top of page

Sex Pistols: này thì Punk Anh Quốc

Bạn có phải là fan của Punk Rock? Tôi thì không. Nhưng tôi vẫn luôn cần và tìm đến Punk trong cuộc sống hàng ngày vì thứ nhạc nhanh và thô ráp với phần lời vần vò và đầy thách thức. Tất nhiên khi nghe Punk được một lúc thì tôi sẽ tự khắc chuyển sang một thứ nhạc phức tạp hơn, nhưng rồi đấy, Punk Rock vẫn hiện diện trong playlist của tôi mỗi ngày. Tôi chắc bạn cũng vậy.

Steve Jones-Sid Vicious-Johnny Rotten-Paul Cook


Tenacious D đã từng hát “Punk Rock tried to kill the metal/ But they failed, as they were smite to the ground…” cùng với rất nhiều thứ nhạc khác như New Wave. Dĩ nhiên Metal vẫn luôn là siêu cấp vô địch (hè hè), nhưng rõ ràng đã có những sự ưu ái không hề nhỏ của khán giả dành cho Heavy Metal (và cả Glam Rock), những thứ âm nhạc mang đến cảm giác vui vẻ và thật đã. Vậy thật thú vị khi nhận ra Punk Rock (và sau này là Grunge hay Emo Rock) được đón nhận như là những kẻ phản diện hiếm hoi trong thế giới âm nhạc, những kẻ đe dọa phần còn lại.


Punk Rock không chỉ là âm nhạc, nó còn đại diện cho một thái độ và một lối sống. Và giống như những mô típ trong các bộ phim anh hùng, kẻ phản diện của âm nhạc này sẽ không thể tự sinh ra. Đó là kết quả và là sự phản ánh của thế giới xung quanh nó, dĩ nhiên là ở mặt tiêu cực.


Ít nhất thì lịch sử âm nhạc thế giới đã được nếm thử sức lan tỏa của thứ âm nhạc Punk Rock đến từ nước Anh vào giữa thập niên 70s, với sức công phá không thể tưởng tượng của ban nhạc chỉ có duy nhất một album: Sex Pistols.


Năm 1976, suýt chút nữa thì lịch sử âm nhạc thế giới đã bị xóa sạch và viết lại từ đầu bởi Punk Rock. Ở New York, The Ramones ra album đầu tay. Còn ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Sex Pistols cũng ra album đi vào lịch sử âm nhạc mang cái tên quái đản: Nevermind The Bollocks (“ngán gì mấy thằng đầu b*ồi” – EmoodziK).


Lịch sử âm nhạc, có lẽ luôn luôn song hành cùng với lịch sử phát triển của nhân loại, vì nó là một phần của văn hóa. Nhưng không giống như những lần âm nhạc được ghi lại trọn vẹn như ở thời Phục Hưng hay thời cận đại, không có một nhà ghi sử nào tóm lược được đầy đủ sự hình thành và trỗi dậy của Punk Rock, để rồi những thế hệ nghe nhạc sau này vẫn cứ phải tranh cãi nhau. Phải chăng ở thời hiện đại này, chính kiến và những rạch ròi đúng sai mới là những thứ quan trọng hơn lịch sử?


Đầu thập niên 70s, nhạc Rock nặng tưởng như đã bước vào thời kỳ hoàng kim với những Led Zeppelin, The Who, Deep Purple hay Black Sabbath đặt nền móng vững chắc cho thứ âm nhạc đầy sức nặng, và rồi cả những Pink Floyd hay Hawkwind đem đến thứ âm nhạc Psychedelic và New Wave ảo diệu. Trình độ thượng thừa của các tay chơi nhạc, sự phát triển của các hãng ghi âm lẫn sự phóng khoáng trong việc sử dụng chất kích thích đã biến âm nhạc thành vùng đất không có giới hạn, và đâu đó những nền móng của progressive music, thứ âm nhạc được cho là tinh hoa nhất của thời hiện đại đã bắt đầu manh nha.


Nhưng lịch sử âm nhạc đã không thể tính đến một yếu tố khác: khủng hoảng kinh tế.


Năm 1973, nước Anh bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng dầu mỏ bởi cuộc chiến tranh thảm khốc Yom Kippur ở kênh đào Suez giữa Ả Rập và Israel, khiến cho giá năng lượng tăng vọt không thể kiểm soát. Nước Anh nhanh chóng rơi vào khủng hoảng kinh tế vì khủng hoảng năng lượng. Số người thất nghiệp không thể kiểm soát và rất nhiều nơi ở nước Anh đã không thể có điện để thắp sáng. Những con phố London ngập ngụa trong rác, người chết không được đem đi chôn, và thậm chí trẻ con ốm cũng không được chăm sóc vì tất cả những người ở tầng lớp lao động, từ công nhân vệ sinh tới y tá đều đình công.


