top of page

Miley Cyrus và những bản song tấu

Mỗi khi nghĩ tới sự nghiệp âm nhạc dài hơi của Miley Cyrus, người ta thường cảm thấy ngạc nhiên vì cô gái này hóa ra mơi ngoài 30 tuổi. Tôi cũng không hiểu bằng cách nào Miley có thể trụ vững như thế suốt bao nhiêu năm trước tất cả áp lực xung quanh. Đó là những cái bóng khổng lồ sẵn sàng đổ ụp xuống, từ vai diễn thành công từ thời còn tham gia câu lạc bộ Disney, ông bố nghệ sĩ nổi tiếng và cả tai tiếng, lẫn những phát ngôn và hình ảnh đầy phóng túng và không ngần ngại thể hiện sự nổi loạn bất cần của mình. Cánh báo chí thì luôn chờ sẵn để cô gái này thất bại. Và đó là lý do thi thoảng tôi vẫn tìm nghe nhạc của cô dù rằng cũng khó có thể nói tôi kết thứ nhạc này lắm. Nhưng chắc chắn có những sản phẩm vẫn luôn khiến tôi tò mò, đó là những bản nhạc có sự kết hợp cùng nghệ sĩ khác. Đó đôi khi là những bản hát cùng (duet) cùng ai đó trong album, hoặc có khi chỉ là sự kết hợp ngẫu hứng trên sân khấu cùng một ai đó trong một bản cover.


Ấy nhưng dù có thích hay không thì có một điều chắc chắn người trần mắt thịt cũng nhận ra giọng hát của Miley Cyrus ngày một đi xuống theo thời gian. Có nguồn tin cho rằng đó là do cô phải mổ cổ họng vì chứng sưng phù cuống họng Reinke’s edema. Có người thì nói giọng cô bị ảnh hưởng từ chứng rối loạn sau sang chấn gây ra bởi vụ cháy nhà – căn nhà chung của cô với người tình lúc đó là Liam Hemsworth. Có nơi thì cho rằng đơn giản vì Miley Cyrus đi lưu diễn từ khi còn quá nhỏ, lúc mới 12 – 13 tuổi, nên ngần ấy năm với chất kích thích và tiệc túng đã quá đủ để tàn phá cái dây thanh quản của mình.


Ngay cả những bài hit khá dễ hát như “The Climb” mà Miley thường lên tới nốt C#5, nốt cũng không quá cao với các ca sĩ nữ, nếu như trong các buổi biểu diễn trước kia (thời đầu những năm 2010s) Miley có thể lên nốt đó dễ dàng thì nay đã là cả một sự cố gắng lớn.


Ấy là còn chưa nói tới những nốt cao hơn mà Miley đã từng lên tới như D#5 trong bài “Party In the U.S.A” hay thậm chí F#5 trong bài “We Can’t Stop”.


Dĩ nhiên cô gái này có thể tận dụng những thủ thuật trong phòng thu để giọng của mình trở nên cao hơn – có lẽ đây cũng là một sự ngạc nhiên dành cho Miley Cyrus – cô đã không cố gắng dùng các kỹ xảo phòng thu hay Autotune bằng mọi giá. Có lẽ một phần vì Miley muốn cống hiến hết mình trong các màn biểu diễn live của mình, nên cũng chả tội gì phải cố vượt sức trong phòng thu và làm khó cho màn trình diễn của mình. Một điểm cộng đáng ghi nhận.


Thế là Miley Cyrus phải tìm cách để vượt qua trở ngại về thanh giọng của mình, khi thì bằng việc tạo ra những thứ nhạc có vòng hòa âm phức tạp hơn nhạc Pop thông thường, cách phối với câu bass đi giai điệu bổ trợ cho phần hát, và chọn những nhạc cụ chơi cùng mở đường cho tông giọng ở tầng “trung” của mình. Tiêu biểu như album Endless Summer Vacation (2023) mới nhất của cô, không cần những nốt quá cao, giọng hát khàn dầy của Miley chính ra lại nhiều cảm xúc và cái hồn trong đó.


Và có một cách Miley Cyrus tận dụng cũng triệt để hơn: sử dụng một giọng hát thứ hai để tạo ra những bản duet đáng nghe trong các album của mình. Điều này đặc biệt hữu dụng khi người duet cùng Miley có thể phụ trách phần bè cao hoặc những đoạn giai điệu lên cao lảnh lót. Nhưng không giống như những bản Pop duet bình thường, cách Miley dùng giọng của người hát cùng có vẻ giống với cách của các rapper hơn cả.


