Tôi vẫn nhớ như in khi Alter Bridge ra album Blackbird năm 2007, không chỉ tôi, bạn tôi, mà chắc tất cả các fan nghe nhạc Rock nặng lẫn không nặng ngoài kia đều bị choáng ngợp bởi vì không nghĩ tay guitar của nhóm Creed có thể sound đẹp và nặng đến vậy.
Với cá nhận tôi, đoạn solo của bài “Blackbird” luôn nằm trong top những đoạn solo hay nhất, đặc biệt cực đáng nhớ từ đoạn Flip bắt đầu gõ lạch cạch và tiếng bass mập ù của Marshall xuất hiện như muốn nhấn chìm người nghe vào cái bầu đầy âm thanh đó. Tôi còn có thể nhận thấy rất nhiều các bạn chơi guitar thời đó “chuyển phỏm” trở thành fan của Mark Tremonti và lẳng lặng sắm cho mình một cây guitar của PRS. Nhưng có lẽ Mark Tremonti còn truyền cảm hứng nhiều hơn là một tay guitar và một cây guitar signature của chính mình.
Khi Mark Tremonti ra mắt ban nhạc Creed hồi cuối thập niên 90s cùng với ca sĩ Scott Stapp, tay bass Brian Marshall và Scott “Flip” Phillips chơi trống, tôi vẫn nhớ đó là thời suy của những tay solo guitar và ấn tượng về những câu đàn trong nhạc của Creed khá là ít ỏi. Có lẽ lối chơi rhythm với power chords cùng giọng hát khàn-gằn của Scott Stapp là công thức khá quen thuộc của modern rock và alternative thời chuyển giao giữa thập niên 90s và năm 2000s, đến mức ta cảm tưởng như có thể lắp lẫn giữa những ca sĩ và guitarist của những band alternative/modern rock khác nhau để hát nhạc của nhau mà không có gì khác biệt. Những giây phút tỏa sáng hiếm hoi của Mark nằm ở câu đàn sạch sẽ lung linh trong phần intro của bài “What If” cực bắt tai và dễ nhận biết, ở phần riff tốc độ trong bài “Bullets”, âm thanh nặng trịch ở “Freedom Fighter”, hay đâu đó có sự phá cách bằng những nốt nghịch tai như ở khúc cuối bài “My Sacrifice” đầy kích thích.
Tất nhiên không ai có thể phủ nhận thành công của Creed, và điều này phần lớn có được nhờ khả năng sáng tác ca khúc giàu giai điệu poppy của cặp đôi Mark Tremonti và Scott Stapp.
Nhưng khi đã thỏa thuê nhìn ban nhạc Creed ưa thích của chúng ta tung hoành trên các bảng xếp hạng và số đĩa bán được, khán giả bỗng chợt nhận ra các bài nhạc của họ đều mang nặng tính công thức và phần lời “đao to búa lớn” gồng mình như chính giọng hát của Scott. Trong phúc chốc, hóa ra nhạc của Creed không mang lại gì mới cho nhạc Rock thời hậu Grunge và Creed bỗng nhiên giống một ban nhạc Pop biết chơi nhạc và ngoại hình ưa nhìn hơn. Scott Stapp rõ ràng có chịu ảnh hưởng nhiều từ Eddie Vedder của Pearl Jam, nhưng kém tinh tế hơn, dù đã cố gắng Rock hóa nhạc của mình theo cách đó. Thật vậy, cách hát gằn nén giọng và dầy tiếng của Scott, nhưng lại chỉ loanh quanh ở vùng âm vực nam trung, đã chồng chéo với âm thanh guitar cũng dầy đặc của Mark Tremonti. Âm thanh của Creed như bị bế tắc lại không thoát ra được, và sự ra đi của tay bass Brian Marshall sau 2 album đầu của Creed dường như không giúp gì cho sức sáng tạo của Mark Tremonti trong Creed, trừ việc anh phải cáng đáng phần bass trong album thứ ba Weathered (2001) và chứng kiến album này tiếp tục thành công trên các bảng xếp hạng với công thức chiến thắng y như cũ.