Dù không muốn, nhưng các phòng thu ở London đều phải làm việc trong tình trạng ngặt nghèo: điện có thể mất bất cứ lúc nào, và không ai muốn thu âm những thứ dài dòng nữa. Các band đều cố gắng chơi thật nhanh và đơn giản để nhanh chóng ra được sản phẩm (và cũng đề phòng có thể bị mất điện giữa chừng). Các phòng thu cũng khoái những bài hát 3 phút hơn. Progressive Rock đã suýt bị Punk Rock giết chết ngay từ trong trứng nước như vậy, chứ đừng vội nói tới sự xuất hiện của Metal.


Không khó để nhận ra Punk ở Anh thì liên hệ chặt chẽ nhiều đến chính trị, và hoàn toàn không có mấy liên quan gì với phong trào Punk ở New York, dù cả hai đều xuất hiện gần như đồng thời và đều là thứ âm nhạc bất cần và hình ảnh đập vào mặt. Có lẽ thường tại vì mọi người ở Anh thì khoái bàn tán chuyện chính trị hơn – tránh sao được khi tình hình kinh tế ở Anh năm 1973 đến 1976 sa sút thảm hại.


Giữa khung cảnh bi đát thảm hại đó, Sex Pistols được tạo ra từ band The Strand gồm hai ông bạn Steve Jones (hát) và Paul Cook (trống) cùng tay guitar Wally Nightingale, khi cố gắng tập tành chơi theo cách mà The Stooges chơi đầy ăn khách thời đó: nhanh, đơn giản, hiệu quả, đập vào mặt. Với cái tên The Cutie Jones & His Sex Pistol, họ mời Malcolm McLaren, cựu quản lý của nhóm Punk tiên phong của Mỹ The New York Dolls, giúp họ phát triển ban nhạc. Việc đầu tiên McLaren làm là cho Nightingdale nghỉ, kéo Glen Matlock vào chơi bass, và ép Steve Jones tập chơi guitar để không cho anh này hát nữa. Với kinh nghiệm quản lý cho The Dolls và thời gian làm quen với nhạc Punk từ New York, McLaren thừa hiểu để đứng front cho một Punk band, cần một kẻ điên loạn đúng chất. Bởi với Punk Rock, âm nhạc là chưa đủ, hình ảnh và lối sống mới là thứ ăn tiền.


John Lydon vốn được sinh ra có vấn đề về tâm lý, chưa kể còn bị chứng khó học và khó đọc. Nếu như sinh ra ở châu Á, sẽ có ngay một từ để gọi gã: thằng đần. Tất nhiên vì đây là đất nước phát triên, sự “nhút nhát” và “thiếu tự tin” sẽ được người ta giải thích bằng việc gã đến từ tầng lớp thấp, và vì gia đình gã là những người nhập cư người Ireland. Còn nếu lớn lên ở chỗ khác, John Lydon đơn giản là bị thần kinh đến mức gã không biết mình bị thần kinh. Nhỏ lớn suốt ngày bị bọn xung quanh gọi là “dummy” đầu đất, hiển nhiên trong đầu gã lúc nào cũng sục sôi với sự giận giữ và tủi hờn.


Vốn hay lui tới shop thời trang SEX của McLaren để tìm đồ cool ngầu, John Lydon được McLaren để ý vì phong cách ăn mặc bất cần, lý lịch buôn Mai Thúy cho nhóm Hawkwind, và cái khí chất toát ra sự ngu ngốc. Đơn giản là McLaren ghét John Lydon mà không hiểu tại sao, và hình như ai cũng ghét gã như thế. Quá chuẩn để McLaren gọi John Lydon vào thử giọng và trở thành ca sĩ cho Sex Pistols. Steve Jones đặt ngay cho gã biệt danh Johnny “Thúi Hoắc” Rotten, bởi hàm răng không cần hỏi cũng biết là không quen dùng bàn chải.


Sex Pistol được giới thiệu với thế giới như là 4 kẻ đại diện cho tầng lớp mưu sinh và bị chối bỏ. John Lydon thì rõ rồi, còn Paul Cook và Steve Jones thì mang theo lý lịch bỏ học sớm với một tinh thần lảng tránh lao động rất đáng khen ngợi. Glen Matlock thì không đủ "lầy" như ba gã còn lại, thế nên sau này, dù góp công sáng tác rất nhiều bài cho Sex Pistols, gã vẫn bị đuổi không thương tiếc ngay trước khi thu album Nevermind The Bollocks.


