Kể từ khi page EmoodziK viết về thể loại Hip Hop và các rapper, chỉ có các nghệ sĩ lớn lên tại nước Mỹ - nơi sản sinh ra dòng nhạc và văn hóa Hip Hop mới được nhắc tới. Còn với phía bên kia bờ Đại Tây Dương, tôi chợt nhớ ra rằng có cả một cái nôi sản sinh ra những rapper với những tài năng không thua kém gì các đồng môn tại nước Mỹ dù dòng nhạc này tại đây đã phải chập chững tập đi trong một thời gian dài trước khi có cơ hội để phát triển như hiện nay. Đó chính là đất nước Anh Quốc. Thế nhưng tôi cũng chợt nhớ ra rằng lý do để mình bỏ quên cũng chỉ bởi những rào cản vô hình được tạo ra sau một khoảng thời gian nghe nhạc Rap Mỹ quá lâu.
Qua những lời ca tụng của giới phê bình, và từ các rapper Mỹ thuộc hàng cấp nể trọng như André 3000, Mos Def, Lauryn Hill và Kendrick Lamar, mọi đôi tai bắt đầu dỏng về phía Little Simz – một rapper nữ trẻ có trình độ đến từ nước Anh. Rồi sau GREY Area (2019), Sometimes I Might Be Introvert (2021) và gần nhất là NO THANK YOU (2022), tôi nhận thấy cũng đến lúc cần mượn nhạc của Simz để làm đại diện cho nhạc Hip Hop Anh Quốc, để ca tụng cũng như “than phiền” về những cản trở trong thứ âm nhạc vừa rất quen mà vừa rất lạ lẫm này.
LẠ LẠ
Chúng ta hãy bắt đầu bằng yếu tố lạ trước. Thứ đập vào tai đầu tiên khi nghe Hip Hop Anh Quốc chính là giọng điệu accent.
Tôi nhớ khi mới nghe thử album Boy In Da Corner của Dizzee Rascal, một album được coi là kinh điển trong các nhạc phẩm Hip Hop của nước Anh, tôi đã phải bấm nút stop sau khi nghe đến bài thứ tư. Không phải vì album đó không hay về mặt nhạc. Không phải vì phần lời không hấp dẫn bởi tôi cũng chưa dành thời gian đọc lyrics khi nghe. Tất cả chỉ vì giọng điệu đặc sệt Anh trong cách phát âm khi rap của Dizzee.
Bẵng đi một thời gian, album Gang Signs & Prayer của Stormzy lên sóng và tôi tò mò nghe thử. Đĩa này tôi nghe được nhiều hơn, nhưng rồi cũng vì giọng điệu Anh Quốc đó mà được một lúc đôi tai tôi bỗng mỏi mệt và phải mò lại nhạc Hip Hop của các rapper Mỹ để nghe và cân bằng lại.
Kể cũng lạ! Anh ngữ được khởi nguồn từ đất nước Anh, nhưng khi ngôn ngữ đó phát triển và biến đổi theo đất nước vùng miền, thì bỗng dưng tiếng Anh Mỹ trong nhạc rap lại trở nên thân thuộc hơn. Lý do thì rõ ràng bắt nguồn từ sự thân quen trong ngữ điệu mà tôi đã nghe quá nhiều. Đấy là với tôi, một người chỉ biết tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai và bản thân cũng chưa đủ thuần thục để hiểu được nó một cách rõ nét, vậy nhưng chỉ một khoảng thời gian hơn 20 năm tiếp xúc với nhạc Hip Hop Mỹ cũng đủ để xây dựng lên trong đầu tôi một hàng rào vô hình, ngăn cản những yếu tố lạ lẫm đến từ Hip Hop nước Anh. Đó cũng chính là lý do tại sao thị trường Mỹ, một đất nước nói tiếng Anh nhưng theo một giọng điệu khác, vẫn chưa thể mở lòng với các nghệ sĩ đến từ bên kia bờ Đại Tây Dương.
