“Sự nghiệp của Myles Kennedy như bước ra từ trong film vậy”.
Ông Kai với ông Kroon ngồi gật gù với nhau. Ba cốc bia hơi buổi chiều lạnh. Ông Kai thì bảo “câu đó đúng nghĩa đen”, ông Kroon thì vặc lại “nghĩa bóng”. Nói thật, trong đầu Kunt tôi không có chút gợi nhớ nào về cái anh Myles Kennedy nầy. Thôi đành ngồi chép lại câu chuyện chém gió của hai ông kia vậy.
Năm 2001, khi vẫn còn đang trong band Mayfield Four, Myles có tham gia một vai “cameo” trong film “Rock Star” của Mark Wahlberg. Trong film, Mark Wahlberg đóng vai một ca sĩ được chọn hát cho chính ban nhạc mình thần tượng, sau khi ca sĩ chính của nhóm bỏ đi do mâu thuẫn. Đến cuối film, Mark Walhberg quay lại chính cái cảm giác đó khi anh cũng bỏ đi ngay giữa show diễn, trước khi kéo ra từ trong đám khán giả một “fan cuồng” hát cực hay, và anh đó nghiễm nhiên trở thành ca sĩ của Steel Dragon thay cho chính Mark Walhberg, y như anh trước đây. Vị “fan cuồng” đó không ai khác chính là Myles Kennedy, được gọi đóng trong film vì họ cần một người có giọng cao vút như anh Miljenko Matijevic của Steel Heart. Ngộ cái là trong cả film chỉ có mỗi giọng của “fan cuồng” là giọng thật (của Myles), còn giọng của mấy anh ca sĩ lừng danh thì đều được dubbed bởi Miljenko. Myles Kennedy đã lấp vào chỗ trống của Mark Wahlberg như vậy đó.
Tua nhanh đến năm 2009, Myles Kennedy bắt đầu làm việc với Slash, khi Slash sa thải ca sĩ lắm tài nhiều tật Scott Weiland (Stone Temple Pilots) và giải tán nhóm Velvet Revolver (nghe quen không?) Slash khi đó muốn thử nghiệm nhiều người trước khi tìm ra người có thể cộng tác với mình lâu dài, vậy nên, album Slash 2010 có đến gần 20 ông bà anh chị ca hát đủ thể loại, kể cả cô Fergie, và trong đĩa đó, Slash tuyệt hay khi chơi nhạc của ai ra đúng chất người đó, cả Ozzy Osbourne (Heavy metal), Chris Cornell (Grunge), Lemmy (Hard Rock/Speed metal) và Iggy Pop (Punk Rock). Trong đĩa đó, duy chỉ có 1 người được hát 2 bài: Myles Kennedy, và cũng là người sau đó thu một lèo 3 album với Slash.
Có thể Myles và Slash chia sẻ cùng một niềm ham thích với lối chơi guitar mang hơi hướng nhạc Blues và Jazzy. Cách xây dựng câu riff, cũng như bài hát, của Slash, vì vậy, thường dựa trên nền tảng nhạc Blues khi anh đặc biệt thích xây dựng chuối hợp âm xoay quanh các hợp âm chính dây buông như A, Am, E, Em. Điều này giúp Slash, người thích biểu diễn live hơn thu đĩa trong studio, có thể thoải mái tung hoành trên sân khấu khi tay trái được tự do hơn, và các đoạn solo của anh khi tới cao trào thường được ‘leo thang’ bằng các câu chạy từ phím thấp lên, một kiểu “dồn ép” thường thấy trong Blue Rock. Slash là một trong những nghệ sỹ hiếm hoi không phải ca sĩ, là người thực chất dẫn dắt ban nhạc. Đi xem “Not in this lifetime” tour mới thấy, Slash mới là người dẫn dắt toàn bộ show diễn, chứ không phải Axl béo.