Sex Pistols nhanh chóng trình làng hai bài tự sáng tác đầu tiên: “Scarface” và “Did You No Wrong” thực ra là một bài: cùng riff, cùng chất, cùng nhịp độ, nhưng lời khác nhau. Steve Jones, người mới tập guitar có vài tháng, thực ra chỉ cần cắm cây Les Paul của mình thẳng vào amply Fender Twin với gain hết cỡ để tạo ra âm thanh guitar của Pistols. Giọng hát của John Lydon, dù chẳng giống hát tẹo nào, vẫn là một sự nâng cấp so với kiểu hát khàn khàn của Steve Jones trước đó. Dĩ nhiên khỏi phải nói là phong cách trình diễn và thái độ lếu láo trên sân khấu của Johnny Rotten mới là thứ gây ép phê nhất. Joe Strummer của The Clash chính là một trong những người xem Sex Pistols trình diễn từ những ngày đầu, và nhận ra Punk Rock chính là thứ thời thượng.


Dưới sự dẫn dắt của McLaren, Sex Pistols có cách xây dựng hình ảnh không giống các band nhạc thông thường. Sex Pistols không chơi ở pub, bởi vì pub thì ồn và chả ai chú ý đến band chưa kể đám đến pub thì thường cũng có chút thu nhập. Họ phải là trung tâm của sự chú ý. Chưa kể, Sex Pistols còn có cách thể hiện mà trước giờ ít ai trong giới nghệ sĩ dám nghĩ tới: họ láo lếu và du côn – vâng, lần đầu tiên xin được dung từ “du côn” trong một blog âm nhạc – trên sân khấu một cách công khai. Khán giả chưởi thì họ sẽ chưởi lại, nhổ bọt thì họ sẽ nhổ lại, gây gổ thì họ đấm lại. Họ không quan tâm đến việc chứng tỏ tài năng của mình, nhưng họ muốn đưa ra những tuyên ngôn bằng âm nhạc của họ. Đó không dừng lại ở sự phản kháng nữa, mà là những lời thách thức. Đặt trong bối cảnh của sự thất vọng và nghèo khó ở London lúc đó mới thấy, thứ âm nhạc của Sex Pistols nhanh chóng tạo được sự theo dõi rộng khắp từ người ở tầng lớp lao động. Mà ở nước Anh thời đó, có mấy ai là không chìm trong sự cùng cực và cảm thấy căm hận chính phủ lẫn nền kinh tế của họ?


Nếu như Steve Jones, Paul Cook và Glen Matlock vẫn là những người thiên về chất nghệ hơn, thì phần “du côn” mà Sex Pistols muốn mang tới xem ra vẫn còn hơi yếu thế chỉ với một John Lydon. “Ngu tầm ngu”, chi bằng tìm thêm chiến hữu của Johnny “Thúi Hoắc” để tăng phần ngổ ngáo?


Hóa ra ở căn nhà địa chỉ bán Mai Thúy và là nơi lui tới để chịch choạc kia có đến hai ông John. Simon John Ritchie là bạn cùng phòng của John Lydon và là một trong những kẻ hằn học nhất. Cái tên Sid “Sa đọa” Vicious cũng là do John Lydon đặt cho gã. Sinh ra trong một gia đình kỳ cục, John “Sid” này được mẹ gã giới thiệu cho món kim tiêm từ khi còn là thiếu niên. Tôi không rõ trong hai ông Sa Đọa và Thúi Hoắc, ai ngu hơn, nhưng chắc chắn ông Sa Đọa sống “ảo” hơn nhiều, tất nhiên từ rất lâu trước khi loài người nghĩ ra khái niệm “sống ảo”.


Sid luôn muốn gây chú ý bằng sự hằn học của mình. Gã quyết tâm phải được chú ý. Thế nên ba cái việc ăn vận đồ cool ngầu và chụp hình tự sướng mắt lé dẩu môi là nghề của chàng, dĩ nhiên từ rất lâu trước khi loài người có khái niệm “tự sướng”. Sid luôn biết rằng, hình ảnh đầy giận dữ và tội ác của gã sẽ có thể khiến gã nổi tiếng rất nhanh, và nấc thang tiếp theo của sự nổi tiếng, đó là ở trong một ban nhạc. Tôi đoán trong đầu Sid lúc đó chưa có khái niệm “Punk” đâu, nhưng ông bầu của Sex Pistols, McLaren thì hẳn là có.


