“Yesterday
All my troubles seemed so far away
Now it looks as though they're here to stay
Oh, I believe in …”
***
Paul tỉnh dậy, không buồn bước chân ra khỏi giường để đánh răng, rửa mặt hay cạo râu. Gã rơi vào trầm cảm vì không ngờ có một ngày như vậy xảy đến. Ban nhạc mà gã đã dành hết đam mê và tham vọng để gây dựng, kể cả đã trải qua biết bao biến cố, nay mỗi người một ngả. Nói đúng hơn là ba kẻ kia đều không còn ai muốn chơi với gã. John thì đã nói ra ý định bỏ The Beatles và hướng sự tập trung của mình sang việc chơi nhạc cùng Eric Clapton và Klaus Voormann cho dự án Plastic Ono Band cùng với Yoko Ono. George và Ringo thì đều không muốn dây với gã, nhất là khi Paul là người duy nhất không đồng ý có sự tham gia của Allen Klein – tay quản lý mới (người đang làm quản lý cho chính ban nhạc The Rolling Stones).
Chai whisky là người bạn duy nhất của Paul, trong khi nửa kia của gã, cô vợ Linda còn bận lo chăm sóc cho hai đứa con (một đứa con riêng và cô con gái đầu lòng với Paul). Để sốc lại tinh thần ông chồng, Linda khuyên Paul nên nghĩ tới chuyện chuẩn bị một sự nghiệp âm nhạc solo cho riêng mình, mà không cần phụ thuộc vào tương lai của ban nhạc nữa. Dù Linda đã từng là kẻ thứ ba khi chen chân vào chuyện tình cảm của Paul khi gã còn đang đính hôn với Jane Asher, sự đồng cảm giữa Linda và gã như đôi bạn tình tri kỷ vậy. Khác với Jane, Linda biết phê thuốc và chia sẻ nhiều thú tiêu khiển cùng gã, và quan trọng hơn là chịu hy sinh sự nghiệp riêng để ở nhà làm vợ và làm mẹ, đúng với ý muốn của những tay đàn ông có suy nghĩ cổ hủ muốn làm chủ gia đình như Paul.
Paul bừng tỉnh. Chẳng mấy chốc, gã đã chuẩn bị đầy đủ các thiết bị thu âm để tự sáng tác, sản xuất, hát và chơi toàn bộ các nhạc cụ cho các bài nhạc mà sau này trở thành album solo đầu tiên của gã mang tên McCartney (1970). Những track thu âm đầu tiên bao gồm bài nịnh vợ “The Lovely Linda”, hai bản được sáng tác từ thời The Beatles là “Junk” và “Teddy Boy”, và track mang đậm chất thể nghiệm về nhịp điệu qua các bộ gõ trong bài “Kreen-Akrore”.
Ngày Hôm Qua của năm 1970, ban nhạc The Beatles hẵng còn đang tập hợp lại bên trong studio để thu âm album Abbey Road (1969). Mặc dầu Let It Be là album cuối cùng được phát hành của ban nhạc, Abbey Road mới là sản phẩm mà bốn thành viên lần cuối cùng chơi đàn và hát cùng nhau. Không khí trong studio có sự tích cực rõ ràng, khác xa với những gì đang xảy ra gần đây. Cả bốn người họ chơi nhạc như một nhóm bạn đã từng một thời gắn bó keo sơn.
Đây cũng là album mà Tứ Quái tái hợp với nhà sản xuất đại tài George Martin, người được coi như “Chú Bọ” thứ năm của ban nhạc, người đã nâng đỡ và trợ giúp Paul, John, George và Ringo từ những ngày đầu ban nhạc bước chân vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Đến kỹ sư âm thanh đại tài Geoff Emerick cũng trở lại khiến cho bầu không khí trở nên vui tươi hơn. Cái cảm giác của sự đoàn tụ giữa những con người thân quen dường như dành cho một album nhạc cuối cùng cũng gây hưng phấn cho tất cả. Có thể là vì nó mang một ý nghĩa lớn lao và có thể vì sau đó, mỗi con người họ sẽ được “tự do”.
