Vẫn luôn là như thế, mỗi khi Mr. Big mở đầu một bản nhạc của mình, nó có thể cuốn phăng bất cứ điều gì, kể cả những tiêu chuẩn hay những thói quen cầu kỳ của bạn về một kiểu nhạc ưa thích. Chẳng gì thì họ cũng là một supergroup đã tồn tại qua rất nhiều thăng trầm suốt hơn 3 thập kỷ đến nay, và dẫu rằng bất cứ ai nhắc đến họ cũng đều bật ra bài hát “To Be With You”, thì những kẻ may mắn hiếm hoi như tui được chứng kiến một show diễn live của họ đều phải gật gù mà rằng mấy gã này chơi nhạc Rock quả nhiên ra trò.
Nhạc của Mr. Big có đủ các yếu tố mà một band Rock nặng thường có: riff hay, sự hiện diện của những màn trình diễn kỹ thuật siêu đẳng của tay guitar Paul Gilbert và tay bass Billy Sheehan, giọng hát cao vút không biết mệt mỏi của Eric Martin, tiếng trống mạnh mẽ của Pat Torpey, và quan trọng hơn cả, là khả năng điều hòa siêu hạng giữa tốc độ của hai tay guitar chuyên shred với phần nhạc giàu giai điệu khắc khoải của Eric Martin. Âm nhạc của Mr. Big luôn biết cách cuốn bạn theo trong mấy phút của bài hát và tạm thời quên đi thế giới xung quanh.
Nếu như có một công thức cộng hợp khả năng chơi nhạc của các thành viên lại và giá trị tổng hợp đó dùng để đánh giá một ban nhạc giỏi đến đâu, thì hẳn với trình độ chơi nhạc của các thành viên, Mr. Big có thể cân với bất kỳ những ban nhạc hay nhất. Nhưng sự ưu ái quá mức của các kênh radio với những ca khúc ballad của Mr. Big đã vô tình khiến cho phần đông khán giả không có điều kiện để nhận ra rằng, mấy gã này tập hợp nhau lại để Rock, và ở giữa những hằng hà sa số các ban nhạc trọng hình ảnh và sự ăn chơi vô bờ bến cùng thời, Mr. Big có thể chiến thắng bất kỳ ai trống số đó và trở thành vô địch trong các ban nhạc. Hoặc chí ít thì họ cũng đã dăm lần bảy lượt suýt ngự trị trên đỉnh thế giới.
1. Ban nhạc của "thánh" Sheehan
Mr. Big là ban nhạc supergroup được một tay Billy Sheehan gây dựng nên, sau khi đã đạt được kha khá thành công ở cuối thập niên 80s cùng Steve Vai trong ban nhạc của David Lee Roth với hàng triệu đĩa được bán với hai album solo đầu tay của anh này thời hậu Van Halen. Billy muốn lập một ban nhạc riêng chơi nhạc của riêng mình bèn tìm đến Mike Varney, sếp sòng của hãng Shrapnel, nơi chuyên chăm sóc các tài năng chơi nhạc đặc biệt và cũng là hãng đĩa hiếm hoi cổ súy cho phong trào “shredding”. Mike Varney kéo Paul Gilbert, tay guitar neo classical có kỹ thuật và triển vọng như một Yngwie Malmsteen mới của band Racer X. Pat Torpey thì vốn nổi tiếng trong giới khi đã từng chơi trống cho những nghệ sĩ solo như Belinda Carlisle, Ted Nugent, hay Robert Plant; và cuối cùng là ca sĩ lúc ấy còn chưa mấy tên tuổi nhưng có giọng hát đầy soulful là Eric Martin.
Mr. Big ra album đầu tay mang tên band vào năm 1989, và ngay lập tức gây ấn tượng với màn dạo đầu trên cây bass của Sheehan trong ca khúc anh mang theo từ thời David Lee Roth, “Addicted to The Rush”. Không chỉ vậy, tiếng bass dày đặc và cực nhiều lần shred đồng thời cùng Paul Gilbert là thứ đặc trưng khiến cho album Mr. Big nghe cực cuốn, như những “Hard Enough” hay “Rock n Roll Over” là nơi tài năng chơi bass của Billy Sheehan có thể phô trương một cách không cần giấu diếm. Cũng y như cách người đời ca tụng Sheehan là Eddie Van Halen chơi đàn bass vậy. Ai cũng muốn jam nhạc cùng Billy Sheehan, và ai cũng muốn có anh thu nhạc cùng. Vậy nên dù muốn hay không, bản thân Mr. Big đã mang trong họ cái “gene” của một ban nhạc lớn. Tất cả chỉ còn tùy thuộc xem họ muốn đi xa đến đâu.
Chơi bass là phải dư lày
Nhưng thời điểm xuất hiện của Mr. Big cũng lại là một vấn đề to đùng, vì 1989 là thời điểm Glam Metal chuẩn bị suy yếu và nhường thế giới lại cho những ban nhạc đến từ Seattle. Dù gì thì những điều tốt đẹp nhất với Mr. Big hãy còn ở trước mắt.
