Có lẽ rất nhiều người trong chúng ta thường tự hỏi, với giá nào đây thì Dire Straits sẽ có thể trở lại và tiếp tục làm ra thứ âm nhạc đẹp đẽ sâu sắc mê đắm lòng người. Khá nhiều lần, mọi người đổ lỗi cho sự tan rã của Dire Straits bắt nguồn từ sự xích mích nặng nề không đáng có giữa hai anh em Mark và David Knopfler; và cũng không ít lần, khán giả đổ thừa cho sự ích kỷ và độc tài của Mark Knopfler khi không muốn chia sẻ danh vọng và tiền bạc với những người đồng đội trong Dire Straits. Theo phán đoán cá nhân tôi, thì mặc dù Mark Knopfler viết toàn bộ nhạc và sản xuất cho Dire Straits, nhưng bản thân Dire Straits lại dường như quá “bảo thủ” kiểu Anh để có thể chơi một thứ nhạc nhiều màu sắc và “thực dụng” kiểu Mỹ như cách mà Mark Knopfler theo đuổi.
Tôi cho là Dire Straits đã từng có cơ hội để thay đổi. Âu cũng bởi vì họ đã trở nên quá lớn với âm nhạc của chính họ để mà có thể trở mình. Trở thành “to lớn” có lẽ cũng không phải là mục tiêu của Mark Knopfler, khi bản thân anh luôn muốn tự thách thức mình để trở nên đa chiều hơn.
Nhưng trước hết, có lẽ mọi người cũng ít để ý rằng, Mark Knopfler chưa bao giờ từng chuẩn bị để trở thành ngôi sao nhạc Rock nổi tiếng, dù tài năng guitar của Mark sau khi tốt nghiệp trung học đã cực kỳ xuất sắc. Mark Knopfler cũng chưa từng nghĩ mình có thể hát, và tự cho mình là tay guitar sẽ chơi ở vị trí sau lưng một ai đó. Tính cách rụt rè và hướng nội có lẽ là rào cản lớn nhất đến sự nổi tiếng, nếu không muốn nhắc đến cái đầu hói không “hợp” với hình ảnh của một ngôi sao nhạc Rock cho lắm. Mark Knopfler chọn trở thành một giáo viên mẫn cán và có một band nhạc để chơi “cho vui” vào mỗi tối ở các pub trong thành phố, hơn là tìm đến những thử thách của ngành công nghiệp thu âm.
Thứ đem bản demo đầu tiên của Dire Straits đến với hãng đĩa (thu mất 500 bảng bằng tiền Illsey xin mẹ), hóa ra cũng không hoàn toàn là nhờ sự sáng sủa mượt mà của “Sultans of Swing”, mà là cây guitar Fender màu đỏ của Mark Knopfler. Ed Bicknell, nhà quản lý đã ký với Dire Straits khi đó đã phải thừa nhận, nếu như Mark Knopfler chơi một cây Gibson màu xanh thì hẳn ông đã không ký với Dire Straits. Cây Fender đỏ, đúng vậy, gợi nhớ ngay đến Hank Marvin của The Shadows, và dĩ nhiên không cần phải nhắc thêm đó cũng là một thần tượng của chính Mark Knopfler.
Với phần chơi guitar của anh em nhà Knopfler: Mark và David, cùng tay bass John Illsey, và nhất là tiếng trống không lẫn vào đâu được của Pick Withers, giọng hát rì rầm của Mark Knopfler bỗng trở nên lôi cuốn lạ thường với những câu chuyện rất đời nhưng giàu hình ảnh, được phụ trợ bởi những câu đàn thêm thắt thú vị của chính Mark Knopfler. Thế giới sau đó như có một cuộc rửa tai rộng khắp từ thứ nhạc mang tới bởi thứ âm thanh đẹp trần trụi của Dire Straits được sản xuất rất kỹ càng, đối ngược với trào lưu chơi nhạc Rock ngày càng nặng và nhanh, cũng như được gột rửa khỏi những đau đáu còn sót lại của thời kỳ hậu Punk Rock.
Sớm thành công với hai album đầu tiên Dire Straits (1978) và Communique (1979), Dire Straits nhanh chóng trở thành cái tên ăn khách cho nhiều sự kiện nhạc Rock thời đó. Bob Dylan thậm chí còn mời Mark Knopfler và tay trống Pick Wither chơi cho album Slow Train Coming (1979) của ông. Nhưng quan trọng hơn, đã có những mầm mống “Mỹ” trong cách viết nhạc của Mark Knopfler từ album Communique. Chẳng hạn như “Once Upon a Time in the West” với phần lời rất Mỹ kiểu như “you don’t know nothing”, hay phần nhạc ảnh hưởng southern Rock như trong bài “When Do You Think We’re Going”. Nhưng tựu chung lại, Communique vẫn giữ được cái không khí ấm cúng và nhịp điệu cuốn đúng kiểu pub rock mà album đầu tay của Dire Straits đã gây dựng.
