Năm 2010, khán giả nghe nhạc progressive lẫn các thành viên nhóm Dream Theater nhận một tin cực sốc: tay trống Mike Portnoy quyết định rời nhóm. Lý do thật là gì thì có lẽ chỉ có các anh em Dream Theater nắm với nhau, nhưng phần còn lại của band, mặc dù rất buồn và giận vì sự ra đi của người anh em gắn bó gần 30 năm, họ vẫn quyết định tiếp tục mà không có Mike.
Các thành viên của Dream Theater sau đó đã thử việc 7 tay trống tài năng bậc nhất mà sau này được ghi lại trong bộ phim documentary cực kỳ ăn view các fan: The Spirit Carries On.
Kết quả thì ai cũng biết, người được nhận vào Dream Theater là Mike Mangini, sau khi chiến thắng gần như rất sít sao trước một tay trống cực hay, người đã khiến tất cả các thành viên trong DT phải trải qua mọi cung bậc của sự băn khoăn trước khi quyết định: Marco Minnemann.
Có rất nhiều tính cách được cả hai tay trống này so kè quyết liệt, và Mangini được các thành viên của Dream Theater lựa chọn vì cảm thấy làm việc "hợp" hơn (đằng sau những cái cười nụ và ánh mắt đầy ẩn ý). Sao cũng được. Tui thì thấy mừng, vì trói buộc Marco Minnemann vào cỗ máy khổng lồ Dream Theater sẽ chỉ đưa đến một trong hai kết cục: hoặc là chúc ta sẽ phải bỏ lỡ rất nhiều sản phẩm âm nhạc cực hay nữa, hoặc là Marco Minnemann cũng sẽ theo bước Mike Portnoy mà thôi.
Nếu không có Dream Theater, chắc không nhiều người biết đến tài năng của Mike Mangini. Nhưng không cần Dream Theater, thế giới vẫn đã, đang, và sẽ tiếp tục ngả mũ trước tài năng vô tiền khoáng hậu của Marco Minnemann. Và đây là lý do tại sao.
5. Paul Gilbert – Spaceship One (2004) và DVD Spaceship One Live (2005)
Marco Minnemann lúc đó có lẽ còn lạ hoắc với giới nghe nhạc, và đừng quên lời dặn của bố già Phil Carson: ở đâu xuất hiện virtuoso, xung quanh họ tự khắc là virtuoso.
Chả vậy mà ngay lần đầu xem DVD Spaceship One Live của Paul Gilbert, tui lập tức chú ý ngay đến anh chơi trống với tiếng snare căn thận mộc mạc mà gọn, những câu dồn bằng snare như búa bổ lẫn những cú fill ở những chỗ không ai ngờ. Quan trọng hơn, Marco Minnemann chơi như bằng tất cả sức lực của mình và thật khó tin khi chứng kiến anh chàng mảnh khảnh này có những cú nện như búa bổ như vậy.
Mắc cười cái là trong đĩa này cả 3 cây đều mặc đồ phi hành gia để chơi nhạc trong Studio. Kết cục thì đã rõ, nóng kinh người nhưng có vẻ âm nhạc và sự ăn giơ của ba cây còn khiến cho nhạc của họ nóng hơn.
4. Joe Satriani – Shockwave Supernova (2015)
Sau album Live In Montreal (2012), band của Joe Satriani lại một lần nữa bị "hổng giò" khi tay trống chơi cặp với anh suốt từ khi bắt đầu sự nghiệp, Jeff Campitelli, quyết định nghỉ hưu.
Album năm 2013 với cái tên rất kêu, Unstoppable Momentum, Joe Satriani chọn Vinnie Colaiuta như để níu kéo phong cách và màu của Jeff Campitelli. Nhưng ngay sau đó, Joe quyết định chuyển qua Marco Minnemann trong album tiếp theo năm 2015, Shockwave Supernova. Và quả nhiên là lần đầu tiên trong rất nhiều năm, màu sắc của nhạc Joe Satriani nghe mới mẻ hẳn.
