Lemmy được chuộc ra khỏi nơi tạm giam vừa kịp giờ show. Gã đánh ở Toronto tối đó và 4g30 sáng hôm sau, Lem bị sa thải.


Chỉ có một điều mà mấy tay kia không ngờ nhất, ấy là Hawkwind hóa ra quan trọng với Lem ghê gớm, dù Lem lúc nào cũng tỏ ra cóc cần. Nếu như không có lần sa thải đó, Lem thừa nhn có lẽ gã đã chơi cho Hawkwind cả đời mà không có Motorhead. Đúng kiểu “giá mà”, Lem thậm chí còn cho rằng Pink Floyd ở thời điểm đó chỉ là band chơi nhạc ảo giác hạng hai sau Hawkwind.


Lemmy là vậy, gã không thể chấp nhận được sự thật là gã cần một nơi để thuộc về, cho dù khi có được điều đó, gã luôn tỏ ra cóc cần và tự hưởng thụ một mình. Lem cũng không thể chấp nhận sự thật là gã cần những người chơi nhạc “xịn” xung quanh mình, bởi vì với vị trí chỉ là tay bass ở mức ổn, âm nhạc của Lem chỉ có thể tiến xa đến mức độ của những lời lẽ gai góc mà thôi. Tài năng thì có, nhưng cách sống trọng thuốc hơn nhạc của gã luôn đặt Lem ở đâu đó giữa những nghệ sĩ không thể thành công và những người có thể bán được đĩa.


Nhưng trước mắt, sau ngã rẽ sự nghiệp với cảnh sát Canada, may cái Doug Smith (quản lý của Hawkwind) vẫn tin tưởng vào khả năng thành công của Lem. Và trong khi Lem vẫn còn đang ngồi ỉ ôi chờ anh em Hawkwind gọi mình vào lại, Doug tự đăng báo thông báo là Lem đã lập ra band mới.


Mãi sau Lem mới biết, bèn hỏi Doug band mới tên gì.  Lem luôn muốn band của mình tên là Bastard, nhưng Doug không đồng ý vì tên kiểu đó sẽ có cửa cạnh tranh vào bảng xếp hạng Top of the Pops - Lem không chịu, nhưng Doug kệ mịa và cứ thế tiến hành với cái tên Motorhead. Để nhìn cho dữ dằn hơn, Lem đành gắn thêm 2 chấm umlaut lên thành Motörhead.


Cái tên này Doug lấy từ bài cuối cùng mà Lem đóng góp cho album của Hawkwind, nhưng bị Brock gạt ra vào phút cuối và chỉ được phát hành ở B-side của single tiếp theo. Nghiệt ngã thay, single ở mặt A được sáng tác bởi Brock có tên là “King of Speed”. À nhưng là speed theo nghĩa khác.


Lemmy nhanh chóng tìm ra một tay trống mới 21 tuổi đến từ Leeds tên là Phil Taylor, cùng trong hội mê speed. Nung nấu ý định band phải có 4 người chơi live cho dày, việc tìm ra 2 cây guitar hoặc 1 bass, 1 guitar (Lemmy có thể chơi rhythm guitar) xem ra lại khó hơn là tìm ra Phil Taylor. Người đầu tiên đến chơi cùng họ là Larry Wallis (cựu guitar của Pink Fairies). Cả bọn thu demo cả chục bài trong đó có 3 bài của Lem từ thời Hawkwind: Motorhead, The Watcher, và Lost Johnny, trong khi Larry đóng góp 4 bài trong đó có bài hát dự định mang tên album, On Parole.


