top of page

Metallica: thép tôi còn có thể cứng hơn?

Updated: Aug 3, 2023

Khi Metallica ra album … And Justice For All, tôi cho đây là một album tuyệt hay với một Metallica dường như bị dồn đến chân tường: họ vừa mất đi một trong những tài năng chơi bass sáng giá nhất của thập niên 80s, người có lẽ xứng đáng được gọi là virtuoso duy nhất trong Metallica; và nay họ đã không còn ý tưởng nào còn sót lại từ nhạc sĩ kiêm tay guitar hay nhất thế giới a.k.a đầu tàu của Megadeth lúc này đã bắt đầu nổi tiếng. Justice có lẽ xứng đáng trở thành Back In Black phiên bản Metallica, với rất nhiều ý tưởng mang hơi hướng progressive. Một album mà tôi đã không thể skip bài nào.


Nhẽ thường, những con người của Metallica ít khi tán đồng với những gì mọi người suy nghĩ về họ, trong đó có tôi. Hai vị đầu tàu là Lars Ulrich (trống) và James Hetfield (rhythm guitar) đều mạnh dạn đăng đàn thể hiện sự không hài lòng với bản mix của Justice, nhất là khi sự không hài lòng còn được bồi thêm với cú trượt oạch trước giải grammy đầu tiên gần như là cầm chắc trong tay (thua Creste Of a Knave của Jethro Tull). Cũng có thể do Jethro Tull được mọi người dặn ở nhà khỏi đi dự Grammy gì cho mất công, vì làm gì có cửa thắng được Justice, mà Metallica thì là chúa thích chứng tỏ là mọi người sai rồi.


Nhưng quả nhiên, lần này Metallica quyết phủ nhận Justice bằng mọi giá, khi giấu mình vào trong phòng thu hơn một năm giai đoạn 1990-1991; trước khi cho ra phần tiếp theo của Back in Black phiên bản chính thức và theo đúng nghĩa đen (của chữ Black): Metallica ’91.


Hơn một năm trong phòng thu đã tiêu tốn của Metallica hơn 1 triệu Mỹ kim, chưa kể chi phí thiệt hại từ 3 cuộc ly dị của Kirk Hammett (lead guitar), Jason Newsted (bass), và Lars Ulrich. Đổi lại, Metallica ’91 (hay Black album) ra mắt ngay ở vị trí số một tại 10 nước, và sau đó đạt 16 lần platinum chỉ riêng ở Mỹ. Toàn bộ quá trình thu âm sau đó còn được phát hành trong phim documentary dài 2 tập “A Year and a Half in the Life of Metallica” khiến các fan phát sốt.


Vốn không ưa sự bật bãi thế mà lần này, Metallica thỏa hiệp và đồng ý làm việc với một người đã sửa lại toàn bộ cung cách làm việc của họ: nhà sản xuất Bob Rock. Khoảng thời gian một năm trong phòng thu có lẽ cũng bị kha khá người cười mỉm, nhất là khi những vị tiền bối như Led Zeppelin đã từng thu Led zeppelin 1 trong hai ngày, Black Sabbath ghi âm Paranoid trong 3 ngày, và ngay chính Metallica thu Kill ‘Em All cũng chỉ mất có hơn tháng.


Nhưng chuyện đó không quan trọng bằng việc, Bob Rock lúc đó còn khá trẻ, và thành danh nhờ sản xuất cho những Bon Jovi, Motley Crue, hay một Aerosmith đang vật vã “thị trường hóa” để trở lại ánh hào quang. Những ban nhạc đó hầu như không mang chút chất “thrash” nào như kiểu của Metallica, và những nhận xét như “nhạc không đủ nhanh” hay “bài hát ngắn” hẳn sẽ còn đeo đẳng Black Album mãi không thôi.


Metallica, thoạt đầu, chỉ tính thuê Bob Rock mix cho album sắp tới, cũng bởi ấn tượng với cách mà Bob Rock đã đẩy Motley Crue lên tầm của một ban nhạc hàng đầu với Dr. Feelgood. Trong trí nhớ của Bob Rock khi đó, Metallica lại là band hầu như chưa mấy khi được chơi trên radio. Đó quả là một điều ngạc nhiên với Bob trước sức ảnh hưởng khủng khiếp của ban nhạc đốt cháy các phòng vé và đảm bảo lấp đầy sân vận động này. Nên thay vì nhận lời mix cho Metallica, Bob Rock đề nghị ngược lại là sẽ sản xuất cho band.


