top of page

Pet Shop Boys: xàm lờ

Họ được biết đến như là ban nhạc “tỉnh queo” mặc kệ cho sức ép thương mại của thị trường âm nhạc. Tự quảng bá. Không biểu diễn nếu thấy đi tour không có lời. Mặc kệ các ý tưởng sặc mùi tiền của ngành công nghiệp âm nhạc và hãng đĩa. Sự nghiệp của họ có lẽ được tạo dựng nên từ sự đối nghịch với chính những thứ họ chống lại, được nhấn với 100 triệu đĩa đã bán. Nghe y như màn giới thiệu của một Punk band lừng lẫy.


“I don't like country and western. I don't like rock music, I don't like rockabilly or rock and roll particularly. I don't like much, really, do I? But what I do like, I love passionately”. Đoạn này sau được đưa vào bài "Paninaro" (1995), và cùng với những lời đọc nhu tuyên ngôn của Tennant: “passion, love, sex, money, violence, religion, injustice, death”, nó càng tạo ra cái vẻ ngoài “chống rock” của Pet Shop Boys.


Vẫn luôn là hai gã đó từ ngày thành lập từ năm 1981, Neil Tennant (hát chính) và Chris Lowe (keyboard); gặp nhau trong một tiệm bán đồ hi-fi ở London, Tennant mua một cây synthesizer long lanh của Korg và gây chú ý với Lowe đang đứng gần đó. Hai gã quyết định lập band chơi thứ nhạc ưa thích là dance và electronic.


Vẫn cũng là hai gã đó, lúc đứng biểu diễn luôn đứng im một chỗ theo một kiểu ngược lại với trào lưu biểu diễn nhạc Pop, mà hai gã lại chơi nhạc dance mới khiếp chứ. Tôi còn nhớ hồi còn bé, mỗi lần hiếm hoi TV chiếu bài “It’s a Sin”, thì hình ảnh hai chú hiện ra quả thật ngầu hết chỗ nói, có lẽ chỉ đến khi có phim Matrix thì mới có người ngầu được như thế.


Và nói về âm nhạc điện tử của Pet Shop Boys, tôi nghĩ hai gã này là bậc thầy về các câu tu ti touchy chạm vào lòng người. Nhạc của Pet Shop Boys vì vậy nếu mở ở nơi công cộng có lẽ nghe khoảng vài giây là nhận ra. Lối hát thì nghe có vẻ yếu ớt và phải cố gắng, nhưng thực ra lại đầy giai điệu và thoải mái chơi trên các dải hợp âm thông dụng nhất của nhạc Pop, chả khác gì thả sức jam guitar trên ba hợp âm của nhạc Blues vậy.


Pet Shop Boys thậm chí còn không thèm biểu diễn live cho đến tận năm 1989, nghĩa là 5 năm sau khi họ bắt đầu hoạt động. Lý do: không có lời thì không cần phải làm. Như vậy cũng đồng nghĩa là Pet Shop Boys ra đến 3 album: Please (1986), Actually (1987),Introspective (1988) mà hoàn toàn không có tour biểu diễn hỗ trợ. Kết quả ư: cả 3 đều đạt ít nhất một platinum và luôn có mặt trong top 10 cả Anh lẫn Mỹ. Các hit trong giai đoạn này như “West End Girls”, “Surbubia”, "What Have I Done to Deserve This?", “It s a sin”, “Heart”, "Domino Dancing", “Always on my mind” có lẽ đếm không kể xiết. Nhưng cách họ đến được với các fan vẫn thật lạnh lùng. Chưa kể, trong thời gian này, Pet Shop Boys cũng tạo ra một mô típ của riêng họ, khi tên album cụt lủn chỉ có một chữ.


Nhưng có lẽ về nghệ thuật, Pet Shop Boys là nhưng người am hiểu hơn ai hết. Ngay từ cách ăn mặc, tôi nghĩ Pet Shop Boys là Lady Gaga từ thời chưa có Lady Gaga. Rồi cách làm video clip sử dụng cách “ám thị bằng hình ảnh”, Pet Shop Boys có lẽ là người thầy đầu tiên của Billie Eilish.  Càng về sau này, phong cách biểu diễn của Pet Shop Boys càng mang tính kịch nghệ với những màn phối hợp giữa âm thanh, ánh sáng và nghệ thuật trình diễn siêu hạng.


Cách viết lời cho nhạc của Pet Shop Boys thì tận dụng tối đa ngôn từ đơn giản, nhưng nhả chữ cực kỳ rõ ràng và các “thanh” của từ ngữ thì luôn có tác dụng hỗ trợ cho giai điệu, chẳng hạn như trong“This Used To Be the Future”, Lowe và Tennant viết về suy nghĩ có lẽ là của tất cả mọi người trước những bế tắc của hiện tại, và lời lẽ này lúc hát lên thì âm sắc nghe thật sắc gọn:

I can remember when this was the future

Where it was gonna be at back then

Why don't we tear the whole bloody lot down

And make a new start all over again?:


Và đến Behaviour (1990), album tôi thích nhất của họ, thì tính “nhạc” trong âm nhạc của Pet Shop Boys có lẽ là hiển hiện rõ ràng nhất. Kéo nhau sang tận Munich, Đức, để thu âm với nhà sản xuất lần đầu cộng tác, Harold Faltermeyer (người trước đó sản xuất nhạc phim cho Beverly Hills Cop và Top Gun), Harold chả hiểu làm thế nào thuyết phục được Tennant và Lowe cho thêm một ít phần guitar vào trong các bản phối. Ngay cả tiếng synthesizer trong đĩa này nghe cũng khác biệt so với 3 album trước, và đó cũng là một phần lý do PSB tìm đến Harold (PSB nhất định phải thu âm bằng synthesizer analog, và Harold thì là chuyên gia về món này). Kết quả là một loạt track cực đã như "This Must Be the Place I Waited Years to Leave", hay bản "How Can You Expect to Be Taken Seriously?" dưới đây với tiếng guitar tè chêm vào cực đẹp giữa nền nhạc electronic.


