top of page

Paramore và Hayley Williams: ai cần ai hơn?



Tháng 2 năm 2021, Hayley Williams bất ngờ phát hành album solo Flowers For Vases / Descansos, chỉ 9 tháng sau album solo đầu tiên Petals For Armor. Điều bất ngờ nữa là trong album solo thứ hai này, Williams sáng tác hết các bài trong album như cô vẫn thường làm kể từ thời với ban nhạc Paramore, nhưng lần này không có thêm một ai khác tham gia trong phần tác giả. Và thêm nữa, toàn bộ nhạc cụ thu âm trong đĩa, bao gồm guitar, bass, piano và trống, đều do Williams tự biên tự diễn.


Quay ngược lại hơn 10 năm trước đó, vào tháng 12 năm 2010, một dòng tin đăng tải trên trang web của ban nhạc Paramore thông báo hai thành viên và cũng là hai anh em - Josh FarroZac Farro đã chính thức rời khỏi ban nhạc.


Đáp lại dòng thông báo dài 62 từ đó, blog của hai anh em nhà Farro (mà sau này được làm rõ là đến từ ông anh Josh) sau đó post một bài giải thích dài tới 1442 từ, nhiều hơn nửa chính bài viết này của EmoodziK. Nôm na bài đăng của Farro giãi bày rằng ban nhạc Paramore thực chất là một sản phẩm được nhào nặn bởi một hãng đĩa lớn, và rằng Hayley Williams cũng chịu sự chi phối của đội ngũ quản lý, coi toàn bộ các thành viên khác trong ban nhạc như lính đánh thuê để biến “giấc mơ” gây dựng một sự nghiệp âm nhạc solo của cô gái Williams thành hiện thực.


Vụ chia tay rắc rối um xùm này của các thành viên trong ban nhạc phơi bày ra hai quan điểm đối lập: (1) anh em nhà Farro (cụ thể là Josh Farro) nhận định ban nhạc Paramore, mà Josh Farro vừa là một trong mấy thành viên đầu tiên sáng lập vừa là người đặt tên, chỉ là cái "hư danh" mà Williams mượn để “trá hình” cho kế hoạch phát triển sự nghiệp solo của cô; trong khi (2) Hayley Williams vẫn một mực khẳng định lại một điều, rằng cô luôn muốn mình chỉ là một thành viên của ban nhạc và cô luôn cần có Paramore ở bên, ngay từ những ngày đầu.


Lại quay ngược lại 7 năm trước đó, một ngày năm 2003, vì quá ấn tượng với giọng hát trên đĩa CD demo ghi tên “Hayley Williams”, Steve Robertson - đại diện của hãng đĩa Atlantic hẹn gặp cô để bàn về hợp đồng ghi âm riêng. Ngay buổi gặp lần đầu đó, Williams không ngần ngại khả năng đánh mất cơ hội cho sự nghiệp solo mà nằng nặc đưa ra điều kiện với Robertson “Cháu không giống chị Avril Lavigne. Cháu không phải nghệ sĩ solo đâu mà cháu chơi trong một ban nhạc. Chú phải đến xem buổi diễn của ban nhạc cháu cơ”.

Ngày ấy Williams đã quen anh em nhà FarroTaylor York, những người có cùng một đam mê âm nhạc lớn lao như cô, thúc đẩy cô gái lập ban nhạc cùng họ. Vốn dĩ đã từng tập chơi trống, Hayley Williams ngần ngừ chui ra khỏi chỗ nấp sau giàn trống để làm ca sĩ chính cho ban nhạc, nhưng ít ra cô gái lúc đó còn có những đồng đội tham gia cùng để tiếp thêm niềm tin, chứ nói gì đến việc cô dám đứng lẻ loi trên sân khấu dưới tư cách một nghệ sĩ solo.

