Đó là một tối tháng Mười, ánh trăng rằm chiếu sáng cả bầu trời đêm, rọi lên ngã tư giao nhau của hai con đường cao tốc Highway 49 và 61 tại Clarksdale, Mississippi. Bóng dáng một thanh niên mảnh khảnh với cây guitar cũ nát vác trên vai, đứng chần chừ tại ngã rẽ. Điều mà cậu bây giờ băn khoăn nhiều hơn cả việc chọn hướng đi tiếp theo cho cuộc đời mình lại là câu nói của Son House trước đó. “Mày bỏ chơi guitar ngay đi thằng kia. Mày làm tất cả bọn tao cáu lắm rồi đấy”. Chết cái là dù biết thổi kèn harmonica khá hay, việc chơi đàn guitar mới lại là ước mơ của cậu. Bởi cậu luôn muốn dùng tiếng đàn đã kiếm tiền, gái, và rượu, như chính Son House – nghệ sĩ chơi nhạc blues thần tượng của cậu.
Xung quanh cậu giờ toàn những bóng cây lớn trồng hai bên vệ con đường tối mịt và u ám. Cậu bất chợt bừng tỉnh bởi đâu đó tiếng một con chó bị đầu độc đang rú và rên lên từng hồi bên con mương gần đó, khiến cậu lạnh toát xương sống. Dưới chân cậu là dấu chữ X in trên mặt đường. Trong đầu cậu tự nhủ mình sẽ đi theo hướng tới Gunnison, nơi cậu quen vài người ở đó và cậu có thể xin chút rượu whiskey cho ấm người.
“Robert Johnson, nhà ngươi tới trễ đó”
Người đàn ông ngồi bên đường cất tiếng.
Cậu bủn rủn chân tay, khuỵu xuống:
“Có lẽ vẫn chưa muộn đâu thưa ngài”.
***
Robert Johnson sinh ngày 8 tháng 5 năm 1911, là đứa con thứ 11 của Julia Major Dodds. Mười người con trước của bà là kết quả của mối tình với ông chồng Charles Dodds. Chỉ riêng Robert là đứa con ngoài giá thú. Vậy nên cậu mới mang một cái họ khác với những người anh người chị của mình.
Charles Dodds là một chủ đất và người làm nội thất khá giả ở Hazlehurst, một thị trấn phía nam Jackson, nằm ngoài khu vực Delta. Vào năm 1909, ông này phải rời khỏi Memphis sau khi cãi vã với một số chủ đất người da trắng. Ông phải đổi cả danh tính để bắt đầu một cuộc đời mới. Trong khoảng thời gian này, bà Julia đã có một cuộc tình chóng vánh với một người đàn ông tên Noah Johnson và sinh ra Robert. Đến năm 1920, bà Julia đi tiếp bước nữa với người chồng thứ hai tên Dusty Willis, và Robert chuyển về sống cùng mẹ và cha dượng.
Chiếc nhạc cụ dây đầu tiên Robert chơi ngày đó là “diddley bow”. Đây là một nhạc cụ tự chế từ chiếc dây kéo căng nối 2 đinh gắn ở cạnh nhà. Cách chơi là dùng que gẩy chiếc dây trong khi tay còn lại cầm một cái chai đè lên dây để thay đổi cao độ. Nhưng Robert cải tiến nó thành 3 dây liền để tăng độ phức tạp và tạo được hòa âm với thứ nhạc cụ này. Sau một thời gian, cậu dành dụm mua được một cây đàn guitar chỉ còn 4 dây cũ nát và tập tành một cách hăng say, trước khi kiếm thêm chút tiền để mua thêm 2 con đàn nữa.
Cậu sớm lập gia đình ở tuổi 19 với một người con gái tên Virginia Travis, lúc đó chỉ mới 16 tuổi. Nhưng cô ấy mất cùng với đứa con sơ sinh chưa kịp chào đời, một điều không phải hiếm xảy ra ở một khu gia đình người da màu nghèo khó sinh sống tại thời điểm đó. Cái chết của vợ và con là nỗi đau lớn tột cùng với Robert.
Ngỡ tưởng cậu không vực lại nổi từ sự mất mát này thì một ngày Robert gặp được người nghệ sĩ thần tượng đã mang lại nguồn cảm hứng âm nhạc vĩ đại cho cậu. Đó chính là Son House – người mới chuyển đến Robinsonville để lập bộ đôi chơi nhạc Blues cùng Willie Brown tại khu thị trấn này.