Những con người Metallica hẳn là không thể quen ngay với việc có kẻ dám đề nghị ngược lại với họ như vầy (hello, Mustaine?). Nhưng chả hiểu sao, dù vẫn còn rất nhiều nghi hoặc, James và Lars đã đồng ý với đề nghị của Bob Rock.


Một trong những lý do mà Bob Rock đặt ra trước Metallica: các anh đã có đủ các loại riff cự phách trong suốt những năm qua rồi, và các anh đã chơi những bài 7, 8, thậm chí 9 phút với các câu riff đó quá đủ rồi. Tất cả mọi người đều biết câu riff của Metallica sẽ như thế nào, và bây giờ ta có thể thử một vài thứ khác. Ô kê. Metallica đã có đủ bài cho album tiếp theo của họ, vậy tại sao không thử?


Và có lẽ tất cả đều không ngờ cái gật đầu đó dẫn đến 9 tháng hành xác liên tục mà Bob Rock nhốt Metallica trong phòng thu One on One chỉ để luyện tập trước khi thu thật. 9 tháng ròng chỉ là để tập với những thói quen mới. Bob Rock đã chuẩn bị hết tất cả mọi thứ để tra tấn tinh thần và thể lực của Metallica: bida, bóng bàn, bóng rổ, pin ball, rồi cả bao cát. Tất cả đem đến một không khí cạnh tranh để trui rèn tinh thần của cả bọn, những người lâu nay tưởng như đã là bậc thầy trong cách chơi nhạc đặc trưng của riêng họ. Những xung đột nhỏ như bằng mặt hay không bằng lòng giữa các thành viên, hay những màn đấu khẩu hục hặc với chính nhà sản xuất Bob Rock trong suốt quá trình, đều được ghi lại trong bộ phim documentary đầy tự hào của Metallica.


Thứ có lẽ đã gắn kết mối quan hệ hãy còn nhiều nghi hoặc này suốt thời gian dài như vậy, chỉ có thể là mục tiêu tối thượng mà Metallica và Bob Rock cùng theo đuổi: tái dựng lại cái không khí cực bốc và máu lửa kỳ diệu họ tạo ra khi diễn live trong album tiếp theo. Bốc và máu lửa. Bob Rock cho phép Metallica thu đi thu lại bất kể bao nhiêu lần họ muốn để có thể tạo ra âm thanh và không khí họ cần, chỉ với điều kiện cả band phải tập nhạc và chơi nhạc với nhau liên tục trong phòng thu, phương thức hoàn toàn xa lạ với họ trước đó khi các thành viên thường thu âm riêng rẽ.


Cách chơi của Lars Ulrich trong Metallica cũng được Bob Rock gọt giũa đến mức sắc lẹm. Không còn những phần fill bản năng, lối chơi cuốn lì đòn ảnh hưởng từ NWOBHM của Lars, rồi cả những nhịp điệu thay đổi liên tục ảnh hưởng từ prog rock kiểu cũ. Trong Black Album, Lars Ulrich chơi tỏ rõ ý định giữ nhịp cực chắc, phần fill diễn ra ngay trên snare, nhưng từng nhát chém của anh không hề lẫn vào nhau, trở thành cái “chân” cực chắc cho bài hát. Màn hành xác này, có lẽ không thua gì những thứ được mô tả trong bộ phim Whiplash, với gã chỉ huy chỉ liên tục nhắc, tempo, ngưng, và lại tempo.