Abbey Road tương tự như The White Album khi nó mang tới sự đa dạng trong âm nhạc. Abbey gồm các bản bluesy như “Come Together”, “I Want You (She’s So Heavy)” cho tới những bài có cấu trúc phức tạp như phần hát bè tuyệt hay của John, Paul và George trong “Because” và các khuông nhạc có số chỉ nhịp 3/8 và 2/8 trong câu đàn chuyển tiếp, chịu ảnh hưởng của âm nhạc Taal từ Ấn tạo nhịp điệu rất lạ tai với nhạc phương Tây trong “Here Comes The Sun”. Đấy là những ca khúc được sáng tác bởi John và George. Đến cả bài do Ringo sáng tác, “Octopus’s Garden”, ca khúc thứ hai mà anh này viết cho The Beatles cũng mang đầy yếu tố thú vị và hấp dẫn.
Còn với Paul, các ca khúc mà gã viết cho Abbey Road mang nhiều sự thú vị và hấp dẫn của một nghệ sĩ tài năng đạt tới độ chín muồi. Bài “You Never Give Me Your Money” mang đầy chất progressive biến đổi từ sự nhẹ nhàng trữ tình tới không khí dồn dập hơn ở nửa sau. Bài “Maxwell’s Silver Hammer” có phần lời kể hẳn một câu chuyện giả tưởng về một sinh viên trường y là một kẻ sát nhân điên loạn chuyên giết người bằng chiếc búa của hắn. Giả tưởng hay không, hay là những tưởng tượng bay bổng quá đà của Paul những khi cáu tiết với tên manager mới Allen Klein hoặc với John hay có khi cả Yoko Ono, thì đó vẫn là những bước tiến vượt bậc trong sáng tác cả về nhạc lẫn lời của Paul, trong đó đặc biệt phần lời trước đây vẫn thường không phải là điểm mạnh của gã, nhất là khi đem so với người cộng sự John.
Nói cho chính xác hơn, không khí vui vẻ và hoà hợp trong phòng thu thực ra là giữa ba người, Paul, George và Ringo, cho đến khi John cùng người vợ Yoko xuất hiện sau chuyến đi nghỉ ở Scotland.
“Phải là THE Beatles, cưng ạ”, Paul kiềm chế khi rít câu nói qua kẽ răng với Yoko mỗi khi cô ta lải nhải khuyên “Beatles nên làm” như thế này, “Beatles nên làm” như thế kia. Nhóm Tứ Quái ở giai đoạn mâu thuẫn nội bộ lên tới cực điểm sẽ được xoa dịu nếu có “khách quen” ghé tới studio, như lần Eric Clapton từng xuất hiện trước đây. Có điều Yoko không phải là vị khách như vậy. Trong lần thu âm Abbey Road, John còn yêu cầu cắm riêng một chiếc micro kéo tới chỗ Yoko nằm ngả lưng vì vết thương sau tai nạn xe hơi mà John gây ra khi lái ở Scotland, tất cả chỉ để Yoko, với chiếc vương miện kỳ cục đội trên đầu, như một nữ hoàng được quyền đưa ý kiến xen ngang trong những buổi thu âm.
May thay sự có mặt của vị khách không ai muốn mời trừ chồng cô ta cũng không cản trở Tứ Quái hoàn thiện bản thu âm nửa sau của đĩa một cách xuất sắc.
Bản medley kéo liền giữa hai track “Polythene Pam” do John sáng tác với “She Came In Through the Bathroom Window” do Paul sáng tác, với từng người thể hiện phần vocal trong bài của họ, được nối bằng đoạn trống dồn chơi hay và hiệu quả của Ringo. Ở ngay đoạn đầu bài “She Came”, John còn cười khoái trá rồi hét to “Để ý nhé!” ngay trước khúc bài nhạc đổi tempo. Về phần nhạc, bài “She Came” đó của Paul có phần còn nhỉnh hơn bài của John nhờ giai điệu biến chuyển cực đẹp.