Trừ việc, hãng đĩa quyết định găm album đầu tay On Parole của họ lại chưa phát hành, bởi không ai có thể định hình đây là loại nhạc gì. Trong thời gian chờ đợi, Phil Taylor bỗng nhớ ra người bạn Eddie Clarke, là tay guitar lúc này đã hơi cứng tuổi mà chưa có được thành tựu âm nhạc gì, và nghề chính vẫn là chạy business riêng. Eddie Clarke được hẹn đến thử việc cho Motörhead, và cũng không ngờ gã phải tự trả tiền studio cho buổi thử việc. Tin tốt là Eddie được nhận. Tin xấu là Larry không thích việc này và bỏ nhóm. Lem quyết định chơi luôn chỉ với 3 cây, và đặt biệt danh cho Phil là ‘Philthy Animal’, còn Eddie là ‘Fast’ không phải bởi gã chơi nhanh, mà vì sở thích chơi vân vê một nốt liên tục.


Nhưng sự việc chả có gì khá hơn và vẫn không ai chịu chi ra cho band ghi và phát hành đĩa. Đến đầu năm 1977, mấy anh Motörhead nghèo như con mèo đến mức phải ăn cháo để có tiền chơi thuốc, với chỉ khoảng chục bảng chu cấp từ quản lý của họ mỗi tuần.


Hết cách, Lem lại phải cậy cục tìm đến văn phòng của Doug và thông báo rằng có một người tên là Ted Carroll ở hãng Chiswick records đồng ý trả một nửa số tiền ghi âm single tiếp theo để quảng bá, và nói dai đến mức Doug phát chán và đồng ý trả nốt nửa số còn lại. Đến khi đó, Lem mới bốc điện thoại lên và gọi cho Ted Carroll “Ê, có một tay tên là Doug Smith đồng ý chịu nửa số tiền thu âm, hay là mày giúp tao nốt nửa còn lại?”


Ted Carroll thực ra là một tay promoter người Ireland, vốn là cựu quản lý của Thin Lizzy. Gặp Motörhead  trong lúc cả bọn nản lắm rồi và làm một tour để farewell, Ted mới đề nghị dến thu một single ở studio di động của gã. Cả bọn đồng ý nhưng thay vì thu một single, họ “tranh thủ” thu luôn cả 13 track cho album đầu tay, dĩ nhiên là bỏ hết những track của Larry Wallis ra ngoài. Ted cũng đành chịu mấy ông này và Chiswick sau đó phát hành album dưới cái tên Motörhead (1977).


Album đầu tay Motörhead thực sự gây chấn động người nghe khi lọt ngay vào UK Top 75, và thu hút lượng người theo dõi khá là đông đảo bởi kiểu nhạc nặng và cuốn, lối chơi live bùng nổ, và phong cách ăn mặc đột phá ở thời điểm đó. Chưa kể, cái logo War Pig của Motörhead  cũng chất vãi, và cũng tạo ra phong trào các band phải có mascot đi cùng cả sự nghiệp.

Hình tượng War Pig, vốn là một hình in lỗi bị đảo ngược màu nhìn như phim âm bản

Có lẽ công thức thành công nhất cho Motörhead mà có lẽ chính Lemmy không ngờ tới, lại là chính với bộ ba Tam Hợp này: với Lemmy, "Philthy Animal" Taylor, và Eddie "Fast" Clarke. Đây cũng là đội hình xuất sắc nhất của Motörhead tạo ra 4 album kinh điển: Overkill (1979), Bomber (1979), Ace of Spades (1980), và No Sleep Til Hammersmith (1981). Công thức bộ ba này rất hợp lý, bởi Lem thì luôn ưa một mình một cõi, còn Phil Taylor và Eddie Clarke thì chơi thân với nhau thành một cặp tự chăm sóc lẫn nhau, và cũng không cần phải cặp kè với Lem. Tất cả các đội hình của Motörhead nằm ngoài công thức này, aka tìm cách làm bạn với Lem, đều không thể thành công.

