top of page

Olivia Rodrigo: Khi "gắt" khi "sầu"

Updated: Jan 6

Đó là cảm nhận của tôi khi nghe nhạc của Olivia Rodrigo qua 2 album của cô. Mang hai cái tên SOUR và GUTS, đều bao gồm 4 chữ cái, được viết hoa to oạch đối lập với tên các track được viết toàn bộ bằng chữ thường như thể muốn nhấn mạnh tới hai trạng thái cảm xúc mà Olivia đã phải trải qua.


Nếu như đĩa đầu SOUR (2021) kể về mối tình tan vỡ với những cảm xúc buồn có phần trách móc đầy “chua chát”, thì đĩa thứ hai GUTS (2023) là “nghị lực” tự sốc lại tinh thần, và như chia sẻ của cô ca sĩ trẻ, nó còn mang cả hàm ý về một “trực giác” mách bảo cô đây là lúc tự đứng vững sau chuyện tình cảm đổ vỡ. Thế nhưng sự liên kết và tương đồng của nhạc trong hai đĩa này rất mạnh mẽ, nhất là khi ở mỗi album, người nghe sẽ tìm thấy cái “sour” và cái “guts” ở trong đó, chỉ khác nhau trong tỷ lệ giữa hai tâm trạng của cô gái mới chớm tuổi 20 vào thời điểm album GUTS được phát hành. Vậy nên tôi xin gọi hai cảm xúc đó bằng hai từ hơi hơi gần tương đồng về âm điệu trong tiếng Việt, đó là SẦU và GẮT. Có thể ý nghĩa của 2 từ này không hẳn phản ánh chính xác nghĩa của SOUR và GUTS nhưng phần nào chuyển tải được hai không gian âm nhạc đối lập mà Olivia mang tới: nhẹ nhàng buồn bã (SẦU) và mạnh mẽ ồn ào (GẮT).


Nói rằng một người ở bậc tuổi "ông chú" như tôi hiểu và đồng cảm được những suy tư tuổi teen của “cô cháu” sinh năm 2003 như Olivia Rodrigo rõ ràng là điều gần như không thể. Cảm nhận của tôi ban đầu khi nghe nhạc của Olivia là không có nhiều yếu tố mới mẻ, và có phần trách móc ỉ ôi, đặc biệt trong album đầu tiên, SOUR. Dù vậy khi đào sâu nghe kỹ đĩa này, tôi lại tìm thấy những điều thú vị. Đó là sự chân thực ở cảm xúc mà Olivia bộc bạch, nhiều lúc đến trần trụi khi cô không ngại vạch ra sự yếu mềm của mình, thứ có thể người ở thế hệ tôi không hiểu được hết nhưng lại vẫn cảm thấy trân trọng. Đó là lý do khiến tôi phải tìm nghe album thứ hai, GUTS, khi nó được phát hành để xem cô bé thay đổi ra sao. Kỳ lạ là vẫn đâu đó phảng phất sự ỉ ôi (SẦU) mà không phải lúc nào tôi cũng hiểu để cảm được, nhưng chúng lại chỉ như “nhân vật phụ” trong bộ phim nhân cách hóa các cảm xúc - Inside Out của hãng Pixar, bởi lần này sự mạnh mẽ có phần nổi loạn của tuổi trẻ (GẮT) mới là “nhân vật chính”, điều khiến cho nhạc phẩm này trở thành một trong những album ưa thích nhất của tôi năm 2023 này.

Chưa kể, GUTS là một bước tiến hợp lý của Olivia Rodrigo khi cô gái vừa chứng tỏ được năng lực của một nghệ sĩ có tài không bị vấp bởi thành công quá sớm, và nay tiếp tục trưởng thành hơn. Có điều trước khi đào sâu vào hai yếu tố SẦU và GẮT của album này, chúng ta hãy cùng ôn lại trước những gì mà đĩa SOUR đã mang tới.