Về phía hãng đĩa, khi ấy cô bé xinh xắn hát hay Williams mới 14 tuổi, cái tuổi phù hợp cho hãng đĩa uốn nắn để thành một công chúa nhạc Pop, hơn là vai trò một thành viên của ban nhạc Rock chơi nhạc tự sáng tác, chưa nói đến các thành viên của Paramore ngày đó non choẹt “vắt mũi còn chưa sạch”, trong đó thành viên chơi trống Zac Farro mới chỉ 12 tuổi.


Có thể vì hãng đĩa quá tin tưởng vào tài năng của Williams và được trấn an phần nào khi nghe cả ban nhạc chơi thử, hoặc hãng đĩa nuôi một hy vọng Paramore - với hình ảnh một frontgirl dễ thương hát hay sẽ thành công để cạnh tranh với Avril Lavigne nên các ông lớn của Atlantic mới đồng ý bỏ tiền đầu tư cho đám trẻ con đó, và đặt họ dưới cái mác Fueled By Ramen - hãng ghi âm nhỏ cùng công ty mẹ Warner Music Group cho phù hợp với một ban nhạc rock.

Nhận định ban nhạc Paramore cần Hayley Williams cũng có phần đúng, nhưng như vậy sẽ không công bằng cho anh em nhà Farro và Taylor York.


Đúng là vì Hayley Williams có một giọng hát rất ấn tượng. Cô gái được đào tạo bài bản nên biết kiểm soát hơi tốt cho việc hát nhạc Rock. Có điều thể loại nhạc Pop Punk của Paramore là rào cản để tôi quan tâm tới nhạc của họ trong những album đầu. Như các bạn cũng biết mấy anh em nhà EmoodziK không yêu Punk Rock như các dòng khác của nhạc Rock, nhưng Punk Rock vẫn mang trong mình những âm thanh thô ráp đập vào mặt cùng cái thái độ ngỗ ngược đầy cá tính của tuổi "thanh niên". Còn Pop Punk thì lại không được bọn tôi quan tâm nhiều vì sự giản lược ở vòng hợp âm, nay được chỉnh sửa thêm cho “sáng sủa” đâm ra âm sắc nghe bị “thiếu niên” hơn. Thêm nữa, ở dòng nhạc có nhiều dải âm cao lanh lảnh mà lại được những vocalist nữ, như Avril Lavigne chẳng hạn, thể hiện sẽ càng biến âm thanh mỏng manh đó trôi tuột với bọn tôi. Hayley Williams cùng Paramore trong hai album đầu tay cũng vậy.


Chỉ mãi đến khi nghe được Williams hát phần hook trong bài “Airplanes” cùng B.o.B (và phần 2 có cả Eminem) thì tôi mới để ý cô gái hát hay thế nào. Album Brand New Eyes (2009) (thời còn anh em nhà Farro) và album cùng tên Paramore sau đó (2013) chính là hai đĩa tôi thích nhất của Paramore. Nghe giọng hát của Hayley Williams ở bài “Careful” và “Ignorance” trong album Brand New Eyes chẳng hạn, dải tông trung và trầm của giọng cô luôn hay nhất. Nhờ kiểu nhạc emo trong album này mà dải tông cao cũng dễ vào hơn. Đặc biệt bản não nề “All I Wanted” được Williams thể hiện hoàn hảo ở những nốt cao vút. Cái tôi thích ở giọng của cô còn là sự biến đổi theo cảm xúc bài, có những lúc nó gợi tôi nhớ đến sự tức giận của đàn chị Alanis Morrisette như khúc gằn trong 10 giây cuối cùng bài “Part II” trong đĩa Paramore, hoặc sự dịu dàng trong bài “Hate To See Your Heartbreak” khi nghe lại nhắc tôi nghĩ tới cô ca sĩ Taylor Swift sau này cũng có lối hát như vậy trong album Folklore.

Nhưng như nói ở trên, không công bằng nếu nói Williams một mình làm nên Paramore. Đó là vì cô cũng may mắn có được những đồng đội chơi nhạc có tài để chuyển tải hết ý nhạc của cả band.