Mark Tremonti chính ra “lớn chậm” so với những cầm thủ đồng nghiệp, những người hiếm hoi gây được chú ý hơn hẳn trong thời “modern” của nhạc Rock (và thời tàn của những tay solo guitar) lúc ấy như Synyster Gates (Avenged Sevenfold), Wes Borland (Limp Bizkit), Dave Baksh (Sum 41) hay Daron Malakian (System Of A Down). Ấy xem ra anh lại "trẻ lâu" hơn tất cả những người đó.
“Khởi nghiệp không bao giờ muộn”, Mark Tremonti bắt đầu chăm chỉ tập chạy ngón từ sau năm 2000s. Và khi điều gì phải đến đã đến, sau quyết định “nghỉ chơi” với Scott Stapp và chấm dứt chuỗi ngày huy hoàng với Creed, Mark Tremonti quyết định trình làng trước thế giới thành quả từ công sức luyện tập guitar ròng rã 8 tiếng một ngày của mình trong suốt 6 năm.
Mark Tremonti lớn lên ở thành phố công nghiệp Detroit, nơi chắc một nửa giới trẻ nghe nhạc hip hop còn nửa kia thì là dân headbang nghe thrash metal. Vậy nên không quá khó hiểu với nển tảng guitar thể lực mà Mark trau dồi từ nhỏ theo trường phái speed/thrash metal: mọi kỹ thuật phức tạp và tốc độ chặt chém đều dành cho tay phải (tay gảy) và tay trái di chuyển với power chord. Và cũng không quá khó hiểu khi Mark Tremonti phát triển sự nghiệp âm nhạc của mình với thiên hướng là một tay rhythm guitar.
Ấy, có lẽ phần lớn sự thay đổi trong tư duy chơi nhạc của Mark đến từ việc anh tìm được cây đàn hợp ý, chính là cây PRS mà anh đã chơi cùng suốt bao năm. Cũng phải thôi, khi động lực bản thân không đến từ công việc và đồng nghiệp, shopping mua sắm luôn là sự lựa chọn thông minh để tìm lại niềm vui cho chính mình. Hãy nhớ là ở thời điểm những năm 2000s, tay guitar nổi tiếng ít ỏi chơi PRS chỉ có Carlos Santana. Và đó quả nhiên là một câu chuyện có hậu như được sắp đặt trước để đưa Mark Tremonti trở thành "người được lựa chọn" nâng tầm vị thế của dòng đàn PRS.
Lặng lẽ luyện tập chạy ngón ngày qua ngày và mặc kệ công thức chiến thắng cho nhạc của Creed, Mark Tremonti đã vươn mình trở thành cây guitar đáng chú ý hàng đầu vào nửa sau của thập niên 2000s, và cũng trùng hợp với sự phục hưng của solo guitar trong nhạc Rock. Quả nhiên là một câu chuyện có hậu đầy truyền cảm cho những người tập chơi đàn nói chung và các giới trẻ lười như tôi nói riêng, aka “chăm chỉ luyện tay, vận may sẽ đến”, và “khởi nghiệp không bao giờ muộn”.
Thời Alter Bridge, những cú riff tốc độ xuất hiện nhan nhản. Cú mở đầu trong bài đầu tiên “Ties That Bind” trong đĩa Blackbird là câu khẳng định tài năng mới khai phá của Mark Tremonti. Nghe anh chơi câu riff với các nốt di chuyển liên tục không khác gì thần tượng Metallica của mình. Rồi thì trong “White Knuckles”, tiếng guitar bạo lực của Mark như cú đấm nặng trịch của mấy tay boxing giã vào hai bên màng nhĩ.
Trình độ chơi solo, hay nói đúng hơn, việc mang những câu đàn solo lại vào Rock hiện đại của Mark Tremonti giống như màn hồi sinh kỳ diệu của những cái hay cái đẹp nhất của Rock thập niên 70s. Như câu solo đặt cuối bài của “Ties That Bind”, thực sự đã khiến người nghe phải há hốc mồm vì sự trở lại kỳ diệu đó. Điều đang nói là những câu đàn solo được Mark sáng tác hay một cách tự nhiên, không kiểu gượng ép để phô trương. Thời lượng và vị trí của phần solo cũng được đặt phù hợp với từng bài, không rập khuôn.
