Pusha T từng hay đi diễn mua vui tại các bữa tiệc sinh nhật...
Và đó ko phải những bữa tiệc sinh nhật bình thường vì lời rap của Pusha T đào sâu về bộ môn buôn “mai thuý”.
Sau khi nhóm rap Clipse - gồm hai anh em ruột Gene “Malice” Thornton và Terrence “Pusha T” Thornton phát hành bản track “Grindin’” do Pharrell Williams và Chad Hugo của The Neptunes sản xuất (lúc đó chưa nổi tiếng), không mấy ai hiểu hết hai anh này nói cái gì. Nào thì “Call me sub woofer, 'cause I pump bass like that, Jack”, “Platinum on the block with consistent hits /While Pharrell keep talking this music shit” hay “Patty cake, patty cake, I'm the baker's man / I bake them cakes as fast as I can”.
Lúc hai anh này mới mang bài này đi giới thiệu cho các hãng đĩa, họ đều bị chặn ở cửa mấy cậu đưa thư trong công ty. Mấy DJ nghe bản demo thì chỉ lắc đầu, lời khó hiểu cho người thường trong khi nhạc của The Neptunes lúc đó còn lạ lẫm với Hip Hop.
Chỉ có kẻ trong ngành lúc đó mới hiểu. Khi mấy tay trùm buôn “mai thuý” nghe được “Grindin’”, chúng kết nổ đĩa. Đó là vì lúc đó nhạc Hip Hop chưa ai kể chuyện trong ngành sâu như Clipse lúc bấy giờ. Thế rồi, hai anh em được các trùm sò này mời đến diễn tại các buổi tiệc sinh nhật ở hộp đêm với giá $1000-$2000 / phát. Vui nhưng nguy hiểm chẳng kém vì tiềm tàng của các cuộc tranh cướp băng đảng hay đột nhập chớp nhoáng của hội cớm. Đã có lúc hai anh em hội Clipse phải mặc thêm cả áo chống đạn cho chắc cú.
Cứ thế Malice và Pusha T đi diễn suốt mấy tháng. Tiếng tăm của Clipse bắt đầu nổi tiếng khắp xóm làng và trở thành cái tên hút khách. Mọi người cũng dần dà hiểu được hàm ý hai anh này nói gì.
Xem lại nhé. Trong verse đầu bài “Grindin’”, Pusha T mở màn bằng:
“Call me Subwoofer, cause I pump base like that, Jack / On or off the track, I'm heavy cuz”
Nếu đọc qua thì lời có hàm ý như nói về âm nhạc, khi mà Push ví mình như chiếc loa âm trầm Subwoofer của hãng JackHammer vì anh có thể chơi những âm “bass” nghe rất “heavy”. Bản thân loa Sub hãng này rất nặng cân.
Tuy vậy, hàm ý thứ hai Push nói đến chính là “mai thuý”. Từ “bass” và “base” trong tiếng Anh đọc giống nhau nên ý của Push ở đây là anh có được chế phẩm “base” nặng đô đúng chất heroin (từ “Jack” được lấy từ “Captain Jack” là tiếng lóng cho loại thuốc kích thích này).
Đến cuối đoạn, Push tiếp tục mượn chủ đề “âm nhạc” để tả về chất bột trắng
“Platinum on the block with consistent hits / While Pharrell keep talking this music shit”
Nhìn qua sẽ tưởng anh kể về việc số đĩa nhạc bán đạt hạng bạch kim “platinum” với liên tục các bản “hits” nhờ sự hỗ trợ của Pharrell Williams. Nhưng hoá ra, ý đúng là thời kỳ đầu, Push còn chán ngấy vụ Pharrell suốt ngày động viên anh tập trung làm nhạc nhẽo, trong khi anh có thể chạy ngay ra khu phố “block” kiếm xèng nhanh từ việc bán cocaine (tiếng lóng là “platinum”) cho mấy tay nghiện.
Còn ông anh Malice của Pusha T thì sao? Ở đoạn verse thứ 2, Malice rap về bánh ngọt và bánh mỳ: “Patty cake, patty cake, I'm the baker's man / I bake them cakes as fast as I can / And you can tell by how my bread stack up / Then disguise it as rap so the Feds back up”. Nhưng thực chất cũng lại là từ lóng của “mai thuý” mà anh bán liền tay, “xèng” (từ lóng “bread”) chất đống, mà anh phải giả vờ như kiếm được từ nhạc “Rap” để đám cảnh sát liên bang không sờ gáy. Để ý kỹ là anh cũng chơi chữ “rap” đọc giống từ “wrap” được hiểu theo việc bánh anh làm được che đậy bằng “giấy gói”.