James Hetfield thì được Bob Rock chỉ cho một cách hát hoàn toàn mới, giàu xúc cảm hơn, và có lẽ tôi không cần phải mô tả nhiều về điều này, vì tất cả khán giả đều có thể dễ dàng nhận ra cách hát của James Hetfield thay đổi hoàn toàn từ Black album. Đó là sự trưởng thành từ một chàng trai gào thét trở thành một người đàn ông gầm vang. Kirk Hammet, một gã nhút nhát với những câu đàn long lanh cảm hứng từ người thầy Joe Satriani, vốn lâu nay quen solo những tiếng đàn đẹp đẽ và giai điệu trên nền riff cục cằn, bỗng bị Bob Rock ép cho đến phát cáu trước khi tạo ra những đoạn solo đầy giận dữ. Và lại là khán giả, những người thật tinh tế đã nhận ra khi tiếng đàn của Kirk Hammet nổi lên cùng hiệu ứng “Wah” trong “Enter sandman”, dường như tiếng “Wah” không bao giờ bị tắt đi nữa. Còn Jason Newsted, nay đã có thể thỏa sức dung cây bass tạo ra phần rhythm cho bài chứ không chỉ là đi nốt theo nhịp như trong Justice.


Metallica có lẽ mang những ý nghĩa khác nhau đối với mỗi thành viên của họ. Với Lars Ulrich, có lẽ đó là “nghề” của anh: những cuộc chạy đua thể lực ưa thích với tay vận động viên tennis nghiệp dư, vị trí đứng trên đỉnh của sân khấu trên giàn trống nâng cao trước hang chục ngàn người trên sân vận động, rồi cả khía cạnh “business” bên ngoài sân khấu trong việc quản lý ban nhạc. Sự pha trộn giữa nghệ thuật, quản lý, và logic. Đập thẳng vào mặt những ai gây lộn với “business” (hello, napster?), đó là Lars.


Nhưng với James Hetfield, đó lại là một thế giới để giải thoát. Lớn lên trong hoàn cảnh “không giống ai khi gia đình (và cả cộng đồng) theo đạo Khoa Hoc Cơ Đốc (giáo phái tin rằng Chúa chữa được bách bịnh mà không cần thuốc), có lẽ James là một gã trai lớn lên có vẻ ngoài (và ý thức) kỳ dị muốn cố gắng tìm cách chứng tỏ mình trong một xã hội “bình thường”. Luôn phải giải thích trước mọi người tại sao mình không bao giờ có giấy khám sức khỏe, hay luôn phải yêu cầu miễn khám sức khỏe mỗi khi chuyển trường hay tham gia đội bóng, James luôn cảm thấy mình không thuộc về thế giới này. Có lẽ cũng vì thế, James lúc đầu dễ chơi thân với Dave Mustaine, một kẻ “bị ruồng bỏ” nhưng theo cách khác, chỉ để nhận lại được rằng “sự ruồng bỏ” hóa ra không gắn kết mọi người với nhau. Tất cả những hình ảnh rắn rỏi, nam tính, uống rượu như hũ chìm và bất cần đều trở thành “đóng khung” trước thế giới nhất là sau cái chết của người bạn than Cliff Burton. Nhưng đằng sau rất nhiều lần “thu nháp” mà Bob Rock ép James phải hát đi hát lại kia, vẫn luôn là một gã dè dặt và nghi ngại với tất cả mọi thứ. “The God That Failed” trong Metallica ’91 có lẽ là ca khúc nói lên nhiều tự sự của James chưa từng thấy, kể về người mẹ đã ra đi một cách bất lực vì chứng ung thư mà không có một Chúa hay Tôn giáo nào có thể giúp được (hello, các mẹ anti-vax?).


Còn Kirk Hammett và Jason Newsted, có lẽ sẽ mãi luôn bị coi là những kẻ đóng thế và cứ sểnh ra là lại bị lôi ra so bì với những người tiền nhiệm ở vị trí của họ. Đã luôn như vậy, và sẽ luôn như vậy.


Có lẽ Bob Rock đã làm được một điều tuyệt vời nhất: gắn cái mác Metallica lên trên Black Album. Nghe Black Album, cả thế giới nhận ra đó là Metallica, dù không còn những màn đua tốc độ chóng mặt. Không có sự phân biệt rạch ròi giữa ai là đầu não James/Lars. Không còn sự so sánh hay dè bỉu với những gì mà những kẻ tiền nhiệm để lại. Có cảm tưởng như từ Black album, cả 4 thành viên của Metallica đều quay đầu nhìn một hướng: sức mạnh bình sinh của chính những ca khúc. Metallica dường như chỉ giữ lại cho Black album tiếng guitar và trống nặng trịch, là những thứ gần gũi nhất để người nghe còn nhớ đến nguồn gốc Thrash Metal của họ.