Ba track liền sau đó, “Golden Slumbers”, “Carry That Weight”, và “The End” đều do Paul sáng tác cũng được nối liền mạch với cao trào của bài “The End” rất hay. “The End” như một màn kết hạ màn của The Beatles khi mà tiếng trống của Ringo ít khi chơi hay nổi bật đến như vậy, dẫn lối cho tiếng bass trầm đặc mà Paul nay đã thuần thục nhuần nhuyễn, và đặc biệt màn “tam ca” tiếng guitar tuyệt hay giữa George, John và Paul, để mà khi ca khúc kết thúc, người ta chỉ biết thở dài vì một kỷ nguyên của một ban nhạc vĩ đại đã chấm dứt!!!
Ngày Hôm Qua của buổi thu âm Abbey Road là những ngày bão tố nhất của ban nhạc The Beatles.
Yoko Ono chỉ là một trong những giọt nước làm tràn ly. Mâu thuẫn nội bộ đã được đẩy lên cực điểm khi John thoát khỏi cơn mê từ những chất gây nghiện, cả LSD lẫn heroin, và nhận ra vai trò của mình đã bị đẩy về phía sau Paul từ lúc nào không hay.
John không nhớ rằng từ khi quản lý Brian Epstein chết đột ngột, mỗi kẻ trong Tứ Quái chạy theo mối quan tâm riêng. Với Ringo, đó là đứng ngoài các việc chính trị của nhóm. Với George, đó là những mối quan tâm đắm chìm với văn hoá và âm nhạc đến từ đất nước Ấn Độ. Với John, đó là sự chán chường và điên loạn đẩy tay này tới niềm vui mang đến từ những chất kích thích.
Chỉ có Paul, kẻ tỉnh táo nhất ban nhạc là tự nhận lấy vai trò dẫn dắt cho ban nhạc trong mọi phương diện, từ định hướng âm nhạc, quay phim ca nhạc, cho đến quản lý chính cho công ty Apple mà The Beatles lập ra.
Thế nên khi John lấy lại sự tỉnh táo, một cuộc nội chiến xảy ra giữa hai tay frontman của ban nhạc nổi tiếng nhất thế giới. Những kẻ làm cùng loay hoay giữa những chỉ đạo và quyết định mâu thuẫn lẫn nhau được đưa ra bởi Paul và John. Đỉnh điểm là khi John lôi Allen Klein vào để kiểm toán lại công ty Apple thì Paul kéo công ty luật của bố vợ mình vào làm tư vấn. Việc Paul lôi người nhà vào việc chung của ban nhạc càng làm dấy lên nghi ngờ về ý đồ nắm quyền kiểm soát của gã với ba kẻ còn lại. Allen Klein vì thế càng dễ dàng thuyết phục John, George và Ringo về phe mình khi thứ họ thiếu nhất lúc này là quyền lực trong band. Những cuộc đụng độ nảy lửa giữa Klein - đại diện của ba chú bọ với công ty nhà bố vợ Paul - dĩ nhiên đại diện cho chính gã cũng phải đến cái kết cục mà gã không muốn, đó là lựa chọn Klein làm người quản lý mới, bởi sự phản đối của Paul cũng không chống lại nổi số đông, mặc cho trước đó gã và vợ tìm cách dụ dỗ Ringo về phe mình bằng một bữa ăn thân mật tại nhà do chính tay Linda McCartney nấu nướng.
Paul không thể kéo George về phe mình được vì khoảng cách giữa cả hai đã bị đẩy ra ngày càng xa. Dưới thời kỳ Paul nắm quyền lãnh đạo nhóm Tứ Quái, gã đã gây đủ khó chịu cho mọi người, đặc biệt với George khi đưa ra những quyết định bất chấp sự phản đối của George, từ việc thực hiện các buổi ghi hình cho chương trình TV nào đó, cho tới chuyện áp đặt từng câu đàn của chính George trong mỗi buổi thu âm.