Đoạn verse 4 vẫn của bài “Grindin’” đó, Push khoe hàng anh bán đa dạng thể loại và tác dụng của nó từ “tê người” (“frozen”) cho đến “gật gù” (“noddin’ and dozin’”), với điểm chung là “phê” mất “hồn”, qua câu chữ tưởng như là một tay anh cầm súng - thứ có thể bắt đối phương đứng im, hoặc tay kia là thứ vũ khí hạ gục được đối phương.
“Lose your soul in, whichever palm I'm holdin' / One'll leave you frozen / The other, noddin' and dozin', I'm grindin' Jack”
Mà trước đó ở verse 3, Malice đã có câu hạ gục cả bài bằng cách chơi chữ qua nội dung Kinh thánh.
“My grind's 'bout family, never been about fame / From days I wasn't able, there was always 'caine”
Một sự thật Malice muốn nói là việc anh buôn hàng cấm chỉ là để nuôi gia đình, từ những ngày anh đã “không thể” làm được (“wasn’t able”), thì đã luôn có phương tiện kiếm sống là bán “cocaine”. Ở lớp nghĩa thứ hai mang tính trong sạch hơn, từ “‘caine” đọc nghe thành “can” (“có thể”), khiến cho câu trên có thể hiểu “từ những ngày tôi Không Thể, đã luôn có một thứ Có Thể”. Lớp nghĩa thứ ba, “able” có thể hiểu là “Abel” và “‘caine” có thể hiểu là “Cain”, hai nhân vật trong Kinh thánh - một người tốt - một kẻ xấu trong cùng gia đình. Và để nuôi gia đình, Malice đã chọn làm kẻ xấu “Cain”.
Chỉ đó thôi có thể thấy sự thiên tài trong việc chơi chữ của hai anh em hội Clipse. Họ nói về việc buôn bán thuốc mà toàn mượn hình ảnh theo mỗi chủ đề họ tự chọn và các từ trong lời rap được chắt lọc kỹ lưỡng như cách các anh chế thuốc, vừa mang tính đa nghĩa mà lại vừa gieo vần hay.
Thảo nào mà các anh trùm buôn ma tuý chả chết mê chết mệt. Tất cả cũng nhờ anh em nhà Clipse đều là kẻ trong ngành nên mới hiểu tường tận đến thế được.
****
Pusha T kém Malice 5 tuổi. Người anh Malice đã tập tành rap từ thời trung học còn Push thì toàn lêu lổng đi trêu chọc ông anh vì mấy trò “âm nhạc” vớ vẩn đó. Rồi một ngày Push quen với Pharrell Williams qua Malice. Cả hai anh em suốt ngày giao du và trở nên thân thiết với Pharrell và Chad Hugo từ những ngày cả hội còn chưa tìm được danh tiếng trong âm nhạc. Cho đến khi nhóm The Neptunes được Teddy Riley thu nạp, Push mới bắt đầu có cái nhìn nghiêm túc về âm nhạc Hip Hop.
Với mối quan hệ trong giới âm nhạc của The Neptunes ngày một sâu, và sự động viên của Pharrell, Pusha T cuối cùng cũng quyết định làm nhạc nghiêm túc cùng người anh Malice để lập bộ đôi Clipse. Beat đã có The Neptunes cung cấp, hai anh em nhà này còn gì để lo khi có sẵn thứ âm nhạc “thần thánh” mà bao nghệ sĩ nổi tiếng ngày đó thèm khát từ The Neptunes, việc của họ chỉ cần rap thật hay. Nhờ đó hai anh em rap phê lừ!!!
Album đầu tay Lord Willin’ (2002) và Hell Hath No Fury (2006) đều là những tuyệt phẩm trong làng nhạc Hip Hop, mà Clipse được mệnh danh tiên phong nâng tầm cho “Coke Rap”, một thể loại nhạc Hip Hop đường phố qua khía cạnh chuyên môn “mai thuý”.
Trong đĩa Hell Hath No Fury - album đi vào lịch sử các album Hip Hop hay nhất mọi thời đại, anh em Clipse tiếp tục kể về những khía cạnh gai góc của sự thật đằng sau việc họ “dính chàm” như thế nào. Vẫn phần beat tối giản của The Neptunes, vẫn lối flow không phức tạp của Malice và Pusha T, cả hai rapper tập trung chuyển tải ý nghĩa sâu xa trong lời rap của họ.