Sau Motörhead, Doug kiếm được hợp đồng ghi âm cho Lem với hãng Bronze Records, một hãng đĩa độc lập nhưng rất có vị thế. Và kể từ đó bắt đầu chuối 4 năm thành công rực rỡ với phần nhạc độc và dựa trên những câu riff của Eddie và phần lời của Lem trên nền trống như búa bổ. Có lẽ trong Motörhead, tay trống Philthy Animal là người có tài năng đủ cân với những tay virtuoso nhất. Rất thiên vị, nhưng cả Lem lẫn Eddie đều không ai dám nhận mình vào hang chơi giỏi cả, cho dù âm thanh của họ tạo ra đều cực kỳ đặc trưng. Không quá khi nói rằng Phil Taylor đã biến nhạc của Motörhead từ kiểu chơi như punk thông thường thành heavy metal.


Chẳng hạn như khi đang thu âm đĩa Overkill (1979), Phil lúc này bắt đầu thử nghiêm đi hai chân bass, thứ còn hiếm vào thời đó. Kết quả là đoạn dạo đầu không lẫn đi đâu được của track chủ đề Overkill. Một điểm đặc biệt nữa khi Phil bắt đầu chơi chân bass đôi (dù lúc đầu Lemmy không thích vì rối rắm quá) Lem đâm chơi bass dễ hơn rất nhiều vì gã không còn cần phải quá bận tâm căn theo đầu khuông nhạc nữa. Đặc biệt là Lem ưa chơi bass như rhythm guitar với power chords, gã thường xuyên không bị ràng buộc vào kiểu chơi bass theo nốt của hợp âm; chứ chưa nói gì đến chuyện phách mạnh hay nhẹ. Và lối kết hợp chơi bass power chords với trống kiểu này cũng trở thành âm thanh độc đáo của Motorhead, nghe là nhận ra liền.


Album tiếp theo, Bomber (1979), có lẽ với nhiều người như tôi là album hay nhất của Motörhead với những track xuất sắc như “Dead Men Tell No Tales”, “Stone Dead Forever”. Giờ nổi tiếng rồi, Lem tha hồ hướng sự tức giận của mình vào những kẻ ngoài đời thật: ghét cảnh sát trong “Lawman”, hận ông bô của gã trong “Poison”, hay ghét TV trong “Talking Head”. Tất cả các thành viên trong band đều phải thừa nhận khả năng viết nhạc phong phú và tiến bộ qua từng album của Lem.


Ace Of Spades (1980) kết lại bộ 3 album cực hay đi vào lịch sử của Motörhead, với cái bìa đĩa đúng kiểu Motörhead nóng nực nhưng chơi đồ da. Và đến khi album live No sleep Til Hammersmith, được phát hành năm 1981, thành công của nó có lẽ gây bất ngờ cho tất cả những ai trong cuộc.


Bởi vì No Sleep bay thẳng vào vị trí No 1 Billboard, và cái tên Motörhead giờ đã thành cái tên cực ăn khách. Nhưng vấn đề của sự thành công nay trở thành làm sao để duy trì nó, và xét về khía cạnh này, có lẽ No Sleep trở thành một thảm họa với Motörhead. Iron Fist (1982) không thể đáp ứng kỳ vọng khủng khiếp dành cho Motörhead, và ngay sau đó, Eddie “Fast” Clarke rời band vì hết chịu nổi tính khí thất thường của Lemmy. Bộ ba Tam Hợp tan vỡ chóng vánh không lâu sau no 1 duy nhất của họ.


Dù luôn bướng bỉnh không thừa nhận đội hình cùng Clarke và Taylor là đỉnh nhất của Motörhead, thực tế cho thấy suốt hơn 30 năm sau đó, dù đã làm mọi cách với nhân sự, kể cả việc thử may mắn với ông bầu mát tay Phil Carson (AC/DC, Led Zeppelin), Lemmy đã không bao giờ có thể lặp lại được thành công tương tự như 3 studio album và 1 live album đó, và dù Motörhead là cái tên luôn được trông đợi trong các show diễn, nhưng là để chơi những gì tinh túy nhất của họ từ 3 album kia. Sự chín chắn trong viêt nhạc và cả sự kính trọng mà giới nhạc Rock dành cho Lemmy cũng không thể kéo lại được thành công của Motörhead. Thậm chí, giải Grammy duy nhất mà Motörhead nhận được năm 2005 cũng trở thành một trò hề khi Viện Hàn Lâm ghi danh Lemmy và các đồng đội với ca khúc “Whiplash” cover lại của Metallica.


