Trong đêm diễn trao giải Billboard Music Awards năm 2013, nam ca sĩ Miguel lên trình bày bài “Adorn”. Mọi thứ diễn ra suôn sẻ cho đến cuối màn diễn, Miguel bắt đầu mò ra phía khu khoét ở giữa sân khấu chuyên dành cho hội fan cứng đứng. Độ rộng của ô đó cũng không quá lớn nhưng chen chúc chắc cũng phải hai chục người, nên không biết tính toán sai thế nào, anh ca sĩ mới hăng tiết nhảy bụp phát từ đầu này sang phía bên kia, vút qua đám khán giả toàn chị em hò reo ở dưới. Miguel đáp được sang mé bên kia sân khấu, nhưng bộ hạ của anh không quên úp sọt ngay hai cô gái.
Trong pha quay chậm, thấy rõ đầu của một trong hai cô còn bị càng của anh ấn ngửa ra bẹp một cái vào sàn. Hai chân anh tiếp đất còn háng thì tiếp mặt cô gái ấy.
May thay sau màn diễn để đời đó, hai cô gái vẫn đi lại bình thường, dù có bị chấn thương đầu nhẹ. Lúc đó Miguel vẫn phải cố lờ đi để hoàn thành bài hát, nhưng anh không quên vừa hát vừa khoác vai cô gái đứng dưới an ủi. Chỉ khổ cái là cô được an ủi lại bình an vô sự vì đứng ngay cạnh, còn hai nạn nhân kia chắc đang lăn lộn ở đằng sau.
Sau cú nhảy bất thành đó, Miguel cũng lên tiếng xin lỗi và dàn xếp với hai nạn nhân. Có điều cú nhảy đó như một lời nguyền khiến anh đến giờ vẫn chưa có bước đột phá nào về mặt thương mại.
****
Trong thời đại âm nhạc R&B hiện đại, sau khi Usher đã chán nản bỏ gốc gác R&B hay ho kia để đi theo tiếng gọi thương mại, ba cái tên bắt đầu nổi lên, đó là: The Weeknd, Frank Ocean và Miguel. Trong 3 anh, dường như Miguel là người có máu ganh đua nhất. Ở lần trao giải Grammy, mặc dù anh đã được một giải cho ca khúc “Adorn”, anh vẫn để thua giải album Urban Contemporary hay nhất với đĩa Kaleidoscope Dream vào tay Frank Ocean cho đĩa Channel Orange. Khi Frank lên nhận giải, Miguel ngồi im dưới ghế, không thèm đứng lên chúc mừng cùng toàn bộ khán giả (ngoại trừ Chris Brown, người cũng dính chặt đít vào ghế vì cũng cạnh tranh với Frank trong cùng hạng mục năm đó). Miguel sau đó có phát biểu thẳng thừng là anh tin nhạc của anh chất lượng hơn cả những người được nêu tên như Frank hay Weeknd, và cuộc cạnh tranh này giống như một giải marathon dài hơi, sẽ dần loại bỏ những kẻ nào đuối sức.
Về mặt thương mại, không hiểu có phải "nhờ" cú nhảy như knockout trong mấy trận đấu vật mà Miguel ra đòn ở buổi Billboard Awards kể trên, anh vẫn là người chạy ở phía sau khi số đĩa bán vẫn còn đì đẹt so với hai anh còn lại. Do đó trong 3 người, dường như Miguel là kẻ kém danh tiếng nhất, mặc dầu âm nhạc của anh, đặc biệt từ album thứ hai - Kaleidoscope Dream, rồi tới Wildheart và gần nhất War & Leisure đều cực kỳ hay, thể hiện qua các số điểm cao xuất sắc do giới phê bình chấm.
Về mặt âm nhạc, Miguel, Weeknd và Frank cùng được nhét trong hội Alternative R&B, nhưng mỗi anh mỗi vẻ. The Weeknd chuyên âm nhạc emo, nhiều âm thanh điện tử và có phần poppy hơn. Frank Ocean mày mò những thứ nhạc cực lạ tai đầy tính thử nghiệm, khiến các bài của anh không cái nào giống cái nào. Miguel - nhân vật chính của chúng ta trong bài viết này thì có lối âm nhạc pha một ít điện tử, pha nhiều hơn của âm thanh Rock qua tiếng guitar điện và những phần dồn trống hiếm thấy trong R&B và rất nhiều của tiếng bass đầy funky.
Do đó khi xem các video quay lại phần diễn live của Miguel, tôi thực sự bị cuốn hút bởi sức sống của cả ban nhạc chơi cho anh, thứ đầu tiên làm nhạc của anh “hay hơn” hai bạn còn lại.
Ở bản diễn live bài “Waves”, sau khi Miguel hướng dẫn khán giả hát phụ sau mỗi câu của anh, lúc anh và ban nhạc vào nhạc, cú dồn trống cực khoẻ ở đầu khuông rồi lắng đọng lại bằng tiếng gõ hi-hat sau đó là màn mở đầu hay đến rợn người.
Rồi ở khúc cuối bài, nhìn anh đánh bass vuốt ngón những nốt chạy ngón và anh đánh guitar điện nhảy tưng bừng, tôi chợt nhận ra là: nhạc R&B không cần nhất thiết chỉ mỗi xem mấy anh thích nhảy nhót (như Usher hay Justin Timberlake), mà sức sống của ban nhạc là nguồn năng lượng cực lớn thay thế và tôn được thứ nhạc R&B chịu ảnh hưởng của Rock này.
