top of page

Nine Inch Nails: phòng thí nghiệm của gã nhạc sĩ quái dị



10050 Cielo Drive là địa chỉ căn nhà tuyệt đẹp trên sườn đồi ở Benedict Canyon, Los Angeles, bên Beverly Hills.  Vào năm 1969, vị đạo diễn lắm tài nhiều tật Roman Polanski và cô vợ Sharon Tate tới thuê tại đây. Chỉ 6 tháng sau, vào tháng 8 năm đó, Sharon và 4 người bạn đến chơi hôm đó vô tình trở thành nạn nhân của vụ thảm sát dã man gây ra bởi những kẻ thuộc băng nhóm Manson Family do Charles Manson cầm đầu. Đám sát nhân sau đó viết lên tường chữ “Pig” bằng máu của chính các nạn nhân. Roman lúc đó đang ở Châu Âu làm phim nên thoát chết. Emoodzik thì vẫn đau đáu để quay lại với hội Manson này này kỹ hơn mà chưa có dịp. Còn lần này thì, tua nhanh đến năm 1992, “cư dân tạm trú” cuối cùng của căn nhà đó trước khi nó bị phá đi và xây lại là Trent Reznor, kẻ sáng lập và thủ lĩnh của ban nhạc Nine Inch Nails (NIN). Trent thuê căn nhà có lịch sử đẫm máu đó để làm studio dành thu âm cho album tiếp theo - The Downward Spiral (1994). Anh đặt một cái tên âu yếm cho phòng studio đó là "Le Pig".

Căn nhà 10050 Cielo Drive

Gọi là studio nhưng căn nhà đó giống một phòng thí nghiệm cho Trent Reznor thử nghiệm âm thanh mới mà anh vẫn luôn ấp ủ trong đầu cho ban nhạc NIN. Không rõ Trent đã tiếp nhận được những nguồn năng lượng "thần bí" nào từ căn nhà đó, chỉ biết rằng album The Downward Spiral sau đó mang một thứ âm nhạc không tiết chế một chút nào. Trước đó nửa thập kỷ, album đầu tay của NIN có cái tên Pretty Hate Machine (1989) là một album có tính khai phá nhằm phác hoạ một phần những ý tưởng rồ dại của Trent. Do bận bịu với nghề lao công ở một phòng thu âm ở Cleveland thời đó, Trent phải tranh thủ mượn phòng vào buổi đêm để thu âm. Cũng do ý tưởng âm nhạc khác người khó tả thời đó, Trent phải tự chủ động tự đánh nhạc thu âm, và cả khi sau này có các nhà sản xuất chuyên bộ môn Dark Wave của châu Âu sang giúp, tầm nhìn của họ vẫn bị trong một khuôn mẫu thuộc dạng dễ đoán đối với Trent. Ấy Trent Reznor trở thành nghệ sĩ có thể chơi tất cả các loại nhạc cụ từ đó. Sang đến album thứ hai được sản xuất ở Le Pig, anh mới có được cơ hội chế ra bộ âm thanh khớp với ý tưởng quái dị trong đầu. The Downward Spiral sau đó đã trở thành một tác phẩm kinh điển của dòng Industrial Rock, khởi nguồn cho các album sau của NIN như The Fragile, With Teeth hay Year Zero mang trong mình một thứ âm thanh “hỗn loạn theo một trật tự”, từ đó tạo sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới các ban nhạc thế hệ sau cùng dòng như Marilyn Manson (được chính Trent đỡ đầu), Rammstein của Đức, và cả những kẻ khác loài như Guns N’ Roses thời kỳ sau và dòng nhạc Nu Metal. 1. Tiếng ồn hoa mỹ Ẩn náu trong Le Pig, Trent lúc đó đã có đủ vốn liếng kinh nghiệm tích luỹ từ những thứ tưởng như không liên quan như kỹ năng chơi đàn piano từ bé, sau đó theo ngành Khoa học máy tính, rồi kiến thức thu âm góp nhặt từ giai đoạn sản xuất album thứ nhất. Anh giờ đây đã thành thạo đủ chiêu trò sản xuất âm nhạc, nắm rõ công nghệ trong ghi âm, biết chơi đủ loại nhạc cụ và lại còn tích góp kha khá một cơ sở dữ liệu lớn đủ các thể loại sample nhạc của nhiều nghệ sĩ. Một kho tàng âm thanh rộng lớn để Trent mày mò khám phá.

