top of page

Slick Rick: Bậc thầy kể chuyện

Once upon a time not long ago…

Ngày xửa ngày cũng không xưa cho lắm, cụ thể là vào năm 1976, cậu bé Richard Walters, lúc đấy 11 tuổi, cùng gia đình nhập cư vào nước Mỹ. Đang từ một nơi mang tên Mitcham, nước Anh, Walters nay bỡ ngỡ trước khu phố Bronx ở một vùng đất xa lạ. Bị hỏng con mắt bên phải từ lúc mới sơ sinh do một mảnh kính vỡ, con mắt còn lại của cậu vẫn đủ sáng để chứng kiến một dòng chảy mang tên “Hip Hop” mới được hình thành trong những năm đầu đời. Sớm hay muộn cậu bé Walters cũng chịu ảnh hưởng và từ lúc nào đó được tôi luyện ngay chính tại quê hương của dòng nhạc này. Nhưng con mắt đó cũng chứng kiến những tệ nạn và suy đồi của xã hội ngay tại khu phố cậu sinh sống. Bất động sản chạm đáy tới mức các chủ cửa hàng trên phố làm liều bằng cách thuê bọn thanh niên châm mồi lửa đốt nhà của chính họ chỉ để kiếm tiền bảo hiểm và khăn gói quả mướp chuyển đi nơi khác ở. Trong khoảng giữa những năm 1973 và 1977, kể từ đúng cái năm nhạc Hip Hop được sinh ra, đã có tới 30.000 vụ cháy như vậy, khiến cho các con phố càng trở nên loạn lạc. Cướp bóc và tội phạm tăng cao đỉnh điểm.


Những hình ảnh khu phố Bronx đó đã khắc lên tâm trí của cậu bé Walters để đến năm 1989, khi cậu nay đã trở thành một rapper mang danh Slick Rick, câu chuyện ngày đó không thể không kể cho nước Mỹ và thế giới, như một lời cảnh tỉnh cho đám thanh thiếu niên tại New York về những hiểm họa ẩn sâu đằng sau những việc kiếm ăn sai trái của chúng qua bài rap “Children’s Story”.

There lived a little boy who was misled / By another little boy and this is what he said / “Me and you, tonight we're gonna make some cash / Robbin' old folks and makin' the dash" / They did the job, money came with ease / But one couldn't stop, it's like he had a disease / He robbed another and another and a sister and a brother”

Rick bắt đầu câu chuyện về một cậu bé lạc lối vào con đường tội lỗi. Khi quen dần với việc cướp tiền và như Rick tả, nó trở thành một căn bệnh ăn sâu vào máu khiến cậu không thể dứt được và sẵn sàng đánh mất lương tâm mà làm điều đó cả với những người anh em cùng sắc tộc.

Một câu chuyện hay là khi nội dung của nó tạo ra cho người đọc / người nghe những trải nghiệm hấp dẫn và lôi cuốn. Đó là lý do mà Slick Rick bắt đầu đặt nhân vật của bài rap vào một tình huống khác ngày thường, khi mà câu chuyện rẽ sang một hướng mới. Nạn nhân mà cậu bé nhắm tới để cướp ngày đó là một tay cảnh sát ngầm.

Tried to rob a man who was a D.T. undercover / The cop grabbed his arm, he started acting erratic / He said, "Keep still, boy, no need for static" / Punched him in his belly and he gave him a slap / But little did he know the little boy was strapped


Và để tăng trải nghiệm chân thực hơn cho người nghe, Rick tả các hành động cụ thể nhân vật cảnh sát nhằm khống chế cậu bé, cùng với phần lời thoại như thể đặt chính người nghe vào vị trí của cậu bé đang bàng hoàng và chưa biết phản ứng sao thì...

