“If it weren’t for music, I think I would have shot myself in front of the classroom. It really is what kept me alive, so this is kind of full circle. So to the power of music, thanks” - Eddie Vedder đã phát biểu như vậy khi ban nhạc Pearl Jam lên nhận giải video hay nhất thể loại Metal/Hard Rock cho ca khúc “Jeremy” ở lễ trao giải MTV Video Music Awards năm 1993.
Video của bài dựng lại nội dung lời bài hát kể về cậu bé Jeremy Delle 16 tuổi cầm khẩu súng tự sát ngay tại lớp học trước mặt giáo viên và bạn học. Câu chuyện có thật này khiến Vedder hồi tưởng về một tuổi thơ không hạnh phúc của bản thân mình và anh cũng từng có những suy nghĩ từ bỏ cuộc sống.
1. “Alive”
Green River được coi là ban nhạc Grunge đầu tiên tại Seattle, cưỡi đầu làn sóng các ban nhạc tiên phong trong đó có Soundgarden. Bản EP Come On Down (1985) là ấn phẩm mang màu sắc Seattle đầu tiên. Tuy nhiên sự trục trặc về định hướng của ban nhạc khiến họ tan rã ngay trước khi album chính thức được phát hành.
Stone Gossard và Jeff Ament là hai kẻ trong band cùng chung chí hướng. Đầu tiên là phong cách nhạc chịu ảnh hưởng nhiều của dòng Rock classic những thập niên trước. Gossard học guitar từ cảm hứng qua các anh tài của Led Zeppelin, Jimi Hendrix, Queen và KISS. Arment học chơi bass qua nhạc của The Who, Aerosmith, Sex Pistols và The Clash. Thứ hai là họ đều muốn có hợp đồng với hãng đĩa nổi tiếng để “cơm ăn áo mặc” đảm bảo thay vì theo đuổi phát triển độc lập như mấy thành viên còn lại.
Vậy nên, Green River tan rã dù lúc này band đã có danh tiếng đáng kể trong giới tại Seattle. Gossard và Ament lại cặm cụi lập band mới Mother Love Bone. Sự cần mẫn của cả hai anh này và ban nhạc cùng với sự tham gia của ca sĩ Andrew Wood - nhân vật nổi tiếng trong giới âm nhạc Seattle lúc đó, sớm đưa Mother Love Bone thành một trong những ban nhạc triển vọng nhất. Sau bản EP Shine (1989), ban nhạc thu âm cho album đầu tay tên Apple. Âm nhạc của đĩa Apple thực sự rất hay. Nó không mang màu sắc u ám của Grunge sau này mà thiên về dòng Glam và Metal hơn, với giọng ca của Andrew Wood có phần giống Axl Rose đến thú vị. Có điều khi album Apple này lên lịch phát hành đầu năm 1990 thì chỉ vài ngày trước hẹn, Wood đột ngột ra đi vì sốc thuốc.
Cái chết của anh là cú giáng mạnh lên chính Jeff Ament và Stone Gossard khi lần thứ hai vinh quang lại tuột khỏi tay, ban nhạc tan rã và quan trọng hơn là họ chứng kiến một người bạn giã từ cuộc đời khi còn quá trẻ. Ament và Gossard ngừng chơi nhạc một thời gian cho đến một ngày, họ tìm đươc Eddie Vedder.
Vedder được Gossard và Ament mời đến thử giọng sau khi họ nghe những gì mà Vedder thể hiện trên cuộn băng ghi âm đoạn nhạc demo mà họ gửi đi để tìm ca sĩ mới. Không chỉ chất giọng trầm đầy cảm xúc, một câu chuyện kéo dài ba chương hồi được Vedder viết lên như bản nhạc kịch nhỏ khiến hai anh kia phải mời tới gặp mặt.