Và điều này xem ra đem lại thêm một điểm cộng thú vị trong nhạc của cô gái trẻ này.


Chắc hẳn dù bạn có nghe hay không nghe nhạc của Miley Cyrus, thì ai cũng biết là cô gái này nổi tiếng nhờ tham gia đóng series đình đám của Disney thời đó là Hannah Montana. Bộ phim nói về một ca sĩ nhạc Country sinh ra trong một gia đình có bố là nghệ sĩ (được thủ vai bởi chính ông bố Billy Ray Cyrus của Miley), luôn phải đảm bảo việc học và sinh hoạt như một học sinh trung học, lại phải vừa phải sống cuộc sống về đêm của một ca sĩ nổi tiếng mang nghệ danh Hanna Montanah.


Miley Cyrus cũng là một nghệ sĩ hiếm hoi có thể bứt ra được khỏi áp lực quá lớn của một nghệ sĩ nhí từ trường đào tạo Disney, để trở thành một nghệ sĩ độc lập. Để làm được chuyện đó, thì xem ra con đường phát triển của cô gái này cũng khá đặc biệt.


Trong khi mấy album đầu của Miley Cyrus vẫn bám theo sở trường Country Pop và “ăn theo” bộ phim Hannah Montana với những ca khúc dễ nghe dễ hát được viết bởi những người khác, Miley Cyrus đột nhiên thay đổi với album Bangerz (2013) và rũ bỏ hoàn toàn hình ảnh ca sĩ nhạc Country có nụ cười hiền.


Và cũng từ đây, Miley Cyrus bắt đầu biết cách tận dụng các “nguồn lực” từ những bản duet để album nhạc của mình trở nên màu sắc hơn cũng như tạo ra những điểm nhấn trong việc phát hành single của mình.


Hơn ai hết, có lẽ Miley Cyrus cũng ý thức được rằng chất giọng Country quen thuộc của cô lâu nay cũng có những hạn chế nhất định, nhất là khi tư tưởng âm nhạc của cô gái này có lẽ đã vượt ra khỏi biên giới của nhạc Pop an toàn.


Đó là những bản nhạc khác bọt như “4x4” cùng Nelly hay “Love Money Party” cùng Big Sean trong album Bangerz, “Tiger Dream” cùng Arial Pink trong album Her Dead Petz (2015), “Rainbowland” cùng Dolly Parton trong Younger Now (2017), “Prisoner” cùng Dua Lipa hay “Night Crawling” cùng Billy Idol trong Plastic Hearts (2020), và mới đây nhất là “Thousand Miles” cùng Brandi Carlile hay “Muddy Feet” hát cùng Sia trong album mới nhất Endless Summer Vacation.


Đĩa Bangerz cùng những bản duet với các nghệ sĩ hip hop, và đĩa Plastic Hearts với những bản song ca với các nghệ sĩ nhạc Rock chắc chắn là 2 album gây cho tôi nhiều cảm tình với cô gái này.


Có cảm giác vì Bangerz là lần đầu tiên Miley Cyrus thử sức với một thứ âm nhạc hoàn toàn mới, cô phải gọi thêm các người anh em Hip Hop như Nelly, Future, French Montana, Big Sean hay Ludacris tới tiếp sức để cho thứ âm thanh mang vóc dáng R&B này nghe đáng tin cậy hơn.


“4x4” cùng Nelly mang đầy vóc dáng của âm nhạc miền Nam, “My Darlin” thì dù rặt chất autotune của Future, còn “Love Money Party” dường như chỉ mượn danh của Big Sean để Miley Cyrus thể hiện khả năng rap khá tự tin của mình.


Trong album Plastic Hearts mang nhiều phong cách Rock, Miley Cyrus lôi kéo được Billy Idol, Joan Jett, và Dua Lipa hát cùng những bản nhạc 1-2-3-4 của mình. Đây cũng là đĩa nhạc mà Miley Cyrus bắt đầu mất khả năng hát ở những nốt cao quãng 5, và những nơi cần hát cao đẹp đẽ thường được ai đó hỗ trợ như trong trường hợp của Joan Jett và Dua Lipa, cũng như lựa ra cách viết nhạc khéo léo như trò chuyện ở cùng tông giọng với ông bạn già giọng khàn như Billy Idol.


