Để chuẩn bị cho buổi lễ vinh danh các nghệ sĩ huyền thoại vào Rock and Roll Hall of Fame năm 2004, ban tổ chức mời các anh tài lên biểu diễn bài “While My Guitar Gently Weeps” do George Harrison sáng tác vì năm đó tay guitar lead quá cố của nhóm The Beatles là một trong những nghệ sĩ được vinh danh. Tom Petty, Jeff Lynne (Electric Light Orchestra), Steve Winwood (The Spencer Davis Group, Traffic), con trai của George Harrison là Dhani Harrison là những người trong đội hình sẽ cover lại bài hát kinh điển đó.
Nếu như nhìn dàn nghệ sĩ tham gia có vẻ ổn và liên quan khi cả Tom và Jeff đều từng cùng George chơi trong supergroup tên Traveling Wilburys trước đây thì tự dưng Joel Gallen - sản xuất và đạo diễn cho buổi lễ - lại quyết định mời thêm Prince tham gia vì anh cũng là một trong những nghệ sĩ trong danh sách được đưa vào Hall of Fame năm đó.
Đó thực ra là ý tưởng hay nhưng đầy rủi ro vì tính ra phong cách bóng bẩy của Prince khác hẳn mấy đồng chí còn lại. Prince đồng ý.
Trong buổi tập dượt hôm đó, Tom và Jeff vừa đánh đàn guitar vừa chia nhau hát. Khi đến khúc solo guitar giữa bài, đáng nhẽ Prince, tay solo guitar đúng nghĩa trong đội hình, sẽ chơi thì tự dưng tay guitar của Jeff Lynne lại nhảy vào đánh chính xác theo từng nốt như bản gốc. Ô kê, Prince lùi lại và lại tiếp tục "quạt chả" guitar. Đến đoạn solo cuối bài, một lần nữa Prince nhón chân bước lên trước để chuẩn bị chơi thì tay guitar “vô duyên” nọ lại tiếp tục đánh chen vào. Prince vẫn im lặng "quạt chả" tiếp và xen kẽ vài câu lick chỗ này chỗ kia, không có gì đặc biệt.
Joel Gallen bèn lôi Tom Petty và Jeff Lynne ra nói riêng rằng không nên sắp xếp buổi trình diễn như thế này, vì chả lý gì khi ông đã mất công mời Prince tham gia xong có tay guitar nọ “đánh hộ” phần ai cũng biết từ trong đĩa, nhất là khi thời gian hạn hẹp không rõ phần của Prince sẽ như thế nào.
Nhưng Prince gạt đi và nói với Joel rằng cứ để tay guitar kia chơi đoạn solo khúc giữa đi, anh sẽ lo phần cuối. Không cần tập dượt thêm, Prince đi về và dặn mọi người đừng lo gì hết.
Prince thậm chí còn đến muộn sau khi buổi lễ được bắt đầu, khiến cho cả hội còn suýt không cho anh diễn. Buổi biểu diễn bắt đầu. Nhẹ nhàng và có phần tẻ nhạt vì các nghệ sĩ nhà ta cũng già rồi. Rồi đoạn solo guitar được tay guitar kia đánh đúng y như lúc tập, mặt thì diễn rất sâu. Suốt phần lớn buổi trình diễn, Prince đứng sang hẳn một bên lùi về phía sau và hầu như không xuất hiện trong khung hình mấy. Thế nhưng khi đến phút 3:28, Prince bước ra thì màn trình diễn sáng rực. Anh đội chiếc mũ đỏ và mặc áo sơ mi đỏ mở phanh ngực bên trong chiếc áo vét.