Với Slash, Guns luôn là ưu tiên số một trong tâm trí, bất kể thời điểm nào. Đặc biệt hơn, trong anh thậm chí có 2 Guns: Guns của “Appetite” với thứ âm nhạc có thể tàn phá thế giới và Guns của “Illussions”, với thứ âm nhạc đạt đến sự hoàn mỹ của sức sáng tạo, sự hiểu ý, và sự cống hiến cho các fans. Anh viết nhạc luôn với một tâm thế là thứ nhạc đó dành cho Guns “Appetite”, trừ khi Axl nói “khồng, mình không chơi kiểu này”, thì anh sẽ giữ lại cho riêng mình. Các đĩa của Slash từ thời Slash’s snakepit cho đến Myles Kennedy, vì vậy, đều gợi cho người nghe ý niệm mơ hồ về thời “Appetite”, hoặc giả như nếu bạn có ghét Axl Rose, bạn sẽ nghĩ “giá như có bộ khung của Guns và thay Axl bằng Myles Kennedy”. Có thể, Velvet Revolver đã từng là một ý tưởng như vậy, có điều Scott Weiland không hẳn là nghệ sĩ như vậy. Hơ, mà nhé, lúc trước Velvet Revolver đã từng gửi lời mời, nhưng do đang ở giai đoạn trầm cảm, Myles từ chối. Tựu chung thì cái gì cũng phải có thời điểm của nó.
Mãi rồi thì Slash gặp được Myles Kennedy.
Phải đi xem Myles Kennedy hát tận mắt mới thấy anh đa-di-năng thế nào. Trong show diễn với Slash, Myles hát tất cả mọi thứ, từ nhạc của Slash, nhạc của Snakepit, nhạc của Alterbridge, nhạc của Revolver, cho đến nhạc của Guns. Nếu bạn là fan trung thành của Gún, một ca sĩ còn trẻ và giàu năng lượng, lại hát Civil War và Rocket Queen hợp ý với Slash như vậy, ai mà không mường tượng ra một mô hình “Guns N Myles” cơ chứ.
Bọn tôi đã từng tâm sự, “World on Fire” như là tập 2 của “Appetite” vậy. Nhưng trong đĩa đó, Slash và Myles vẫn như hai nghệ sĩ hợp tác với nhau, và ranh giới giữa “lãnh địa của Slash” với “lãnh địa của Myles” vẫn khá là rõ, đâu đó giữa track 8 và 9. Chỉ đến khi đĩa “Living in Dream” phát hành hồi tháng 9 năm nay, đó mới là âm nhạc của một band đúng nghĩa. Trong đĩa này, sự hòa hợp giữa Slash và Myles đã thực sự chín muồi, và ranh giới giữa “nhạc của Slash” và “nhạc của Myles” dường như đã bị xóa bỏ.
Đỉnh điểm là những track như “Mind your manners”, “My antitode”, hay “Driving Rain”, khi cả lyric và tinh thần âm nhạc vừa có góc đen tối của Myles, vừa có sức công phá và bất cần của Slash. “The Call of the wild”, “Sugar Cane” hay “Boulevard of a broken hearts” cũng là những track rất hay khi kiểu hát đặc trưng của Myles vẫn vậy, nhưng đã tùy biến theo kiểu làm nhạc của Slash. Khi biết là nhạc của “Living in dream” được viết từ trước khi Slash tham gia Guns trong tour “Not in this lifetime”, có một cảm giác rất khó diễn tả khi có một cái gì đó không công bằng cho Myles Kennedy và “Living in dream”…
Hy vọng là Myles cũng không quá bận tâm, bởi vì anh luôn không ngừng làm việc. Sau đĩa mới nhất của Alterbridge, “The Last Hero”, ra cuối năm 2016 và lưu diễn, anh tiếp tục ra album solo, “Year of the Tiger” đầu năm 2018, và rồi ngay sau đó là “Living in Dream” vừa ra tháng 9 năm 2018. Nhắc đến Myles Kennedy hiện nay là nhắc đến một cái tên đảm bảo bán sạch vé ở bất cứ nơi đâu anh diễn, dù là trong ban của anh, của Slash, hay với Alterbridge. Trong khi các nghệ sỹ thường thành công ở tầm tuổi 20-30, Myles chỉ thực sự chiếm lĩnh thế giới Rock n Roll khi anh đã ngoài 40. Chất liệu tuyệt vời cho một bộ phim?
Tua ngược lại năm 2003, Myles được Mark Tremontti mời tham gia trong dự án tên là Alter Bridge, và đoán xem tại sao? Trong Alter Bridge, các thành viên đều từ ban nhạc Creed sau khi band này tan rã, và với kịch bản quen thuộc: xích mích với tay ca sĩ lắm chuyện Scott Stapp. Sau album đầu còn nặng âm hưởng của Creed, đến Blackbird, vai trò của Myles lúc này không còn là lấp chỗ trống nữa, mà nổi bần bật hẳn lên cùng với Mark tạo nên âm thanh cực đặc trưng của Alter Bridge kể từ đây. Chưa hết, cả hội lúc đầu chỉ biết đến Myles là nhân vật sở hữu một chất giọng thiên phú, nhưng không hề biết đến tài năng guitar của anh. Bản thân Myles cũng ngại thể hiện vì anh ban đầu chỉ muốn làm tốt nhiệm vụ ca hát mà nhóm này mời anh. Chỉ khi một tối Mark Tremonti thức giấc và nghe trong phòng Myles tiếng guitar mà anh tưởng có ai đó đang bật từ đĩa CD, và rồi phát hiện Myles không chỉ biết đánh rhythm, mà còn có khả năng solo cực hay. Myles từng là thày giáo dạy guitar từ trước khi anh tham gia các band.