Bình thường Son là một người hiền lành ít nói, nhưng khi chơi nhạc, ông như bị nhập. Mặt ông biến đổi, mắt trợn lên, mồ hôi vã như tắm, tay ông múa trên cây đàn, và giọng ông đầy uy lực. Ông truyền một năng lượng cực lớn với người nghe, bao gồm cả Robert đang ngơ ngẩn ở dưới đó. Cậu thần tượng Son và Willie và sẵn sàng tìm đến tất cả các nơi mà bộ đôi nghệ sĩ này biểu diễn, để được thưởng ngoạn thứ âm nhạc quyến rũ, tại nơi mà thường xuyên người ta choảng nhau ở phía dưới, và thậm chí bỏ mạng tại đây. Cha dượng và mẹ cậu vì vậy không muốn Robert giao du ở những chỗ như này. Do đó Robert sẽ thường đợi họ đi ngủ, và cậu lại bò ra cửa sổ để tìm đến nơi Son và Willie biểu diễn.
Dần dà, Robert càng nuôi một ước mơ chơi đàn và kiếm sống từ nghề đi diễn, bỏ lại những kế hoạch xây dựng một tổ ấm cho riêng mình mà định mệnh đã không cho phép cậu được hạnh phúc. Thay vào đó, Robert quyết định theo đuổi một cuộc sống có tiền, có gái và có rượu của một người nghệ sĩ.
Robert biết thổi cả harmonica từ khi mới 15 tuổi với một kỹ thuật tốt. Nhưng cây guitar mới là thứ nhạc cụ cậu muốn thành thục nó. Cậu sẽ thường ngồi gần sát giữa Son House và Willie Brown để nghe nhạc. Khi hai tay này nghỉ giải lao, Robert sẽ mò ra lấy cây đàn và chơi. Có điều, thay vì những âm thanh réo rắt của Blues, người ta chỉ nghe được loạt tiếng ồn phát ra từ những phím đàn bấm không chặt, dây đàn vảy không mượt từ ngón tay vụng về của Robert.
Quá khó chịu khi bị phá đám bầu không khí, đám khán giả thường sẽ ra mách Son và Willie. Những lúc như vậy, Son chỉ khuyên Robert nhẹ nhàng: “Đừng làm thế cu. Mày sẽ khiến người ta bỏ về đấy. Mày có thể thổi harmonica. Tao thấy mày chơi cái đó hay hơn và họ sẽ muốn nghe hơn đó”. Nhưng rồi, Robert cũng bỏ ngoài tai và Son lại phải gằn giọng quát “Tốt nhất là mày dừng ngay đi. Nhỡ mày mà làm đứt dây đàn thì giữa đêm tối thế này bọn tao không biết kiếm chỗ nào để thay dây đâu”.
Thường đến lúc như vậy Robert sẽ nghe lời Son và đặt chiếc đàn xuống. Có điều, vào một lần vì quá ngứa ngáy trong khi đợi Son nghỉ giải lao cười đùa và uống rượu cùng với Willie, cậu lại mò ra cầm lấy cây đàn và chơi những tiếng guitar đinh tai nhức óc. Âm thanh “boo – waah” phát ra khiến con chó ở gần đó không chịu được phải sủa ăng ẳng.
PƯNG!
Cây đàn của Son mà Robert đang ôm để chơi đứt ngay một dây. Mặt cậu tái mét khi Son lao vào quát “Mày bỏ chơi guitar ngay đi thằng kia. Mày làm tất cả bọn tao cáu lắm rồi đấy”.
Buồn tủi Robert về nhà vác cây đàn bỏ đi. Cậu thẫn thờ đi về phía ngã tư đường giữa trời đêm tối một ngày tháng Mười.
***
Giữa ngã tư đại lộ, người đàn ông bước tới, thân hình cao lớn, nước da đen như tròng mắt đang mở to vì sợ hãi của Robert.
“Đứng dậy đi Robert Johnson. Ngươi có muốn ta ném cây đàn xuống con mương cùng với con chó đang rên rỉ kia, rồi quay về Robinsonville để làm thằng quèn mãi mãi chơi cây hạc cầm để đệm nhạc cho Son House và Willie Brown không? Hay ngươi muốn chơi đàn guitar giỏi hơn bất kỳ kẻ nào đã từng chạm tay vào chúng? Nhà ngươi có muốn tạo ra âm thanh mà chưa kẻ nào từng được nghe, có muốn trở thành Vua của nhạc Delta Blues và có thể có bất kỳ rượu hay đàn bà nào mà nhà ngươi muốn có hay không?”