2. One hit wonder
Eric Martin đã nhiều lần cười mà rằng ở thuở hàn vi các fan chỉ kéo đến xem Mr. Big vì cái tên Billy Sheehan và Paul Gilbert. Thậm chí, sau show diễn, mọi người còn nhờ Martin đi kiếm Sheehan và Gilbert để xin chữ ký mà không ai nhận ra người dẫn họ đi chính là ca sĩ chính của ban nhạc. Album thứ hai, Lean To It (1991), đã thay đổi tất cả. Không thể tìm thấy một điểm yếu nào trong các bài trong album này, và dĩ nhiên, single “To Be With You” đã đạt No. 1 ở tận 15 nước. Một thành công không ngờ tới đối với tất cả các thành viên trong ban nhạc, nhất là với Eric Martin, người viết ra ca khúc này. Từ nay mọi người đều đã biết ca sĩ của ban nhạc là ai (bên cạnh thánh Sheehan và siêu cầm thủ Gilbert). Thành công thì ai chả thích, nhưng chính Mr. Big cũng phải thừa nhận rằng, họ đã thử nhiều lần làm lại như “To Be With You” nhưng không bao giờ có thể nữa. Và cũng vì thế mà khối người liệt họ và những band kiểu như Extreme vào nhóm những ban nhạc One-hit-wonder.
Cũng bởi thành công quá mức của ca khúc này, mà khán giả thường bỏ qua những track cực đáng nghe khác như “Daddy, Brother, Lover, Little Boy”, ca khúc cực sung thường được biểu diễn với Sheehan và Gilbert mỗi ông chơi đàn bằng một cái khoan Makita để đẩy tốc độ shred lên tới mức tay người thường không thể làm nổi. Rồi cả những “Green-Tinted Sixties Mind”, “CDFF-Lucky This Time”, “Never Say Never”, âm nhạc của Mr. Big như tóm tắt lại những gì đẹp đẽ nhất trong cách hát, viết nhạc, và trình diễn của Glam Rock.
Thứ gì ấn tượng hơn: giọng ca chói vói của Eric Martin hay cặp khoan Makita?
Nếu như Mr. Big cần một bàn đạp để chinh phục thế giới, thì đó là đây với Lean To It. Nhưng khi đã bước sang thập niên 90s, họ có lẽ phải chọn cho mình một trong hai con đường để chinh phục, hoặc phải viết những thứ nhạc cầu kỳ hơn cho xứng tầm virtuoso của họ, hoặc đóng khung mình với thứ âm nhạc ballad giàu giai điệu mà lâu nay họ vẫn được các kênh radio ưu ái. Chẳng gì thì Lean To It cũng mang theo cả một bản ballad ăn khách khác là “Just Take My Heart” đó sao?
Chỉ tiếc là Mr. Big lại vẫn muốn tốt cho cả hai.
3. Kỳ vọng về những bậc virtuoso
Chứng kiến khoảng thời gian đầu thập niên 90s khi nhạc Grunge hất cẳng Metal khỏi âm nhạc đại chúng có lẽ đã khiến nhiều người phải thay đổi suy nghĩ. Tiếp tục làm Metal truyền thống cũng không ổn – Skid Row có lẽ là đại diện cuối cùng của thứ âm nhạc này và rồi cũng đã tan biến. Những ban nhạc của những bậc virtuoso như Van Halen cũng phải thay đổi và bớt dần thứ âm nhạc “vui vẻ” của họ thay bằng những thứ nhạc “sâu đíp” hơn. Một điểm ưu việt đáng ghi nhận của nhạc Grunge so với Metal: khán giả bắt đầu ưa những bước chuyển hợp âm cầu kỳ hơn và những giai điệu lạ tai. Những người chơi Metal giỏi nhất còn sót lại cũng phải chuyển mình và tìm đến những thứ âm nhạc cầu kỳ hơn như progressive.
Có lẽ đó cũng là kỳ vọng của khán giả dành cho những người siêu đẳng như Paul Gilbert. Mr. Big bắt đầu được mời đánh mở màn cho Rush cũng như Aerosmith, và những xì xầm bàn tán về việc Mr. Big sẽ tận dụng ưu thế “sạch sẽ” và trình độ chơi nhạc thượng thừa của họ để trở thành một prog band đúng nghĩa ngày một nhiều.
Chỉ trừ việc, Mr. Big vẫn ngây thơ cho ra 2 album tiếp theo, Bump Ahead và Hey Man với những thứ âm nhạc không đi theo hướng progressive cũng chẳng phải ballad rock như kỳ vọng. Eric Martin vẫn không thể hài lòng với việc chơi nhạc theo chiều hướng “shredding” điên cuồng như cách của Paul Gilbert trước đây với Racer X, và với việc ảnh hưởng của anh trong ban nhạc ngày một lớn, mảnh ghép “giai điệu” của anh vẫn phải tìm cách gắn bó một cách khiên cưỡng với mảnh ghép “tốc độ” của Paul Gilbert. Ở vị trí anh cả trong band và lại chơi bass, Billy Sheehan bỗng nhiên không thể dung hòa cả hai trường phái này, nên dù vô tình hay hữu ý, phần hợp âm của những bài nhạc Mr. Big trong thời kỳ này bỗng đơn giản một cách lạ thường. Tốt cho giai điệu và guitar solo, nhưng không hề tốt cho thị trường.