Trong lần thu bài “Hey Jude”, Paul không muốn George chơi tiếng guitar quá rõ để lấn át các nhạc cụ khác. Như một vị giáo viên, gã vẫn hay lên giọng giảng dạy người khác. “Tiếng đàn chơi chưa hoà vào với bài nhạc”; “Chúng ta sẽ chơi lại cho đến khi được mới thôi”; “Đoạn này cần chơi đơn giản hơn”; “Khúc này cần có nhiều biến chuyển hơn”; v.v. là những điều gã sẽ nói với những thành viên ít tiếng nói hơn, và dĩ nhiên đó là George và Ringo. Với tính cách áp đặt, nhất là khi đang nắm vai trò lãnh đạo nhóm mà Paul tự giao, thật không khó để người ngoài nhìn thấy sự không coi trọng của gã với hai thành viên. Kể cả George là người quen thân với Paul từ ngày đầu, nhưng cho tới giờ, nhiều khi anh vẫn bị hai đàn anh coi như thằng nhóc bê vác đàn guitar từ thuở nào. Ngây ngô. Kém cỏi. Kể cả thái độ của John với George cũng có phần nào thể hiện sự coi thường với thằng em.
Nếu như George đã từng tức tối bỏ nhóm khi Tứ Quái đang thu âm, mỉa mai thay, cho dự án âm nhạc mang tên “Get Back” (sau là “Let It Be”), thì Ringo Starr cũng đã làm điều tương tự trước đó trong lần band thu âm cho album “The Beatles”. Nếu như một trong những lý do mà George bỏ nhóm là vì sự coi thường của hai ông anh, thì với Ringo, đó là vì sự thân thiết của ba kẻ còn lại khi anh này chỉ là người đến sau và vì bản tính áp đặt của Paul. Ngay từ những ngày ban nhạc còn mang tên The Quarrymen, Paul đã có thói quen ra lệnh cho các tay trống của nhóm chơi như thế nào. Khổ cái là gã có đủ tài năng để chơi cho ra thứ tiếng trống mà gã muốn người ta chơi, đặc biệt khi họ không nghe lời. Vì thế mỗi lần Ringo ra lấy chén trà để uống là y như rằng quay lại đã thấy Paul ngồi bên giàn trống của mình. Việc Ringo tức tối bỏ khỏi nhóm (trước khi quay lại sau khi nguôi giận) khi đang thu âm đĩa “The Beatles” là nguyên nhân phần trống chúng ta nghe được trong bài “Back In The U.S.S.R.” là do Paul thể hiện. Đã thế John còn đùa rằng Ringo không phải tay trống giỏi nhất trong Beatles, chả hiểu là ý gì!!!
Album The Beatles (1968) mang tiếng được đặt theo tên ban nhạc nhưng nó lại được thực hiện vào thời kỳ Tứ Quái thiếu đoàn kết nhất. Mỗi người họ tự tập trung vào bài hát của mình, và săm soi bài của kẻ khác. John chỉ cắm mặt tập trung vào thu âm đủ các bản version khác nhau của “Revolution 9” - một track kỳ lạ, rồi tức tối khi Paul chỉ nói đúng một câu “Không tệ” để nhận xét về sáng tác của mình. Còn Paul thì bắt ép mọi người thu đi thu lại bài “Ob-La-Di, Ob-La-Da” của gã, một ca khúc mà John chê nghe như nhạc cho mấy bà già. Paul ám ảnh với một tiêu chuẩn hoàn hảo của bản thân đến độ phần piano chơi thuộc làu đến nhuần nhuyễn của John cũng không đủ cho gã cảm thấy hài lòng. Rồi gã còn lén thu lại đoạn trống của Ringo khi tay trống này vắng mặt, điều dĩ nhiên khiến Ringo tức sôi máu. Cả đến khi producer George Martin mà cả band vô cùng kính trọng yêu cầu Paul hát lại câu cuối của mỗi đoạn thì gã cũng lạnh tanh đáp lại: “Nếu ông nghĩ mình hát được hay hơn thì sao không xuống dưới buồng thu để hát cmn lại đi hộ tôi?”. Câu nói hỗn của Paul khiến người lịch thiệp như Martin cũng phải cáu tiết và bỏ đi nghỉ mát vài tuần ngay sau đó vì không chịu nổi đám “nhãi ranh” ngây thơ mà ông biết đến ngày đầu.