“Như vậy là sẽ có nhiều rượu và đàn bà lắm thưa ngài” – Robert đáp.
“Ta hiểu rõ ngươi mà, Robert Johnson” – người đàn ông cười khảy.
Robert cảm thấy ánh trăng đang rọi thẳng vào đầu và gáy của mình như thể mặt trăng đang phình to dần ra và sáng rực hơn. Sức nóng của ánh trăng tựa như ánh nắng chói chang giữa trưa hè. Robert cảm thấy tiếng rú và rên của con chó đang hấp hối dưới mương kia như đang xoáy vào bên trong linh hồn của cậu, chạy dọc xuống chân, lan sang khắp đầu ngón tay và rồi tụ lại ở trong lồng ngực, khiến người cậu run lên bần bật như kẻ lên cơn động kinh.
Lấy lại bình tâm, Robert hổn hển: “Con chó đó chắc đang lên cơn dại ư thưa ngài”.
Người đàn ông cười lớn: “Con chó đó thuộc về ta. Nó không bị dại, mà đang nắm giữ nhạc Blues bên trong nó. Và ta nắm giữ linh hồn của nó trong tay ta đây”.
Con chó sau đó hú lên một tiếng trầm dài đầy chất soul mà Robert chưa từng được nghe. Âm thanh đó có cả nhịp điệu qua tiếng gằn và sủa, và nó điều khiển chính Robert, khiến những sợi dây đàn cậu đang cầm rung lên. Chúng ngân nga và hát những nốt, những hợp âm tối và buồn, nhưng tuyệt đẹp và soulful. Robert như bị quỷ nhập, người xoay tròn, và linh hồn cậu bỗng được nhấc bổng lên không trung. Cậu nhìn xuống con mương và thấy đôi mắt của con chó sáng rực một màu tím đậm, một thứ màu sắc của Địa ngục trước mắt Robert.
Linh hồn của cậu từ từ trở về với thân xác. Robert bừng tỉnh, mồ hôi đầm đìa.
Người đàn ông nói “Con chó đó không phải để bán, nhưng âm thanh đó nhà ngươi có thể có được. Đó là âm thanh của Delta Blues. Và ta có một giao kèo”.
“Tôi cần có âm thanh đó thưa ngài. Tôi đồng ý ký ngay bây giờ”.
“Những lời nhà ngươi nói là đủ. Giờ chỉ cần ngươi tiếp tục đi về phía bắc, nhưng ngươi cần phải chuẩn bị sẵn tinh thần vì có những hậu quả của nó. Nhà ngươi biết mình đang đứng đâu không? Ngay tại ngã tư đường này, vào giữa đêm trăng rằm đang rọi thẳng xuống đầu ngươi. Nếu đi thêm một bước theo hướng ngươi đang đi, nhà ngươi sẽ tới Rosedale và nắm giữ một kỹ thuật nhạc Blues thượng thừa mà thế giới này chưa từng được thưởng thức. Âm nhạc mà nhà ngươi chơi sẽ mê hoặc bất kỳ ai nghe phải chúng. Có điều linh hồn của nhà ngươi sẽ thuộc về ta.”
Robert ngửa mặt lên trời, tròng mắt trợn ngược nhìn trân trân vào ánh trăng giờ đang sáng rực tỏa khắp bầu trời đêm, rọi xuyên qua con mắt của cậu như một tia sét giáng xuống. Cậu nhìn thẳng vào mắt người đàn ông và gật đầu nói:
“Ngài hãy tránh sang một bên. Tôi sẽ đi tới Rosedale. Nhạc Blues là của tôi!”
Người đàn ông đó nhấc lấy cây đàn của Robert, căn chỉnh dây rồi đưa lại cho cậu. Ông ta bước sang một bên và nói “Hãy đi đi Robert Johnson. Giờ ngươi là Vua của Delta Blues!”
***
Một tối, Son House và Willie Brown lúc đó đang biểu diễn ở Banks, Mississippi. Bỗng dưng cả hai nhìn thấy người quen đứng ở cửa với cây đàn guitar đeo sau lưng. Son và Willie lẳng lặng bảo nhau lờ thằng nhãi đi.