Ngay từ cú nhéo đầu tiên treo chơi vơi gần như cả khuông nhạc, có lẽ những người xem đều cười hắt ra nhẹ nhàng và gật gù “ổn rồi”. Vẫn với phong cách tinh tế trong trình diễn của một tay virtuoso, Prince mang cái sự bóng bẩy và đỏng đảnh của anh và câu solo để cây đàn của mình “khóc” theo một cách đầy sang chảnh nhưng cũng đầy tức tưởi. Điều hay ho và kỳ diệu ở ca khúc “While My Guitar” nằm ở chỗ, phần nhạc cao trào ở đoạn cuối luôn muốn tôn cái sự rên rỉ của cây đàn và dường như có đủ mọi khoảng không cho tất cả các tay guitar mang cây đàn yêu quý của mình giãi bày trên phần nhạc đó. Chẳng phải thế hay sao mà những tay virtuoso ở đủ các thể loại như Vinnie Moore, Carlos Santana, Peter Frampton, hay cả Yngwie Malmsteen đều có những phần trình diễn đặc trưng của riêng mình trên phần hòa âm đó, và có lẽ những khan giả trong hội trường kia không cần thêm một bản sao không hoàn hảo của Eric Clapton để vinh danh cho George Harrison ngày hôm đó.
Ngay từ cú nhéo dây đầu tiên của Prince, có thể nhận thấy rõ là cả ban nhạc chơi sung hẳn lên, còn Tom Petty và Jeff Lynne đều đánh mắt với nhau để cùng dộng lên dây đàn rhythm mạnh hơn, lẫn hòa âm bè câu “while my guitar” làm nền trên tiếng đàn nức nở đó. Và không ai mô tả điều này rõ rang hơn bằng khuôn mặt sáng rỡ của ông con Dhani Harrison, với một sự tự hào không hề giấu diếm “Nhìn đây này”.
Tom Petty thậm chí cười rõ tươi khi Prince ngả người ra sau để một tay bảo vệ đứng dưới phải đỡ mà anh vẫn đánh không trượt nốt nào. Nhéo dây, quét dây, chạy ngón, tapping, lẫn kỹ thuật nhún dây tuyệt hảo, màn trình diễn ngắn gọn đơn giản đã phô diễn hết tài nghệ chơi guitar của Prince, thứ mà khá nhiều người quên mất vì mải quan tâm đến ca khúc và giọng hát của anh. Đến hết bài khi kết thúc phần solo, Prince tung chiếc guitar lên trên không và rải bước tự tin khỏi sân khấu, để lại các anh em kia bắt tay và ôm nhau sau buổi biểu diễn. Chiếc guitar của Prince không bao giờ rơi trở lại, đến cả tay trống Steve còn băn khoăn không biết nó biến mất đâu. Một showman thứ thiệt. Và màn trình diễn ở Rock and Roll Hall of Fame 2004 đã đi vào lịch sử, được coi là một trong những buổi biểu diễn hay nhất đến giờ.
Đừng quên là hôm đó chính Prince cũng được vinh danh vào bảo tang của sự vĩnh cửu. Theo cách xứng đáng!
Nếu nói đến tài năng thì anh “trên cơ” rất nhiều nghệ sĩ gạo cội khác khi anh có thể sáng tác, sản xuất, hát và chơi được nhiều loại nhạc cụ với trình độ bậc thầy.
Khả năng sáng tác nhạc và sản xuất nhạc của Prince có lẽ là vô tận và không bị giới hạn bởi bất kỳ thể loại nhạc gì, trải dài từ funk, rock, pop, R&B, đến new wave, soul, psychedelia hay thậm chí reggae. Prince làm việc không ngưng nghỉ. Anh ngủ rất ít và hầu như ngồi lì trong studio để sáng tác và ghi âm. Đến nỗi số lượng bài chưa được phát hành của anh trong “két” nhiều đến mức nếu có ai phát hành một album nhạc mới của Prince mỗi năm thì phải 100 năm nữa có khi mới hết được.