Lạ hơn nữa! Cũng là những nghệ sĩ đến từ Anh Quốc đó, nhưng trong các dòng nhạc khác như Rock và Pop, thì họ vẫn tìm được chỗ đứng xứng đáng trong thị trường Mỹ. Một phần bởi có nhiều nghệ sĩ khi hát họ đã giấu đi giọng điệu Anh Quốc để hát một accent phổ cập mà chúng tôi đã từng viết trong bài về Rihanna. Giọng điệu phổ cập đó chính là giọng Anh Mỹ, giúp cho những nghệ sĩ UK dễ dàng tiếp cận với người nghe tại Mỹ - một thị trường âm nhạc quá lớn để có thể bỏ qua. Tuy nhiên các dòng nhạc này đã phát triển song song ở hai đất nước đủ lâu để người ta vẫn tìm thấy những nghệ sĩ có được thành công cho mình tại Mỹ mà không cần che đậy giọng địa phương của họ khi hát.
Với nhạc Hip Hop thì lại không như vậy. Trước thập niên 90, hầu hết các rapper Anh Quốc lựa chọn việc rap theo giọng Mỹ để cố gắng tìm được danh tiếng tại quê hương của thể loại nhạc này. Đã có một số thành công nhất định như Derek B với các bản hit “Goodgroves” và “Bad Young Brother”. Tuy nhiên nhiều rapper sau đó quay lại với các âm điệu mẹ đẻ bất chấp những thách thức đến từ việc dòng nhạc Hip Hop không phải thứ nhạc được chuộng trên mainstream ở Anh và tại Mỹ thì không mấy ai “hiểu” được họ.
Một thực tế là giọng Anh nghe có sự quyến rũ khác biệt trong các bài hát thể loại Pop / Rock, nhưng trong nhạc Rap, đối với người nước ngoài (kể cả người Mỹ), lời rap khi đọc bằng accent này lại “ảnh hưởng” đến hai tiêu chí thường thấy trong Hip Hop Mỹ. Thứ nhất là giọng điệu lên xuống của người Anh dễ khiến người nghe liên tưởng đến âm điệu posh quý tộc sang chảnh, thế là “phong cách đường phố quen thuộc trong nhạc Hip Hop Mỹ” bỗng nhiên biến mất. Thứ hai là cũng bởi vì cách thể hiện lên xuống trong khi nói dẫn đến cao độ của một số từ trong đoạn rap bị đẩy lên cao, “cái sự ngầu quen thuộc trong Hip Hop Mỹ” cũng vì thế mà bị giảm.
Quay lại với âm nhạc của Little Simz, điều bất ngờ là tôi cảm thấy dễ kết nối với nhạc của cô hơn các nghệ sĩ UK khác. Giọng rap của Simz rõ ràng là vẫn đặc sệt của con người nước Anh, nhưng tông giọng của cô khi rap lại khá trầm so với giọng nữ. Kể cả khi Simz đổi kiểu rap ở tông cao như đoạn đầu bài “Boss” ở album GREY Area (2019), cô lại rất khéo khi tạo âm thanh lo-fi hơi rè khàn khiến đoạn rap đó nghe rất thô ráp, và đến khúc sau, khi Simz rap ở tông thấp thường thấy, người nghe được nghe đầy đủ chất giọng đó qua âm thanh stereo, khiến cho ai chưa quen giọng Anh trong nhạc Hip Hop sẽ không thấy “mệt”. Trong bài “Dead Body” ở album A Curious Tale Of Trials + Persons (2015), Simz còn khéo thay đổi cả cao độ như đoạn lời “You wouldn’t understand what I been through fully” khi cô kéo giọng lên cao ở khúc “-stand what I been” khiến cho những thứ lạ lẫm gây cản trở ở giọng Anh lại mang hiệu ứng tích cực.
Ngoài giọng điệu Anh Quốc, tiếng lóng cũng là thứ cản trở cho nhạc Hip Hop của đất nước này vươn ra khỏi biên giới. Đối với một thị trường lớn như nước Mỹ, mặc dầu tiếng Anh là ngôn ngữ chính, việc nghe nhạc Hip Hop Anh Quốc vẫn gặp khó khăn khi vấp phải những từ lóng mà chỉ những người sinh ra ở nước Anh mới may ra hiểu được. Một số từ lóng có thể gặp như “slew” (nện hoặc hạ gục một ai đó), “duppy” (tấn công hoặc triệt hạ một ai đó), “endz” (khu phố hoặc khu ổ chuột như từ “hood” trong tiếng Anh Mỹ), “zoot” (điếu cần), v.v.