Sự chuyển mình, có lẽ bắt đầu từ sự thay đổi của gã chơi trống “điên dại” như Lars Ulrich, từ một người được biết đến với sức mạnh và những câu fill điên rồ theo kiểu của những Ian Paice (Deep Purple) hay Neal Peart (Rush), bỗng nhận ra những người chơi trống mà khi còn trẻ anh cho là tệ nhất thế giới: Charlie Watts (Rolling Stones) và Phil Rudd (AC/DC) mới thật sự là những tay trống cừ khôi. “Sad but True” có lẽ là lần đầu tiên Metallica vặn dây xuống chơi ở D. Và những câu riff đơn giản như trong “Wherever I May Roam”, và nhất là “Enter Sandmand”, có lẽ mới là những thứ khiến cho cả thế giới biết về Metallica, y như cách Deep Purple trình làng “Smoke On The Water” vậy.


Và sự chuyển mình ấy, có lẽ được đóng dấu xác nhận bởi chính James Hetfield khi thừa nhận: nhà sản xuất giỏi không bắt mày phải sound thế nào, mà sẽ giúp mày sound theo cách tốt nhất của mày. Sự nghi hoặc bao trùm trong hơn một năm thu Black album, đã trở thành sự trung thành khi Bob Rock tiếp tục sản xuất và đóng góp cho Metallica hơn một thập kỷ. Mặc dù không phải fan cuồng nào cũng đồng tình và ưa nhà sản xuất này (hello, những nhà chỉ trích album Load?).


Chưa kể, vốn là một ban nhạc không mấy hứng thú với những chủ đề của metal như gái gú, thuốc men, hay quỷ satan, James Hetfield và động đội bỗng được Bob Rock truyền cho một niềm tin để nay viết về những thứ từ bên trong họ, sau khi những chủ đề về thời sự hay tiểu thuyết như trong Justice... có vẻ đã không còn làm thỏa mãn họ. Bỗng nhiên, Metallica cảm thấy như mạnh gấp bội khi biểu diễn live, khi họ được hát những thứ từ trong chính họ. Như những “Through the Never”, “Of Wolf and Man”, hay “The Struggle Within”, tất cả đều thật sâu sắc mà ngay cả chính Bob Rock cũng không thể ngộ ra ngay từ đầu khi bắt đầu làm việc cùng Metallica.


Tôi rất tiếc khi đã không thể viết về những thứ như James Hetfield là tay rhythm guitar giỏi như thế nào, Kirk Hammet không có phơ Wah thì sẽ ra sao, hay Cliff Burton siêu hơn Jason Newsted nhiều đến đâu.


Những gì Metallica đã ghi dấu vào lịch sử, và đặc biệt là khả năng lấp đầy các sân vận động với tấm vé vào cửa đắt gấp đôi Megadeth thậm chí ngay cả khi thế giới chuẩn bị bước qua thập niên 2020s, có lẽ là bằng chứng xác đáng nhất về trình độ của họ. Tin tôi đi, nếu bạn muốn đến xem Metallica để nghe Thrash metal, những ông già gần 60 tuổi Metallica luôn trình diễn Thrash metal siêu cấp cho bạn mà không cần phải nghe những bài trong Load đâu.


“Nếu như Flemming Rasmussen (người sản xuất Lightning, Puppets, và Justice cho Metallica) sản xuất cho Bon Jovi, bộ mọi người nghĩ tự dưng Bon Jovi nghe như thrash metal chắc?” – James Hetfield kết luận.


Và đó có lẽ là sự thừa nhận xứng đáng nhất, hơn cả 16 cái đĩa Platinium màu đen treo trên tường dành cho Bob Rock. Bởi nó được nói ra từ chính những kẻ vốn cóc cần phải theo ai.


Hẹn gặp lại.


Kcid

3,507 views

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page