Trong những buổi thu khác, không khí ban nhạc cũng chả hề khá hơn khi John gào thét kêu muốn chết trong “Yer Blues”, còn Paul thì rít kẽ răng lại trong “Helter Skelter”, trong khi George thì chỉ để tâm hát về mấy chú heo trên nền nhạc trộn lẫn tiếng kêu ụt ịt trong “Piggies”.
Vì vậy cái tên khác - The White Album mà người ta đặt thay cho đĩa nhạc này xem chừng cũng hợp lý hơn hẳn nếu nhìn vào sự mâu thuẫn của ban nhạc khi thực hiện dự án này. Có tới 30 bài với đủ các thể loại, về tổng thể The White Album vẫn được khen ngợi, nhất là khi ai cũng có thể tìm được thứ nhạc yêu thích của riêng mình, bất chấp đằng sau sản phẩm được tạo ra là những cuộc cãi vã. Dù có những ý kiến The White Album nghe giống một sản phẩm của John hơn, nhưng một điều rõ ràng là những bài nhạc kinh điển nhất của đĩa, như “Blackbird”, “Helter Skelter” và “Back In The U.S.S.R.” sẽ không thể tồn tại nếu không phải được Paul viết ra. Bởi ở thời điểm này, khả năng làm nhạc của gã đã ở phong độ tốt nhất về chất lượng và sự tinh tế rồi.
Ngày Hôm Qua của buổi thu âm The White Album là cái chết đột ngột vì sốc thuốc quá liều của Brian Epstein, quản lý có công lớn đưa The Beatles thành một hiện tượng ở Anh Quốc, phá vỡ rào cản để tấn công thị trường nước Mỹ và sau đó đến tai người yêu nhạc trên khắp thế giới. Vào những ngày cuối đời, trong hội Tứ Quái, Paul vẫn là kẻ ương ngạnh khó quản lý nhất với Brian. Nhất là khi đó The Beatles đã dừng đi lưu diễn ở Mỹ nên vai trò của Brian cũng mờ nhạt trong khi Paul đang đứng lên nắm quyền.
Ngày Hôm Qua trước cái chết của Brian là thành công vang dội của album Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band (1967), một tác phẩm mà công lớn thuộc về Paul qua số lượng bài hát được gã đóng góp trong sáng tác nhiều nhất và ý tưởng hình bìa album mang đậm chất kinh điển vào giai đoạn thuộc đỉnh cao của sức sáng tạo của Paul. Riêng thời gian ghi âm và mixing của album này kéo dài tới 5 tháng do những yêu cầu về phần nhạc được gã đòi hỏi cao hơn, tỉ dụ như đoạn nhạc giàn strings kéo những nốt nhạc từ thấp lên cao mà Paul nghĩ ra để tạo điểm nhấn táo bạo ở đoạn giữa và khúc cuối bài “A Day In The Life” - một ca khúc do John sáng tác. Lúc này đây sự tự tin và kinh nghiệm dày dặn trong việc sáng tác nhạc không chỉ riêng cho The Beatles, mà còn cho nhiều nghệ sĩ khác cũng như các bản soundtrack phim đã đưa Paul tới một vị trí quan trọng có phần nhỉnh hơn vai trò của người anh cả John. Bảo sao khi Paul xem những thước phim hoạt hoạ Yellow Submarine, gã không mấy vui vẻ khi thấy nhân vật của mình được thể hiện chỉ như kẻ đứng sau John.