Tui nghĩ không quá khi nói rằng Marco Minnemann đã cứu cho album này, vì phần guitar của Joe Satriani thực ra không có quá nhiều thứ mới. Hãy nghe thử những track như "Lost In A Memory", "In My Pocket", hay "San Francisco Blues", để thấy màu sắc khác lạ mà Marco Minnemann đem lại cho lối chơi đã thành thương hiệu của Joe.
Hơi tiếc là sau sự kết hợp này, Joe Satriani quay sang Chad Smith (Red Hot Chilli Peppers) và quay lại với cách căn trống rất Campitelli. Thôi thì Shockwave Supernova vẫn là một ấn tượng đẹp.
3. Levin Minnemann Rudess - From the Law Office of LMR(2013)
Đây nhé, dù “thi trượt” Dream Theater nhưng không phải vì thế mà các anh em không thầm ngưỡng mộ nhau.
Vậy nên không quá lâu sau khi Dream Theater ổn định đội hình và ra A Dramatic Turn Of Event (2011) và Dream Theater (2013), tay keyboard Jordan Rudess tranh thủ nhào ra kiếm Marco Minnemann và người đồng đội cũ trong Liquid Tension Experiment, tay bass kiêm chấm ngón Tony Levin, để cho ra album instrumental cực hay jam giữa Levin- Minnemann- Rudess.
Phản ứng của những người liên quan, có lẽ chỉ là sự phấn khích xen lẫn ganh tỵ. Không tin thử nhìn John Petrucci mà xem.
Tui chỉ thắc mắc tại sao hai cụ kia không rủ bồ tèo Mike Portnoy aka phần còn lại của Liquid Tension Experiment. À nhưng như thế thì đâu có ban nhạc Con Vượn Cáo LeMuRs cho mình nghe?
2. Marco Minneman – Borrego (2017 solo album)
Marco Minnemann có lẽ là một trong những tay trống miệt mài và hiệu quả nhất trong thế giới âm nhạc hiện đại, khi không bao giờ từ chối xuất hiện trong các album của các nghệ sĩ khác: Tony Macalpine, Steven Wilson, Mike Keneally, lẫn band chính của anh, The Aristocrats. Minnemann vẫn có thời gian để ra album solo của riêng anh. Và các bạn nghĩ ai chơi đàn cho anh? Joe Satriani và Alex Lifeson (Rush).
Và có lẽ khi chơi album solo của chính mình, Marco Minnemann mới có dịp thể hiện hết khả năng tấu hài của mình trong âm nhạc.
Làm tôi thắc mắc thêm vào số 4 ở trên, có khi nào Joe Satriani thấy Shockwave Supernova “đậm” chất Minnemann quá so với chất Satriani, đâm ra hai người quay ra làm album Minnemann cho lành?
1. The Aristocrats (từ 2011 đến nay)
Còn gì hơn là tay trống uy lực nhất thời hiện đại kết hợp với tay guitar "trẻ" chơi được tất cả mọi thể loại trên đời, Guthrie Govan. Ồ, và đừng quên tay bass siêu kỹ thuật hay bị bỏ qua nhất hiện nay: Bryan Beller (tình trạng chung của người chơi bass).
Và khi xem ba tay này jam với nhau trên sân khấu, chỉ có hai thứ: âm nhạc không giới hạn, và niêm vui khi chơi nhạc có lẽ không có gì địch lại được. Đã có quá nhiều nghệ sĩ mặt mày nghiêm trọng và nhăn nhó uốn éo trên sân khấu rồi, và có lẽ thế hệ trẻ cần lắm những nghệ sĩ lên sân khấu với bộ dạng thế này.
Ba anh này thậm chí vừa chơi nhạc vừa cười đùa với nhau. Và Marco Minneman, ở phần solo trống ở phút 04:50, có lẽ đó là niềm vui chơi nhạc thuần khiết nhất.
Đấy, anh còn mặc chính cái áo hôm đi thi Dream Theater để biểu diễn. Vui đào để.
Nói chung chơi trống giỏi không lo thất nghiệp, ha.
Hẹn gặp lại.
Kai