Robert đã bỏ đi 6 tháng trời mà không một ai biết tung tích của cậu. Cả thị trấn cứ tưởng cậu đã từ bỏ giấc mơ chơi đàn với những ngón đàn phá nát hủy diệt nhạc Blues, thì nay Robert lại đứng đây, với tâm thế của một kẻ cứng đầu không biết lượng sức mình.
Robert mò ra chỗ Son và Willie lúc cả hai nghỉ giải lao giữa giờ. Son hỏi cậu: “Cu, giờ mày lại vác đàn đi đâu đấy? Định chọc phá mọi người cho đến tức chết hả?”
Robert đáp “Không, anh cho em đánh thử đi. Các anh đang nghỉ giải lao đúng không?”
Quá chán với sự lì lợm của Robert, Son và Willie đứng lên, vờ như không để ý với lời đề nghị của Robert, bỏ lại sân khấu cho cậu thích làm gì thì làm.
Robert lôi cây đàn ra. Son để ý cây guitar của Robert bây giờ có tới hẳn 7 dây, điều Son chưa từng thấy bao giờ. Và tiếng đàn mà Robert chơi ngay sau đó cũng là thứ âm thanh mà Son và Willie chưa từng được nghe trên đời bao giờ. Từng phím đàn, mỗi dây đàn được Robert chơi điêu luyện và mềm mại. 10 ngón tay dài gầy guộc dài ngoằng của cậu múa trên cây đàn tựa như âm nhạc được chơi bởi hai con người cùng một lúc, lúc vảy dây, lúc chơi slide. Âm thanh Delta Blues mà Robert tạo ra ùa xuống phía dưới đám khán giả, ôm lấy cả Son và Willie đứng cạnh đó, và mỗi khi cậu vảy sợi dây thứ 7, tiếng đàn như nắm thóp từng người ở dưới, khiến họ thẫn thờ và bị mê hoặc bởi câu đàn họ mới được nghe lần đầu trong đời. Còn Son và Willie thì há hốc mồm.
Suốt 7 năm sau đó, Robert tiếp tục tạo dấu ấn với bất kỳ ai nghe phải tiếng đàn của cậu. Trong quãng thời gian đó, Robert không già đi chút nào. Dáng người nhỏ, vai xuôi và khuôn mặt non choẹt không một nếp nhăn hay sợi râu mọc trên mặt của cậu luôn bị mọi người tưởng nhầm chàng thanh niên này vẫn dưới 20. Những ngón tay dài ngoằng của cậu là niềm ước ao của những kẻ chơi đàn guitar. Đi tới bất kỳ đâu, Robert luôn ăn mặc luôn chỉn chu, kể cả sau khi cậu phải lê lết một quãng đường dài và trong khi những kẻ đi cùng thì bẩn thỉu nhễ nhại mồ hôi thì Robert trông vẫn sạch sẽ tinh tươm đến khó hiểu.
Robert có một sức cuốn hút kỳ lạ. Giọng hát cao sang sảng và tiếng đàn như bùa ngải có thể kéo đám đông bu quanh ở bất kỳ nơi đâu cậu dừng chân. Có lần trên con đường cao tốc Highway 61, Robert dừng nghỉ chân và chơi đàn. Nhưng chỉ sau vài phút, cả con đường cao tốc đó đặc kín người và xe ô tô. Họ ném tiền xu cho Robert, đủ dư sức để cậu đi nhờ về thị trấn gần đó và nốc bao nhiêu rượu tùy thích.
Robert còn có một đôi tai thần kỳ, giúp cậu có thể chơi bất kỳ thứ gì nghe được trên đài. Từ những bài nhạc phổ biến, đến các bản ballad, blues. Bất cứ thứ gì. Và chỉ vậy, ngay tối hôm đó, Robert có thể cầm đàn ra phố và chơi lại những bài trên radio không sai khác một nốt nào, thậm chí còn mang âm sắc quyến rũ hơn bản gốc của chúng. Robert có thể chơi cả những hợp âm cậu chưa từng nghe trước đó. Không cần phải mò mẫm tập luyện, khi cậu ôm cây đàn lên, đôi bàn tay của cậu tự động tạo ra đúng chính xác thứ âm thanh cậu muốn chơi, theo đủ mọi phong cách, từ ragtime, pop, blues đến waltz, polka.
Ngoài khả năng chơi cover lại nhạc của người khác, Robert mang trong mình nguồn cảm hứng vô tận để sáng tác nhạc của riêng mình. Cậu có thể nhắm mắt đón nhận một cảm xúc ùa đến, và bỗng dưng chơi ngay ra một bài hoàn chỉnh.