Josh Farro & Haley Williams

Đầu tiên là không thể phủ nhận âm thanh guitar đầy đặn với âm sắc lựa chọn kỹ lưỡng của Josh Farro trong album Brand New Eyes. Bài đầu tiên “Circle” có phần riff guitar không quá rè mà được xếp chồng xếp lớp đan giữa với âm thanh của Taylor York tạo không khí đầy mãnh lực. Rồi bài “Turn It Off” cũng có câu riff ổn nhờ giai điệu của nó, và đến cuối bài âm sắc guitar sạch bong lung linh hoà quyện thì rất bắt tai.


Tiếp đến là cậu em Zac Farro, người bỏ nhóm cùng ông anh, nhưng sau đó lại một mình quay lại với Paramore để chơi trong album After Laughter (2017). Dù nhỏ tuổi nhất, tiếng trống mà Zac chơi luôn có đầy sức nặng, với những câu fill cực tự tin. Nhờ Zac mà nhạc Pop Punk của Paramore chính ra được nặng hơn chữ “pop” trong đó khá nhiều. Những cú giã cực khoẻ như ở bài “Ignorance”, rồi swing, biến đổi cách đánh, cách fill chỗ này chỗ kia tạo hiệu ứng giữ cho nhịp độ và năng lượng hừng hực trong nhạc của band.


Zac Farro, Taylor York & Hayley Williams

Còn Taylor York, tay guitar tham gia cùng anh em nhà Farro từ ngày đầu tiên nhưng sau đó không được hãng đĩa cho vào band vì bị đánh giá thấp, sau đó được rủ gia nhập trở lại từ đĩa Brand New Eyes. Sau sự ra đi của Josh Farro, Taylor York dĩ nhiên phải cân trách nhiệm của một cầm thủ guitar kiêm việc đồng sáng tác chính với Williams từ album Paramore. Tiếng đàn của York có thể không nổi trội như Josh, nhưng York lại là người thợ đa tài tới nhiều vai trò khác nhau: sáng tác nhạc và các câu riff (trên guitar hoặc có khi trên cả đàn piano rồi chuyển thể sang guitar sau đó); chơi nhiều nhạc cụ gồm guitar, keyboard, ukulele, marimba, trống, bộ gõ; rồi kiêm cả đồng sản xuất và mix âm thanh. Trong album Paramore, ở nửa cuối “Part II” là một ví dụ thể hiện độ cảm về âm sắc rất tốt của York khi tạo ra thứ tiếng guitar huyền ảo đan giữa những câu fill dồn dập của trống (Khả năng cảm âm của York sau đó được phát huy hết mình hơn trong album solo đầu tiên của Williams với vai trò nhà sản xuất).


Thế xem ra cũng không khó hiểu khi Hayley Williams từng tuyên bố cô không bao giờ muốn tách ra solo mà luôn cần có ban nhạc ở bên cạnh mình vì sự đóng góp đáng kể trong sáng tạo nghệ thuật của những nhân tố chính, kể cả khi các thành viên trong ban nhạc liên tục bị xáo trộn.


Và chính vì vậy, khi Williams tung ra album solo đầu tiên Petals For Armor (2020), mọi người lại dấy lên nghi vấn về sự tan rã của ban nhạc. Nhưng trong mục credit của đĩa, ta vẫn thấy tên hai thành viên của Paramore, một là Taylor York ở vai trò nhà sản xuất cho album, và đồng tác giả ở một số bài, hai là Zac Farro thu âm phần trống cho 02 trong số 15 track. Tuy nhiên, thể loại Art Pop / Indie Pop đầy tính thử nghiệm trong album, khác xa một nhạc phẩm của Paramore là dấu ấn riêng biệt mà Hayley Williams đưa vào đĩa solo đầu tiên này. Cô sáng tác chính, không chỉ giai điệu mà cả một số câu riff của bài. Cô chơi guitar, keyboard và trống trong một vài track của album.