Giọng hát của Prince thì điêu luyện từ âm trầm ấm áp lên đến những nốt cao và giả thanh mượt mà tình cảm. Giọng anh có lúc khàn và cao vút như bất kỳ tay ca sĩ nhạc rock nào, có lúc anh hét lên giống tiếng rít guitar như trong bài “Temptation” ở đĩa Around The World In A Day (1985) nghe cực phê.
Kỹ thuật chơi các loại đàn của Prince được thể hiện trong các bản thu âm studio khi mà anh đảm nhiệm gần như hết các nhạc cụ. Ngay từ album đầu tay For You (1978), Prince tự sáng tác, sản xuất, ghi âm, hát và chơi 27 nhạc cụ.
Sheryl Crow là một trong những người từng có cơ hội hợp tác với Prince đã rất kinh ngạc khi cô chứng kiến anh đánh piano như Chick Corea hay Herbie Hancock - hai nghệ sĩ piano nhạc jazz huyền thoại; rồi anh chuyển sang đánh bass giỏi như Larry Graham - người “phát minh” ra kỹ thuật “slapping bass”; và cuối cùng thì Prince quay sang đánh guitar siêu đẳng như Jimi Hendrix. Đấy là Sheryl còn chưa nghe Prince đánh trống đấy!!! Như bài "I'm Yours" này.
Kỹ thuật piano của Prince có lẽ được thể hiện xuất sắc nhất trong album Piano & A Microphone 1983 phát hành năm 2018 khi các fan được thưởng ngoạn Prince vừa hát vừa chơi những chùm hợp âm xen kẽ bằng các câu riff ngẫu hứng. Kỹ thuật bass với cách nhả và ngắt tiếng rất funky điêu luyện của Prince thì được thể hiện trong rất nhiều bài, tiêu biểu như “Let’s Work” ở đĩa Controversy, hay “When Doves Cry” trong đĩa Purple Rain. Còn phần trống sáng tạo của Prince có thể được tìm thấy trong “Tamborine” ở đĩa Around The World In A Day hay “Lady Cab Driver” trong album 1999. Anh cũng rất tinh tế trong nhịp điệu với những cú vỗ tay đầy sáng tạo trong “Question Of U” trong đĩa Graffiti Bridge.
Và kỹ thuật guitar thượng thừa của Prince vẫn là thứ có lẽ thế giới chưa bao giờ nhìn nhận được đầy đủ, có lẽ cũng bởi Prince có thể làm được quá nhiều thứ với những nhạc cụ khác lẫn khả năng trình diễn và đóng phim. Những rock fan của Prince có lẽ mong anh chơi guitar nhiều hơn không khác gì thế giới mong đợi Thomas Edison hồi đó quay qua nghiên cứu về thuốc men. Nhưng thời gian của cuộc đời những thiên tài đó đều có giới hạn, dù rằng họ đều đã cố gắng ngủ ít nhất có thể. Prince có lẽ cũng biết điều đó nên mỗi lần trình diễn, anh đều chơi guitar và làm thỏa long đám đông ở dưới bằng tiếng guitar đặc trưng của mình.
Điều đặc biệt nhất ở lối chơi của Prince, có lẽ là khả năng đưa guitar vào những thể loại nhạc người ta không ngờ là có guitar nhất. Khả năng sử dụng hiệu ứng siêu hạng tạo ra tiếng guitar đặc trưng, lối chơi hòa trộn giữa sự bật nảy của nhạc funk và câu cú kiểu blues, và đặc biệt nhất là khả năng “scream” một nốt đầy khắc khoải. Có lẽ về khả năng chỉ cần chơi một nốt run rẩy mà mang nhiều ý nghĩa hơn người khác chạy ngón hay quét dây tán loạn, Prince chắc xếp ngay sau B.B King. Những con người này, họ khiến cho người nghe mãi băn khoăn không hiểu âm thanh đó phát ra từ những ngón tay, hay từ cây đàn và miếng gảy của họ. Khán giả luôn them khát tiếng đàn của anh mỗi khi Prince bước ra sân khấu, và chỉ cần tiếng đàn đó cất lên, tất cả đám đông phái dưới đều cảm thấy “tôi đã được chứng kiến tất cả”.