Bên trong studio "Le Pig"

Là một nhạc sĩ quái dị, Trent có kiểu sáng tác nhạc không giống ai. Với nhiều người, nền tảng piano là cái gốc cực tốt để sáng tác nhạc, thì với Trent, anh không thèm dùng tới nó. Anh tìm cảm hứng âm nhạc từ các hiệu ứng tiếng ồn. Trent “mổ xẻ” “băm nát” các đoạn nhạc và nhịp điệu thành từng khúc nhỏ, rồi gắn các mẩu khác nhau lại. Lúc này đây, âm thanh như bị phân rã thành từng phần tử nhỏ rồi được pha trộn với các tỷ lệ ngẫu nhiên để tìm một sự va đập hỗn loạn có tính hợp lý.

Mở đầu đĩa The Downward Spiral, bài “Mr. Self Destruct” có phần loop lặp lại của tiếng một quản tù tra tấn tù nhân. Âm thanh này được tăng nhanh dần đều hứa hẹn một đĩa nhạc đầy “biến thái” khác người. Sau đó đoạn trống cắt ngang bụp cái vào bài với tiết tấu dồn dập liên tục. Tempo bài lúc này lên đến 200 BPS (nhịp trên mỗi giây). Tiếng hát của Trent khàn rè đặc gầm gừ đằng sau. Đến 1:46, mọi tiếng ồn lại bị cắt rụp. Lúc này mới xuất hiện tiếng bass. Văng vẳng đằng sau là tiếng guitar điện và rồi 2:44 lại bụp phát trống vào dồn dập. 3:24 là một đống hỗn độn ồn ào nhất trước khi kết bằng đoạn solo guitar quái đản do Adrian Belew - tay guitar tài năng chơi cho King CrimsonDavid Bowie.


Với Trent Reznor, không phải lúc nào đàn guitar điện cũng được dùng để thu âm, nhưng nếu đã có sự xuất hiện của tiếng đàn, thì kể cả khi người chơi đánh loanh quanh vài nốt thì sợi dây đàn cũng bị day day cảm giác như các ngón tay sắp tóe máu đến nơi để lấy cho ra được âm thanh giận dữ nhất. Bài “Heresy” thì lại mở đầu bằng câu bass điện tử và synth va đập vào nhau. Tiếng bass trong nhạc của NIN thường có tác dụng kép: vừa tạo nhịp điệu và vừa tạo giai điệu. Và mỗi khi tiếng trống xuất hiện, âm thanh cực đằm đầy đặc trưng của nó chỉ càng bóp nghẹt không khí. Trong bài này nhịp trống đều đặn trên 4 nhịp mỗi khuông. Cái tiếng kick drum thình thịch như nện vào tai là hiệu ứng đặc trưng trong thể loại Industrial Rock của NIN mà Trent không cách gì tìm được từ kick drum trong dàn trống ở ngoài. Theo tiếng chuyên môn thì anh đã phải “buff” nó lên đủ tầm mạnh mẽ và đanh gọn.  Trong “March Of The Pigs”, âm thanh chát chúa của trống snare giã liên tục vào màng nhĩ kèm theo âm thanh rè đặc của guitar và synth là âm thanh đặc trưng tiếp theo của NIN. Trent không thu âm như các ban nhạc khác thường làm khi đặt mic cạnh nhạc cụ để lấy tiếng dội qua không khí nhằm tạo cảm giác không gian của phòng thu. Anh cắm trực tiếp đàn guitar điện vào máy và qua đó chỉnh sửa hiệu ứng ngay trên phần mềm. Thế nên kể cả đó là thu live hay lấy từ sample, Trent kiểu gì cũng phá vụn âm thanh đó, khiến nó không còn chút “tính người” nào nữa. 

