“Ông giáo” Yasiin Bey, hay còn được biết tới cái tên Mos Def mà tôi quen gọi hơn, là một người toàn tài. Def biết rap, biết hát, biết chơi nhiều nhạc cụ (keyboard, bass và trống), sản xuất nhạc và diễn xuất. Tuy nhiên, cái tôi muốn tập trung đề cập ở bài viết này là tài năng rap đã đưa anh bước chân vào con đường nghệ thuật. Thứ lời rap đa nghĩa sâu sắc, như thể người nghe đang được “ông giáo” Yasiin Bey / “anh rapper” Mos Def đang truyền đạt những lời thông thái, những điều mà con người ta phải giật mình ngẫm lại về sự vật sự việc đang vần chuyển trong thế giới và vũ trụ, mà chúng đều có một điểm chung: đó là sự thiếu vắng một phương trình cân bằng.
1. Thiên văn học - “Astronomy”
Bắt đầu cho bộ môn “Thiên văn học”, “ông giáo” Yasiin Bey giảng cho chúng ta về một ngôi sao nằm trong vũ trụ ngoài kia với cái tên “Black Star” – Ngôi Sao Đen.
Bey mở đầu lời giảng bằng câu hỏi:
“Ngôi Sao Đen là gì?
Có phải tài tử đeo kính râm lái chiếc xe đen xì?
Hay hành tinh phát sáng đến nơi bạn đang đứng?
Vừa quen thuộc mà lại khác quá chừng
Vừa gần gũi và cũng vừa xa xôi, tươi mới hơn cả đứa trẻ trong nôi”.
Sau đó, phần tiếp lời của “người trợ giảng” Talib Kweli mới mở tiếp cánh cửa để ta hiểu ý Bey nói rằng Ngôi Sao Màu Đen chính là những kiếp người da màu.
Bey muốn nói Ngôi Sao Đen không phải là những hình ảnh sáo rỗng bên ngoài. Đó là những con người sinh ra với màu da tối hơn giống loài khác nhưng họ là những sinh linh “toả sáng” tới người xung quanh. Họ “quen thuộc” bởi cùng là kiếp con người, nhưng lại “khác biệt” vì bị xã hội kỳ thị. Họ muốn “gần gũi” nhưng lại bị xã hội “lánh xa”.
Để tiếp lời Kweli, Bey mô tả “Ngôi Sao Đen” có màu:
“Đen như ánh mắt của cô con gái
Như tấm vải che khuôn mặt người phụ nữ đạo Hồi
Đen như hành tinh người ta sợ vô cớ
Như những nô lệ trên con thuyền đang chở
Đen như những gò má mà giọt nước mắt lăn bên lề
Hằn trên khuôn mặt những khổ đau bao thế hệ
Đen như tâm súng của những kẻ sát nhân
Đen hơn cả chiếc ghế ngả của người ông
Chưa bao giờ có thời gian vơi muộn phiền
Bởi cuộc sống vẫn luôn là cuộc chiến”.
Đến đây chúng ta mới hiểu thêm ý của Bey, thay vì Màu Đen thường được thế giới dùng để miêu tả những thứ xấu xa, thì với Bey, Màu Đen tượng trưng cho cả sự tốt đẹp lẫn khổ đau. Do đó, nó được ví như là vẻ đẹp đượm buồn trong ánh mắt của cô bé gái chưa biết tương lai đón chờ mình ra sao, là vẻ đẹp kiều mỹ nhưng che giấu những uẩn khúc của những cô gái đạo Hồi. Và đó chắc chắn là nỗi khổ đau của cộng đồng người da màu bị người da trắng áp bức.
Kết thúc bài giảng, “ông giáo” Yasiin Bey sử dụng các con số để kêu gọi:
“Nào mọi người hãy tham gia chung MỘT bài
Được chuyển tải bởi HAI con người
Nhìn cuộc đời bằng con mắt thứ BA, vũ trụ bao la được tạo ra bởi không gian NĂM chiều
Ánh ảo diệu thứ TÁM sẽ chiếu sáng màn đêm”
Ở đây “ông giáo” Bey nói đến HAI con người gồm “ông giáo” Bey và “trợ giảng” Kweli, con mắt thứ BA là con mắt có thể nhìn ra sự thật, và không gian NĂM chiều đại diện năm cột trụ của Hồi Giáo. Bey sử dụng các con số 1, 2, 3, 5, và 8 là những số trong dãy Fibonacci khi mỗi số trong dãy bằng tổng của hai số liền trước đó. Thế nên “ánh ảo diệu thứ TÁM” tượng trưng cho sự khai sáng của tình đoàn kết của nhân loại, là tập hợp của các mảnh đời, số phận trong vũ trụ, tạo nên một số 8 hợp nhất. Dãy số Fibonacci này cũng là nguồn gốc cho tỷ lệ vàng hoàn hảo được áp dụng trong nhiều khía cạnh của xã hội và thế giới. Nhưng liệu sự hợp nhất cân bằng hoàn hảo này liệu có tồn tại?