Album SOUR và single “Drivers License” chứng minh một điều mà ai nghe nhạc Pop cũng phải dỏng tai lưu ý. Đó là Olivia không phải là một “thương hiệu” được hãng đĩa nhào nặn nhờ khuôn mặt xinh đẹp và giọng hát hay. Học đàn piano từ nhỏ và tập tành sáng tác từ năm lên 5, cô gái có thừa khả năng tự sáng tác nhạc cho chính mình và độ nhạy về giai điệu, đủ để hút người nghe số đông, mà cũng lại có sự tinh tế của một nghệ sĩ thực thụ. Thử nghe bài “Drivers License” nổi tiếng của cô. Giống như nhiều ca khúc mà Olivia sáng tác thời kỳ này, sự biến đổi hợp âm đa dạng không phải là phong cách sáng tác của cô. Olivia thường chọn lối viết nhạc nhẹ nhàng, đi theo lối đi hơi an toàn chút, nhưng không bị vướng vào vòng lặp nhàm chán thường thấy của những bài hit trên bảng xếp hạng. Hợp âm mở đầu và các hợp âm nối tiếp khác nhau giữa phần verse và điệp khúc của bài “Drivers License” đủ để tạo được điểm nhấn thay đổi trong bài. Điều tôi thích trong lối sáng tác không quá cầu kỳ của Olivia là cách cô chơi đàn piano chủ yếu ở 2 nốt Bb cách nhau 1 quãng 8 xuyên suốt cả đoạn verse (và chỉ thêm các nốt còn lại của hợp âm ở nhịp đầu khuông nhạc khi một hợp âm khác xuất hiện) khiến cho tiếng đàn piano đó không bị đá nhau với 3 hợp âm chính của đoạn là Bb, Gm, Eb, nhưng lại tạo được sự chơi vơi của tiếng đàn gõ chậm rãi đều đặn kéo ngang qua các nốt lên xuống của giai điệu hát. Bài hát trở nên đẹp hơn cả khi Olivia hát phần điệp khúc có giai điệu trồi dần lên trên trước khi lại ngụp xuống ở cuối khi hát “'Cause you said forever, now I drive alone past your street”. Dù phải công nhận Olivia hát rất hay, tôi vẫn không hợp với những đoạn lên cao có chút ỉ ôi của cô. May thay yếu tố SẦU của bài được giảm bớt nhờ tiếng kick drum gõ đều đặn ở mỗi nhịp. Cái này phải kể tới công lao của Dan Nigro – nhạc sĩ kiêm nhà sản xuất nhạc hợp tác cùng Olivia trong cả chung 2 album của cô gái. Bên cạnh việc hỗ trợ trong khâu sáng tác, lối sản xuất nhạc của Dan vừa tôn trọng được ý nhạc gốc của Olivia, vừa thêm gia vị hấp dẫn hơn cho bài hát.


Có thể nói trong album SOUR, thời lượng nhạc có phần phối khí của nhiều nhạc cụ để làm đầy không có mấy, cho nên màu sắc SẦU trong lối hát của Olivia trên nền nhạc acoustic là yếu tố cản trở để tôi bật nghe lại album này thêm nhiều lần. Tuy vậy, ẩn khuất phía sau các bài của album là nét tinh tế mà Olivia thể hiện qua kiểu hát. Ở bài “1 Step Forward, 3 Steps Back”, Olivia đổi giọng như hơi cười khẩy khi hát “Like, which lover will I get today?” ngay sau câu “I kind of find it all exciting”. Ở bài “Deja Vu”, đó là phần hát phụ họa giả tiếng cười “Ha-ha-ha-ha” đằng sau câu hát “Laughin’ 'bout how small it looks on you” và giọng hát bè xuất hiện trong đoạn lời “singing in harmony”. Còn về phía producer Dan Nigro, anh này khéo léo trong cách thêm thắt gia vị riêng cho từng bài để chúng không bị nhàm chán. Đó là phần hòa âm đồng ca hát phụ họa ở cuối bài “Traitor”; tiếng đàn nghịch tai ở đoạn sau của “Deja Vu”; âm trống snare hơi rè đặc trong “Happier”; tiếng đàn piano cố tình chơi lạc điệu ở “Jealousy, Jealousy”, v.v.

Màu sắc GẮT cũng đã nhen nhóm ở đĩa nhạc đầu tiên này, được thể hiện qua hai bài, “Good 4 U” có âm thanh trẻ trung của Teen Pop và bản Pop-Punk mang tên “Brutal” lai chất liệu Grunge như âm nhạc của band Hole (đây có thể là lý do cho sự tương đồng trong tấm hình quảng bá của album, trong đó Olivia đội chiếc vương miện tại một buổi prom night và ôm bó hóa với vệt mascara kéo dài ở đôi mắt, tạo ngay sự liên tưởng tới hình bìa album Live Through This của Hole mà chính Courtney Love từng phải lên tiếng).