Như phần solo trong “Ties That Bind” nói trên nằm cuối bài với thời lượng ngắn để đóng vai trò outro, còn “Brand New Start” thì theo cách truyền thống ở sau điệp khúc thứ hai, và được kéo dài trong trường ca “Blackbird” với hẳn hai câu solo, một của Myles Kennedy đánh theo lối bluesy buồn bã trước khi lên cao trào cùng tốc độ và những cú bồi nhức nhối của Mark. Khi câu solo của Myles lấy từ cảm hứng giai điệu theo vòng hòa âm, thì Mark sau đó biến đổi khôn lường với hàng loạt cú chuyển hợp âm không hề có trong nhạc của Creed.
Việc kết hợp cùng Myles Kennedy (lúc ấy còn chưa quá nổi), với giọng hát thiên thần và khả năng chơi đàn guitar “giỏi nhưng không phô trương” như chúng tôi đã viết về anh trước đây, Mark Tremonti đã thực sự thăng hoa cùng nhạc của Alter Bridge. Giọng hát cao vút của Myles Kennedy khác hẳn Scott Stapp, và nhường lối cho âm thanh ngày một nặng hơn Mark. Brian Marshall cùng Flip cũng đã trở lại cùng Mark Tremonti, và từ đây bộ đôi nay đã hợp cùng Mark Tremonti trở thành bộ ba chơi rhythm cực kỳ chặt chẽ nhưng không mang cảm giác bị nén, và còn âm thanh nặng nhưng không thiếu phần giai điệu. Đặc biệt trong phần chơi rhythm của Alter Bridge, quả thực, dù nhanh và nặng đến đâu, vẫn luôn luôn có những khoảng trống nhất định mà người này nhường chỗ cho người kia có thể châm thêm vài câu tu ti hoặc ném vào vài nốt móc. Myles cũng mang tới Alter Bridge một màu sắc mới trong phần hoà âm qua lối chơi guitar và hát đầy giai điệu và sáng tạo ở cấu trúc nhạc bổ trợ cho tiếng guitar dũng mãnh của Mark nhờ background chơi nhạc Jazz và Blues của anh.
Thật tình là khi nhìn Flip bay lượn trên giàn hi-hat và tom của bộ trống khi đảm đương phần nhịp theo cách hầu như không tốn sức y như một tay chơi heavy metal lâu năm, còn Brian chơi bass vừa giữ chắc nhịp cùng Flip, lại vừa chen vào những đoạn di chuyển ngón tay trái đầy giai điệu ở những khoảng trống mà vẫn không đè lên phần guitar đôi của cặp Tremonti và Kennedy; mới thấy tội nghiệp cái thằng tôi thời trẻ đã đánh giá thấp khả năng chơi nhạc của các nghệ sĩ chơi modern Rock (xin được nhận lỗi). Đúng là ở đâu thì tài năng cũng phải chờ đến đúng thời điểm để được phô bày hết cỡ, và trong nhiều câu chuyện kiểu này thì mấy tay độc đoán và chèn ép người khác (nhưng lại cậy bán được nhiều đĩa) lẫn gây bất bình như Scott Stapp thì quả nhiên ở thế giới nào cũng có.
Nhưng tất nhiên đó chỉ là những nét tô điểm thêm cho câu chuyện thành công của Mark Tremonti. Bởi vì quan trọng hơn cả là Mark Tremonti luôn mang trong mình tinh thần của một người viết nhạc, chứ không phải là một tay guitar đơn thuần. Tính sơ sơ Mark Tremonti góp mặt trong đến 8 album trong vòng 10 năm (từ 2010 đến 2020 cho Alter Bridge và Tremonti), và con số đó là 10 nếu tính từ năm 2007 (Creed, Alter Bridge, Tremonti). Một tốc độ sáng tác có lẽ gợi nhớ đến thời sơ khai của nhạc Rock như thời những năm 70s, và hình ảnh của những anh hung guitar đi ra ánh sáng từ việc viết ca khúc như Jimmy Page, Joe Perry, hay Eddie Van Halen.
Và cũng giống như Mark Tremonti luôn không ngần ngại chia sẻ - anh luôn học được những điều mới với cây đàn guitar theo thời gian – sẽ luôn có vô vàn những câu riff độc đáo và những ý tưởng âm nhạc luôn mới trong từng album mà Mark góp mặt. Thậm chí kể cả album cuối Full Circle của Creed, tất nhiên khi Mark Tremonti đã thành danh, cũng mang màu sắc guitar cực kỳ đáng nể.