Ballad luôn là thế mạnh của Sheehan và Martin
Nói như thế không phải Mr. Big không có những track đáng chú ý, như “Colorado Bulldog” hay “Price You Gotta Pay”. Nhưng rồi những đoạn đầu khủng của những bài này cũng chỉ có thể làm được nhiu đó để kéo lại phần điệp khúc lẫn cấu trúc bài (hát/điệp khúc/hát/điệp khúc/solo/bridge/điệp khúc) thường là khá đơn giản.
4. Khi nhạc Rock bị Grunge quét sạch
Nhạc Grunge lên nhanh và cũng xuống nhanh. Dăm lần bảy lượt rồi thì nhạc Rock truyền thống cùng tìm cách trở lại với những hình thái khác nhau. Những ông kẹ trước đó như Metallica bỗng trở nên bình thường với Load (1996), Guns N Roses thì tan rã, progressive metal thì hãy còn đang đi tìm chính mình, còn Nu Metal thì phải chờ thêm một vài năm nữa. Tui cho đây là thời gian cực thích hợp để những band có khả năng như Mr. Big có thể dẫn dắt một làn sóng âm nhạc mới.
Nhưng tất cả những gì họ làm được chỉ là Hey Man (1996). Âm nhạc nghe nhiều phần công nghiệp hơn, và phần nào làm những ca khúc của họ trở nên trực diện và thú vị hơn. Nhưng một lần nữa, những đoạn điệp khúc poppy quá chỉ khiến cho album của họ trở nên xa lạ với chính âm nhạc được yêu thích của họ trước đó. Những track ít ỏi với phần nhạc cực đã như “Take Cover” cũng tự nhiên trở thành lạc lõng với thứ âm nhạc “lai” trong album này.
Pat Torpey luôn tuyệt vời trên giàn trống
Tệ hơn, Paul Gilbert rời band vì không thể chịu nổi những xung đột trong âm nhạc giữa Eric Martin và Billy Sheehan. Màn lấp chỗ trống của Ritchie Kotzen sau đó với nhiều đóng góp hơn trong phần hát cùng Eric Martin cũng chỉ giúp Mr. Big lê lết qua thập niên 90s chứ chưa nói gì đến việc chinh phục. Năm 2002, chịu hết nổi, Mr. Big nghỉ chơi.
5. Những dự án riêng lẻ xuất sắc
Trước khi Mr. Big tái hợp vào năm 2009, các dự án riêng của các thành viên đều tuyệt vời. Đúng hơn là phần của Paul Gilbert và Billy Sheehan. Gilbert đã thỏa lòng mong ước khi rời Mr. Big, tái hợp lại Racer X cũng như ra album solo của riêng anh, cả hai đều rất thành công với những Flying Dog (1998), Technical Difficulties (1999) hay Superheroes (2000). Billy Sheehan thì đi lưu diễn cùng Tony Macalpine, Mike Portnoy, và Derek Sherinian dưới cái tên superprog PSMS cũng như tham gia rất nhiều các album progressive với các vị anh hùng cái thế khác trong thời gian này. Eric Martin cũng kịp ra mấy album "nhạc Nhựt lời Tây" Mr. VOCALIST rất ăn khách ở xứ Phù Tang. Vậy nên khi Sheehan tuyên bố Mr. Big sẽ tái hợp vào năm 2009, rất nhiều sự kỳ vọng đã được đặt ra họ sẽ mang theo những thành công đó để khiến Mr. Big trở nên to lớn thêm một lần nữa.
Album của Mr. Big không bao giờ thiếu điểm sáng
Nhưng ngẫm lại, kỳ vọng với âm nhạc xem ra chỉ là một thú tự tiêu khiển với đầu óc của mình một cách không cần thiết. Supergroup xét cho cùng cũng vẫn thường là nơi các thành viên ban nhạc, vốn đã thành công ở nơi khác, gặp lẫn nhau để jam và thử nghiệm những thứ hay bị bỏ qua ở nơi họ thành công. Supergroup nào cũng có một vài điểm sáng đáng nhớ, nhưng liệu có mấy supergroup trong lịch sử có ý định duy trì thành công của họ một cách nghiêm túc, chí ít thì ngang với thành công trước đó của mỗi thành viên?
Với một fan như tui đây, Mr. Big luôn có thừa khả năng làm đầy vài ba tiếng nghe nhạc buổi tối mỗi khi rảnh rỗi. Và có lẽ như vậy cũng là đủ rồi.
Hẹn gặp lại.
R.I.P Pat Torpey (07/02/2018)
Kai