Nhạc rap của Little Simz cũng vậy. Dù cho cô không có một tuổi thơ dữ dội, không phải lân la quanh những khu phố ổ chuột, những từ lóng rất Anh vẫn thi thoảng xuất hiện trong nhạc của cô. Như ở bài “101 FM” trong album GREY Area, Simz sử dụng những từ như “ends” (đã nhắc đến ở trên), “shubz” (buổi tiệc hoặc đi quẩy ở club), và những từ ít gặp khác như “mumzie”, “likkle”, “ting”. Đã thế, cô còn cố tình làm khó người nghe với đoạn lời như “When I walk in Wayne shouts out "Yo, waa gwaan, sistren"”.
Với các yếu tố lạ lẫm này, dù chúng không quá đậm nét như các rapper UK khác, nhạc của Simz vẫn có thể bị liệt vào hàng khó nghe với những ai quen nhạc Mỹ. Thế sao mà những rapper Mỹ như Andre 3000, Lauryn Hill, Mos Def và Kendrick Lamar phải khen ngợi cô? Đấy chính là vì Little Simz thể hiện đẳng cấp của một MC có trình qua những yếu tố quen thuộc đối với người quen nhạc Hip Hop Mỹ.
QUEN QUEN
Về cơ bản, nếu gạt những yếu tố lạ lẫm gây cản trở cho Hip Hop Anh Quốc sang một bên, phần nhạc trong các bản beat mang phong cách Anh đều được làm rất sáng tạo khi họ đưa nhiều thể loại như Reggae, EDM, Grime, Garage vào. Với nhiều bài được sản xuất ở tempo nhanh hơn nhạc Mỹ, tốc độ flow của các rapper Anh cũng thường nhanh hơn và nghe khá là cuốn.
Trong nhạc của Little Simz, ngoài âm thanh điện tử, cô còn hướng đến nhạc Jazz, Soul, Funk và những nhịp điệu qua bộ gõ mang màu sắc châu Phi. Chính thế nên khi nghe nhạc của Simz, yếu tố Hip Hop chỉ là một phần trong bảng màu âm nhạc. Nó đa dạng qua từng album mà công lớn phải kể đến Inflo (tên thật là Dean Josiah Cover) – một producer nhạc thân thiết với Simz khi anh hợp tác với cô qua mấy album gần đây, phần nào đưa Simz lên một tầm mới với những lời ca tụng của giới phê bình, cũng như giành được các đề cử và giải thưởng cao quý Mercury Prize.
Lẽ dĩ nhiên, công lớn còn lại nằm ở tài năng của Little Simz qua kỹ thuật sáng tác lời mà đến những anh tài bên nước Mỹ phải ngả mũ.
Tên thật là Simbiatu "Simbi" Abisola Abiola Ajikawo, Little Simz chắc chắn là một gương mặt đại diện nổi trội cho dòng nhạc Hip Hop đến từ nước Anh. Đó không chỉ nằm ở những yếu tố kỹ thuật trong nhạc Rap thường thấy khi nghe Hip Hop Mỹ, mà còn vì cô là một MC nữ giới, phải cạnh tranh khốc liệt trong mảng nghệ thuật bị chiếm lĩnh bởi phái mạnh, chưa kể đến chuyện Hip Hop Anh vẫn chưa có được độ phủ sóng mạnh trong ngành công nghiệp âm nhạc tại đây như ở Mỹ, vậy mà những gì Simz làm được còn giỏi hơn nhiều đồng môn nam giới, bất kể đó là thị trường nước Anh hay nước Mỹ.