Bản track “Astronomy (8th Light)” này là một trong bài thuộc dự án album “Mos Def & Talib Kweli Are Black Star” mà hai rapper Mos Def và Talib Kweli cùng sáng tác. Cả hai anh này quen nhau từ thời họ còn giao du với các đội Hip Hop underground ở New York. Sau khi Def ký hợp đồng ghi âm với hãng ghi âm độc lập Rawkus Records và tình cờ nghe được băng demo của Talib Kweli, anh giới thiệu luôn Kweli với Rawkus. Kết quả là sau những phản hồi tích cực từ màn phối hợp đầu tiên giữa Def và Kweli, cả hai đều quyết định ưu tiên cho dự án hợp tác âm nhạc này với cái tên Black Star, trước khi họ tập trung cho sự nghiệp solo của riêng mình.
2. Sinh học – “Hệ hô hấp” / “Respiration”
Vào thời điểm album bộ đôi của Black Star phát hành vào năm 1998, thị trường âm nhạc Hip Hop kiếm bộn từ những sản phẩm có nội dung bạo lực và gangsta như Notorious B.I.G. hoặc Jay Z, hay khoe mẽ về lối sống xa hoa phù phiếm như Puff Daddy. Thế mà nhạc của Mos Def và Talib Kweli đi ngược lại lối sống vật chất, ngược lại với những hình ảnh bạo lực. Thay vào đó, họ rap về thực tại của xã hội, thứ mà cả hai đã được gắn cái mác “Conscious Rap” mà tôi có viết trước đây về anh Talib Kweli.
Đáng nể cái là cách thức truyền đạt những “kiến thức” này của họ đều qua những hình ảnh ẩn dụ đầy sáng tạo, cụ thể như ở “bài giảng” tiếp theo của “ông giáo” Yasiin Bey ở bộ môn “Sinh học” mà tôi muốn kể đây qua bài “Respiration” (“hệ hô hấp”) cũng trong album của Black Star.
Trong bài giảng, Bey kể về thành phố nơi ông sinh sống
“Người New York chúng tôi, những con nghiện hay kẻ mơ màng
Thành phố đầy công trình và ánh sáng
Nơi có kẻ kiếm cơm bằng mớm tin chứng khoán
Và tội phạm đi móc túi làm càn
Bàn tay chai sạn thó cả đồng hồ cũ
Dưới công trình chọc trời cao sừng sững, là cuộc sống đắt đỏ đến vô chừng
Nếu muốn sống? Thì cống tiền không chầu trời
Không có siêu anh hùng như Người Dơi
Cùng một hội, giữa cảnh sát và cướp đường
Cùng một phường, vô nhân đạo, không còn chút lương tâm.”
Nghịch lý của cuộc sống mà Bey vạch trần ở thành phố New York nguy nga tráng lệ thì ẩn khuất sau nó là sự sinh tồn của những con người nơi đây. Cả hệ thống xã hội khắc nghiệt như những kẻ trấn lột cướp đi mưu sinh của người lao động, thậm chí cả hơi thở và tính mạng. Sự sinh tồn này vì thế được ví như hệ hô hấp của thành phố, xã hội và chính con người. Nó vận hành theo những cách mà chỉ người lao động mới thấm thía sự cùng cực ở đây.
Trong phần hook, Bey nói thêm rằng
“Quá nhiều thứ trong tâm trí khiến tôi nằm không yên
Mắt nhìn trân trân vào màn đêm, cho tới khi bình minh dậy
Hít vào, nuốt đầy làn hơi từ chùm sao đang tỏa sáng
Thở ra, làn khói trắng vẽ lên đường chân trời
Tâm trạng rối bời, tôi có thể cảm nhận hơi thở của thành phố
Ngực trĩu nặng đè lên da thịt buổi tối mai
Trút hơi dài trước khi màn đêm chìm xuống
Chuyến tàu muộn lăn bánh khỏi nhà ga”.