Chỉ trong vòng một tuần, Vedder nhanh chóng được nhận vào vị trí ca sĩ của ban nhạc mà Ament và Gossard ấp ủ lần thứ ba. Quá tam ba bận, may mắn lần này Jeff Ament (bass), Stone Gossard (rhythm guitar), Mike McCready (lead guitar) và Eddie Vedder (ca sĩ / guitar) đã trở thành một đội hình vững chãi cho tới giờ của Pearl Jam (PJ). Sự ăn ý của các thành viên PJ giúp họ thu nhạc còn nhanh và hợp rơ hơn cả thời Mother Love Bone. Họ có những buổi jam cao hứng thu âm ko cầu kỳ nên nhạc cứ thế mà tuôn.
Có điều không phải ai cũng thuận theo chuyện các thành viên ban nhạc chóng “lãng quên” đi Andrew Wood để tiếp tục trang mới trong cuộc hành trình. Vị hôn thê của Wood cay đắng nghe album đầu tay của PJ - Ten (1991) và cảm giác phải đến 1/4 album là có sự đóng góp của Wood trong đó. Cảm giác đó xuất phát từ sự thân quen khi nhạc của Ten phần lớn được Ament và Gossard sáng tác gần hết trước đó. Ca khúc “Alive” đã từng được Stone Gossard viết dưới cái tên “Dollar Short” và Andrew Wood còn từng thu âm cho bản demo lúc còn sống.
Sau đó, Vedder viết lại phần lời mới dưới cái tên “Alive” kể về câu chuyện một chàng trai phát hiện ra người anh vẫn luôn ngỡ là bố đẻ suốt cuộc đời lại là người cha dượng. Còn mẹ anh chứng kiến anh nay lớn lên giống hệt người chồng đã mất. Những gì xảy ra giữa người mẹ và cậu con trai đó đã biến anh ta thành kẻ điên loạn, trở thành một tên sát nhân trong hai phần sau ở ca khúc “Once” và “Footsteps”, tạo nên bộ ba vở mini opera tựa như tuổi thơ dữ dội của Tommy trong album cùng tên của The Who mà Eddie Vedder chịu ảnh hưởng lớn nhất. Điệp khúc bài “Alive” có đoạn:
“Oh, I, oh I'm still alive Hey, I, oh I'm still alive Hey, I, oh I'm still alive Hey, oh”
Không hề là niềm vui sướng, mà nó giống như lời mỉa mai của một kẻ với tâm hồn đã bị vấy đục.
Có điều là khi những người hâm mộ của Pearl Jam hát theo đoạn điệp khúc trong những buổi diễn, dàn đồng ca hào hung đã biến ý nghĩa của câu chuyện màu sắc đen tối đó thành một lời tuyên bố đầy tươi sáng. Khán giả của PJ vui vì họ được sống và tồn tại. Luồng năng lượng tích cực đó truyền tới cho chính Eddie Vedder, và biến ca khúc mà người đồng nghiệp quá cố Andrew Wood từng thu âm ngày nào, nay thành bản anthem của PJ.
Vô hình trung, ca khúc đó bỗng giải lời nguyền cho Pearl Jam và Eddie Vedder!
2. “Black”
Ngày 8/4/1994 Pearl Jam có buổi biểu diễn ở Virginia lúc 8h tối. Chỉ vài tiếng trước đó, cái tin Kurt Cobain được phát hiện đã chết tại nhà phủ một màu sắc đen tối lên bầu không khí những người đến buổi biểu diễn của PJ. Mọi người tự hỏi liệu buổi diễn liệu có tiếp diễn nữa không, Nirvana và PJ cùng là những đại diện của những ban nhạc Grunge tới từ Seattle mà?
Thành công không tưởng vụt đến với PJ không chỉ khiến những người như vị hôn thê của Andrew Wood thấy đắng giọng, Kurt Cobain cũng bày tỏ sự khó chịu với ban nhạc. Với Cobain, nhạc của PJ không xứng đáng với âm thanh Alternative Rock mà anh và Nirvana mang tới thị trường âm nhạc. Giống như một số lời phê bình, PJ có vẻ như đang “đu theo” làn sóng đến từ Seattle và “mượn hơi” của Grunge để rồi bán vượt cả số lượng đĩa của Nevermind, album kinh điển của Nirvana chỉ bằng đĩa đầu tiên - Ten.