Về nhịp điệu flow, như đoạn lời trong bài “How Did You Get Here” ở album Sometimes I Might Be Introvert (SIMBI) có đề cập: “Told to follow my own intuition / Go at the pace I set for myself / I don't need drums to follow the rhythm / Couldn't have planned this, it was just written”, nhịp rap của Little Simz biến đổi mượt mà và ngẫu hứng, đôi lúc không cần vào đúng nhịp trống, giống như một nhạc công chơi Jazz. Vì thế mà trong bài đó, cô có thể rap trơn tru cả khi thiếu đi nhạc cụ giữ nhịp ở đoạn đầu beat cho đến khi nó xuất hiện, không một lần cô bị vấp. Khả năng phiêu theo nhịp của Simz phải nói cực nhạy ngay từ những ngày đầu. Trong bài “Yesterday’s Painting” ở mixtape Blank Canvas (2013), trong verse đầu tiên, cô có thể rap một hơi dài trong suốt mấy khuông nhạc, rồi có lúc tăng nhanh tốc độ trong một khoảnh khắc để rap được những câu rap dài hơn, gợi ta nhớ đến cách rap của Talib Kweli, và bỗng chốc chuyển sang nhịp chùm ba như cách rap của Eminem trong “The Way I Am”. Hay như trong bài “Picture Perfect” ở album Stillness In Wonderland (2016), Simz thể hiện khả năng bám nhịp hoàn hảo khi rap cực hay ở tốc độ đôi mà vẫn ngắt nghỉ, luyến từ, hoặc nhấn nhá cuối câu một cách điệu nghệ, gợi tôi nhớ đến cách rap của Kendrick.
Nói về kỹ thuật gieo vần, ta có thể lấy ví dụ bài “Introvert” ở album SIMBI, cô rap:
“The kingdom's on fire, the blood of a young messiah / I see sinners in a church, I see sinners in a church / Sometimes I might be introvert / There's a war inside, I hear battle cries / Mothers burying sons, young boys playing with guns / The devil's a liar, fulfil your wildest desires / Now I don't wanna be the one to doctor this / But if you can't feel pain, then you can't feel the opposite / The fight between the Yin and Yang's a fight you'll never win / I study humans, that makes me an anthropologist”
Cô có cách gieo vần mang những hàm ý tương phản và tạo ấn tượng mạnh khi đặt những cụm âm vần đó gần nhau. Cụ thể như “on fire” với “young messiah”, rồi “in a church” với “introvert”, “war inside” với “battle cries”, “burying sons” với “playing with guns”, “a liar” với “desires”, hay “to doctor this” với “the opposite”, “you’ll never win” và “anthropologist”, mà chỉ cần đọc đã đủ thấy việc lựa chọn từ ngữ trong phần lời của Simz phức tạp thế nào.
Đi sâu hơn nữa vào ý nghĩa lời rap, Little Simz thể hiện trình độ xuất sắc trên mọi mặt trận chủ đề của một bài rap.
Với những bài mang tính cao ngạo của một rapper, cô rap: “I could buy your life with no excuses / If I had penny for all the rappers that I influence” (bài “Speed” trong album SIMBI). Simz quá thâm khi cô ví số rapper mà chịu ảnh hưởng của mình nhiều đến mức nếu cô chỉ cần kiếm 1 đồng penny cho mỗi người thì cô dễ dàng mua một “mạng người” bằng số tiền đó.
Để đề cao vị trí của người phụ nữ, cô rap: “Fuck those who don't believe / They will never wanna admit I'm the best here / From the mere fact that I've got ovaries / It's a woman's world, so to speak / Pussy, you sour / Never givin' credit where it's due 'cause you don't like pussy in power / Venom” (Bài “Venom” trong album GREY Area). Cái mác “female rapper” mà ngành âm nhạc gắn cho Simz chỉ để hạ bệ và đặt cô ra khỏi những cuộc tranh luận về những rapper hàng đầu, nên Simz mới nói thẳng toẹt chuyện không một ai đủ dũng cảm để thừa nhận tài năng của cô cũng chỉ vì cô sinh ra với cơ thể có chứa “buồng trứng”.
Với những chủ đề mang tính riêng tư hơn, cô cũng không ngại nói lên cảm xúc lẫn lộn giằng xé về người bố: “Too much unsaid now the silence givin' me headaches (I love you) / Only through speech can we let go of all this dead weight (I hate you)” (bài “I Love You, I Hate You” trong album SIMBI).
Về những suy nghĩ rối ren giữa tham vọng, những đòi hỏi và mục đích cuối cùng của cuộc sống: “We all start off so pure / Do it for the love, nothin' more / Nah, maybe to cop mum a house, but nothin' more / Maybe to sort my cousin out, but nothin' more / Maybe I'll get the new coupe and nothin' more / Fifteen to a hundred shoes, nothin' more / By the time you know it, that list never stop growin' / And you don't know what you even do this for” (bài “Heart On Fire” trong album NO THANK YOU).