Câu gốc “blastin’ holes in the night 'til she bled sunshine” của Bey ngoài miêu tả màn đêm dài trước bình minh, nó còn ám chỉ tiếng súng nổ đã xé toang màn đêm để lại cái xác nạn nhân nằm đó chỉ được phát hiện vào sáng hôm sau. Có thể nói, qua đoạn lời trên, Bey không chỉ tả về cảm giác nặng trĩu của con người mưu sinh nơi đây, mà còn ví thành phố New York vận hành như một cơ thể sống, chỉ có điều nó đang hấp hối, chờ đợi trút hơi thở cuối cùng.
Lời truyền giảng của “ông giáo” Bey về sự sống của sinh linh, của thành phố được ví như con người. Nó có cả tế bào tốt và tế bào xấu. Nhưng đó không phải là một cơ thể cân bằng khi những tế báo xấu chỉ khiến thành phố “trở bệnh” ngày một nặng, như thể cơ thể đó chỉ còn thoi thóp chờ ngày tàn.
Để viết những lời rap sâu xa giàu ý nghĩa như bài thơ trên, Mos Def cũng không phải hy sinh kỹ thuật rap. Nếu như anh bạn Kweli có những cách để dồn số lượng từ ngữ khác nhau trong mỗi khuông nhạc ở cùng một đoạn, thì Def giữ vững một kỹ thuật chắc chắn, khi thả vần, đặc biệt vần đa âm ở cuối câu nhấn theo đúng cùng một nhịp. Ví dụ như đoạn lời ở phía trên mà tôi nhắc lại dưới đây theo bản ngữ tiếng Anh, để đánh dấu các âm vần được gieo theo đúng một trình tự. Kể cả với những từ không hẳn đồng âm, thì Mos Def sẽ phát âm chệch đi, sao cho nó nghe gần sát nhất, tạo nên sự đồng nhất của đoạn rap trong suốt 12 khuông nhạc:
“We New York, the narcotics / Draped in metal and fiber optics / Where mercenaries is paid to trade hot stock tips / for profits / Thirsty criminals sic pockets / Hard knuckles on the second hands of working-class watches / Skyscrapers is colossus, the cost of living is preposterous / Stay alive? You pay or die, no options / No Batman and Robin / Can't tell between the cops and the robbers / They both partners, they all heartless, with no conscience”
Đây cũng lý do khiến nhịp flow của Def giữ đều đặn, và có phần dễ nghe hơn Talib Kweli.
3. Toán học – “Mathematics”
Sau sản phẩm đĩa phối hợp đôi đó, Mos Def tung ra album solo đầu tiên Black On Both Sides, cùng với album Black Star kia, trở thành đĩa nhạc kinh điển trong lịch sử Hip Hop. Điều đáng nói là đĩa solo này của Def càng khẳng định vị thế của anh trong mảng Conscious Hip Hop. Được gắn cái mác mà tiếng Việt dịch ra là “Hip Hop thức tỉnh” này, bất chấp một số lời dèm pha về thể loại mà như tạp chí Complex từng tả là “tỏ vẻ hơn người”, lời lẽ trong nhạc của Mos Def không những không “tỏ vẻ”, mà đúng thực là “hơn người” khi anh chỉ ra được những vấn đề mà cả bộ máy xã hội tìm cách che đậy. Trong đó, đỉnh nhất vẫn là bản “Mathematics” – được ví như bài Hip Hop hay nhất sự nghiệp của Mos Def trong album solo đầu tay này. Nó không chỉ nằm ở phần beat có câu đàn chạy phừng phực, mà nó ở ngay những con số vô hồn tồn tại trong xã hội.
Ở đây tôi sẽ không đi sâu vào bài giảng của “ông giáo” Yasiin Bey, mà sẽ tập trung vào những con số mà Bey đưa ra, để tất cả chúng ta cùng nhẩm tính.
Trước tiên, Bey hình tượng hóa các con số từ 01 đến 10 để nhắc nhở người nghe về thực tại của xã hội:
”Chỉ có MỘT định luật vũ trụ, nhưng luôn đủ HAI mặt mỗi câu chuyện
BA lần tuyên án là tù mọt gông
Chỉ đúng trong có BỐN năm BỐN MC bị giết
Và tôi biết mình không muốn thành kẻ thứ NĂM khi thời khắc thiên niên kỷ đang đón chờ
Có SÁU triệu cách lên bàn thờ từ BẢY đại tội
Đứa trẻ TÁM tuổi cầm trong tay khẩu súng CHÍN li
Đã MƯỜI giờ khuya, đứa con dại còn lạc nơi đâu?”