Push trong đĩa này đã lên trình rap hơn rất nhiều. Được mở đầu album anh nâng kỹ thuật gieo vần lên tầm mới qua cách chơi chữ thông minh ở bài “We Got It For Cheap (Intro)”.
“Just like a revival, the verse tends to steer 'em / Through a life in the fast lane, I German engineer 'em / No serum can cure, all the pain I've endured / From crack to rap to back to selling it pure”
Để tả về việc sống gấp trong hoàn cảnh đầy bôn ba, Push gieo vần âm đôi “steer ‘em”, “Ger-man”, “engineer ‘em” và “serum”. Để tăng tốc, anh phải độ như một kỹ sư Đức cho những chiếc xe không bị giới hạn tốc độ trên đường cao tốc. Cách dùng từ “German engineer ‘em” vừa tạo lặp âm liền rất cuốn, vừa mang tính đa nghĩa. Bộ mặt thật của ngành âm nhạc cũng khiến Push chán nản vì sự tham lam của hội hãng đĩa, khiến anh và Malice phải quay lại bán thuốc để kiếm sống. Và ngoài việc dùng từ “pure” để tả chất lượng đỉnh cao của thứ hàng anh bán, nó còn chế nhạo việc bán “mai thuý” tính ra còn “thuần khiết” trong sạch hơn đầu óc bọn chủ hãng đĩa, mà thời đó chính Pharrell cũng phải đau đầu đối chọi.
Trong bài “Keys Open Doors”, Clipse dùng từ lóng “keys” ám chỉ những “kilogram” hàng cocaine mà anh em nhà này bán được đã mở bao “cánh cửa” cơ hội. Những hình ảnh ẩn dụ cực lạ và chất mà Push dùng như “Seeing my life through the windshields of choppers” vừa tả cuộc sống xa hoa nhờ bán “mai thuý” qua chiếc trực thăng mà anh cưỡi, vừa nói về việc cuộc sống anh luôn bị đám cảnh sát theo dõi từ trên cao, đến “I ain't spend one rap dollar in three years, holla!” để ám chỉ tiền bán hàng cấm nhiều đến mức anh chỉ lo rửa tiền, không thể động đến tiền kiếm được từ việc đi rap, nhưng lại cũng để chửi việc 3 năm vừa rồi anh và người anh Malice không ra được album nhạc nào vì bọn khốn nạn ở hãng đĩa.
Cách tả về thứ hàng trắng cũng được Push dùng một cách uyên thâm hơn, như là “So much white you might think your holy Christ is near”, thứ màu trắng sáng chói đó được Push ví như chúa Jesus giáng trần. Rồi “Bitch never cook my coke, why? / Never trust a whore with your child”, quá thâm nho khi anh coi hàng anh bán như “đứa con cưng” mà anh sẵn sàng chủ động dấn thân vào, chứ không tin bố con thằng nào hết.
Nhìn lại cho cùng việc hai anh em Clipse dùng nhạc Rap để nói về công việc nhạy cảm cả hai từng làm, cả hai đều đủ khôn để chỉ dùng âm nhạc tả thực và “khoe” chiến tích, chứ họ chưa bao giờ thừa nhận để cảnh sát tóm gáy họ như Anthony Gonzalez - trùm ma tuý kiêm quản lý cho Clipse sau đó bị xử 32 năm tù giam và hàng loạt bạn bè, người quen quanh họ đều lần lượt bị còng tay. Chỉ có hai anh em vẫn may mắn thoát nạn nhờ cái vỏ bọc “Rapper” để rửa tiền.
Chính thế nên cái ngày Malice lo lắng đợi Pusha T đến sân bay muộn trên chuyến bay đi lưu diễn châu Âu, người anh cả đã có trong đầu hàng loạt linh cảm xấu đến số phận người em trai. Đến khi Push xuất hiện, Malice đã phải đưa ra quyết định không tưởng, dừng lại tất cả, gồm cả việc rap về hàng cấm, bất chấp cả đống tiền đang chào đón Clipse đi lưu diễn.
Cái ngày bộ đôi Clipse chia tay đó, mỗi người đều tôn trọng ý kiến và hướng đi của kẻ còn lại.
Malice sau đó đổi tên nghệ danh thành “No Malice” với suy nghĩ anh sẽ không bao giờ “dính chàm” cũng như không cổ suý việc bán hàng trắng qua nhạc rap để bao thanh niên da màu khác lại sa vào con đường tội lỗi đó. Anh muốn mình trong sạch.