Thế nhưng, như tôi đã nói ở trên, âm nhạc của Olivia Rodrigo thực ra không có quá nhiều sự mới mẻ, và đâu đó người nghe sẽ có sự liên tưởng tới âm nhạc của những nghệ sĩ khác. Ví dụ như bài “Good 4 U”, phần tiết tấu giai điệu hát khá nhanh của Olivia giống như cách Taylor Swift hay sáng tác để có thể kể những câu chuyện có nhiều chi tiết, hoặc lối hát bè có chút liên tưởng tới Billie Eilish trong bài “Jealousy, Jealousy” hay mang màu sắc của Lorde trong “Favorite Crime”. Về nhạc, bên cạnh âm sắc guitar tương đồng với nhạc của Hole trong bài “Brutal”, đoạn guitar riff cũng na ná với “Pump It Up” của Elvis Costello; hoặc như bài “1 Step Forward, 3 Steps Back” có đoạn piano mượn lại từ “New Year’s Day” mà Taylor SwiftJack Antonoff sáng tác; rồi điệp khúc của bài “Good 4 U” cũng chịu ảnh hưởng từ bài “Misery Business” của Paramore, giúp cho cả Taylor, Jack, lẫn Hayley Williams và Josh Farro đều có tên trong phần credit tác giả của mỗi bài tương ứng.

Chỉ là, sự tương đồng này không làm giảm uy tín và tài năng của một nghệ sĩ trẻ viết nhạc đầy nghiêm túc như Olivia Rodrigo. Bản thân chính Elvis Costello đã phải phát biểu như sau sau khi biết về chuyện bài hát “Brutal” có câu guitar chẳng may giống bài của ông: “Tôi thấy chuyện này quá đỗi bình thường… Âm nhạc Rock and Roll là như vậy. Các bạn lượm những mảnh ghép của một thứ để ghép nên một món đồ chơi mới. Đó cũng là cách tôi đã từng làm”. Và không chỉ Rock and Roll, các dòng nhạc khác cũng có sự hồi tưởng vay mượn chất liệu nhạc của những nghệ sĩ khác nhau, để rồi người nghệ sĩ vẫn mang tới nét riêng của họ trong bài. Với Olivia Rodrigo, đó là cảm xúc chân thành của cô gái mới lớn ngày đó, với sắc thái SẦU và một chút GẮT trong album SOUR chúng ta đã nói tới ở trên.

Rồi! Chuyển qua album GUTS, điều tôi muốn than phiền duy nhất là mấy bài ballad trong đĩa nhạc này vẫn có một số đoạn nghe na ná với album SOUR. May thay, cá tính trong âm nhạc của Olivia đã lộ rõ hơn, thể hiện qua sự táo bạo của cách làm nhạc dưới sự giúp sức của Dan Nigro, giảm độ SẦU và tăng độ GẮT lên khá nhiều.


Trong “All-American Bitch”, Olivia mở đầu bài bằng giọng hát có chút ngây thơ trên nền guitar acoustic tưởng như một bản ballad. Nhưng không. Khi các nhạc cụ xuất hiện đầy đủ thì âm thanh Pop-Punk dồn dập đẩy sinh khí của album lên rất nhiều. Cũng gần giống như bài “Brutal” mở đầu cho album SOUR bằng tiếng guitar rè, “All-American Bitch” tiến xa hơn một bước khi tạo sự tương phản giữa phần verse nhẹ nhàng với phần điệp khúc ồn ào có âm thanh đập thẳng vào mặt. Giọng hát của Olivia vừa giống một cô gái trẻ nổi loạn như cách Avril Lavigne từng thể hiện, mà cũng vừa có sự giận dữ trong đó giống với Alanis Morrisette, đặc biệt khi Olivia gào thét ở cuối bài. Cảm giác như phải tới GUTS, bầu không khí GẮT đầy sức nóng này mới được cô lột sạch, bung lụa và bất chấp. Thứ tôi cực thích trong track mở đầu này còn là cách Dan Nigro phối tiếng đàn guitar chơi các hợp âm nghịch tai, ngang phè với tiếng hát / hét của Olivia như thể xé toang bầu không gian, nghe rất đã, trước khi kéo tụt hết về không khí nhạc Folk nhẹ bẫng ở phần outro, hệt như không có gì xảy ra cả.