Có lẽ xuất sắc nhất vẫn là bài “Being Boring”, nơi Tennant kể về thời gian chạy theo mốt glam rock (“My shoes were high and I had scored”), hay tìm thấy cảm hứng từ một người phụ nữ gặp ở buổi tiệc (When you're young you find inspiration, In anyone who's ever gone), và thời trẻ không hề nhạt nhẽo của họ so với những gì họ nhìn thấy từ những người xung quanh trong hiện tại. Và còn gì cool hơn là trong lần biểu diễn ở Los Angles, Axl Rose (Guns N’ Roses) mò ra tận sau cánh gà để kiếm Tennant và Lowe, quát là “sao bọn mày hôm nay không chơi bài “Boring”, tao thích bài đấy vãi” (!!) (có khi cũng hoảng vãi).


Nghe công thức chiến thắng thì đơn giản như vậy, nhưng tại sao tất cả những kẻ làm nhạc dance hay nhạc điện tử khác không thể có được thành công như của Pet Shop Boys? Nên nhớ là tất cả các album của Pet Shop Boys đều lọt vào top 10 billboard, không thiếu các No 1 lẫn top 10 singles, và chinh phục được cả thị trường Anh lẫn Mỹ.


Có lẽ điều đó đến từ lời lẽ cực kỳ gần gũi được viết ra bởi cặp Tennant và Lowe. Và hóa ra, cách hát nhẹ nhàng và giai điệu dễ nhớ lại là cách đưa đẩy lời lẽ vào lòng người dễ nhất. Hóa ra, giọng Tennant nghe “cố gắng” đến vậy bởi vì gã không bao giờ nuốt chữ, mà tất cả những lời lẽ viết ra từ trái tim kia, đều cố gắng được hát ra bằng hết.


Đây nhé, trong “Left to my own device”, các anh viết rất chân thật:

I was a lonely boy, no strength, no joy

In a world of my own at the back of the garden

I didn't want to compete, or play out on the street

For in a secret life I was a round head general


Rồi thi trong album thứ năm Very (1993), là lúc mà Neil Tennett come out là gay, album này không ngần ngại chia sẻ tất cả những suy nghĩ và tâm trạng rất riêng tư của các anh. Chẳng hạn như trong “I Wouldn't Normally Do This Kind of Thing”, tôi sẽ không bao giờ có thể quên được giai điệu bỗng trùng xuống ở câu “Singing like lovers sing”:

Ask me why, I say it's most unusual How can I even try to explain Why today I feel like dancing/ Singing like lovers sing When I wouldn't normally do this kind of thing? I wouldn't normally do this kind of thing


Chưa kể, nhạc của Pet Shop Boys còn mang tính thời sự hơn hẳn các nhóm khác. Họ bao từ giới trẻ đến giới già, tiệc tùng cho đến đám ma, tình yêu cho đến chính trị. Tất cả đều được phác ra với khả năng gieo vần tuyệt với và các câu hát được đơn giản hóa hết mức. Chưa kể, các bối cảnh tạo ra đều toàn liên quan đến London và New York, là những nơi Pet Shop Boys thường xuyên sinh sống và thu âm. Có lẽ vì thế mà câu chuyện được viết ra, dù là theo cách hư cấu nhất, vẫn thật là gần gũi.


Rồi trong bài hát nhức nhối “We’re all criminals now” của đĩa Yes, có lẽ là đĩa bức xúc nhất của Pet Shop Boys:

Videoed on the subway/ Reading the news and then

Walking along the high street/ Videoed once again

Waiting for a bus in Stockwell/ Cameras on my back

Suddenly hearing sirens/ Sounding a panic attack



Phản kháng trong âm nhạc, có lẽ là điều không mới. Nhưng có một sự thật là, nhạc Blues hay Rock n Roll không phải thứ nhạc dành cho tất cả mọi người. Có lẽ vì thế, có một số không nhỏ những người ngoài kia, vẫn tìm đến sự phản kháng ở mức độ “phù hợp” trong nhạc Pop. Từ sự mệt mỏi và chán nản của cá nhân (Invisible, 2012), cho đến lo lắng cho thế giới sau thảm kịch 9/11 (Home And Dry, 2002). Và nếu bạn vẫn đọc những gì tôi viết từ đầu, thì Pet Shop Boys chính là nơi giải tỏa điều đó phù hợp nhất. Nếu lôi bài 'I’m With Stupid' của đĩa Fundamental (2006) ra nghe, thì hóa ra nó chính là hát về Theresa May và Donald Trump của thời hiện tại. Vâng, các anh chống cả rock n roll cơ mà.


Và có lẽ đến lúc này, tôi càng cảm nhận được sự sâu sắc trong lời lẽ của “Being boring”, cùng với cách mà những người ở thế hệ của tôi, và cả trước tôi thường nói với nhau rằng: ừ, thời đó  có gì đâu, nhưng bọn mình sống thật vãi đ*i.


'Cause we were never being boring. We had too much time to find for ourselves – Tennant / Lowe


Bạn có bao giờ tự hỏi, tại sao bây giờ mọi thứ dễ trở nên boring vậy?


Hẹn gặp lại.


Kink

420 views

Recent Posts

See All
bottom of page