Quả thật, nếu nhìn những phần lời rap luôn chứa đựng đầy ý nghĩa trong đó, Little Simz chuyển tải được chúng một cách sắc nét nhờ cách lựa chọn từ ngữ và đặc biệt, qua lối chơi chữ tài tình.
Cùng điểm lại trong các ví dụ trên, Simz gài gắm một lối chơi chữ rất hay:
- Trong bài “Speed”, ngay trước đó Simz đã rap là: ‘’N****s wanna put me in a box / N****s think they're coming for my spot”, vừa mang ý nghĩa những kẻ thù của cô muốn gắn mác “nữ giới” để hạ bệ cô, vừa mang nghĩa muốn “sát hại”, do đó ở vế sau Simz mới nói đến chuyện cô thừa tiền để mua lại chính mạng sống của những kẻ đó.
- Trong bài “Venom”, từ “ovaries” ngoài mang nghĩa “buồng trứng” tượng trưng cho người phụ nữ, nó còn mang ý nghĩa của sự liều lĩnh và gan dạ, được dùng cho phái nữ (tương tự như từ “balls” khi nói đến phái nam), vậy nên cả đoạn rap đó càng thể hiện khí chất của Little Simz.
- Trong bài “I Love You, I Hate You”, từ “dead weight” nghe gần giống như “dad weight” phù hợp với ý nghĩa của bài, đó là để giải tỏa những điều giấu kín gây nặng trĩu trong tâm trí (“the silence givin’ me headaches”) thì Simz phải trút bỏ những gánh nặng trong suy nghĩ về người bố của mình.
- Trong bài “Heart On Fire”, cụm từ “nothin’ more” qua lối phát âm đậm chất Anh Quốc của Simz, chúng có âm thanh đồng âm với “non amour” trong tiếng Pháp, với ý nghĩa “không tình yêu”, trái ngược với ngay phần lời “Do it for love” càng làm rõ nét những mâu thuẫn trong những cái được và mất của sự nghiệp và cuộc đời.
Hoặc như chính cái tên album "Sometimes I Might Be Introvert" của Simz có các chữ cái đầu khi viết tắt được ghép lại thành nickname "Simbi" của cô.
***
Cho đến giờ, Little Simz vẫn chưa gặt hái được thành công thương mại như các rapper đồng hương khác tại Anh Quốc, chứ đừng nói đến thị trường Mỹ. Album Sometimes I Might Be Introvert chỉ leo được vị trí số 4. So với thứ hạng 87 của GREY Area, đây là một cải thiện rõ rệt, nhưng SIMBI nhanh chóng ra khỏi Top 40 chỉ hai tuần sau đó. Giải thưởng cao quý Mercury Prize mà SIMBI giành được cũng không đủ tạo sức nóng để cho album gần đây nhất - NO THANK YOU hay xuất sắc là vậy, cũng không vào nổi bảng xếp hạng tại nước Anh, ngoại trừ vị trí số 8 trong danh sách các album được download nhiều nhất.
Nhạc Hip Hop Anh Quốc vốn dĩ cũng chưa tạo được nhiều dấu ấn trên thị trường quốc tế và thua xa “người anh họ” phía bên kia của Đại Tây Dương vì những rào cản nói trên trong bài viết, vị trí của một rapper như Little Simz lại càng mờ nhạt. Nhưng đó chỉ là về mặt thương mại. Qua những khía cạnh kỹ thuật và trình độ, Simz chắc chắn thuộc top những rapper đáng nể nói chung, trong cả thị trường Anh và Mỹ. Tất cả là nhờ âm nhạc của cô được làm nên bởi những yếu tố dù không thân quen với thị trường số đông, nhưng lại tạo ấn tượng sâu sắc với người nghe. Vô hình trung, Simz đã biến những yếu tố LẠ LẠ đối với fan yêu nhạc Hip Hop Mỹ thành các màu sắc mới lạ hấp dẫn, và vươn xa về đẳng cấp trong những yếu tố QUEN QUEN.
Qua âm nhạc của Simz, giọng điệu accent đặc sệt Anh Quốc đó bỗng trở nên cool hơn hẳn. Bảo sao đến Kendrick Lamar còn phải gọi cô là “the illest doing it right now” - dịch nôm na là “nghệ sĩ có trình độ đẳng cấp nhất hiện nay”!
Hẹn gặp lại!
Kunt