“Midnight Sky” cũng là một track đặc biệt, không phải vì nó được viết gần như y nguyên theo cấu trúc của bài “Edge of Seventeen” của Stevie Nicks, mà bởi vì bản Remix của bài này với “Edge of Seventeen” nghe như hai mà một, lẫn chú thích trên tựa đề có sự tham gia của Stevie Nicks lừng danh.


Nhưng rõ ràng khi nghe track này, ta phải tự hỏi, Stevie Nicks hát ở khúc nào vậy vì hầu như toàn là giọng của Miley Cyrus?


Hóa ra chất giọng tuyệt đẹp của Stevie Nicks chỉ điểm xuyết ở câu điệp khúc lên cao “Just like the white ringed love” và đa phần là hát bè cho Miley.


Đó là một cách làm của Miley khiến cho ca khúc trở nên vừa thú vị lại vừa thể hiện sự khiêm tốn nhẹ nhàng của cô gái này khi luôn biết cách tỏ lòng trân trọng với những người đã truyền cảm hứng cho mình.


Nếu nhìn rộng ra, track “Bad Karma” cùng Joan Jett hay gần đây như track “Thousand Miles” cùng Brandi Carlile hay “Muddy Feet” cùng Sia, giọng của những “đàn chị” kia đều xuất hiện một cách rất đặc trưng, nhưng chỉ thể hiện ở mức vừa đủ như thêm một phần nhạc cụ để tôn thêm cho bài hát của Miley.


Cũng nhờ biết cách sự cộng tác ăn ý với những nghệ sĩ tiền bối của mình như vậy, những ca khúc của Miley tự biết cách tạo ra khác biệt với các ca khúc Pop cùng thời khi bản thân chúng luôn mang một chút sự hoài niệm về những thứ âm nhạc đã được công nhận trong quá khứ. Những ca khúc của Miley Cyrus giai đoạn sau này vì vậy khó bị gắn với những mốc thời gian hơn. Ít nhiều thì cô gái này đã biết cách vượt qua những hạn chế của giọng hát để tạo ra những âm thanh có sự hòa trộn vừa đủ giữa xưa và nay, và giữa các thể loại với nhau.


Chẳng phải những ca khúc như “Prisoner” đã khiến bạn liên tưởng ngay tới “Physical” của Olivia Newton Jones, hay “Flowers” khiến người nghe nghĩ tới “When I Was Your Man” của Bruno Mars ngay đó sao? Trong nhiều trường hợp khác, khối kẻ có thể đã nghĩ tới việc khởi kiện lẫn nhau nhưng dường như Miley Cyrus luôn đứng ngoài những scandal này tại sao?


Bên cạnh việc tạo ra những thời khắc đáng nhớ cho riêng mình trong lịch sử nhạc Pop cùng với những ca khúc biểu tượng như “Wrecking Ball”, tôi cho là Miley Cyrus rất thông minh khi luôn cố gắng tạo ra những khoảnh khắc cho riêng mình trong những buổi biểu diễn với những màn cover lại các ca khúc kinh điển. Khi thì là “Comfortably Numb” của Pink Floyd, "Nothing Else Matters" cùng Metallica, lúc lại là “Heart Of Glass” của Blondie. Dù bề ngoài thể hiện là cô gái nổi loạn, Miley luôn có cách thể hiện sự tôn trọng xứng đáng với những nghệ sĩ tiền bối khi có dịp được biểu diễn cùng hoặc có khi chỉ đơn giản là những màn thể hiện để tưởng nhớ người đã ra đi.


Ở chiều ngược lại, những nghệ sĩ Pop đương đại có lẽ cũng luôn biết tìm đến Miley Cyrus mỗi khi âm nhạc của họ cần một chút “màu” của Miley, như bản “Come Get It Bae” của Pharell Williams hay “Nothing Breaks Like a Heart” của Mark Ronson, những bản hit khá ấn tượng với phần giọng hợp lý của Miley Cyrus. Cô điều chỉnh cách hát và thậm chí tiết chế để giọng hát và âm lượng của mình phù hợp cho từng bài, vừa đủ để hòa hợp với giọng của Pharrell, nhưng lại tự tin làm chủ đạo trong bài với Mark.


Tôi cho là có một sự nghiệp như thế xem ra cũng hoàn toàn rồi.


Hẹn gặp lại!


Kink

1,040 views

Recent Posts

See All
bottom of page