Lúc này đây, sự mâu thuẫn trong nội bộ của Dire Straits giữa anh em nhà Knopfler đã lên đến đỉnh điểm và kết thúc bằng việc sau đó David Knopfler rời nhóm. Mark Knopfler tiến vào thập niên 80s như một gã được tháo cũi sổ lồng trong sáng tạo âm nhạc. Anh sản xuất Infidels cho Bob Dylan và làm nhạc phim cho bộ phim Local Hero với bản instrumental đinh "Going Home" tuyệt hay. Mà đâu chỉ thế, âm nhạc của phim này hình như khá giống như nhạc Dire Straits mà không có lời hát. Cả album soundtrack của Local Hero chỉ có duy nhất một bài có hát (do Gerry Rafferty thể hiện), và đến đây có vẻ như mọi thứ đã rõ: 1- thứ âm nhạc này chỉ phù hợp cho sound track của phim chứ khó có thể trở thành một album của Dire Straits, và 2- Mark Knopfler có lẽ sẽ không thể chờ thêm để làm ra những thứ âm nhạc phức tạp với nhiều nhạc cụ hơn.
Making Movies (1983) là album tiếp theo của Dire Straits với tiếng “cộp” đóng dấu không thể dứt khoát hơn từ Mark Knopfler. Âm nhạc phức tạp với nhiều sắc thái và cao trào, và quan trọng hơn là tiếng giàn dây và keyboard của người mới Alan Clark đã trở thành một phần không thể thiếu, sản phẩm từ những chiêm nghiệm mới nhất của Mark Knopfler. Quả vậy, với khả năng viết nhạc ngày càng trở nên xuất sắc của mình, Dire Straits đã không thể tránh khỏi việc mang trên mình con dấu sở hữu độc quyền của Mark Knopfler từ đây. Một khía cạnh nho nhỏ ít ai để ý nhưng góp phần cho cái “drama” đó, là phần guitar chơi của David Knopfler từ trước đó cũng bị cắt ra và chơi lại bởi Mark. Dĩ nhiên là David Knopfler không được credit.
Album thứ tư, Love Over Gold (1982), chỉ gồm 5 bài mà toàn bài dài mang tính thể nghiệm và cấu trúc phức tạp thấy rõ. Quan trọng hơn, những track đáng chú ý như “Telegraph Road” hay “Private Investigation” đều là những bài nói về nước Mỹ. Dire Straits đã phải cần thêm một tay keyboard khi đi lưu diễn vì đòi hỏi cho phần phối khí ngày càng phức tạp, còn tay trống lâu năm Pick Withers cũng rời nhóm vì đã có quá nhiều sự thay đổi.
Chính bản thân Mark Knopfler cũng nhận thấy đây nên là điểm kết thúc của một chặng đường cho Dire Straits, nhưng cũng không ai rõ là vì anh không còn muốn chơi với Dire Straits, hay vì âm nhạc của Dire Straits đã đi quá xa để thay đổi. Chỉ biết là, Mark Knopfler thèm khát được chơi một thứ gì đó khác hẳn đi, có thể là đàn thùng, có thể chỉ toàn dàn dây hoặc kèn. Nhưng ít nhất, Mark Knopfler để dành cho Dire Straits một cơ hội nữa, cơ hội để tạo ra một trong những album hay nhất thập niên 80s.
Album Brothers In Arms (1984) được ghi âm với bộ khung hoàn toàn mới, chỉ còn lại Mark Knopfler và tay bass John Illsey là những thành viên sáng lập. Brothers in Arms lập tức đạt No. 1 ở cả Anh lẫn Mỹ, còn single “Money For Nothing” với video được lập trình như game Nintendo được chọn làm ca khúc đầu tiên mở màn cho kênh truyền hình MTV ở Anh. Liên tiếp hai năm sau đó là những cuộc đi tour liên miên và lấp đầy hơn 200 sân vận động và cả những nhà hát mà Dire Straits đi qua. Họ chơi ở Live Aid (1985), và headline trong chương trình kỷ niệm sinh nhật Nelson Mandela (cùng là dịp kêu gọi giải phóng ông khỏi nhà tù của chủ nghĩa Arpatheid). Họ đã trở thành ban nhạc trên cả tuyệt vời.
Nhưng như sau này Mark Knopfler chia sẻ, anh trân trọng thành công, nhưng không vì thế mà anh thích sự nổi tiếng. Nó làm ảnh hưởng đến những gì anh muốn làm và không đóng góp gì cho những sản phẩm sáng tạo của anh.