Prince là vậy, luôn muốn đưa âm nhạc và tài năng của mình đến với mọi người bằng nhiều cách nhất có thể, nhưng phải theo cách của anh. Nổi tiếng nhất có lẽ là vụ lùm xùm với hang đĩa Warner Bros, khi Prince cảm thấy bị hang đĩa ép đến mức cái tên Prince chỉ là một sản phẩm sở hữu của họ. Với rất nhiều sản phẩm âm nhạc đã sẵn sàng nhưng bị từ chối phát hành, Prince quyết định đổi tên nghệ danh thành một thứ “không thể gọi tên” như một lối thoát về tư tưởng. Album thứ 12 của anh phát hành năm 1992 không có tên gì, chỉ có một hình biểu tượng giới tính nam và nữ xem lẫn nhau trên bìa (sau được gọi thành “Love Symbol”). Album của vẫn thành công dù cả người bán lẫn người mua đĩa đều chỉ biết rằng đó là “the artist formerly known as Prince”, và chỉ chứng tỏ rằng “Prince” không chỉ là một nghệ danh được (bị) sở hữu nữa, mà anh đã trở thành một biểu tượng.
Prince sau đó liên tục ra 4 album tới tấp từ 1993 đến 1996 để nhanh chóng kết thúc nghĩa vụ hợp đồng với Warner Bros. Không hề có kiện cáo rình rang, Prince làm việc cật lực để hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng, cũng như xuất hiện trước công chúng lặng lẽ với chữ “Slave” viết trên mặt trong suốt thời gian này.
Bởi vì với anh, cái tên “Prince” là cái tên bố mẹ anh đặt cho, tại sao Warner Bros lại chiếm lấy nó và biến nó thành công cụ quảng cáo? Prince mắc chứng động kinh từ hồi còn rất nhỏ và mỗi lần anh lên cơn, bố mẹ anh bằng tất cả những kiến thức hạn hẹp cố gắng hỗ trợ cậu con trai, và đặt cho cậu biệt danh “Skipper” – Thuyền trưởng – để sốc lên tinh thần cậu.
Vốn không quá khỏe mạnh, năm lên 10 tuổi, bố mẹ “Skipper” còn ly dị và khiến cuộc sống của Prince sau đó thậm chí không có nổi nơi ở ổn định, và chỉ có niềm đam mê âm nhạc được thừa hưởng từ bố mẹ là thứ giữ cân bằng cho anh. Prince không thể cao hơn chiều cao khiêm tốn 1m57, có lẽ cũng bởi quãng thời gian khó khan thiếu thốn. Có thể tưởng tượng cậu bé Prince phải chiến đấu chỉ với một vũ khí tinh thần duy nhất: âm nhạc. Cách Prince sau này chiến đấu lại với những kẻ chèn ép anh cũng vậy: tạo ra âm nhạc. Nhưng liệu có ai thực sự cảm nhận được những gì cậu bé Prince đã trải qua?
“Am I black or white? Am I straight or gay?”
Câu mở đầu trong bài “Controversy” đã mang đầy tính tranh cãi, nhưng nó cũng giống như đoạn lời “I'm not a woman / I'm not a man / I am something that you’ll never understand” trong bài “I Would Die 4 U”, có lẽ không mấy ai hiểu được con người thật của Prince.