Các âm thanh của các loại đàn và giọng hát của anh được trộn lẫn vào nhau như trong cái máy xay để rồi khi người nghe đang gật gù với tiếng guitar bẩn đục thì lại giật mình tự hỏi hay đó là tiếng synth. Từ Le Pig và album The Downward Spiral, Trent Reznor và NIN sau đó phát triển các âm thanh này ngày một tinh xảo hơn. Kể cả ở những bản gọi là ballad theo tiêu chuẩn của NIN, như bài “The Wretched” trong đĩa Fragile là một ví dụ cho thấy cả khi gạt bỏ đi mớ hỗn độn của những tiếng ồn đó, Trent vẫn kiến tạo ra âm thanh kỳ ảo, của tiếng bass trầm đục và tiếng piano ma quái ngưng đọng lại sau mỗi khuông nhạc, lặp đi lặp lại. Âm thanh guitar cũng được sử dụng nhiều và rõ tiếng hơn chút dù nó vẫn mang màu sắc rè đầy ghê rợn, được thể hiện rõ trong bài “Pilgrimage”. Như cách Trent đã từng chia sẻ với tay sản xuất nhạc ngồi cùng phòng, âm thanh nghe tiếng chán đến ghê tởm ở chỗ khác có khi lại thành âm thanh ngon nghẻ trong nhạc của NIN. 2. Âm thanh lạc điệu David Bowie đã từng so sánh Trent Reznor với Brian Eno - nhà sản xuất nhạc đại tài vì một điểm chung ở phong cách sử dụng bộ đàn synth không giống ai -theo kiểu quăng ngay cuốn hướng dẫn sử dụng vào sọt rác để tự mày mò. Sau khi Trent tìm được các âm sắc đúng ý mình, là lúc anh phải tính toán trộn chúng lại như thế nào cho ra trò. Ở phần nhịp điệu, ngoài việc tạo âm thanh nện chan chát không ngưng nghỉ, Trent chế ra những câu nhịp rất phá quấy. Quãng thời gian tự luyện trống trước đó giúp anh có những ý tưởng về các nhịp "dị" được cắt ghép khác thường. Bài “The Becoming” chẳng hạn, bắt đầu bằng nhịp lẻ 13/8 sau đó chuyển sang 6/8 truyền thống hơn chút. Còn bài “March Of The Pigs” thì cứ ba khuông nhạc nhịp lẻ 7/8 lại xuất hiện một khuông 8/8, gây khó chịu cực độ. 

Sau The Downward Spiral, Trent vẫn tiếp tục truyền thống đó bằng “The Collector” trong đĩa With Teeth với ba khuông nhịp 3/4 rồi một khuông nhịp 4/4 ở phần verse trước khi vào điệp khúc là hai lần 4/4 và kết bằng một lần 6/4. Hoặc bài “La Mer” ở đĩa Fragile cũng là một bản ballad khác kiểu dù chơi bằng nhạc sống thực sự, nhưng tiếng piano lại được đánh nhịp 3/4 đối đầu với tiếng bass 4/4 trên nền trống đảo phách liên tục phong cách Jazz. Bộ não rất quái về số chỉ nhịp như vậy còn giúp Trent vận dụng bộ trống lục lạc tambourine thật sáng tạo. Ấy chỉ là âm thanh xúc sắc lạo xạo mà khi xem Trent cầm chơi trên sân khấu mới ngộ ra cách anh nghĩ tạo ra âm thanh rung lắc bần bật liên tục, hay tạo tiếng vỗ đều dồn dập. Phần tông (giọng của bài) và hợp âm, thì bất chấp kiến thức căn bản piano học theo truyền thống, anh vứt luôn cái “căn bản” và “truyền thống” đó qua cửa sổ căn nhà Le Pig hôm đó. Khi tay guitar Adrian Belew hỏi Trent giọng của bài “Mr. Self Destruct” là gì để gã sáng tác câu guitar solo thì Trent bảo không nhớ và chỉ trả lời qua loa là hình như tông E (mi trưởng). Adrian được đề nghị cứ đánh theo cảm hứng từ các nhịp điệu nền của bài lúc đó. Cuối cùng hoá ra bài đó lại là giọng D (rê trưởng) theo bậc ngũ cung, một âm giai đáng nhẽ là dễ nghe thì qua tay của Trent nó biến chất hoàn toàn. Các bài khác của anh với NIN nhìn chung đều có sự biến đổi hợp âm không theo quy luật nào khiến cho tông giọng của bài cũng bị lung lay. Trent có thế dùng vòng hoà âm của các gam chung một nốt gốc như E, Em, Esus4; hoặc đổi hai hợp âm đáng nhẽ là Gm và Bb trong giọng Dm (mi thứ) thành G và Bdim; hoặc đổi luôn giọng thứ thành giọng trưởng và ngược lại để gây biến đổi cảm xúc cho tai người nghe. Kể cả chính Trent cũng có những nốt mà anh hát lệch cả gam để tạo độ căng và bứt rứt cho người nghe.