Nhạc của Ten mang ảnh hưởng Classic Rock mà Stone Gossard và Jeff Ament vẫn thiên vị. Thế nên số lượng các câu đàn solo mà Mike McCready chơi trong Ten nhiều hơn hẳn thứ nhạc mà Cobain và Nirvana theo đuổi, và cũng là điều mà Cobain có phần căm ghét ở nhạc PJ như cách anh đánh đồng với Alice In Chains.
Thế nhưng công bằng mà nói, thành công của PJ và album Ten không đến một sớm một chiều như người ta lầm tưởng. Hai thành viên của PJ đã từng nếm mùi thất vọng của hai lần tan rã đó. Album Ten cũng phải mất một năm mới bắt đầu lên vị trí cao ở các bảng xếp hạng.
Nếu bảo PJ là những kẻ cơ hội thích danh vọng thì họ đã không sớm có ý định hạn chế phát hành đĩa đơn, và còn ngưng làm video clip nhạc ngay từ thời kỳ của album đầu tay. Bài “Black” của PJ đã không có được bản video mà hãng đĩa ép ban nhạc làm. Lúc này đây, PJ chỉ muốn người nghe nhạc của họ tự hình dung những hình ảnh của riêng mình theo cách họ hiểu ở mỗi bài.
Đây là một quyết định đúng đắn. Vì xem bản diễn live bài “Black” của PJ tại Pinkpop 1992 mang tới một không khí nhiều cảm xúc hơn rất nhiều. Dù cho đoạn đầu vào bài có chút hụt hơi, chất giọng trầm của Vedder vẫn dần đưa người nghe chìm trong thứ âm nhạc nhẹ nhàng đượm buồn. Câu bass vào nhạc của Jeff Ament có thể do thu âm live hoặc do anh chơi trên cây bass thường nên không tạo được hiệu ứng dây đàn vuốt mượt trên cây bass không phím mà anh dùng khi thu âm trong studio, một trong những lối chơi sáng tạo mà Ament mang tới. Dù vậy, tiếng bass của Ament trong bản live của “Black” vẫn hoạt động hiệu quả sau đó. Tiếng đàn guitar đôi của Stone Gossard và Mike McCready thì chạy đồng hành nhưng tách biệt rõ bởi hai nhịp điệu và âm sắc đối lập của cây Les Paul của Gossard và Fender Strat của McCready.
Cái đẹp trong màn biểu diễn của Vedder và đồng đội lần nữa nằm ở sự chân thật trong cảm xúc, và khi ở phút thứ 4 trở đi, khi bài hát lên cao trào bằng tiếng solo réo rắt của McCready đan xen với tiếng hát của Vedder, người ta mới thấy nhạc của PJ hoà trộn hay vô cùng. Dù rằng giọng của Vedder không cao nhưng nó được bù bằng những câu luyến láy ngân bằng nỗi đau, bởi dải tông cao đã có McCready lo rồi.
Thế rồi buổi biểu diễn tối ngày 8/4/1994 của PJ vào đúng ngày cái tin Kurt Cobain mất đó vẫn diễn ra. Những gì Eddie Vedder nhắc đến cái không khí u ám hôm đó đều rất ý nhị. Ba ngày sau đó, tại một show diễn khác, PJ đã diễn bài “Black”, nhưng lần này khác đi chút. Có những khúc lặng để giọng Vedder được vang lên. Anh hát những nốt cao hơn ở đoạn verse 2 và khi đến cuối, khán giả hát đồng thanh theo buồn đến rợn người
“I know someday you'll have a beautiful life
I know you'll be a star
In somebody else's sky
But why
Why
Why can't it be
Come as you are
Come as you are”
Không ai ngờ tới câu “Come as you are” mà Eddie Vedder đưa vào từ bài hát cùng tên của Nirvana để tribute tới Kurt Cobain. Trước khi mất, Cobain đã có cơ hội làm lành với Vedder vì không ai ghét được chàng trai dễ gần và chân thành như tay thủ lĩnh của PJ. Về phía Eddie, anh hiểu được phần nào nỗi niềm của Kurt bởi cả hai đều cùng trong tình cảnh cô đơn ngay giữa đỉnh cao của danh vọng. Có điều Vedder luôn có lối suy nghĩ khác.