Lemmy, dĩ nhiên trong suốt 30 năm cuối cuộc đời, vẫn luôn biết cách để tồn tại trong sự khốc liệt của thế giới nhạc Rock, vẫn luôn lèo lái và giữ cho cái tên Motörhead luôn hiện diện trong giới nhạc rock với thêm gần 20 album được phát hành đều đặn, những tour diễn dài không mệt mỏi, và lối biểu diễn cực cuốn với âm thanh khàn đục giận dữ đặc trưng. Nhưng khán giả thì vẫn luôn đòi Motörhead phải chơi "Ace of Spades" hay "Overkill" trong các show của họ, kể cả khi sau này Lem khăng khăng cho rằng những album như Inferno (2004) hay The Wörld Is Yours (2010) mới là hay nhất của Motörhead.

Dù đâu đó vẫn có những điểm sáng hiếm hoi trong 3 thập kỷ đó, như những lần Lem viết nhạc cho Ozzy Osbourne trong No More Tears (Lem kiếm được từ bài "Mama I’m Coming Home" còn nhiều hơn tiền kiếm được từ Motörhead ở thời điểm đó), những điểm tối có lẽ được mọi người nhắc đến nhiều hơn trong những câu chuyện quanh mấy chiếc ly cối; như ý tưởng thu nạp tay guitar Brian "Robbo" Robertson của Thin Lizzy thay cho Eddie Clarke phá hủy Motörhead nhanh như thế nào; hay lần Lem đi lưu diễn khắp nước Mỹ quảng bá cho Orgasmatron cùng ban nhạc mới nổi Megadeth và dạy cho lũ nhóc một bài học bằng cách ngắt điện lúc Megadeth đang diễn, kết quả là Megadeth không thèm tour cùng Motörhead nữa và phần còn lại của tour, Lem thường xuyên phải chơi trong những hội trường không có người. Tựu chung trong các câu chuyện đó, tính cách lấc cấc của Lem vẫn là thứ chiếm phần nhiều nguyên nhân.


Nếu không có âm nhạc, có lẽ Lemmy chỉ là một gã say xỉn nghiện ngập và gàn dở. Thật tình tôi còn không cho rằng Lem là một người tốt, dù cho tiếng tăm từ quá khứ và sự vị nể của những người trong ngành có vẻ không đồng tình với tôi.


Nhưng có một thứ có lẽ không ai có thể lấy đi từ thành tựu của Lemmy, đấy là lòng tin sắt đá. Với nhiều người sinh ra ở hoàn cảnh “born to lose”, có lẽ lòng tin là thứ duy nhất giúp họ tiếp tục tồn tại. Và Lemmy là một dẫn chứng xác thực nhất về việc một người có lẽ không quá xuất sắc vẫn có thể đạt được thành công rực rỡ đến nhường nào.


Dù thành công đó chỉ tồn tại trong vẻn vẹn có 4 năm, nó vẫn đủ sức nuôi sự kiêu hãnh của những người tận mắt chứng kiến nó trong vài thập kỷ. Và ngắn hay dài thì khi đi đến cuối con đường, nó cũng chả còn quan trọng nữa. Vì đâu có ai có thể sống mãi mãi.


“Mặc dù tao nghĩ là tao bất tử, nhưng tao mong là tao sẽ chết  một ngày trước ngày mãi mãi. Thế tao đỡ phải xếp hàng”Ian "Lemmy" Kilmister.


Hẹn gặp lại.


Kcid

1,066 views

Recent Posts

See All
bottom of page