Trong phần nội dung, nếu chỉ miêu tả, dù mang tính chất tượng hình mạnh mẽ đến đâu thì nó chỉ mang tính chất một chiều và thiếu sự tương tác của nhân vật. Cái giỏi trong cách kể chuyện của Rick không phải chỉ vẽ những khung cảnh sinh động, một kỹ thuật sáng tác lời vẫn còn chưa phổ biến trong nhạc Hip Hop ngày đó, mà anh còn đưa nó tiếp lên một tầm mới là bám theo đúng nguyên tắc viết truyện: “Nhân vật làm nên câu chuyện; chứ câu chuyện không làm nên nhân vật”. Điều đó có nghĩa là chuỗi sự kiện diễn biến trong câu chuyện cần được xảy ra thông qua suy nghĩ, cảm xúc và hành động của nhân vật. Cả khi những tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát của nhân vật đó thì cách phản ứng lại của nhân vật đó mới khiến câu chuyện đủ hấp dẫn. Bởi tất cả các yếu tố này sẽ gợi ý cho người đọc / người nghe về con người của nhân vật.

Quay lại với “Children’s Story”, khi nhân vật chính của chúng ta là cậu bé đang bị viên cảnh sát giữ khống chế và thậm chí dùng đến bạo lực như thụi vào bụng và tát vào mặt thì theo bạn hành động nào của cậu bé sẽ vừa phù hợp với những ý mà Slick Rick đã giới thiệu về cậu ở vài câu rap trước đó? Quả nhiên Rick đã khéo đưa đẩy tình huống lên cao trào bằng một hành động rút khẩu súng ra của cậu bé, chĩa thẳng về phía tên cảnh sát, hay nói theo ngôn ngữ tượng hình chân thực hơn của Rick, “nòng súng chĩa thẳng tới thận tên cớm”:

The kid pulled out a gun, he said, "Why'd you hit me?" / The barrel was set straight for the cop's kidney / The cop got scared, the kid, he starts to figure / "I'll do years if I pull this trigger"

Câu hỏi “Tại sao ông lại đánh tôi?” của cậu bé giải thích cho nguyên nhân dẫn đến hành động liều lĩnh dại dột và suy nghĩ “Mình sẽ tù mọt gong nếu bóp cò” để nhắc người nghe nhận ra rằng cậu đang phải đối mặt với quyết định ảnh hưởng tới định mệnh cuộc đời.

Rồi cứ như vậy, Slick Rick dẫn dắt người nghe theo sát bước chân của cậu bé nhân vật chính khi cậu phải liên tục phản ứng trước loạt những tình huống xảy ra và cuối cùng đối mặt với một kết cục bi thảm, nhưng tất cả cũng chung quy xuất phát từ hành động ban đầu của cậu bé. Đó không phải là hành động rút khẩu súng để chống đối lại một bên thi hành luật pháp, mà là hành động cướp bóc trấn lột người vô tội mà cậu đã sa chân vào bấy lâu nay. Có lẽ như để đưa những lời khuyên nhằm cảnh tỉnh những thanh thiếu niên sống cuộc sống phi pháp tại khu phố Bronx mà cậu bé Richard Walters ngày nào còn chứng kiến, Slick Rick muốn đưa thông điệp phạm pháp chưa bao giờ là quyết định đúng đắn cho tương lai của những người con da màu sống tại nước Mỹ.

Mỉa mai thay, đó lại trở thành phần nào câu chuyện của chính cuộc đời Slick Rick.

Once upon a time not long ago…

Ngày xửa ngày đỡ xưa hơn, chính xác là ngày 3 tháng 7 năm 1990, sau khi nhận được cuộc gọi từ một người bạn rằng gã anh em họ Mark Plummer đang lởn vởn ở gần nơi anh ở, Slick Rick nhảy ngay lên xe ô tô lái thẳng ra chỗ tên này. Plummer trước đó được Rick thuê về để làm vệ sĩ cho anh ở thời điểm sự nghiệp của anh đang trên đà thăng tiến sau thành công của album đầu tay The Great Adventures Of Slick Rick (1988). Có điều Plummer mang đúng chất của một tên lưu manh. Thay vì bảo vệ Rick thì hắn ăn trộm và bòn rút các khoản tiền của anh. Ngay sau khi bị Rick sa thải, “gã vệ sĩ” đã cùng đồng bọn quay lại đột nhập vào nhà Rick để cướp tiền và dí súng đe dọa tính mạng cả anh lẫn bà mẹ. Tới lúc này, Rick nhận ra rằng đã đến lúc anh phải dùng bạo lực để đáp trả bạo lực mà vô tình quên mất câu chuyện chính anh đã từng kể trong bài “Children’s Story”.