Tháng 9 năm 1976, Sid hãy còn tham gia band Siouxsie And The Banshees dưới vai trò … tay trống, để dự festival của các Punk band ở câu lạc bộ 100 Club tại London. Một tuần sau đó, trong show của một punk band khác, The Damned, Sid gây sự và ném vỡ một cái ly làm một khán giả nữ bị mù một mắt. Sid bị đánh hội đồng tơi tả và bị bắt vào tù. Sid thuyết phục mẹ đến thăm, và bà già gã mang đến một bản cuốn Helter Skelter, đề cương lý luận của “Gia Đình Manson” do lãnh tụ Charles Manson lừng danh chắp bút. Sid luyện cuốn này trong tù và không hiểu nó có giúp gì cho tinh thần của gã không, sau khi ra, Sid “Sa đọa” được mời làm tay bass cho Sex Pistols đầu năm 1977.


Trong một diễn biến khác, thì ngay trong lúc này đây, Sex Pistols đã kiếm được hợp đồng ghi đĩa với hãng EMI để thu album đầu tay của họ. Tay bass Glen Matlock đã bị sa thải vì không phù hợp với hình ảnh mà ban nhạc hướng tới, và toàn bộ phần bass trong Nevermind The Bollocks đều được chơi bởi Steve Jones.


Lúc này có thể nói trình độ chơi nhạc của bộ đôi Jones-Cook đã thăng tiến rất nhiều so với thời chơi một câu riff cho hai bài. Các câu riff trong những track như “Holiday in the Suns”, “Anarchy in the UK”, hay “Bodies” đều thực sự rất biến chuyển, dày dặn, và được bồi đắp bởi nhiều tầng lớp guitar và trống hơn nhiều người tưởng tượng. Tôi không đồng ý với nhiều người cho rằng mọi người mua Nevermind The Bollocks không chỉ vì âm nhạc, mà còn vì sự thách thức mà nó mang lại. Đối với tôi, phần nhạc với thật nhiều câu riff và phần guitar dày có lẽ là thứ khiến Sex Pistols khác biệt hẳn với những Punk band khác, và là thứ khiến cho album duy nhất của họ luôn luôn đọng lại trong tất cả những cuộc bình chọn các album nhạc Rock hay nhất. Chưa kể, số đứa trẻ cầm lấy cây đàn để chơi theo Sex Pistols hẳn không thua gì sức ảnh hưởng từ những anh hùng guitar khác, dù rằng họ không có một anh hùng guitar đúng nghĩa. Quan trọng hơn hết, âm nhạc của Sex Pistols khiến cho lũ trẻ cảm thấy ai cũng có thể chơi nhạc, và chỉ cần nghêu ngao dăm câu hát bất cần là có thể làm ra Punk Rock. Dĩ nhiên con đường không phải là như vậy, nhưng rõ ràng với nhiều người chơi nhạc hơn, khả năng sản sinh ra các tài năng sẽ nhiều hơn.


Sau thành công tạm được của single đầu tiên “Anarchy in the U.K”, EMI sợ hãi và đá Sex Pistols luôn. Họ tiếp tục công việc ghi âm với hãng A&M, nhưng sau khi single thứ hai “God Save The Queen” nổ ra như một trái bom, Sex Pistols cũng bị A&M đá nốt. Ngược lại với sự quay lưng của các hãng đĩa, “God Save The Queen” leo một lèo lên vị trí số… 2 và nghe đâu không thể lên đỉnh vì bị mấy tay làm bảng xếp hạng đẩy xuống và cho “I Don’t Want To Talk About It” của Rod Stewart lên trên. Never Mind cuối cùng cũng được hãng đĩa Virgin của tỷ phú Richard Branson đón nhận và phát hành.


Sex Pistols cũng có thử cho Sid “Sa Đọa” thu phần bass cho họ, nhưng rõ ràng điều này vượt quá khả năng của chuyên gia “tạo dáng”. Việc của anh giờ là biểu diễn và cùng với Johny “Thúi Hoắc” duy trì hình ảnh “nguy hiểm” của ban nhạc. Cũng theo tính toán này, Sex Pistols giờ đây đã cực kỳ cân bằng với cặp ngổ ngáo Johnny-Sid nay đã có thể cân với cặp nghiêm túc Steve-Paul. Thành công đã đến ngoài sức mong đợi khi Sid Vicious, với khả năng hủy hoại bản thân và độ “lầy” hiếm có, đã dần vượt qua cả Johnny Rotten để trở thành hình ảnh “nguy hiểm” đầu tầu cho ban nhạc.