Ngày Hôm Qua của album Sgt. Pepper là khả năng trình độ viết nhạc của Paul đã đạt những tầm cao mới như các sáng tác “Eleanor Rigby”, “Here, There and Everywhere” trong album Revolver (1966) và “Michelle” (đối trọng với bản “Girl” hay không kém của John) trong album Rubber Soul (1965). Là một kẻ không biết đọc bản nhạc và chỉ bắt đầu chơi nhạc bập bõm với số hợp âm đếm được trên một bàn tay, thật khó tưởng tượng một ngày Paul có thể sáng tác các ca khúc có vòng hợp âm phức tạp đến vậy. Ca khúc “Eleanor Rigby” được trộn lẫn giữa hai âm giai khác nhau tạo một lực hút kéo giai điệu cực hay dù không rõ chủ đích của Paul lúc viết nhạc như thế nào. Rồi cũng vì sự thiếu hiểu biết vô tình đó, mà những sáng tạo đến thiên tài được tạo ra như ở ca khúc “Michelle”. Nếu bài nhạc được chơi theo giọng F theo đúng trong đĩa thì nốt nhạc mà Paul hát ở khuông nhạc thứ hai, nốt Db hoàn toàn sai căn bản khi đá nhau với nốt D thường trong hợp âm Bbm7, vậy nhưng khi ghép lại thì giai điệu là một vòng biến đổi tuyệt vời.
Từ thời kỳ Rubber Soul cũng là lúc Paul chuyển mình để chơi bass theo những cách khác hẳn ngày trước, phức tạp hơn, groovy hơn, và âm sắc cũng hay hơn, sau khi gã đổi từ cây Hofner chuyển sang dùng Rickenbacker. Thay vì chỉ đánh những nốt gốc và nốt bậc 5 của hợp âm vào những phách nhịp chính như trước, chịu ảnh hưởng từ lối chơi của thần tượng James Jamerson, trong các bài nhạc của Tứ Quái từ Rubber Soul trở về sau, câu bass của Paul bỗng mượt mà uyển chuyển, vừa mang giai điệu. Các nốt bass gã chơi trải dài trên các phím và theo các nốt móc đơn móc kép xen kẽ vang lên chắc nịch nhờ cây Rickenbacker mà trước gã từ chối dùng chỉ vì nó nặng. Paul còn sử dụng lối chơi vuốt dây từ nốt thấp lên nốt cao tạo ra câu bass chảy trong “Dear Prudence”, hay thể nghiệm cả fuzz bass trong bài “Think For Yourself”.
Nói một cách khác, từ Rubber Soul trở về sau, cây bass trong tay Paul đã trỗi dậy để trở thành một nhạc cụ chính trong phần thu âm, tựa như vai trò ngày một trở nên quan trọng hơn của gã trong ban nhạc.
***
“Và bây giờ là Paul McCartney đến từ Liverpool” - George mở lời giới thiệu trên sân khấu của một show TV và không quên khịa thêm một câu “Opportunity Knocks!” khi giả giọng Hughie Green - người dẫn chương trình của show tìm kiếm tài năng mà kẻ thắng cuộc được chọn qua số phiếu bầu của khán giả chứ không phải ban giám khảo. Không tự dưng George lại khịa theo lối mỉa mai hóm hỉnh mà đám trai từ Liverpool như anh và John vẫn quen nói kháy trước đám đông nhất là khi lần đầu tiên một Beatle diễn solo một bài hát trước công chúng vào năm 1965.
Ánh đèn sân khấu rọi xuống Paul ôm cây guitar thùng một mình trên sân khấu hát vang bài “Yesterday” lần đầu trước công chúng. Giai điệu buồn của ca khúc khiến khán đài lặng im theo dõi. Bài hát này giai điệu hay và quá đỗi mộc mạc mà không thành viên nào khác trong Tứ Quái có thể nghĩ ra thêm câu đàn nào khác để làm nó hay hơn, ngoại trừ phần dàn strings mà George Martin đưa vào làm nền. Cầm bó hoa đểu ra tặng cho Paul, John nói kháy: “Cám ơn cậu, Ringo. Màn trình diễn thật tuyệt vời”.