Và như Ed Bicknell, quản lý của Dire Straits kể lại, tất cả những con số khổng lồ về vé, tour diễn, số đĩa bán được, vị trí của Dire Straits trên bảng xếp hạng khắp thế giới – tất cả đều được thống kê tỉ mỉ hàng tuần và để trước cửa phòng khách sạn của Mark Knopfler, để rồi nhanh chóng bị ném thẳng vào sọt rác.
Mark Knopfler tạm dừng cỗ máy Dire Straits vào năm 1987, và sau đó là tắt hẳn cỗ máy này vào năm 1995 sau album cuối của họ, On Every Street (1991). Nên nhớ Mark Knopfler sinh năm 1949, lập Dire Straits năm 1977 khi anh đã gần 30 tuổi, độ tuổi thành công khá muộn với nghệ sĩ nhạc Rock. Từ cuối thập niên 80s sang đầu thập niên 90s, Mark Knopfler đã qua tuổi bốn mươi và không còn mưu cầu lưu diễn khắp nơi như trước nữa. Anh như được giải phóng khỏi những tour diễn liên miên (Dire Straits sau đó chỉ đi biểu diễn từ thiện), thứ đã cướp đi tất cả thời gian sáng tạo âm nhạc của anh.
Album “ra riêng” đầu tay của Mark Knopfler với band tùy hứng mang tên The Notting Hillibies, Missing...Presumed Having a Good Time (1990), thì rặt phong cách Country và Southern Rock. Vẫn là tiếng hát kể chuyện rì rầm, nhưng không còn tiếng guitar điện chát chúa lẫn tiếng trống đánh gọn lôi cuốn thời Dire Straits, âm nhạc của Mark Knopfler bỗng mở rộng ra tất cả các chiều không gian và mang theo tầng tầng lớp lớp các âm thanh đến từ đủ loại nhạc cụ.
Và rồi sau đó là một loạt những album solo hay ho như Golden Heart (1996), Sailing to Philadelphia (2000), hay Tracker (2015).
Nghe những track như “A Night In Summer Long Ago” hay “Baloney Again” của Mark Knopfler, người nghe bỗng nhiên phải bật ra một sự ngạc nhiên thú vị, bởi vì hóa ra không phải vì Mark là một tay guitar virtuoso, mà âm nhạc của anh phải trở nên một chiều theo tiếng guitar. Nó có cả màu sắc của folk music của nước Anh, âm nhạc Celtic xưa, lẫn những âm sắc của nhạc Country và Southern Rock của Mỹ.
Vì chẳng phải ở bên kia bờ đại tây dương, một bậc virtuoso khác là Steve Morse lâu nay vẫn tạo ra những thứ âm nhạc thật đẹp đẽ như vậy hay sao?
Sẽ thật không công bằng cho chính Mark Knopfler nếu những thứ âm nhạc đẹp và nhiều tầng thế này được phát hành dưới cái tên Dire Straits, và cũng sẽ thật công bằng với John Illsey và các đồng đội khi phải ém mình trong những thứ nhạc cụ sở trường, nếu như Dire Straits buộc phải theo đuổi thứ âm nhạc này. Nhưng có lẽ quan trọng hơn, sự “bảo thủ” của nước Anh, lẫn những tay chơi nhạc ở xứ sở này thời đầu thập niên 90s, có lẽ khiến họ chưa sẵn sàng để đón nhận những thứ âm nhạc “lai tạp” và đa âm sắc thế này. Trong khi đó, những sản phẩm âm nhạc phát hành từ Mỹ với thị trường rộng lớn của họ dễ trở thành sân chơi cho sự pha trộn giữa nhiều thể loại lẫn màu sắc văn hóa hơn. Tôi đồ là nhạc của Mark Knopfler vì thế cũng sẽ dễ gần hơn đối với phần còn lại của thế giới.
Tựu chung lại thì hóa ra tôi cũng tìm đến nhạc của Mark Knopfler sau khi đau đáu mất bao ngày với vốn tiếng Anh ít ỏi của mình khi nghe lời phát biểu của anh lúc trước khi nhấn nút ngừng cỗ máy Dire Straits: "A lot of press reports were saying we were the biggest band in the world. There's not an accent then on the music, there's an accent on popularity. I needed a rest."
Tôi biên đại ý anh là âm nhạc thì bản thân nó không có phân biệt vùng miền, nhưng pà kon hâm mộ thì có, nên tao nghĩ tao làm được thế thôi.
Nói đến đây mới thấy hình như anh đá xéo cả mấy tay chém gió như tôi và những gì vừa viết ở trên.
Hẹn gặp lại.
Kcid