Cái lần PJ lên diễn ở Saturday Night Live chỉ mấy ngày sau đó, ban nhạc tiếp tục tribute tới Kurt Cobain qua bản cover Neil Young “My My, Hey Hey” bởi trong dòng tuyệt mệnh của Cobain có câu trích lời của bài hát này “It’s better to burn out than to fade away”. Nhưng Vedder không hát câu đó mà thay bằng:
“Rock and roll can never die
There’s more to the picture than meets the eye”
Bởi vì với cảm xúc của anh lúc đó, “can never die” mang lại cho anh nhiều ý nghĩa, hơn là “burn out”.
3. “Jeremy”
Eddie Vedder có một tuổi thơ không trọn vẹn. Thiếu thốn về tài chính, việc học của anh luôn bị ảnh hưởng bởi các công việc mà anh phải làm thêm ngoài giờ. Thiếu ngủ, mệt mỏi và cúp học là chuyện thường ngày. Đã thế mối quan hệ của Vedder trong nhà với ông bố chưa bao giờ tốt đẹp. Lần cả gia đình quyết định chuyển nhà sang Illinois, Vedder lựa chọn ở lại San Diego bất chấp cuộc cãi vã nảy lửa với ông bố. Cách giải quyết sau đó là từ mặt ông, và anh tự lo học và đi làm nuôi bản thân.
Vedder cũng dần tìm được niềm vui từ âm nhạc và cuộc sống tự lập. Rồi tưởng đã sắp ngóc đầu lên được thì tự dưng một ngày, bà mẹ của Vedder xuất hiện trước nhà và tiết lộ với anh rằng lão bố anh căm ghét hay gọi là “Lawyer Fuck” kia chỉ là bố dượng. Nghịch cảnh đó là chính nguồn cảm hứng cho Vedder sáng tác lời bài “Alive”. Điều trớ trêu là bố đẻ của Vedder đã mất khi anh 13 tuổi và ông đã từng tới nhà anh mấy lần với tư cách một người bạn của gia đình.
Niềm vui thoáng qua khi lão bố anh ghét chỉ là cha dượng ngay lập tức bị vùi dập bởi nỗi đau khi anh không bao giờ có lại được cơ hội xây dựng mối quan hệ với người bố đẻ. Dù chưa bao giờ được gần với ông, Vedder hẳn thừa hưởng tài năng âm nhạc từ người bố trước đây hay đánh đàn tại các nhà hàng để kiếm sống.
Sự thiếu thốn tình cảm, vật lộn với mưu sinh và việc học hành từng đẩy Vedder suy nghĩ đến cái chết. Nhưng đến cuối ngày, âm nhạc là thứ đã vực anh dậy. Tuổi thơ anh tự bù đắp bằng hình ảnh “người bố tưởng tượng” Pete Townshend, là người mang cho anh chỗ dựa tinh thần, qua các câu chuyện Tommy hay Quadrophenia mà anh có thể liên tưởng.
Đó là lý do Eddie Vedder tự loại bỏ ra ngoài đầu suy nghĩ nhét khẩu súng vô họng như cậu bé “Jeremy” đã làm. Âm nhạc đã cứu sống anh.
Có điều phép màu đó không xảy đến với những người đồng nghiệp Seattle của anh.