Ngày Hôm Qua trước khi Paul một mình trình diễn bài “Yesterday” mà gã sáng tác, The Beatles vẫn chỉ là một ban nhạc với những giai điệu vui tươi của đám trai “làng” Liverpool đem đến cho thế giới. Họ đã trở thành một hiện tượng chưa từng có của nền âm nhạc hiện đại và sức ảnh hưởng còn lớn hơn biết bao đến nhiều thế hệ nghệ sĩ, sau khi Tứ Quái đồng ý để ông George Martin tham gia vào sản xuất và viết thêm nhạc đệm cho các album của họ từ sau “Yesterday” và đĩa Help! (1965). Những thay đổi ấn tượng trong âm nhạc của Tứ Quái sau đó cũng đi kèm với những trục trặc nội bộ được đẩy lên đỉnh điểm của sự tan vỡ.
Nhưng trước khi những thay đổi chuyển mình này xảy ra, trước khi Paul diễn bài “Yesterday” và đắm mình trong ánh đèn danh vọng rọi vào một mình gã, Tứ Quái đã luôn là một thể thống nhất. Họ chơi nhạc cùng nhau, tiệc tùng và phê pha cùng nhau. Rồi trước khi Ringo được mời vào thế chỗ cho Pete Best khi ban nhạc bắt đầu những ngày đầu thu âm cùng George Martin dưới sự quản lý của Brian Epstein, họ vẫn đang là ban nhạc “làng” cực kỳ được yêu mến ở Hamburg, nước Đức nhờ độ bựa, độ chiến và nhiệt huyết tuổi trẻ khi diễn tại một hộp đêm trước đây dành cho các vũ nữ khoả thân biểu diễn kiếm tiền.
Cho đến Abbey Road, các thành viên đều thay đổi rất nhiều, chỉ trừ đúng Paul. Gã có lẽ là ít già đi nhiều nhất, và sự khác biệt chỉ ở sự trưởng thành và trình độ chơi và viết nhạc được nâng tầm. Từ những ngày đầu gia nhập band The Quarrymen của John lập ra, sự quyết tâm để thành công trong âm nhạc đã thúc đẩy Paul sớm lên vị trí ngang hàng với John, đến mức sau này, khi George Martin và Brian Epstein phải đắn đo trước việc đổi tên The Beatles thành “John Lennon and the Beatles” hay “Paul McCartney and the Beatles” để theo xu thế đặt nghệ danh bắt đầu bằng tên của frontman các ban nhạc ngày đó, và rồi cuối cùng đánh liều giữ nguyên tên gọi “The Beatles” để phát triển ban nhạc theo hướng có hai vị frontman trong band.
Với cây guitar bass kém hào hoa nhất trong các vị trí ở một ban nhạc, thứ mà cả John lẫn George đều lảng tránh, Paul đã dũng cảm nhận vai này và rồi trở thành tay bassist nổi tiếng nhất thế giới. Đeo cây bass trên người, gã vẫn hiên ngang sánh vai cùng John, trước khi bước lên đứng về phía trước cả ông anh vào những năm cuối cùng của The Beatles.
Bob Dylan, người đã đưa Tứ Quái vào đời với sà cân trong lần đầu gặp mặt, đã từng nhận định đa phần các nghệ sĩ lao vào con đường âm nhạc chỉ vì họ muốn danh vọng và tiền bạc, để rồi nhận ra cuối cùng tiền bạc mới là thứ duy nhất họ cần. Nhưng rồi cũng chỉ có Paul McCartney là kẻ hiếm hoi MUỐN có được đủ cả hai thứ, kể cả cho đến tận bây giờ, và GIÀNH được cả hai!
Hẹn gặp lại!
Kink