Với background nhạc jazz và blues, tiếng guitar solo của Myles vì thế ở tempo chậm hơn chút, nhấn nhá vào giai điệu và tiếng của từng nốt nhạc, nhờ đó bổ trợ tuyệt vời cho tiếng guitar tốc độ, mạnh mẽ và khàn đặc hơn của Mark Tremonti. Cặp đôi này đã tạo ra hàng loạt nhưng đoạn dual solo nhiều màu sắc hơn mà thể loại nhạc alternative rock không khai thác đến.
Đó có lẽ là lý do khi tôi nghe CD "Blackbird" của Alter Bridge, tôi hoàn toàn bị chinh phục do cái chất nhạc rock mang âm hưởng của thời trước năm 90s, khi các bài được hát ở những quãng cao vút và những đoạn solo guitar mà trước đây chỉ thấy ở nhạc rock truyền thống chứ không phải trong alternative rock hiện đại.
Sau đó một loạt các album ABIII, Fortress và The Last Hero đều tiếp tục thành công khi được đánh giá cao trong giới nhạc rock, thậm chí Myles và Mark còn chơi guitar harmonic với nhau. Sau này Myles có thú nhận là khi mới tham gia Alter Bridge, anh giống như bị tước mất cây guitar sau gần 20 năm chơi guitar, và luôn cảm thấy loay hoay trên sân khấu đến mức anh phải xem Freddie Mecury để học cách chiếm lĩnh sân khấu.
Cho đến bây giờ, bọn tôi vẫn vò đầu bứt tai vì dường như Myles được “đạo diễn” cho quá nhiều thứ: vẻ ngoài sáng láng, đa tài trong âm nhạc, giọng hát cao vút, khỏe mà lại hát được tất cả các thể loại, chưa kể khả năng làm chủ sân khấu và ép phê với hàng chục nghìn người. Vậy mà anh vẫn luôn là người cầu thị và hồ hởi với mọi dự án âm nhạc, như mặc kệ những lận đận thời trẻ, thậm chí trong giai đoạn trầm cảm, đã định từ bỏ tất cả để về đi dạy guitar.
Mà cũng không biết có phải vì Myles đã từng trải qua giai đoạn trầm cảm hay không, nhưng dường như anh rất trân trọng cuộc sống và những cơ hội. Chủ đề của nhạc của Myles, không phải vô cớ, mà thường hay nói đến những thứ đen tối như cái chết hay nghiện/phụ thuộc vào thuốc.
Chưa hết, hãy thử nghĩ xem, Myles còn mắc phải hội chứng tinnitus, là hội chứng mà trong tai lúc nào cũng có tiếng kêu è è như cái máy đang chạy, vừa gây mất tập trung, vừa gây mệt mỏi (xem film Baby Driver sẽ rõ tại sao em Baby suốt nghe nghe iPod). Tưởng tượng tôi mà bị thế, chắc tôi chỉ có đi làm thợ đi đào đường cho đỡ bực, vậy mà Myles vẫn liên tục làm việc chăm chỉ, ra đĩa, đi lưu diễn với rất nhiều ban nhạc, nghệ sĩ. Tự nhận là một người thường hay suy nghĩ bi quan và không dám tin vào thành công, Myles cũng tự thấy nhạc của anh rất tự nhiên vẫn luôn có một giọng nói khác hối thúc sự chăm chỉ và các mục tiêu.
Myles Kennedy, do vậy, theo như Kroon đánh giá thì anh giống như người “thợ vá” truyền cho hắn cảm hứng quý giá: sự trân trọng với các cơ hội cuộc đời.
Còn đơn giản như ông Kai hay nói, thì Myles giống như “bờ vai” của mấy tay “cầm thủ” bơ vơ vậy.
Chúc mừng sinh nhật Myles (27/11) và hẹn gặp lại.
(Chép bởi) Kunt