top of page

Savatage và giấc mơ dang dở của anh em nhà Oliva


Trong mấy hình bìa đĩa dưới đây, các bạn có nhận ra cái nào không?

Có lẽ tôi hỏi câu này với anh chị em nghe Rock ở Việt Nam thì hơi thừa. Vì nếu ai có chẳng may đem lòng yêu ban nhạc Savatage thì kiểu gì cũng biết Trans Siberian Orchestra (TSO). Nhưng ở trên thế giới, có nhiều người chỉ nghe và quan tâm TSO mà không hề biết đến cái tên Savatage. Bằng chứng là, như lời Jon Oliva nói, TSO dễ dàng bán hết veo 40.000 vé xem show trong một ngày, trong khi ban nhạc Savatage không thể kéo nổi 40.000 người đến xem show trong tour diễn dài 6 tuần ở nước Mỹ trong cùng thời điểm, bất chấp sự thật là các thành viên chính của TSO đều là từ Savatage mà ra. Thậm chí đã có lần TSO biểu diễn trước hơn 1 triệu người ở Berlin. Trên bức tường nhà Jon Oliva treo những tấm đĩa bạch kim chứng nhận doanh số trên 1 triệu bản của các album từ những dự án âm nhạc của anh, nhưng trong số đó không một cái nào có tên Savatage, ban nhạc do anh và cậu em trai Criss Oliva sáng lập ra với đầy tâm huyết. Điều mỉa mai là trong khi Savatage luôn loay hoay tìm sự thành công với thể loại nhạc kén người nghe thì TSO lại nổi tiếng từ những bản nhạc Giáng Sinh pha nhạc Rock, một thứ concept rất kỳ quặc nếu chỉ nhìn trên giấy. Jon đã từng chua chát nói “ban nhạc Savatage đã chết từ cái ngày mà Criss chết đi”. Với anh, sau khi cậu em trai vĩnh viễn ra đi sau tai nạn ô tô thảm khốc, Savatage đã không còn là ban nhạc như thuở trước. Savatage có thể sau đó cho ra các album như Handful Of Rain, Dead Winter Dead hay Wake Of Megellan nhưng tất cả đều chỉ như những cuộc tập trận để chuyển giao sang một dự án nhạc lớn dưới cái tên Trans Siberian Orchestra, chuyên sâu về nhạc Rock Opera, thứ mà sau này chuẩn bị bùng phát để trở thành một trong những nhóm nhạc có các tour lưu diễn thành công nhất thế giới, thậm chí có lúc còn hơn cả Kanye West, Elton John hay Lady Gaga. Chắc hẳn cái tên Savatage sẽ chỉ còn đọng lại trong tâm trí một số lượng fan âm nhạc ít ỏi!

*** Tôi không nhớ bài nào của Savatage đã dẫn tôi đến với nhạc của họ.

Có lẽ đó là bài “Chance”? Ca khúc nhiều chương hồi đầu tiên của ban nhạc có kiểu hát đối âm giống nhạc kịch Broadway ở khúc cuối, khi mà từng lớp vocal dần dần chồng lớp lên nhau, mỗi track sẽ đi một lớp giai điệu và phần lời riêng chứ không chỉ theo kiểu hát bè. Điều kỳ diệu là chúng gộp lại không bị “đá” chồng chéo nhau mà còn tạo sự đa dạng âm sắc, một đặc trưng trong nhạc của Savatage, và không quên kết thúc với cao trào khúc hát “chance” ngân dài phía cuối trên nền nhạc đầy kịch tính. Hay đó là bản acoustic “Sleep” ngọt ngào qua chất giọng ấm áp vô cùng tình cảm? Bài hát đẹp đến độ mấy đứa chúng tôi còn cố học đệm đàn và hát ngân nga theo ở mỗi buổi tụ tập, vì không chỉ mê man ở giai điệu câu hát, mà riêng cách đệm đàn guitar thùng được viết đã có lối biến đổi đầy rạo rực.

Hoặc có khi đó là “When The Crowds Are Gone”? Âm thanh piano chủ đạo ban đầu làm mềm âm thanh Rock cho đứa còn đang chập chững tìm hiểu nhạc nặng như tôi lúc bấy giờ. Tiếng đàn piano sau đó hoà cùng đúng giai điệu các câu riff guitar, một phong cách rất Savatage, chưa kể đến các khuông nhạc có tiết tấu nhịp trống chậm rãi đều đặn xen kẽ với các khuông nhạc chơi theo lối “nhạc kịch”.