Các con số này càng trở nên phức tạp hơn khi Bey lôi những số liệu thực tế:
“Đây chỉ là trò chơi về con số, nhưng chúng không tạo nên sự cân bằng
Nếu tôi nói rằng tôi có 16 đến 32 bar mỗi đoạn nhạc
Nhưng có chăng 15% lợi nhuận được mang về
Nếu ta kể con số 69 tỷ của 20 năm qua
Dành cho an ninh quốc gia mà người dân vẫn sống trong sợ hãi
Một phần hai thành phố có dân số ¼ người da màu
Mới bảo sao số “hàng trắng” được thàu cho Ricky Ross
16 ounce vừa 1 pound, cộng 20 suýt thì ngót 1 kí
Thế là đủ cướp đi quyền tự do một con người
Tại phiên toà diễn ra chưa đầy 5 phút”
Vụ việc liên quan đến trùm “mai thúy” Ricky Ross được phát hiện và vạch trần qua loạt tin của phóng viên Gary Webb. Theo kết quả điều tra của Webb, từ những năm 80, CIA đã chủ đích hỗ trợ các nhóm vũ trang cánh hữu Contra. Bằng việc để mặc cho hội buôn bán “mai thúy” Contra tuồn hàng vào trong nước, chính phủ Mỹ có được số tiền lớn để hỗ trợ vũ khí cho Contra chống lại chính quyền hội đồng Tái Thiết Dân tộc Nicaragua của phe Sandinista. Đổi lại, việc tuồn “mai thúy” vào cung cấp cho “Freeway” Ricky Ross đã giúp tay trùm này phân phối số lượng lớn tới thị trường trong nước, “góp phần” gia tăng loạt tệ nạn buôn bán hàng nóng và bạo lực tại Mỹ. Và điều đáng nói là phần lớn nạn nhân chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ vụ việc này lại chính là những người da màu sống trong nước Mỹ, trước sự làm ngơ của tòa án và luật pháp để đạt mục đích chính trị đằng sau đó. Kết quả của cuộc điều tra này dĩ nhiên chưa bao giờ được đưa ra ánh sáng, và mãi chỉ là một thuyết âm mưu, được viết thành sách Dark Alliance và chuyển thể qua bộ phim “Kill The Messenger” rất hay do Jeremy Renner thủ vai.
Ngoài ra trong bài Toán học này, “ông giáo” Bey còn điểm suyết những số liệu vô hồn khác như mức lương tối thiểu chỉ tầm 5.15 đô trong khi tỷ lệ thất nghiệp của người da màu có bằng cấp tương đương với người da trắng lại cao gấp ba. Phần lớn họ đều thất nghiệp hoặc nếu có may mắn hơn thì cũng chỉ được trả mức thu nhập bèo bọt, không đủ trang trải cuộc sống. Và dưới hệ thống kinh tế khi mà các nhà tù được tư nhân hoá ở nước Mỹ, tỷ lệ người da màu bị tống trại vẫn tăng cao, bất kể thực tế tỷ lệ tội phạm vẫn đang giảm. Tất cả chỉ để đút vào hầu bao riêng của những ông lớn đứng đằng sau. Thế nên Bey mới nói “đây đúng thuần chuyện kinh doanh”, khi cái hệ thống phân loại con người già trẻ, lớn bé theo từng số liệu. Và quan trọng nhất là khi cái xã hội cuối cùng vẫn phân định chỉ vỏn vẹn trong 2 nhóm, “người da màu” và “những người còn lại”:
“Những con số thô cứng và sống sượng
Và chúng dường không có chút cảm thương
Nhưng quá cương, chúng cũng vượt sức chịu đựng
Tại sao lưng con lạc đà sụp xuống bởi một sợi rơm
Vì nó đã nâng triệu sợi rơm trước đó
Tất cả do phương trình môn Toán học”
Và thế là khi hệ thống xã hội đặt cho mỗi con người một con số đại diện, bỗng dưng mọi việc trở nên dễ dàng hơn trong cách xã hội đó vận hành. Bởi với chúng, những thân phận con người đó chỉ là những con số vô hồn. Có điều khi những con số bị dồn nén, thì câu chuyện con lạc đà trên sẽ tựa như xã hội đang chết dần chết mòn.
Cái tài của Mos Def là những gì anh nói đến trong bài rap này, dù từ hơn 20 năm trước đây, đến giờ nó vẫn phản ánh đúng dường nào thực tại của xã hội. Có lẽ vì cuối cùng tất cả cũng chỉ nằm ở vấn đề toán học và phương trình thiếu cân bằng mà “ông giáo” Yasiin Bey / aka Mos Def không tìm được lời giải.
Hẹn gặp lại!
Kunt