Với hai khẩu lục tự động và một khẩu shotgun đã nạp đầy đạn, Slick Rick đi tới gần Plummer, nã trước một viên bay trượt người hắn và làm bị thương một thường dân đi bên đường. Viên thứ hai của Rick xuyên qua giày cắm thẳng vào chân Plummer. Rick sau đó nhảy lên ô tô phóng vội trước khi đám xe cảnh sát hú còi chạy tới hiện trường. Cuộc rượt đuổi khiến Rick mất lái đâm thẳng vào cây nhưng thoát chết. Anh bị tòa kết án từ 3 đến 10 năm tù vì tội cố ý giết người và tấn công sử dụng vũ khí. Slick Rick được thả sau 5 năm ngồi tù, còn Mark Plummer đã bị bắn chết trong một lần đột nhập nhà và xâm hại người vô tội trong một vụ án khác.


Nào có ai ngờ một ngày Slick Rick gần như tiêu tan sự nghiệp vì án tù đấy. Anh đã cố phát hành hai album, The Ruler’s Back (1991) và Behind Bars (1994), có phần vội vàng để vừa giữ được tên tuổi trên thị trường và vừa có được thu nhập trong thời gian đánh mất sự tự do. Có thể nói Rick đánh mất đi quãng thời gian quý báu và giá trị nhất, không chỉ của cuộc đời anh mà còn cả sự nghiệp. Trong khi thập niên 90 dòng nhạc Hip Hop tiếp tục phát triển vô cùng mạnh mẽ thì Rick ngồi sau song sắt nhìn cuộc đời trôi qua vô định và sự nghiệp của một huyền thoại dần rơi vào lãng quên.

Chính Slick Rick là người đã khơi nguồn cho kỹ thuật dựng những khung hình theo một tuyến truyện qua lời kể bằng Rap. Đây là kỹ thuật mà Rick đã khai sáng cho dòng nhạc Hip Hop đang phát triển mạnh mẽ nhất vào Golden Age / Thời Kỳ Vàng, bắt đầu với bài “La Di Da Di” được phát hành vào năm 1985.

Theo thống kê trên trang web WhoSampled.com, Slick Rick thuộc top những nghệ sĩ Hip Hop được người khác sample nhạc nhiều nhất. Cụ thể là Rick đứng sau toàn những cái tên phổ biến, bao gồm Nas, Eric B & Rakim, Jay-Z, The Notorious B.I.G., Run-DMCPublic Enemy. Riêng track “La Di Da Di” mà anh rap trên nền beatbox do Doug E. Fresh thể hiện là bài rap được sample nhiều thứ hai, chỉ đứng sau “Change The Beat” của Fab 5 Freddy. Với hơn 1100 bài của các nghệ sĩ khác đã mượn “La Di Da Di” để sử dụng trong nhạc của họ, chắc hẳn có lần bạn đã tình cờ nghe được một câu rap, đoạn quote hay phần lyric đã được chế lại của Slick Rick rồi. Ví dụ câu dẫn dắt vào bài của Slick Rick: “As we go a little something like this / Hit it” quá kinh điển đến mức nó được đưa vào bài “Gangsta Gangsta” của N.W.A., “Runaway Love” của Ludacris ft. Mary J. Blige, hay “Discombobulated” của Eminem. Rồi câu “For all of y’all / keepin’ y’all in health” được xuất hiện trong bài “Lost Souls” của Tupac ft. Outlawz và “Quitter” của Eminem ft. D12. Hay câu “Ricky, Ricky, Ricky, can't you see? / Somehow your words just hypnotize me” được biến đổi một chút trong bài “Hypnotize” của Notorious B.I.G., “Stop Snitchin’” của Ice Cube, “Beg For It” của Iggy Azalea ft. .


Ở các thể loại nhạc khác, những trích đoạn của “La Di Da Di” có trong “Party” của Beyoncé, “Holding You Down (Goin’ In Circles)” của Jazmine Sullivan, “We Can’t Stop” của Miley Cyrus, hoặc “Rock DJ” của Robbie Williams, và rất nhiều nữa. Một điều thú vị nữa là “La Di Da Di” có lẽ còn là bài rap đầu tiên được cover lại một cách chính thống khi Snoop Dogg thể hiện trong track “Lodi Dodi” mang màu sắc G-Funk ở album Doggystyle phát hành năm 1993, điều vô cùng hiếm thấy trong thể loại Hip Hop mà tôi đã từng viết tới trên EmoodziK trước đây.

