Sau khi may mắn ký được hợp đồng với Top Dawg Entertainment (TDE), “ma mới” ScHoolboy Q tính toán chuyện rủ 3 “ma cũ” là Kendrick Lamar, Jay Rock và Ab-Soul, đều cùng trong hội nghệ sĩ dưới chung mái nhà TDE để lập nên nhóm Black Hippy. Ý đồ của Q là anh sẽ chỉ cần cố gắng 1/4 sức lực để viết ra một đoạn verse, còn lại những người kia sẽ lần lượt đóng góp phần của mình là cả nhóm có được 1 track hoàn chỉnh. Mang tiếng với cái danh “ScHoolBoy” do hồi nhỏ từng học hành khá khẩm với số điểm trung bình GPA có lúc lên tới 3.3, trong công việc âm nhạc Q lại khá chểnh mảng vào những ngày đầu sự nghiệp. Lý do là vì anh chuyển sang chuyện rap rủng khá muộn, ở tuổi 21. Đã thế khi tham gia TDE, anh vừa là lính mới, và xét về trình độ, 3 vị kia đều tài giỏi hơn Q, nên anh có phần cảm thấy tự ti.
Khi ScHoolboy Q bị các sếp của TDE đưa vào tầm ngắm để cắt hợp đồng vì tác phong làm việc hời hợt, Kendrick đã là người cứu cánh cho Q khi kéo anh vào vị trí hypeman trong các show diễn của mình. Q còn được tham gia các buổi thu âm của Kendrick với ông lớn Dr. Dre, điều giúp cho anh có cơ hội thể hiện mình và ký hợp đồng thu âm với Interscope. Dĩ nhiên, đó cũng là nhờ Q đã được chính Kendrick nắn chỉnh, chỉ bảo và củng cố sự tự tin để anh có được thành công như ngày hôm nay.
Do đó không lạ gì khi lối rap của Q có một số tương đồng với chính Kendrick - cậu em kém 1 tuổi nhưng dày dạn hơn về tuổi nghề. Nói là tương đồng không có nghĩa là Q rap giống với Kendrick, bởi 3 chiêu thức anh học hỏi từ Kendrick đã được Q phát triển và áp dụng theo phong cách của riêng mình, tạo nên một kiểu rap có độ cuốn và phê rất cao.
3 chiêu thức đó là: thay đổi giọng điệu, ngẫu hứng ad-lib, và sáng tác các đoạn bridge.
Giọng điệu của ScHoolboy Q luôn là thứ gây tò mò cho tôi khi nghe nhạc của anh. Ngay khi mới nghe album đầu tay Setbacks (2011), tôi đã bối rối khi không phân định được đâu là giọng thật của anh. Nếu như Kendrick Lamar thường đổi giọng để tạo sự khác biệt giữa các nhân vật trong bài, nhưng vẫn có âm sắc dễ nhận của cùng một người, thì các giọng điệu của Q có sự khác biệt khá nhiều.
Trong verse 2 của bài “LigHt Years AHead (Sky HigH)”, khi Q đang rap bằng giọng bình thường của anh thì tới khuông nhạc thứ 5, sau từ “Aye”, anh bỗng chốc gằn giọng để rap (mà tôi cảm thấy có nét hơi giống với giọng rap của Kanye West) bắt đầu từ “We travel like a comet, supersonic, just watch out for God, accelerate” trở về sau, khiến bài rap tự dưng được thay đổi không khí như thể nhân vật của bài đang ngồi trên chiếc phi thuyền di chuyển vào vũ trụ. Để ý là trước khi đổi giọng, Q còn đang rap ngắt nghỉ nhiều nhưng lúc gằn xuống, anh chọn lối flow bám liền theo nhịp đều đặn như con tàu xuyên vào khoảng không vô tận.
Trong bài “WHat's tHa Word", trên nền nhạc đậm chất G-Funk của West Coast với tiếng đệm đàn piano như mấy bản beat Dr. Dre vẫn produce, giọng của Q rap ngầu và không thả lỏng như trước nữa để phù hợp không khí sặc chất đường phố của nơi Q từng giao du với các băng đảng, đặc biệt trong hội Hoover Crips mà anh tham gia.
Trong bài “Situations” kể về chuyện “hất cùn” và buôn hàng cấm, lối rap chậm của Q có kiểu thả âm nhẹ bẫng cuối câu như cách Snoop Dogg rap vừa lại có giọng điệu lên xuống nghe như 50 Cent. Nhưng khi tới giữa verse 2, khi tăng tốc cho nhịp điệu từ câu “Everybody paper chasin', working on a situation”, Q lại chọn một giọng điệu mới khiến bài rap càng cuốn như điếu cần.
Ở album thứ hai Habits & Contradictions (2012), Q tiếp tục sử dụng các kiểu giọng giúp cho phần flow của anh vốn đã đa dạng rồi, nay còn tăng thêm màu sắc cuốn hút.