Xuất hiện trước công chúng, Prince luôn có một hình ảnh bóng bẩy nhất cho mình, như để che đậy đi con người thật của anh. Prince luôn ăn mặc theo phong cách thời trang khác người, không ảnh hưởng bởi phái nam hay phái nữ. Anh luôn đi chiếc giày cao gót để bù lại chiều cao khiêm tốn 1m57. Nhỏ người là vậy, nhưng mỗi khi Prince xuất hiện, thần thái của anh luôn nổi trội và lôi cuốn. Anh luôn chú tâm đến việc giữ hình ảnh ngoài công chúng hào nhoáng và ấn tượng nhất có thể. Đến mức mà người thợ chụp hình riêng cho Prince hầu như chụp anh ngoài đời lúc nào cũng là lúc anh đã tự điều chỉnh dáng hình sao cho phù hợp. Chỉ có những tấm hình của Prince lúc trên sân khấu là có vẻ “tự nhiên” nhất thì cũng lại là vỏ bọc “nghệ sĩ” mà anh đã tạo dựng một cách hoàn hảo trong từng khung hình. Chả thế mà cái showmanship - thần thái trong trình diễn của Prince nó hấp dẫn và lôi cuốn vô cùng.
Nhưng cũng vì thế, khi Prince ngày càng nổi tiếng, cái vỏ bọc nghệ sĩ ngày một lớn hơn, và con người thật của anh lại càng ẩn sâu kín bên trong. Kể cả với những người quen thân anh đến 30 năm thì họ cũng chỉ có dưới 5 lần tâm sự sâu hơn về đời tư của Prince. Anh từng thổ lộ với một trong những người tình của mình rằng khi anh có một sự bất đồng nào với ai thì điều đó thường chỉ xảy ra một lần, vì sau đó người đó sẽ không còn trong nhóm những con người thân tín của anh nữa, kể cả đó là người bạn chơi từ thời trung học. Tính ra, những người thân thiết ở bên anh những năm cuối đời chỉ đếm trên đầu ngón tay. Kể cả trong đường tình duyên, dẫu cho Prince đã từng trải qua bao mối tình đáng ghen tị như với Madonna, Kim Basinger, hay Sheena Easton; có lẽ thế giới cũng chả bao giờ biết được những câu chuyện kết cục của những cuộc tình dó, trừ lần ly dị của Prince với cô vợ đầu Mayte Garcia sau khi không vượt qua được nỗi đau hai lần mất con. Prince giữ hết tất cả những điều đó cho riêng mình.
Mọi người dễ dàng đánh giá Prince là kẻ ngang bướng, kiêu căng nhưng “nhút nhát” và “nhạy cảm” sẽ là những từ miêu tả chính xác hơn về anh. Vì ẩn sâu trong người nghệ sĩ huyền thoại vẫn là cậu bé “Skipper” căng mình chịu những cơn co giật động kinh và dành thời gian khỏe mạnh ít ỏi để theo đuổi đam mê âm nhạc và sáng tạo nghệ thuật cần mẫn không ai theo kịp.
Như nhiều đồng nghiệp của anh nhận định, để nói về âm nhạc của Prince thì có thể mở nguyên một trường dạy chuyên về Prince. Trong khuôn khổ bài viết này, bọn tôi chưa thể đưa các bạn đi du hành xuyên qua các thời kỳ âm nhạc của anh.
Chỉ là nhân có tý lăn tăn khi thấy tên của những người mới lọt vào Rock and Roll Hall Of Fame năm 2020 vừa rồi, e là chả mấy chốc mà Hall Of Fame sẽ trở thành Hall Of Name (cả Motorhead, Thin Lizzy, lẫn Judas Priest đều không (chưa) đến lượt), chúng tôi mới ngồi nhớ lại một trong những khoảnh khắc đẹp của sự kiện này.
Trong buổi biểu diễn ở Rock and Roll Hall of Fame 2004 đó, Tom Petty có thể khó chịu với Prince lúc đầu khi anh không tham gia tập dượt đầy đủ, nhưng nụ cười của ông khi chứng kiến màn trình diễn của Prince mới thấy được rằng, ai có thể giận được anh cơ chứ. Cái duyên và sự hết mình của Prince trong nghệ thuật vẫn luôn là con người thật đáng trân trọng của anh.
R.I.P
Kroon + Kai