Thế nhưng ngoài lối kể chuyện chân thực và theo sát nguyên tắc viết chuyện, thứ khiến biết bao nghệ sĩ mê mệt với nhạc của Slick Rick để phải sample (hay thậm chí cover) lại nhạc của anh là giọng điệu thể hiện độc đáo khi rap những câu chuyện của mình. Hẳn như Nas, Ghostface Killah học được nhiều từ Rick về cách viết lời theo một kịch bản của những cuốn phim, nhưng chính EminemKendrick Lamar lại học thêm cả cách thay đổi giọng điệu trong lối thể hiện rap của Rick.


Trong bài “La Di Da Di”, ở đoạn đầu người nghe đã có mường tượng về giọng rap có chút biến đổi của Rick theo mỗi câu để đỡ nhàm tai, thế nhưng cái mọi người không ngờ là lúc câu chuyện được bắt đầu thì giọng điệu đó lại như diễn lại nội dung từng đoạn lời. Khi Rick rap “I gave myself a stretch up, a morning yawning / Went to the bathroom to wash up” thì giọng của anh đúng kiểu đang vươn người khi “stretch up” và rồi ngáp một cái khi đến phần “yawning”. Rồi đến những câu thoại như “What’s wrong” khi Rick rap “This is a girl plays hard to get so I said / "What's wrong?" 'cause she looked upset, she said / "It's all because of you I'm feeling sad and blue / You went away and now my life is filled with rainy days….” thì anh không chỉ đổi giọng hai lần ở câu hỏi lúc đầu mà trong câu trả lời của nhân vật cô gái, Rick còn vừa hát thành bài trên giai điệu của ca khúc “Sukiyaki” nổi tiếng của Nhật.

Tức là ở đây Slick Rick không chỉ viết lời thành chuyện, có nhân vật, có thoại, có diễn biến, mà anh còn nhập luôn vai qua phần giọng điệu, càng khiến cho các câu chuyện rap của Rick sinh động vô cùng. Và nên nhớ là thời điểm này mới là giữa thập niên 80 khi mà nhạc Hip Hop còn mới chớm ở giai đoạn được khai phá mạnh mẽ. Bảo sao đến tay trống Questlove của ban nhạc The Roots phải ca ngợi Slick Rick sở hữu giọng rap hay và đẹp nhất trong giới. Tôi nghĩ một phần cũng nhờ anh đã từng lớn lên tại Anh Quốc nên ít nhiều cái giọng điệu hơi chảnh có tông giọng lên trầm xuống bổng của người Anh giúp Rick mang thêm màu sắc cho nhạc Rap của Mỹ, cả khi accent Anh Quốc đó của Rick cũng không còn lộ rõ quá nhiều.


Nhờ thứ giọng điệu lên xuống cực độc đáo đó mà nhiều lần khi tôi tìm hiểu âm nhạc của Slick Rick, tôi mới lại phát hiện ra những câu rap quen thuộc mà tôi đã nghe từ nhạc của Eminem, OutKast và Tupac trước đó. Hóa ra có những câu rap đã bắt nguồn từ huyền thoại này. Tiêu biểu như chính câu “keepin’ y’all in health” được xuất hiện trong bài “Lost Souls” của Tupac ft. Outlawz và “Quitter” của Eminem ft. D12. Eminem có lẽ thể hiện câu này sát với giọng của Slick Rick hơn cả khi anh nhấn và đưa giọng lên cao hơn ở cụm từ “in health” nghe rất bắt tai như cách Rick làm trong “La Di Da Di”. Hoặc với các bài như “Wheelz Of Steel” của OutKast, “99 Problems” của Jay-Z, và “Can I Bitch (Canibus Diss)” của Eminem, các bạn có biết điểm chung của chúng là gì không? Đó là câu dẫn chuyện “Once upon a time, not long ago” đều xuất hiện trong các đoạn lời và được thể hiện với giọng điệu lên xuống, mà trong đó một lần nữa cách rap của Eminem lại sát nhất với kiểu của Slick Rick trong bản “Children’s Story” khi cụm từ “not long ago” lên xuống trầm bổng mang một giai điệu và nhịp điệu không lẫn đi đâu được. Vì một lần nữa, câu chuyện cuộc đời của Slick Rick cũng lại gắn liền với câu…