Cái tôi nhớ nhất là tình yêu của mình với Savatage ngày một lớn đến mức, sau khi săn lùng bộ đĩa nhạc của band, bao gồm cả các tác phẩm của TSO, tôi còn phải đi mua lại lần thứ hai một số đĩa đã mua trước đó chỉ vì muốn chúng là các ấn phẩm ban đầu của hãng đĩa Atlantic phát hành, và bởi vì các quyển booklet gốc đó được in cũng đẹp hơn rất nhiều. Và thế rồi khi mày mò nghe từ những album đầu heavy hơn rất nhiều của Savatage như Sirens (1983), Power Of The Night (1985), cho đến đĩa cuối cùng gần đây nhất chuyên chất nhạc kịch Rock Opera là Poets And Madmen (2001), tôi đều có tìm được một tình cảm đặc biệt với các ấn phẩm nhạc khác nhau đó. Phần nhiều chắc cũng vì tất cả các sản phẩm nhạc, kể cả của Savatage hay TSO, đều được kiến tạo từ bộ ba: nhà sản xuất nhạc và viết lời tài năng Paul O’Neill (ông mất hồi tháng 4 năm 2017); người sáng tác nhạc chính kiêm ca sĩ và nhạc công đa tài Jon Oliva; và cậu em trai Criss Oliva - một virtuoso guitar siêu hạng, người đáng lẽ nên được xưng danh trong hàng ngũ các guitar hero nếu anh không ra đi quá sớm. *** Dàn thành viên của Savatage thay đổi liên tục từ những ngày đầu tiên. Duy chỉ có hai thành viên sáng lập nên ban nhạc là anh em nhà Oliva trở thành cột trụ trong định hướng âm nhạc của nhóm. Những ngày đầu, Savatage chuyên sâu về dòng nhạc Heavy Metal, với âm thanh dù nặng nhưng vẫn có thiên hướng giai điệu, một đặc điểm luôn dễ nhận ở ban nhạc. Dù đó là các bản thu thô sơ có âm thanh raw nặng trịch như bài “Rage” trong đĩa Sirens, tiếng hát theo kiểu gào của Jon Oliva kiểu gì cũng phải có một giai điệu nào đó. Thời đấy, nghe giọng Jon, không ai có thể nghĩ sau này anh lại hợp giọng với dòng Rock Opera sau này đến thế. Đó là tiếng hát khàn đục mỗi khi lên cao, nhiều lúc như hét. Bù lại, âm vực của Jon lên đến 4 quãng 8, đủ để cân được âm nhạc đòi hỏi lối hát Opera mà vẫn khàn như qua phơ rè của nhạc Rock. Còn với Criss Oliva, từ ngày đầu đã không thiếu những câu riff đặc tiếng, đối lập với những đoạn solo cao vút tốc độ. Tiếng đàn guitar ở bài “Rage” cũng là vậy. Đã thế phần solo cuối bài của Criss còn dừng đột ngột, kết thúc bài nhạc ở một nốt ngân cao đầy ma quái, cho thấy sự độc đáo trong sáng tạo của anh em nhà Oliva.

Là một nghệ sĩ có khả năng chơi nhiều loại nhạc cụ, Jon ban đầu đáng nhẽ đảm nhiệm phần trống, rồi cả đàn bass, nhưng khi các thành viên mới tuyển vào, anh được giải phóng khỏi hai vị trí này để tập trung vào nhiệm vụ sáng tác và hát. Thực ra từ nhỏ, Jon còn từng có ý định đánh guitar lead, chỉ vì cậu em Criss nắm ngón nghề siêu hạng hơn hẳn, nên Jon dần dà chuyển hướng sang các nhạc cụ khác trong đó có piano/keyboards, thứ nhạc cụ chính anh chơi sau này. Tuy vậy, việc nắm bắt nhiều loại nhạc cụ cũng giúp Jon sáng tác nhạc được dễ dàng trong những lần jam với Criss hoặc nảy ra các ý tưởng nhạc từ những câu riff đàn mà cậu em trai thỉnh thoảng vứt ra cho ông anh. *** Ê lão mặt l* kia, ông nghe thử câu đàn này xem rồi tính làm gì với nó thì làm”.