Cái ngày nghe tin người bạn Layne Staley ra đi, Vedder nhốt mình trong phòng khách sạn. Thời điểm đó ban nhạc PJ của anh đã thành công lắm rồi. Nếu như Soundgarden trong làn sóng tiên phong, Nirvana mở rộng cánh cửa thì Alice In Chains và Pearl Jam mang tới những màu sắc riêng cho bức tranh nhạc Grunge bấy giờ. Chỉ có điều về mặt thương mại, Alice In Chains không có được vinh quang như PJ, điều mà chính Vedder và ban nhạc cũng không cảm thấy quá mặn mà.
PJ ngưng làm music video một thời gian. Họ không trả lời phỏng vấn báo chí. PJ sẵn sàng đến nơi mà show diễn của ban nhạc bị chính quyền địa phương huỷ để gặp các fan, nói chuyện động viên và ký lên áo và đĩa tặng. Họ đấu tranh phản đối tẩy chay lại sự lộng quyền của Ticketmaster trong việc tổ chức show độc quyền khiến giá vé ban nhạc muốn bán cho các fan bị đẩy lên cao.
Nhưng cái Vedder và ban nhạc nhận lại những lời quy chụp từ báo đài rằng họ là những kẻ cơ hội, rằng Vedder là kẻ giả tạo dựng nên câu chuyện một tuổi thơ không hạnh phúc cho hợp với thứ gọi là “bức tranh nhạc Grunge”, là sự thất bại trong cuộc chiến với Ticketmaster khi họ không thể thực hiện những chuyến lưu diễn quy mô cho người hâm mộ, hay mỉa mai thay qua những lời chửi bới của một số fan khi Vedder và ban nhạc kết thúc buổi gặp gỡ sau khoảng thời gian mà họ giành riêng để chia sẻ với fan hâm mộ. Cuối cùng ai là người chia sẻ nỗi niềm của Vedder, Ament, Gossard hay McCready?
Những gì Eddie Vedder đã chứng kiến xung quanh anh cũng đủ khiến anh mong mỏi một điều gì tích cực hơn. Andrew Wood ra đi khi là ngôi sao triển vọng nhất Seattle. Kurt Cobain tự tử khi âm nhạc cũng không vực nổi anh dậy. Layne Staley đánh mất bản thân mình quá sớm từ nghiện ngập và trầm cảm. Và khi tưởng chừng như thế là quá đủ thì Chris Cornell tìm tới cái kết ở tuổi ngoài 50, điều không ai ở PJ ngờ lại xảy đến với người bạn thân của cả ban nhạc.
Wood từng là ngôi sao mà Jeff Ament và Stone Gossard may mắn được chơi cùng. Cobain từng ôm Vedder nhảy sau sân khấu ở giải MTV. Staley từng cùng McCready thu âm cho dự án ngoài dưới tên Mad Season. Và Cornell từng thu âm với các thành viên PJ dưới cái tên Temple Of The Dog để tưởng nhớ tới Wood – người bạn thân của cả hội.
Thế giới quá nhỏ và cuộc đời quá ngắn ngủi. Những người bạn xung quanh Vedder và PJ đều không cưỡng lại được hành động của cậu bé “Jeremy” ngày nào.
“Try to forget this
Try to erase this
From the blackboard
Jeremy spoke in class today”
Các anh đã chọn cách “nói” với thế giới như vậy.
Chỉ riêng mình Eddie Vedder chọn cách nói với thế giới rằng:
“Bạn tự sát vì nghĩ rằng bạn hy sinh bản thân để trả thù thế giới. Nhưng cái bạn có được chỉ là mẩu tin trên các trang báo. Đến sáng hôm sau thì khu phố nơi bạn sống vẫn vậy, trời vẫn xanh tươi, không gì thay đổi cả. Thế giới vẫn tiếp diễn còn bạn thì đã ra đi. Thế nên cách trả thù tốt nhất là phải sống và chứng tỏ bản thân. Bạn phải mạnh mẽ hơn những người khác”
Hẹn gặp lại!
Kink