Once upon a time not long ago…

Ngày xửa ngày bớt xưa hơn, cụ thể là tháng 6 năm 2002, Slick Rick bị Cục Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ bắt sau khi quay lại Mỹ từ show diễn ngay trên một chuyến du thuyền. Anh bị tống vào tù ngồi 17 tháng vì luật trục xuất người nước ngoài liên quan tới án tiền sự trước đây của Rick với tên vệ sĩ cũ. Chuyển đến sống từ năm 11 tuổi, Rick là một cư dân hợp pháp trên đất Mỹ nhưng lại chưa bao giờ trở thành một công dân chính thức. Theo luật của Mỹ, với những người nước ngoài, nếu phạm phải án tù trên 5 năm là đủ điều kiện để bị trục xuất. Với thời gian ngồi tù trước đây của Rick là 5 năm có dư 12 ngày, trường hợp của anh đã được đưa vào tầm ngắm.

Một lần nữa, vận đen ập đến với Rick sau khi anh mới ra tù được vài năm và vừa kiếm lại được danh tiếng trong giới Hip Hop sau khi phát hành album The Art Of Storytelling (1999). Khác với hai đĩa nhạc trước được sáng tác và phát hành trong khoảng thời gian Rick đang ngồi tù với tâm trạng chán chường, niềm vui và sự tự tin trở lại với anh được thể hiện qua chất lượng của The Art Of Storytelling. Rick đã làm một điều thần kỳ khi gây dựng lại tên tuổi của một bậc thầy số 1 trong kể chuyện qua âm nhạc Hip Hop bằng album được ca ngợi không kém gì album đầu tiên của mình.


Rick vẫn vậy, anh biết cách kể những câu chuyện hóm hỉnh có duyên của mình, với các nhân vật và bối cảnh khác nhau, khi thì quay về thời Ai Cập cổ đại mà Rick vào vai một cậu bé nô lệ lấy được lòng vua Pharaon nhờ tài rap trong bài “Who Rotten ‘Em”, khi thì là những câu chuyện cám dỗ đầy dục vọng của những người phụ nữ mà Rick gặp phải trong bài “2 Way Street”. Anh vẫn vậy, vẫn là lối kể chuyện có giọng điệu cao thấp đầy lôi cuốn, vẫn là cách anh đổi giọng trong các đoạn hội thoại của những nhân vật khác nhau, vẫn là những suy nghĩ, hành động và phản ứng của nhân vật trước các tình huống xảy đến với họ.

Album The Art Of Storytelling cũng không thiếu những bài đầy ắp những lời khoe mẽ phô trương thường thấy của rapper, điều cũng thật dễ hiểu với một anh tài nổi lên từ lúc Hip Hop mới bắt đầu bước những bước đi vững vàng, nay được quay trở lại để giành lại ngôi vương của một bậc thầy trong kể chuyện. Do đó cũng không ngạc nhiên khi Slick Rick sáng tác hẳn những bài như “I Own America” làm một lời đáp trả với những gì nước Mỹ đã đối xử với anh, kể cả sau khi Rick đã mãn hạn tù.


Nào ai ngờ câu chuyện về cuộc đời của Slick Rick cũng không khác là mấy với những câu chuyện mà anh từng kể trong các bài rap của mình, trong đó có cả câu chuyện “Children’s Story” ngày nào.

Once upon a time not long ago…

Ngày nảy ngày nay, chính xác là ngày 23 tháng 5 năm 2008, Slick Rick mới được thống đốc thành phố New York tuyên bố miễn tội hoàn toàn cho anh sau khoảng thời gian 18 năm dài kể từ khi anh bị tuyên án, giải thoát anh khỏi những rắc rối với Cục Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ. Và mãi tới mùa xuân năm 2016, Rick mới chính thức trở thành một công dân nước Mỹ, chấm dứt một chương dài đầy vất vả của cuộc đời rapper huyền thoại này.

Hẹn gặp lại!

Kunt

212 views
bottom of page