Trong bài “There He Go”, Q có kiểu đổi giọng khi đoạn lời đến câu thoại của nhân vật, cả nhân vật nam lẫn nhân vật nữ: “Bitches and the hoes know—they see me, they like, "There he go!" (Oh) They be like, "There he go! Schoolboy, there he go!" (Go)”. Cứ vậy ngay trong cùng verse đó, Q như thể biến đổi hình dáng của những con người khác nhau khi rap liền mạch cả đoạn dài với những âm điệu lên xuống, giọng điệu khác nhau.
Nếu bật nối tiếp hai track có hai phong cách beat khác hẳn nhau, ví dụ như bài “Grooveline Pt. 1” với “Druggys Wit Hoes Again”, không thể nhận ra sự tương đồng của cùng một rapper là nhân vật chính của bài viết này. Với “Grooveline” có tiết tấu chậm rãi, âm thanh mượt mà mời gọi của các nhạc cụ, Q chọn nhịp điệu từ tốn và giọng điệu trầm ấm như tâm sự. Còn trong “Druggys”, trên nền beat nặng âm sắc điện tử từ bass tới synth, Q rap nhanh hơn và chọn giọng điệu ở tầm trung, nhấn nhá âm từ của một dân anh chị mà chính anh từng dính vào việc buôn bán hàng cấm và giao du băng đảng Hoover Crips những ngày trước khi đặt chân vào con đường âm nhạc.
Có thể nói biệt tài của ScHoolboy Q là với kiểu beat nào anh cũng có thể rap được. Khả năng biến ứng kèm theo ngẫu hứng của Q vì vậy là cực cao.
Trước tiên, cách viết rap của anh không bị sa vào lối mòn dễ đoán. Không cần nói tới chuyện Q đổi giọng điệu đã là những yếu tố bất ngờ, trong bài “Los Awesome” ở album Oxymoron (2014), trên nền beat phức tạp, anh bắt đầu verse 1 ở giữa khuông nhạc rất khó nắm bắt, để rồi nhấn các âm vần cuối vào nhịp mạnh đầu tiên của các khuông nhạc liền sau, thế nhưng đến cuối verse anh lại để một cái kết lửng lơ. Hoặc với “The Purge” rap chung với Tyler, The Creator, với kiểu beat khó nắm bắt vì không có kick drum trong nhịp đầu, flow của Q thay đổi liên tục, rồi có khi chen ngang đoạn “Yo, yeah, uh, yeah” làm khựng lại phần rap. Hay ở bài “Groovy Tony / Eddie Kane” ở đĩa Blank Face LP (2016), khi đang rap theo một kiểu nhịp điệu kéo dài rồi nhấn 2 âm cuối để ngân dài một chút ở mỗi câu thì bỗng dưng ở câu “I want the money right”, Q kéo dài giọng chữ “right” qua mấy nhịp, làm trễ hẳn nhịp độ bài rap.
Đó là lý do Q chia sẻ anh sẵn sàng làm mới bài rap của mình với các đoạn rap có số khuông nhạc lẻ để tạo sự hụt hẫng thiếu cân bằng, nhưng đổi lại nó sẽ gây sốc với người nghe.
Chiêu thức ngẫu hứng ad-lib còn qua kiểu Q sẽ thêm thắt các phần vocal thu thêm làm nền phía sau. Âm thanh thêm thắt ad-lib không phải là hiếm với các rapper, nhưng nếu làm chuẩn, nó trở thành phong cách cá tính của mỗi người. DMX có kiểu giả tiếng chó sủa rất ngầu, Pusha T có âm “Yugh”, 50 Cent là “G-G-G-G-G Unit”, Desiigner là âm r kéo dài “Dddddrraaaa”, còn Kendrick Lamar thì có âm “Doo-doo-doo-doo” giả tiếng súng.
Với ScHoolboy Q, anh có một số âm ad-lib, trong đó đặc trưng nhất là “Yawk! Yawk!” mà Q dùng trong bài “Oxy Music” của album Habits & Contradictions, rồi nhiều hơn trong bài “Gangsta” và “The Purge”, cũng như ở các track mà Q hợp tác với Childish Gambino (bài “Unnecessary”) và đặc biệt trong “m.A.A.d city” của Kendrick Lamar, khi câu “Yawk! Yawk! Yawk! Yawk!” ở đầu bài vang lên đập thẳng vào mặt. Tương tự như Kendrick, âm “Yawk” của Q cũng là để giả âm thanh của tiếng súng nổ trên những khu phố nơi anh sinh sống.
Không chỉ dừng ở đó, Q có nhiều kiểu ad-lib khác nhau cực ấn tượng. Ví dụ như “rat-a-tat-tat-tat” trong bài “Kamikaze”, những âm “Uh” và “Aye” trong “LigHt Years Ahead” nhìn thì đơn giản nhưng phát ra từ mồm Q thì nó lại hay ho lạ thường. Hoặc ví dụ như âm “r” kéo dài trong “There He Go”. Cách mà Q lặp lại âm cuối của một câu như tiếng vọng thường là cách anh tạo không gian cho nhạc của mình. Thế nên đôi lúc nó sẽ đi xa hơn qua lối kéo dài âm lên cao dần như đoạn “like, like, like, like, like”, rồi “night, night” và “life, life, life” ở bài “Sacrilegious”, nghe rất sướng, giống như cách Kanye West mix nhạc của anh ở bài “Flashing Lights”.