Không dừng ở đó, Trent vặn dây đàn piano để đánh phần giai điệu lệch tông với câu đàn đánh nền ở dưới trong bài “La Mer” ở đĩa The Fragile, bổ sung vào “cuốn sách chỉ dẫn” của riêng Trent Reznor về các trò phá hoại nhạc truyền thống. 3. Lời hát dị hợm và hình ảnh tởm lợm I wanna fuck you like an animal

Đền giờ, đó vẫn là một trong những câu hát kinh điển nhất vì lời lẽ đầy thú tính. Câu đầy đủ trong điệp khúc bài “Closer” trong đĩa The Downward Spiral là: I want to fuck you like an animal I want to feel you from the inside I want to fuck you like an animal My whole existence is flawed You get me closer to god Phần lời trên không khác gì một bản “tình ca” thô tục. Thế nhưng thực tế là Trent Reznor sáng tác với hàm ý về nỗi ám ảnh, mất niềm tin với xã hội và con người. Nếu nhìn lại cả đĩa The Downward Spiral mà anh viết lời từ “cảm hứng” tại phòng studio Le Pig đó, mới thấy nó là một câu chuyện xuyên suốt về sự bế tắc của nhân vật trong lời hát. 

Mở đầu bài “Mr. Self Destruct” kể về sự thôi thúc muốn huỷ hoại bản thân của nhân vật, xuất phát từ chính những thứ mà hắn thèm khát nhất. I am the voice inside your head (and I control you) / I am the lover in your bed (and I control you) / I am the sex that you provide (and I control you) / I am the hate you try to hide (and I control you)  I take you where you want to go / I give you all you need to know / I drag you down, I use you up / Mr. Self Destruct Đến track sau “Piggy”, Trent giới thiệu người nghe tới một nhân vật khác là “Piggy”, với ý tưởng lấy từ chữ “Pig” được viết bằng máu bởi những tên sát nhân trong vụ Charles Manson tại căn nhà của studio Le Pig. Hey pig / Yeah you / Hey pig piggy pig pig pig / All of my fears came true / Black and blue and broken bones you left me here I'm all alone / My little piggy needed something new/ Nothing can stop me now / ‘Cause I don't care anymore

Người nghe đến đây bắt đầu lờ mờ hiểu rằng “Piggy” là tình cũ của nhân vật chính, là người đã để lại một sự căm hờn khiến hắn trở thành kẻ bất cần. Từ đó hắn mất niềm tin với chúa như trong bài “Heresy”: “God is dead and no one cares / If there is a hell, I'll see you there”. Trong bài, những hình ảnh kinh tởm như “hắn tự khâu mắt lại để khỏi nhìn”, “hắn tạo ra thứ virus để giết sạch đám lợn”, thứ hắn tự gọi là “vương quốc hoàn hảo đầy giẫy giết chóc, khổ nhục và đớn đau”.

