Hozier từng phát hành cả một EP với tựa là Nina Cried Power. Bài hát cùng tên là một bản hùng ca để ca ngợi những nghệ sĩ đã dùng âm nhạc của mình để đấu tranh cho quyền bình đẳng, trong đó nổi lên chính là Nina Simone. Tiêu đề của bài hát của Hozier cũng được lấy cảm hứng từ bản trường ca "Sinnerman" dài hơn 10 phút rất nổi tiếng của Nina với từ “Power” được bà hát vừa mạnh mẽ vừa cảm xúc, và lối hát được như có tiếng khóc nghẹn được tạp chí Rolling Stone ghi nhận ở vị trí 29 trong số những ca sĩ hay nhất mọi thời đại.
Nếu bạn đã từng nghe Nina hát thì bạn sẽ nhận ra một điều là bà có một giọng hát và cách đánh piano hút hồn. Giống như chính bài hát "I Put A Spell On You" của Nina, bạn có thể ngay lập tức bị mê hoặc bởi chính bùa của bà qua cách thể hiện rất riêng dù chỉ là bản cover từ một bài blues ballad thành chất jazzy hơn qua lối đánh piano hoàn hảo.
Nina Simone sinh ra trong một gia đình nghèo đông con với tên khai sinh là Eunice Waymon. Phẩm chất thần đồng trong âm nhạc về piano của Nina đã sớm bộc lộ từ tuổi lên 3, và nhờ đó, Nina được người mẹ tạo điều kiện đi học nhạc piano cổ điển với người giáo viên mà Nina sau này coi như người mẹ thứ hai. Không ngạc nhiên là lối đánh của Nina có sự pha trộn giữa nhạc cổ điển và jazz. Nina sau đó bắt đầu đi đánh tại các quán từ rất sớm và bà cũng lấy nghệ danh Nina Simone từ hồi đó. Chỉ đến khi một lần bà bị chủ một quán bar mà bà biểu diễn thuê doạ đuổi việc nếu không hát thì lối hát độc đáo của Nina mới được bộc lộ.
Ngược lại với kỹ năng piano điêu luyện, giọng hát của Nina có nhiều yếu tố mà người nghe có thể ghét khi mới nghe. Đó là giọng bà ồm ồm như đàn ông, nghe u ám và khàn, chưa kể là mạnh mẽ ở những dải âm trầm và bị rung ở dải âm cao. Thế nhưng thực tế khi nghe Nina hát cả bài mới thấy bà hát hay thế nào.
Có lẽ do bà quá tập trung lối chơi và phối cho một bài nhạc một cách hoàn hảo nhất có thể nên bà để mặc cách hát theo hướng ngẫu hứng và tự nhiên. Chính vì thế, giọng hát của Nina cuốn hút ở độ chân thật trong cảm xúc, và là nghệ sĩ biểu diễn mà tôi nghe không dứt được ở những album diễn live. Mọi bản cover của Nina đều có cách diễn đạt riêng của bà, mang lại cho bài hát những màu sắc mới hoàn toàn đến mức người nghe không nhận ra sự tương đồng với bản gốc.
Thế, những bài hát mà bà sáng tác thì càng không đơn giản chút nào.
Sinh ra với ngoại hình tiêu biểu nhất có thể của một người gốc Phi: mũi to, môi dày, da đen, tóc xoăn. Vào thời kỳ từ những thập niên 30 đó, nước Mỹ vẫn còn nạn phân biệt chủng tộc cực kỳ sâu đậm. Vẻ bề ngoài của bà vì vậy chỉ tổ dẫn đến con đường không mong muốn, bị đẩy vào vị trí thấp nhất trong xã hội thời đó: da màu và đàn bà.
Khởi điểm của sự bức xúc trong việc phân biệt chủng tộc với Nina là khi bà được chơi chính trong buổi hoà nhạc piano ở tuổi 12. Khi đó bố mẹ của Nina bị ép phải chuyển chỗ từ hàng đầu ra hàng ghế cuối để nhường cho một gia đình da trắng. Nina không phải dạng vừa. Bà từ chối chơi ngay lập tức cho đến khi bố mẹ bà được đưa về chỗ ngồi cũ.
Đến tuổi 18, bà tham gia học tại trường Julliard Academy danh tiếng, và dành thời gian một năm rưỡi để xin vào học tại Curtis Institute Of Music. Thế nhưng bà bị từ chối chỉ vì bà là người da màu.
Chính những biến cố đó đã thay đổi cái nhìn và con người của cô gái Nina lúc đó. Thế nên sau khi tài năng xuất chúng của bà giúp bà nổi tiếng trong giới âm nhạc, đặc biệt sau khi bà bắt đầu cất giọng hát trong các buổi biểu diễn, Nina không quên sử dụng âm nhạc để kêu gọi sự bình đẳng cho người da màu tại Mỹ.
Mặc dù vậy, Nina không phải ở vị thế dễ dàng để chuyển tải thông điệp bà muốn nói. Bà chỉ là một người phụ nữ da đen - một trong những địa vị thấp nhất trong xã hội, dẫn tới hoàn cảnh thiếu thốn cả về của cải và tinh thần do chính màu da của mình, cộng với sự trắc trở trong sự nghiệp mà bà tham gia phong trào đấu tranh giành quyền bình đẳng với tâm thế của một người đàn bà giận dữ.