Và ý tưởng pha trộn đó vẫn luôn là sáng kiến của Miguel ngay từ những ngày đầu. Là người biết chơi guitar thuần thục, lại giỏi sáng tác nhạc, Miguel phải tự sản xuất mấy bài hát đầu tay nhằm truyền đạt ý tưởng và tầm nhìn cho hãng đĩa của anh, để họ chấp nhận. Thay vì anh bị uốn nắn, rập khuôn như một nam ca sĩ R&B phổ cập, nay ta có một Miguel, biết đàn, biết hát, có thể nhảy dù “sức bật hơi yếu”, và quan trọng hơn là truyền năng lượng qua dàn nhạc sống hay không tưởng. Do những ảnh hưởng đó, khi nghe và xem nhạc R&B của Miguel, rất dễ gợi nhớ đến Prince, Marvin Gaye và cả những rocker.
Nói về giọng hát, Miguel có một chất giọng thiên phú. Âm vực rộng là thế, anh còn kiểm soát giọng hát rất tốt, trong cách nhả hơi từng lời từng chữ. Anh hát tốt đến mức, khi nghe Miguel diễn live, cảm giác những bài anh thu âm trong studio dù đã hay, nhưng không tài nào có được cái hồn như lúc anh hát trên sân khấu. Đây là một tài năng vượt trội của Miguel, và thực sự là một điều khó thực hiện với nhiều nghệ sĩ lớn.
Có rất nhiều ca sĩ khi hát live rất tạch đùng, ngày hát tốt nếu sức khoẻ tốt, ngày hát chán nếu long thể bất an. Như anh Weeknd ấy, hát trong đĩa hay là thế mà cứ diễn live là đa phần nghe như gà mắc tóc. Nhưng Miguel thì phong độ rất ổn định. Khuôn mặt và thần thái tự tin của anh sáng bừng mỗi lúc anh cất giọng.
Trong bài diễn “Wolf”, Miguel thoải mái nhấn từng âm lúc to lúc nhỏ cực điêu luyện. Khi anh ngân mỗi chữ “I” dài ra mới thấy độ tình cảm trong giọng hát, thứ mà từ bé Miguel đã chú ý khi nghe những bài nhạc R&B kinh điển. Cái anh muốn là giọng hát phải chuyển được cảm xúc theo đúng lời hát, có thể như một kẻ thất tình, mà có khi một cậu bé chưa từng trải vẫn có thể cảm nhận được khi nghe bài hát đó.
Miguel tự tin đến mức, anh cho cả giọng cười xen vào sau câu hát, tạo cái hồn rất con người.
Đây cũng là lối thể hiện rất lạ mà anh sử dụng trong album War & Leisure, như ở bài “Banana Clip”
“Let it ring like (graa)
Yeah, I let it ring like (graa)
I guess I'm trigger happy (hahahaha)”
Anh lồng giọng điệu như sự cảm thán hay tiếng cười ngoài đời vào, mà vẫn làm nó rất âm nhạc.
Về đường hướng âm nhạc và chất giọng, tuỳ vào sở thích từng người nên khó có thể so sánh 3 anh Miguel, Weeknd hay Frank Ocean. Nhưng có một điều không thể phủ nhận, và là ưu điểm cạnh tranh lớn nhất của Miguel, đó là: giọng anh khoẻ hơn The Weeknd và cao hơn Frank Ocean.
Ở 2 phút 45 giây bài “Use Me”, Miguel với lên tới nốt C#5 bằng giọng thật nghe sướng phê đến nổi gai ốc. Ở 3 phút 17 giây bài “Flesh”, anh với nốt G5 bằng giọng giả thanh falsetto chót vót và ở 4 phút 09 giây bài “Face The Sun” với tham gia của Lenny Kravitz, Miguel lên nốt A5 chói chang như tiếng đàn guitar tuyệt hay cùa Lenny.
Bình thường cách hát bằng giọng giả falsetto này nếu âm vực không cao và giọng không khoẻ thì ít khi tạo được tiếng hay. Cách hát này giờ rất phổ biến trong giới nam ca sĩ dù không phải ai cũng tạo hiệu ứng tốt. Có người giọng yếu mỏng nhưng hát falsetto lại hay (như Justin Timberlake hay Adam Levine). Có người giọng cũng khá cao nhưng lúc lên giọng mái nghe rất chua đến khiếp đảm (như Sam Smith). Với 3 anh tài hát nhạc R&B mà chúng ta đang nhắc tới trong bài viết này, họ đều có cách xử lý giọng giả thanh rất hay. Nhưng do âm vực rộng nhất và chất giọng khoẻ, Miguel nổi lên hẳn ở phần thể hiện này.
Đó cũng là lý do làm cho các màn diễn live của Miguel vẫn thể hiện được những nốt nhạc khó điêu luyện như trong studio. Những ca khó như bài “Face The Sun” nói trên, Miguel hát thuần thục và giữ nốt chắc nịch, một điểm mà tôi một lần nữa cực khoái khi xem các clip anh diễn live.
Vậy đó, giống như cuộc đua marathon mà Miguel ví von, giọng anh thật sự là có sức bền dẻo dai đáng nể. Những nốt nào cần với, những nốt nào quá khó khi diễn live, anh sẽ khéo lựa chọn để thể hiện, mà không lộ điểm yếu trong bất kỳ buổi trình diễn nào... ngoài trừ cú nhảy hụt ngày ấy. Giá như Miguel có thể bật cao và khoẻ như giọng hát của anh, thì có lẽ anh đã không bị lời nguyền “bán đĩa ế” đeo bám cho đến giờ. Thật đáng tiếc cho công sức và tài năng của chàng trai có bộ đĩa chất lượng mà không mấy người biết tới.
Hẹn gặp lại!
Kroon