Quả là đã lâu lắm rồi, những câu riff sạch sẽ của “One Last Breath” hay “Weathered” thời Creed không còn xuất hiện mấy nữa, hoặc chí ít cũng được nâng tầm nhờ âm thanh cực sâu ở “Brand New Start” khẳng định một khởi đầu mới khác xa âm nhạc Creed.
Đó cũng là điều hay ở Mark Tremonti, khi không bị đóng khung vào một phong cách và luôn chấp nhận thử thách những thứ mới mỗi khi anh ra sản phẩm. Ở chiều ngược lại, người bạn thân Myles Kennedy thì có vẻ trung thành hơn với giai điệu đẹp và lời lẽ u tối, và những bài Myles Kennedy đóng góp trong Alter Bridge thường dễ đoán hơn. Nó giúp cho album của AB luôn có một nửa “chắc ăn” và một nửa “thử thách”. Không tin ư, những bài do Tremonti thường dựa trên câu riff khó nhằn và vòng hòa âm được tạo bởi những hợp âm nghịch tai. Và với Tremonti, phần đóng góp của guitar riff thậm chí còn độc chiêu hơn nữa.
Thật vậy, là một người chung thủy với cây guitar, Mark Tremonti luôn sáng tác trên đàn guitar. Có lẽ một trong những điều Mark truyền cảm hứng ghê gớm với tôi về tình yêu guitar, ấy là khi nghe Mark chia sẻ cách viết nhạc trên guitar. Anh có thể vớ lấy một cây guitar có tuning bất kỳ của mình mà không chọn trước, tìm một kiểu gảy của tay phải, và lần tìm trên những phím đàn bằng tay trái. Chiêu này như vậy mà lợi hại, bởi nó giúp cho chord progression mà Mark chọn không bị lặp lại chính mình nếu chẳng may tay trái cứ bấm theo thói quen). Chưa kể, lối viết nhạc như vậy nó thật cool và khiến cho những người chơi guitar nửa mùa như tôi thấy tự hào vì hội chơi piano không thể làm vậy được với phím trắng và phím đen ai cũng biết là kêu thế nào.
Thế nên cũng đừng ngạc nhiên khi thấy Mark chơi với đủ loại tuning. Anh thử các cách chỉnh dây khác nhau như “Ghost Of Days Gone By” trong đĩa ABIII nghe rất trái khoáy trong đoạn bridge và outro, chưa kể những tiếng nhéo dây chơi vơi nghe nhức nhối ở đoạn bridge của “The Other Side” hay tiếng chạy ngón chao đảo ở giữa bài “This Side Of Fate”.
Từ một tay guitar có xuất phát điểm chơi trong ban nhạc không nặng về guitar, trong hơn 10 năm, Mark Tremonti đã viết lại lịch sử của những tay guitar virtuoso bằng sự chăm chỉ và cả tính cách không ngần ngại đi ngược dòng của mình để đến với tình yêu thuần khiết với cây guitar. Có lẽ không có nhiều nghệ sĩ có thể vượt qua cản trở lớn như Mark, aka thành công quá lớn của ban nhạc Creed với số đĩa bán ra tới 30 triệu bản cho 3 album đầu tay (My Own Prison, Human Clay và Weathered). Nhớ cái thời đó, dù không cần phải phô diễn quá nhiều với các nhạc cụ, Creed vẫn có thể trở thành một trong những ban nhạc lớn nhất thập kỷ, lấp đầy sân vận động trong các tour diễn. Duy chỉ có tình yêu lớn lao và đau đáu với cây guitar của Mark Tremonti là đã không được thừa nhận và nuôi dưỡng xứng đáng thời ở Creed.
Là fan của Tremonti, tôi nghĩ đó không đơn thuần chỉ về âm nhạc hay guitar. Nó còn như một sự lựa chọn để thể hiện mình và đề cao sự tự tôn với những gì mình theo đuổi. Có lẽ nhiều năm sau này, ngôi đền vĩnh cửu của các anh hùng guitar sẽ luôn có một vị trí trang trọng dành cho một tay guitar ít giống những người còn lại nhất: bộ dạng sạch sẽ, ăn mặc khỏe khoắn, tóc tai gọn ghẽ, và chơi những riff nặng sát thủ không thua gì những bậc tiền bối ngày xưa.
Chẳng phải đó là hình ảnh xác đáng để đại diện cho thời đại của chúng ta ư?
Hẹn gặp lại.
Kink