Cái gì cũng có giá của nó. Việc lôi chính trị vào âm nhạc khiến sự nghiệp của Nina Simone càng bị hạn chế khi hãng đĩa của bà dè dặt hơn trong việc đẩy hình ảnh bà lên các phương tiện đại chúng. Nhưng cái đó không hề gì với Nina.
Bà bắt đầu những chiến dịch kêu gọi người da màu đồng lòng trong việc đòi lại sự bình đẳng trong xã hội Mỹ, cùng thời với Martin Luther King, một người mà bà rất thân thiết.
Trong album Nina At The Village Gate, bà có bài "Brown Baby" nói về dòng máu gốc Phi của đứa bé mà bà khuyến khích cậu lớn lên với niềm tự hào về gốc gác và màu da của mình. Tiếp theo trong đĩa Nina Simone in Concert, bà gây chấn động bằng bài hát "Mississippi Goddamn" mà bà sáng tác sau khi Medgar Evers - nhà hoạt động xã hội đòi bình đẳng nhân quyền bị ám sát. Trong bài có hẳn câu “you’re all gonna die and die like flies” mà có lần bà hát thẳng vào mặt các khán giả đa phần là da trắng ngồi ở dưới.
Câu chuyện không chỉ đơn giản như vậy. Ở thời kỳ đó, ngôn từ bị kiểm duyệt chặt chẽ và những từ ngữ không đúng đắn không bao giờ có trong bộ môn nghệ thuật âm nhạc. Thêm vào đó những thông điệp mang tính chống đối lại xã hội nước Mỹ lúc đó đều bị cấm hoàn toàn. Vậy mà một người phụ nữ da đen lại dám vi phạm cả hai yếu tố trên với một thái độ nghênh ngang chống lại các nhà lãnh đạo mà không ngần ngại nói lên cái từ "Mississippi Goddamn" ngay trước mặt đám người da trắng. Hành động đó chẳng khác gì cuộc tuyên chiến của kẻ hèn mọn với đám người khổng lồ. Phản ứng chống lại bà của các phương tiện truyền thông sau đó do vậy là điều không tránh khỏi.
Kể từ lúc phát hành bài "Mississippi Goddamn", số lượng đĩa được phát hành của Nina bị giảm hẳn. Nhưng bà không quan tâm đến việc sự nghiệp bị ảnh hưởng. Các hoạt động và phát ngôn chống đối của Nina tiếp tục khiến bà không còn được các điểm biểu diễn nghệ thuật ký hợp đồng nữa. Chính những con người đã từng ủng hộ giờ lại quay lưng với chính bà với nỗi lo sợ bị vạ lây.
May thay, với những người tham gia phong trào đấu tranh cho quyền bình đẳng, Nina được đón nhận và coi như một trong những phát ngôn viên của phong trào, khi mà những nhà hoạt động xã hội như Martin Luther King, James Baldwin sử dụng những bài diễn văn và trí tuệ để tôn vinh danh dự của người da màu thì Nina sử dụng tiếng hát và tiếng đàn để khuấy động cảm xúc người nghe cùng thấu cảm từng ca từ một trong bài hát mà bà muốn khơi dậy trong họ.
Năm 1968, sau khi Martin Luther King bị ám sát, Nina hát ngay bài dành riêng cho ông với tiêu đề “Why? (The King of Love Is Dead)”. Trong bài có câu “Will my country fall, stand or fall? / Is it too late for us all? / And did Martin Luther King just die in vain”
Ngoài những bài trên, Nina còn có những bản bất hủ về nhân quyền như "Four Women" tuyệt hay kể về bốn người phụ nữ gốc Phi với bốn màu da khác nhau dẫn đến những số phận khác nhau nhưng đều có điểm chung về sự tủi nhục trong cuộc đời họ; hay bài "To Be Young, Gifted And Black" đề cao người da màu trong xã hội phân biệt của Mỹ mà sau này có nhiều nghệ sĩ như Aretha Franklin hay thậm chí Elton John đều cover lại.
Trong đĩa Yeezus của Kanye West có một bài "Blood On The Leaves" có phần sample của bài "Strange Fruit" của Nina Simone. "Strange Fruit" miêu tả những hình ảnh rợn người về người da màu bị hành hình treo cổ trên những cành cây mà trước đó được Billy Holiday trình bày rất thành công. Tuy nhiên cách thể hiện của Nina sau đó cũng ám ảnh không kém.
Dù rằng sau này nhiều người cho Nina Simone có vấn đề về thần kinh khi về già bà có những biểu hiện như trần truồng ở ngoài khách sạn, hay dùng súng bắn vào chân người hàng xóm ở Pháp vì hắn xỉ nhục bà, tất cả có lẽ đều phản ánh cuộc sống bất công mà bà phải trải qua trong cái xã hội phân biệt chủng tộc, và ngay cả trong gia đình với người chồng cũ chuyên bạo hành.
Có một điều mọi người đều ngầm thừa nhận, đó là Nina Simone là người phụ nữ thẳng thắn nhất nước Mỹ. Tài năng thiên phú của bà đáng nhẽ có thể đẩy sự nghiệp bà lên những thành công như các nghệ sĩ da màu khác như Aretha Franklin, nhưng bà đã chọn sống theo lý tưởng của mình. Vì quan điểm của Nina là “đã là người nghệ sĩ thì phải phản ánh được thực tại của xã hội thời đại đó”.
Và đó là nhiệm vụ mà bà tự giao phó cho cuộc đời.
Nina Cried Power!
Kroon