Cách nói chuyện bỗ bã của hai anh em nhà Oliva đến giờ vẫn khiến Jon thỉnh thoảng phải nghẹn lại khi nhớ tới cậu em trai. Họ đã cùng trải qua nhiều thăng trầm của ban nhạc. Khi mà có những lúc bị lão quản lý bỏ mặc ở đất nước xứ người, không còn một đồng nào trong người ngoài cái vé máy bay trong lần lưu diễn châu Âu, khiến anh em họ và các thành viên khác phải trèo ra ngoài cửa sổ bỏ trốn và quỵt tiền phòng khách sạn. Cho đến những lúc “lên voi” với album Power Of The Night, được lưu diễn cùng Metallica, KISSMotörhead. Rồi quay lại “xuống chó” với thất bại tủi hổ của album Fight For The Rock đầy tính thương mại hoá do bị hãng đĩa Atlantic ép ghi âm với hy vọng cải thiện doanh số bán đĩa. Tưởng như đó là lúc ban nhạc phải giải tán thì Paul O’Neill xuất hiện. Được Atlantic gọi về để cứu vớt Savatage, Paul chỉ thu xếp xem được buổi diễn cuối cùng của anh em nhà Oliva mà ông vẫn kịp bị thuyết phục trước giọng hát của Jon, tiếng đàn của Criss và cái năng lượng của cả ban nhạc. Ngay ngày hôm sau, Paul đưa cả band 50.000 Mỹ kim để họ trang trải hết nợ nần và sắm lại nhạc cụ và thiết bị. Tất cả để chuẩn bị cho một hành trang mới. Cú chuyển mình của Savatage cũng là cơ hội mà Paul thực hiện ý tưởng luôn đau đáu trong đầu. Ông muốn ban nhạc đi theo hướng Progressive Metal với chất liệu nhạc giao hưởng. Từ đó Savatage có được bộ ba cốt lõi đưa ban nhạc tới thời kỳ đỉnh cao của họ. Với anh em Oliva, Paul như một người cha người chú, luôn chăm sóc và canh chừng những trò nghiện ngập của hai anh em. Sự gắn kết của bộ ba đó vượt trên cả âm nhạc, đưa cái tên Savatage lên các bảng xếp hạng, bắt đầu với album Hall Of The Mountain King (1987), Gutter Ballet (1989), đến Streets: A Rock Opera (1991), Edge Of Thorns (1993). Thời kỳ vàng này của ban nhạc Savatage ghi lại dấu ấn của thứ nhạc nặng có, nhẹ có, nhưng đều có điểm chung ở sự biến đổi trong từng khúc nhạc như các chương hồi, thứ khiến cho âm nhạc của họ không bao giờ nhàm tai. Anh em Oliva vẫn giữ được cách sáng tác nhạc cực kỳ giai điệu của Jon và ngón đàn ngày một siêu đẳng của Criss. Mỗi bài của Savatage sẽ có cách bố cục riêng trong phân đoạn mà Paul và Jon cùng sắp xếp, nhưng kiểu gì kiểu, khi tiếng guitar của Criss xuất hiện thì nó vô cùng đặc trưng cho bài nhạc đó, từ những câu riff đảo giữa các quãng tám hoặc rít lên như tiếng ngựa hoang rồi đến những màn solo lúc mượt mà lúc nhanh như chảo chớp. Vai trò của Jon trong nhạc cụ piano và keyboards cũng được Paul khai thác triệt để. Lối chơi nhiều lớp nhạc keyboard chạy cùng các nốt với đàn guitar là âm thanh vô cùng đặc trưng của Savatage sau này. Sự dàn xếp các nhạc cụ khi đưa dàn nhạc vào khiến các album Savatage ngày một trở nên phức tạp hơn, nhen nhóm với “Prelude To Madness”, rồi rõ rệt hơn qua “Gutter Ballet”, hoặc “Edge Of Thorns”.

Số phận kể cũng nghiệt ngã. Khi Savatage đang dần vươn tới bục đỉnh cao thì là lúc cuộc đời của Criss bị đột ngột cướp đi. Đó cũng là lúc Jon đang định giảm dần vai trò của mình ở ban nhạc, không hát nữa mà chỉ sáng tác nhạc để nhường vị trí dẫn dắt ban nhạc cho Criss và bản thân anh sẽ theo đuổi các dự án mới. Thế mà số phận không cho phép anh làm vậy. Nó dường như đặt dấu chấm hết một lần nữa với Savatage, nhưng đúng hơn là kéo Jon lại với ban nhạc anh và người em trai cùng tạo lập, để hoàn thành nốt sứ mệnh còn dở dang của nhà Oliva. *** Với tôi, âm nhạc của Savatage sau khi Criss mất đi, không còn được hay đồng đều như trước đó. Phần nhiều vì Jon đã mất đi những nguồn cảm hứng vô tận từ các câu riff ngẫu hứng của cậu em. Đã có lúc Jon phải lục lại các cuộn băng trong kho để tìm những ý tưởng bài nhạc mới trên các câu riff cũ mà Criss để lại. Nhờ đó mà người nghe như được thưởng thức lại âm nhạc nặng thời sơ khai của Savatage trong bản “Taunting Cobras”, một trong hai bài duy nhất ở album Handful Of Rain còn lưu lại những tiếng đàn vương vấn của Criss, được người đồng đội Alex Skolnick thể hiện lại. Với tôi, những gì mà anh em nhà Oliva và Paul làm được trước đó vẫn đủ nuôi dưỡng một tình yêu lớn lao dành cho âm nhạc của Savatage. Kể cả với những tác phẩm sau này, khi chỉ còn Jon và Paul sáng tác và sản xuất cho TSO, nó vẫn lưu được nét nhạc Rock kịch opera đầy huy hoàng thời Savatage. Cả khi nghe một dàn nhạc hoành tráng của TSO với số thành viên của ban nhạc lên tới vài chục người, tôi vẫn tìm được âm thanh của Savatage trong đó. Bởi vì thứ cốt lõi âm nhạc đã được đúc kết từ bộ ba Jon, Criss, và Paul. Với Jon, Savatage có thể đã chết từ lúc Criss ra đi, nhưng với tôi và những người yêu nhạc Savatage, ban nhạc vẫn sống mãi, chỉ là qua cái tên Savatage hay TSO mà thôi.


R.I.P.

Hẹn gặp lại! Kink

788 views
bottom of page