Bị cấm chơi live ở Anh, tháng 7/1977 Sex Pistols đánh chiếm Thụy Điển. Sau Thụy Điển, McLaren phác ra một kế hoạch tham vọng hơn để Sex Pistols bắt đầu tour diễn vòng quanh nước Mỹ và quan trọng hơn, chinh phục bờ Tây nước Mỹ nơi nhạc Punk từ New York chưa thể bén mảng tới.


Nhưng đây cũng là lần cuối cùng McLaren có thể dùng những ý tưởng siêu việt của mình để lèo lái con thuyền Punk Rock. Johnny Rotten bị cúm trên đường đi vì không quen cái lạnh khắc nghiệt của nước Mỹ, Sid Vicious thì ngập ngụa trong nghiện ngập. Với Johnny, mong muốn được chơi nhạc bên cạnh ông bạn thân giờ đã tan biến vì sự sa đọa không có điểm dừng của Sid, chưa kể những trò điên của gã và Sid xem ra chỉ là công cụ tạo scandal và kiếm tiền cho “sếp” McLaren. Cặp Jones-Cook thì dĩ nhiên là chưa bao giờ ưa gã rồi. Chỉ còn cách cuối cùng.


Winterland Ballroom, điểm biểu diễn cuối cùng trong tour diễn nước Mỹ. Sex Pistols chơi lại “No Fun” của The Stooges, và tất cả khán giả hẳn còn nhớ giây phút Johnny “Thúi Hoắc” cúi xuống và chua chát: “Ever get the feeling you’ve been cheated?” - không hiểu là dành cho khán giả hay cho chính gã.


Johnny Rotten đã rời band như vậy, và bị bỏ lại ngay Winterland khi xe bus của cả ban nhạc rời đi, không một xu dính túi. Gã đã phải gọi điện cho Richard Branson để xin tiền bay lại về Anh.


Đốm sáng mang tên Sex Pistols đã lóe lên và vụt tắt như vậy trong 18 tháng. Hơn 1 năm sau, Sid Vicious giết chết bạn gái Nancy của mình và tự chết không lâu sau đó vì chơi thuốc quá liều.


Malcom McLaren, người luôn tự nhận mọi thành công của Sex Pistols nhờ tài thao lược của mình, thực ra cũng là kẻ luôn tìm cách tận thu từ những scandal của Sex Pistols và kích động họ làm những trò càn quấy trong suốt sự nghiệp ngắn ngủi. Sau khi Sid Vicious chết, nghe đâu gã còn làm ra búp bê hình Sid nằm trong quan tài để bán.


Nhưng Punk là vậy, hơn cả một tính cách, nó là một thái độ và một lối sống. Điểm hay ho của Punk, có lẽ là sự trắng đen rất rõ ràng - dĩ nhiên thời nay cho phép người ta thể hiện quan điểm bằng nhiều thứ khác, kể cả lố bịch – nhưng cách của Punk thì vẫn luôn ở đó.


Tôi không tin là Sex Pistols đã thay đổi được điều gì về mặt chính trị, hay xây dựng được một niềm tin sắt đá cho những khán giả theo dõi họ, và nói rộng ra, Punk Rock đầy sự thách thức của nó vẫn chỉ là những ca khúc được viêt bằng trí tưởng tượng của một vài con người đi ra từ chỗ không có gì.


Nhưng Nevermind The Bollocks đã xuất hiện ở đúng thời điểm khi mọi người cần phải lèm bèm cho sướng miệng, để rồi sau đó lại tiếp tục với những gì dang dở. Về khía cạnh âm nhạc, nó truyền cảm hứng cho những người “chưa có gì” có thể dám nghĩ đến những điều to tát, hoặc chí ít là phản biện lại những gì xung quanh họ.


Sau 1976, nước Anh đã không bao giờ để nền kinh tế của họ tồi tệ như thời 1974 nữa (cho đến khi nào thì họ chưa nói).


Những gì tinh túy nhất của Punk Rock sẽ vẫn luôn ở đó trong tất cả các thời kỳ: từ N.W.O.B.H hay Thrash Metal mạnh mẽ, cho đến Grunge hay Emo Rock sâu sắc, và cả người anh em dễ thương Punk Pop nữa.


Hẹn gặp lại!


Kcid

2,437 views

Recent Posts

See All
bottom of page