Còn với Push, anh may mắn nhận được cuộc gọi từ Kanye West không lâu sau mời ghi âm cùng trong bài “So Apalled” và “Runaway” của Ye. Rồi quay đi quay lại anh được ký hợp đồng ghi âm với Kanye West và sau này bổ nhiệm thành chủ tịch hãng G.O.O.D. Music.
Cơ hội làm lại cuộc đời lần hai đó của Pusha T có được cũng lại là nhờ Kanye West quá ấn tượng với màn biểu diễn của Clipse trong tiệc sinh nhật của Ye một hai năm trước đó sau khi một người bạn của Ye thuê anh em nhà Push đến. Một lần nữa, nhờ việc rap tại tiệc sinh nhật, Push đã ghi dấu ấn để có được sự nghiệp âm nhạc thành công như hiện nay.
Đến giờ Push đã có được các album solo tuyệt hay từ My Name Is My Name (2013), King Push (2015) và gần đây nhất là đĩa DAYTONA (2018) được khen ngợi như sản phẩm âm nhạc hoàn hảo nhất sự nghiệp solo của Push. Dưới chỉ định và sản xuất của Kanye West, đĩa DAYTONA chỉ có 7 bài được chắt lọc nhất có thể.
Lời rap của album DAYTONA đến giờ vẫn xoay quanh chuyện buôn hàng cấm. Nhưng giống thứ chất kích thích được tinh chế thành chế phẩm thuần khiết nhất, 7 track ngắn ngủi của bài kéo dài thời lượng có 21 phút nhưng là 21 phút bay bổng lên 7 tầng địa đàng (chú thích: tôi chém thôi chứ tôi không chơi hàng cấm đâu).
Sởn người vì Push tuyên bố những tay rapper học đòi hay giả vờ trong giới buôn thuốc đừng hòng bao giờ gia nhập đội ngũ huyền thoại, nhưng những tay buôn chuyển nghề rap như anh có thể thành những tượng đài như Puff Daddy hay Jay-Z trong “If You Know You Know”
“A rapper turned trapper can't morph into us / But a trapper turned rapper can morph into Puff”
Há hộc mồm vì Push tự hào đã có tất cả, tiền bạc nhiều như số bank code (hàng trăm triệu Mỹ kim), với nụ cười mãn nguyện của danh vọng vì bọn DJ phải xướng tên những khi anh xuất hiện trong “The Game We Play”
“No jewelry on, but you richer than everybody / You laugh a little louder, the DJ say your name a little prouder / And we don't need a globe to show you the world is ours / We can bet a hundred thousand with my safe hold /My numbers lookin' like a bank code”
Kính nể vì trong bài “Hard Piano”, sự trưởng thành ở Push giờ là phải tự đặt ra quy tắc chi riêng mình, một là thành tay buôn chuyên nghiệp, hoặc chỉ mãi là kẻ tay mơ. Và Push sẵn sàng tránh xa những vụ quấy rối tình dục ngớ ngẩn như Harvey Weinstein và Matt Lauer bị dính phải. Tất cả để giấc mơ trở thành huyền thoại không bị ai huỷ hoại.
“Set the parameters / You either with the pro ballers or the amateurs / I won't let you ruin my dreams or Harvey Weinstein the kid / Good mornin', Matt Lauer; can I live?”
Vẫn là chuyện ma tuý, nhưng topic chủ đề được mở rộng với cái nhìn đa chiều hơn. Từ đó DAYTONA trở thành một siêu phẩm thứ hai của Pusha T, sau Hell Hath No Fury với điểm cao chót vót từ giới phê bình và hàng loạt lời khen nức lời từ các rapper. Rồi sau cú hạ gục sát ván tay rapper được ưu ái nhất Drake qua bài “Infrared” trong đĩa và bản “The Story Of Adidon” sau đấy mà tôi đã viết trước đó, Push được tạp chí Complex mệnh danh là rapper đỉnh nhất làng Hip Hop.
Nhìn lại suốt 20 năm sự nghiệp của Push, dù anh không có được tiếng tăm tầm thị trường đại chúng, không thương mại hoá mà chỉ theo đề tài ngách về “Coke Rap”, khả năng freestyle, cộng cái máu chiến đấu không cho đối phương ngóc đầu lên được mỗi lần diss ai là những phẩm chất hiếm có trong rapper hiện nay. Push xứng đáng với sự ví von “rapper ưa thích của rapper ưa thích của bạn” (“your favorite rapper’s favorite rapper”), không nhiều người biết tới nhưng lại được nể phục trong giới.
All hail KING PUSH
Hẹn gặp lại!
Kunt