Và những đám lợn này chỉ là tên gọi của hắn dành cho cái xã hội mà hắn ghét bỏ như trong chính bài “March Of The Pigs”. Hắn dần mất cả niềm tin với phụ nữ và coi họ như thú vật trong bài “Closer” nói trên, và rồi khi sự tỉnh táo dần biến mất, hắn lạc lối trở thành tên sát nhân trong “Big Man With A Gun”. Hắn ngày càng “lún sâu vào sự trầm cảm” (khớp với nghĩa của từ “Downward Spiral”). Kết cục là cuối cùng hắn phải tìm đến cái chết bằng cách tự sát, trong bản track cuối cùng “Hurt”, ca khúc sau này được huyền thoại Johnny Cash cover lại và trở thành một bản hit kinh điển. Một câu chuyện quái dị mang hình bóng của những kẻ sát nhân của băng nhóm Manson Family? Việc dùng những lời lẽ bạo lực, gây sốc, đầy căm hận trong nhạc của NIN “phù hợp” với chất nhạc u tối và có phần tàn nhẫn. Những hình ảnh đi kèm trong video clip nhạc của NIN vì thế sử dụng yếu tố gây sốc và khó chịu cho người xem, giống như chính những ca từ mà Trent chọn lựa. Bản video clip của bài “Closer” là ví dụ tiêu biểu nhất khi tổng hợp đầy rẫy những hình ảnh máu me, tình dục và bạo lực: một quả tim sống đang đập, bộ xương, con gián, người phụ nữ đầu trọc khoả thân, con khỉ bị treo trên cây thánh giá, cái thủ lợn xoay tròn, v.v. Bản clip này trong album The Downward Spiral đến giờ vẫn thuộc hàng tởm nhất của NIN, tự dưng làm mấy khung hình máu me, bạo lực và dị hợm ở những clip trong mấy album sau này như “Starfuckers, Inc.”, “Wish” hay “Survivalism” xem chừng vẫn còn hiền lành chán.

***** Những yếu tố gây sốc trong ngôn từ hay hình ảnh thực ra chỉ có tính chất thời điểm, không tạo dựng được dấu ấn hay truyền lại cảm hứng cho các thế hệ sau. Do đó, nhạc của NIN có được sự đánh giá cao về chất lượng của cả người nghe nhạc và giới phê bình lại chính nhờ vào yếu tố âm nhạc mang tính đột phá và sức mạnh ảnh hưởng. Giữa hằng hà sa số các biến thiên trong nhạc của NIN, bao gồm âm thanh ồn ào, âm nhạc không theo khuôn mẫu, lời hát và hình bạo lực, thực ra yếu tố gắn kết chúng lại trong nhạc của NIN đến giờ lại là yếu tố “con người”. Trong thể loại âm nhạc “Rock Công Nghiệp”, cách sản xuất nhạc rất dễ bị sa đà vào sự khô khan và vô cảm, và làm mất đi cái "cảm" của người nghe, nhất là khi những phần mềm máy tính biến đổi âm thanh làm mất đi yếu tố “con người”.


Trent Reznor đã rất tinh tế khi tạo dựng những khoảng lặng xen kẽ trong các bản nhạc có âm thanh tàn bạo, giúp cho âm nhạc được ngưng lại và “thở” ra thứ cảm xúc giúp người nghe phiêu theo các cung bậc. Bản thân âm nhạc của NIN đã vốn có năng lực tạo một không khí sôi sục, và những khoảnh khắc lắng đọng, chậm lại xen giữa dường như đã giúp cho phần "hồn" của bài hát có thể được thoát ra. Thậm chí ở thời nay, được ngồi nghe lại NIN thời đó vẫn có cái sự sảng khoái tê người vì một thứ âm thanh luôn đi trước thời đại. Cũng phải thôi, vì hóa ra âm nhạc thời nay không mang tên industrial, mà hóa ra còn industrial hơn cả industrial rock thời đó.

Hẹn gặp lại!

Kink

1,084 views

Recent Posts

See All

Komentáre

Couldn’t Load Comments
Vyzerá to, že nastal technický problém. Skúste sa znova pripojiť alebo obnoviť stránku.
bottom of page