Kết quả là đĩa Petals này mang một phong cách nhạc cực kỳ cá tính với chất lượng nhạc rất cao của “cô công chúa nhạc Pop hụt” ngày nào. Cá nhân tôi thấy album solo này hay hơn hẳn các nhạc phẩm của Paramore khi giọng Williams đầy cái hồn cùng cảm xúc của một nghệ sĩ vô tình thử sáng tác nhạc riêng cho mình như một biện pháp trị liệu tâm lý, theo gợi ý của bác sĩ, ở thời điểm Williams vừa trải qua các biến cố sau vụ ly dị với người chồng cũ. Vì lẽ đó, âm nhạc của Hayley Williams chưa bao giờ lại thô ráp, phơi bày trần trụi hết những suy nghĩ cảm xúc tâm gan của mình như bây giờ.


Bắt đầu album bằng phần lời “rage” / “cơn thịnh nộ” được bật ra từ mồm khi Williams mới sáng tác bài “Simmer”, đánh dấu một cảm xúc cực mạnh mẽ có phần đen tối của album. Trong bài này, cô thậm chí còn dùng giọng hát để làm cả vai trò nhịp điệu như một bộ gõ, thứ nhạc cụ mà Williams đã tập chơi từ nhỏ.


Không còn sự “ồn ào” của guitar điện phong cách Punk trong nhạc của Paramore, đọng lại là phần nhạc được viết tinh giản. Như “Creepin’”, trên nền guitar và keyboard mờ ảo do chính Williams tự thể hiện, cô không cần hát các nốt cao vút mà chỉ nhả các nốt giai điệu nhẹ nhàng để rồi thỉnh thoảng lại gằn giọng đầy ma quái ở câu chốt “So why you creepin' 'round here?” có phần điên dại tựa như một bài nhạc mà ta nghe của Kate Bush ngày xưa. Hay như bài “Over Yet”, sẽ thiếu hẳn không gian âm nhạc chính nếu không có phần keyboard Williams chơi. Cái cá tính trong album này còn ở nhịp điệu nhát gừng lệch phách trong phần trống ở bài “Cinnamon” được Williams đánh và thu âm, bởi phải tự chính cô mới thể hiện ra được ý đồ kỳ quặc về tiết tấu nhịp điệu đó trong đầu.


Như để thách thức thêm, đĩa solo thứ hai Flowers For Vases / Descansos (2021) được tung ra bất ngờ sau đó càng đúng nghĩa hơn một nhạc phẩm tự biên tự diễn của Hayley Williams, khi mà cô một mình sáng tác, hát và chơi hết các nhạc cụ. Phong cách nhẹ nhàng và càng giản lược hơn của nhạc Folk trong album này vẫn đủ để người ta phải ngả mũ thán phục trước tài năng của cô khi Williams có thể gần như một tay hoàn thành nguyên album, điều mà người ta cũng chỉ thấy ở mấy nghệ sĩ thiên tài đa di năng như Stevie Wonder, Prince hay Dave Grohl. Sự giản lược trong âm nhạc ở album này cũng càng lộ rõ hơn khả năng viết nhạc đầy chất giai điệu ở “ngòi bút” của Williams, tiêu biểu như ba track rất hay “Aystole”, “Trigger” và “Find Me Here”. Và hơn cả, chất lượng của hai album solo liền nhau mang hai phong cách khác nhau là câu trả lời to đùng cho câu hỏi trong tiêu đề của bài viết, rằng Paramore cần Hayley Williams nhiều hơn, và ở thời điểm này, cô thực ra cũng chẳng còn cần Paramore nữa, ngoại trừ những người bạn chơi nhạc cùng.


Hẹn gặp lại!


Kroon

1,794 views

Recent Posts

See All

Comentarios


bottom of page