Tên thật của ScHoolboy Q là Quincy Matthew Hanley. Chữ “Q” trong nghệ danh của anh là chữ cái đầu của tên anh và “ScHoolboy” thì mang hàm ý “trò giỏi” bởi anh từng có thành tích học hành tốt ngày còn ngồi ghế nhà trường như đã đề cập ở đầu bài. Nhưng các bạn có để ý chữ cái “H” trong nghệ danh, cũng như ở tracklist của album đầu tiên – Setbacks không? Đó là vì chữ “H” tượng trưng cho: “Hiiipower” (một quyền năng về lý tưởng sống coi trọng cái tâm, danh dự và sự kính trọng mà Kendrick Lamar khởi xướng); “Hippy” (liên quan tới nhóm Black Hippy); “Hoover” (khu phố nơi anh lớn lên); và “Heaven & Hell” – tựu chung lại thành những yếu tố làm nên cuộc đời của Q.
Anh còn tự gọi mình là “groovy Q” vì khác với các rapper theo phong cách Gangsta Rap / Coke Rap, nội dung và âm nhạc mà Q hướng tới rất đa dạng phong phú, dù đôi lúc có thể làm cho những album của anh thiếu tính đồng nhất, nhưng chúng vẫn có chung một nét tương đồng. Đó là lối flow dập dình theo điệu nhạc, dù beat chậm rãi, sâu lắng, mơ màng hay hừng hực, dồn dập.
Q không dừng ở sự sáng tạo nhiều kiểu flow, anh còn tạo những cấu trúc bài rap khác biệt, không chỉ theo trình tự verse-hook-verse-hook thường thấy trong các bài rap nói chung và trong album đầu tay nói riêng của Q. Từ đĩa thứ hai, Habits & Contradictions, đã xuất hiện những cấu trúc bài rap mới mẻ. Trong “My Hatin Joint”, Q không đưa câu hook lặp và bắt tai vào, mà viết những đoạn lời nối khác nhau giữa các phần verse. Trong “Raymond 1969”, để kết bài, sau phần hook lần thứ ba, Q bỗng rap:
“Make money (Money), make money-money-money (money)
Take money (Money), take money-money-money (Money)
Make money (Money), steal money-money-money
Kill money (Money), my money-money-money”
Đây là một câu bridge của một bài rap, chiêu thức thứ ba mà Q đã phát triển rất thuần thục mà tôi muốn nói tới ở bài viết này.
Nếu như trong các bài hát có giai điệu ở các thể loại nhạc khác, đoạn bridge là khúc chuyển đổi về nhịp điệu, giai điệu, hoặc tông giọng để thay đổi không khí bài hát, thì trong nhạc Hip Hop, đoạn bridge thường cần phải đơn giản, có sự lặp và dễ nhớ. Đó là về mặt định nghĩa, nhưng khi phát triển, sự lặp như câu bridge trên của “Raymond 1969” không cần thiết phải áp dụng trong các bài khác, mà yếu tố ấn tượng lại là tiêu chí Q thường nhắm tới.
Đây này, ngay track sau đó, “Sexting”, không những Q viết ra một bài rap có thêm cả những đoạn pre-chorus ít thấy, anh vẫn sáng tác một đoạn bridge như sau:
“Says she never been with a star and I can tell she never met a G
Now get your pretty ass in the car and please don't get ya pussy on my seats
Says she never been with a star and I can tell she never met a G
Bitch, do you know who I are? Ain't a new n**** fucking with me”
Trong một bài có nội dung cũng không cần đòi hỏi gì ý nghĩa sâu xa về chuyện gái gú, Q vẫn nặn ra các đoạn lời như này để tăng sự thú vị.
Và cứ vậy, trong những track như “The Purge”, “Hell Of A Night”, “Grooveline Pt. 2” trong album Oxymoron, Q tiếp tục phát huy những câu bridge cho những chủ đề khác nhau. Tới album Blank Face LP, dù rằng anh gây bất ngờ với việc gần như không sáng tác câu bridge, đổi lại Q lại có những đoạn pre-chorus trong “TorcH”, “Dope Dealer”; post-chorus trong “THat Part”, “Ride Out”, “WHateva U Want”, “By Any Means”, v.v.
Thế mới thấy, quá khó để tưởng tượng ScHoolboy Q từng là kẻ hời hợt với công việc, chỉ cố nhanh chóng viết cho xong một đoạn verse để góp cho nhóm Black Hippy, nhưng nay lại trở thành một nghệ sĩ Hip Hop thực thụ, dành nhiều công sức sáng tạo cho các nhạc phẩm của mình một cách nghiêm túc. Chính thế mà nhạc của ScHoolboy Q quả thực nghe rất phê, dù rằng sự thử nghiệm theo hướng mới ở album CrasH Talk (2019) gần đây lại không phải là gu của tôi.
Để xem album tiếp theo, Blue Lips (2024) dự kiến phát hành vào đầu tháng 3 này Q sẽ mang thêm chiêu thức gì mới nữa không.
Hẹn gặp lại!
Kunt