Tới track thứ hai, “Bad Idea Right?”, nhịp điệu dồn dập của trống và bass làm nền cho phần lời như đọc rap của Olivia như lời xác định về một album có chất nhạc cực GẮT. Nhất là khi đoạn điệp khúc có giai điệu ngang tai trên một nốt kéo dài vô cùng cá tính và ương bướng. Bảo sao, ở nửa cuối bài, khi ca khúc đẩy dần lên cao trào và tạo những đoạn ngưng nhạc chỉ để tiếng guitar điện rít lên là biết Olivia đang đi rất đúng hướng trong âm nhạc với album thứ hai này.


Và cứ vậy, chúng ta có thêm bản Pop-Punk có sự GẮT gỏng trong bài hát có cái tên chả liên quan, “Ballad Of A Homeschooled Girl”, hay track Rap kết hợp Rock trong “Get Him Back!” và bản Pop Rock có tempo nhanh như “Love Is Embarrassing”. Đến những bài lắng đọng hơn với chất ballad và có phần hát hơi ỉ ôi vẫn kéo lại được sức sống của chúng bằng bản phối dồn dập mạnh mẽ ở khúc sau trong “Vampire”, hoặc không cần tới năng lượng GẮT thì cũng vẫn tránh được yếu tố SẦU nhờ kiểu hát bè và nhẹ mơ màng như tiếng thở trên nền nhạc Folk Pop ở “Lacy”.

Dưới bàn tay của Olivia Rodrigo và Dan Nigro, cá tính âm nhạc riêng cho Olivia giờ được lộ rõ hơn rất nhiều.

Không còn sự dè chừng như thể thăm dò thị hiếu người nghe bằng các bản ballad về sự tan vỡ tình yêu ở SOUR, thay vào đó là âm thanh mạnh bạo bất cần của tuổi trẻ và phần lời có phần dí dỏm, ví dụ như câu “I’m a perfect all-American bitch / With perfect all-American lips / And perfect all-American hips” trong bài “All-American Bitch”; rồi câu “Everything I do is tragic / Every guy I like is gay” trong “Ballad Of A Homeschooled Girl”; hay “He said he's six-foot-two, and I'm like, "Dude, nice try"” và “I wanna meet his mom, and tell her her son sucks” trong “Get Him Back!”.

Không còn những cấu trúc bài có phần đơn giản trong SOUR, mà thay vào đó là độ căng giữa phần giai điệu hát trên nền hợp âm, sự phức tạp trong biến chuyển giai điệu, các hợp âm lạ nghịch tai được chèn vào, và các âm sắc nhạc cụ đầy gai góc, kể cả trong những track ồn ào lẫn những bản ballad.

Tóm lại là album thứ hai này nghe GẮT hơn rất nhiều. Âm nhạc của nó có thể cho phép cô gái trẻ mang đi hâm nóng bất kỳ bầu không khí nào tại những sân khấu lớn. Việc người nghe của những thế hệ khác có thể đồng cảm với suy nghĩ của Olivia hay không không quan trọng, vì giữa sức nóng đó, để sống lại thời tuổi trẻ đầy năng lượng và có phần nổi loạn hẳn cũng là một điều thú vị.

Với thành công vượt trội về mặt nhạc ở GUTS, tiềm năng âm nhạc của Olivia Rodrigo cho thấy cô vẫn còn có thể tiếp tục nhảy những bước xa hơn. Và tôi lại tiếp tục tò mò đón chờ sản phẩm thứ ba để xem cô gái sẽ làm thêm được những gì. Ở độ tuổi trưởng thành của người phụ nữ, lúc ấy có thể Olivia sẽ hoặc đằm thắm, hay lạnh lùng hơn chăng?


Với tinh thần đặt tên album theo một từ có 4 chữ cái, hy vọng cô sẽ gọi nó là DUMP hoặc DATE, để lần tới tôi có thể gọi chúng bằng tên Việt hóa tương đồng về âm dễ hơn, kiểu như “ĐẰM” hoặc “ĐỆT”.


Hẹn gặp lại!

Kroon

1,268 views

Recent Posts

See All
bottom of page