Kỹ thuật chơi slide của Robert thì vô đối và có sức hút ghê người với ai nghe phải âm thanh đó. Tiếng guitar đó có thể nói chuyện, nhắc lại và cất những lời ca như phát ra từ mồm của Robert vậy. Một lần Robert chơi bài “Come On In My Kitchen” cho đám đông nghe. Cậu chơi rất chậm và nhập tâm. Và khi dừng, không một ai ở dưới nói một lời. Bởi tất cả họ đều đang khóc, cả đàn bà lẫn đàn ông.
Tiếng tăm của Robert nhanh chóng đến tai chủ các hãng đĩa, trong đó có công ty ARC. Bất chấp sự do dự của các hãng ngày đó không muốn ký hợp đồng với những nghệ sĩ đến từ vùng quê, cậu vẫn có được cơ hội hiếm hoi khi được mời đến ghi âm. Thay vì nhận tiền bản quyền, một nguồn doanh thu như một canh bạc không mấy hứa hẹn và rủi ro cho những người như Robert Johnson, cậu được hãng đĩa trả luôn một khoản tiền tươi thóc thật trị giá vài trăm đô. Ngày ấy con số đó là một gia tài với Robert và cậu đã dành khoản tiền đó sắm ngay bộ véc ngon lành và vào các cuộc nhậu nhẹt và vô số các cuộc tình một đêm chóng vánh.
Ước mơ của Robert cuối cùng đã được toại nguyện. Cậu trở thành một nghệ sĩ chơi nhạc Blues cự phách. Không phải quá giàu sang nhưng túi tiền luôn rủng rỉnh để uống bao nhiêu rượu tùy thích, và luôn có những phụ nữ vây quanh, cả những người đã ngoài 30, và cả những người đã có bạn trai hay đã lập gia đình. Lối sống buông thả của Robert đã đẩy cậu tới vô số sai lầm khi tạo ra bao kẻ thù. Và sai lầm lớn nhất của đời cậu là khi Robert ngủ với vợ của tay chủ quán Three Forks tại Greenwood.
Sau khi biết được vụ việc, tay chủ quán này đã đầu độc chai rượu của Robert trước khi cậu lên diễn. Tối đó, Robert ốm mệt rũ người nhưng vẫn cố chơi nhạc cho đám đông ở dưới nghe. Cậu cố gượng chơi cho đến 2h sáng thì gục hẳn xuống sàn.
Tại đây người ta đã đưa Robert về căn nhà trọ ở thị trấn Greenwood. Thuốc độc mà Robert uống phải khiến cậu điên dại, bò khắp sàn nhà, rú và rên như con chó ngày nào nằm dưới mương. Và khi cậu tru lên tiếng dài ai oán cuối cùng, cũng là lúc Robert nằm xuống và ra đi mãi mãi.
Ngày đó là ngày 16 tháng 8 năm 1938, lúc đó Robert Johnson mới 27 tuổi. Ngày cậu chết cũng là ngày dấu X in trên mặt đường ngã tư con đường cao tốc biến mất như nó chưa bao giờ tồn tại.
***
Với tham vọng nắm giữ được kỹ thuật chơi nhạc Blues thượng thừa và trở thành Vua của Delta Blues, Robert Johnson đã ký một giao kèo với quỷ. Đổi lại ông phải chấp nhận hậu quả mà ông đã được cảnh báo trước khi linh hồn ông được bán cho quỷ ngày đó. Di sản của Robert để lại chỉ gồm 29 bài nhạc được ghi âm, nhưng đều trở thành những chuẩn mực của nhạc Blues. Và quan trọng hơn là con số đó đủ để khơi dậy một nguồn cảm hứng lớn cho loạt các nghệ sĩ nhạc Blues lẫn Rock N’ Roll sau này, như Chuck Berry, Howlin' Wolf, Eric Clapton, Bob Dylan, Robert Plant, Brian Jones và Keith Richards, v.v. – những người đã may mắn thừa hưởng những di sản để lại của Robert mà không phải đánh đổi cuộc đời và bán linh hồn của họ cho quỷ - ngoại trừ có lẽ Brian Jones, kẻ sau này cũng gia nhập Club 27 mà Robert Johnson lập ra.
Có thể có những tình tiết trong câu chuyện kể trên là không có thật, nhưng một điều chắc chắn đúng. Đó là: Nếu không có Robert Johnson thì sẽ không có Rock N' Roll.
***
Hẹn gặp lại!
Kink