Bassist Kim Gordon và drummer Steve Shelly bỏ lại nhạc cụ của mình và bước ra phía sau sân khấu, nhường lại cả một không gian rộng lớn cho Thurston Moore và Lee Ranaldo. Với người khác, đó chỉ là sân khấu có các nhạc cụ và dụng cụ chơi nhạc đặt la liệt bên giàn ampli. Với Moore và Ranaldo, đó là cả một thế giới để họ du hành khắp các vũ trụ âm thanh không tồn tại ở nơi này. Moore nhặt một cái dùi trống gài xuống dưới các dây đàn guitar, rồi cầm thêm một chiếc dùi khác ở tay phải, mài lên các dây đàn, trong khi tay trái vuốt lên vuốt xuống giữa các phím đàn. Ranaldo cũng như vậy, chỉ khác là anh đánh đàn bằng một cái tuốc-nơ-vít. Cả hai người họ thực ra không đang chơi đàn để tạo ra âm thanh, mà chính những giàn máy ampli mới là những nhạc cụ để rồi qua các nút tinh chỉnh, cả Moore và Ranaldo đều kiến tạo ra những tiếng ồn rền và rít phía trên sân khấu cho đến khi hạ màn.
Ở hai album đầu tiên, Confusion Is Sex (1983) và Bad Moon Rising (1985), ảnh hưởng của dòng nhạc No Wave với âm nhạc của Sonic Youth còn rất rõ rệt vì sự thiếu cấu trúc rõ ràng. Trên nền nhạc nặng tính ngẫu hứng, những âm thanh lạc quẻ như được ném bừa phứa vào cái nổi thập cẩm không một công thức chế biến rõ ràng. Nói thế không phải là nhạc của hai đĩa này chán, mà chính xác hơn là để cảm nhận được ý đồ mơ hồ nào đó của các thành viên ban nhạc là rất khó. Riêng album Bad Moon Rising vẫn là đĩa nhạc tôi ưng của band thời kỳ đầu tiên này.
Trong bài “Brave Men Run (In My Family)”, câu riff guitar ban đầu nghe rõ ngang tai vì có nốt nhạc được chọn để phá quấy hợp âm mà đôi tai người nghe đang cố hướng tới để hình thành trong đầu, cho đến khi quen hơn rồi, thì ở khúc sau tiếng bass của Kim Gordon lại nhảy sang hẳn một hợp âm khác để dập nát bầu không khí vốn dĩ đã chưa phải là xuôi tai rồi, nay lại như một mớ hỗn độn. Cái hay của nhạc Sonic Youth từ thời kỳ này là họ không để cho người nghe khó chịu lâu, mà sẽ làm “cân bằng” chúng bằng phần âm sắc phía sau rè đặc chơi ở tốc độ cao như cơn vũ bão của tiếng ồn, kích thích não bộ và xé nát tất cả những gì gọi là hòa âm, đánh dấu một khởi đầu cho một ban nhạc tiên phong với thể loại Noise Rock. Trong mớ hỗn độn đó, não bộ ta bỗng dưng xoá bỏ hết các định kiến hoặc sự quen thuộc về cái gọi là “đúng nhạc” để tiếp nhận một “vũ trụ âm thanh” mới hoàn toàn.
Với Sonic Youth, mọi thứ khởi nguồn từ những cây guitar rẻ tiền mà ban nhạc mới đủ tiền để mua về. Những ai trong số các bạn đọc của EmoodziK mà đã từng mua một cây guitar thùng không có thương hiệu về chất lượng nhưng lại hợp lý về túi tiền của học sinh sinh viên hẳn đã phải hụt hẫng khi phát hiện những cái lỗi của đàn, ví dụ như khoảng cách dây với cần đàn xa khiến cho việc bấm chặn các dây thật chặt là rất khó. Chỉ cần hơi yếu tay chút là tiếng đàn ngay lập tức có dây bị nhòe bởi chúng không được bám chặt lấy phím. Hay như một đoạn phím gắn lỗi khiến cho nó cao hơn cho phép và nếu bấm dây ở phím liền trước đó, âm thanh vang lên bị nhiễu tiếng do dây rung chạm phải cái phím hơi trồi cao lên đằng sau. Đấy là guitar thùng, còn guitar điện thì còn vô số vấn đề khác nữa. Chính bởi thế những cây guitar phèn hẳn âm thanh của nó cũng phải gào to chữ “RẺ TIỀN” mỗi khi được mang ra gảy.
Nhưng đó chưa bao giờ là vấn đề đáng lo ngại của Sonic Youth. Hai anh Thurston Moore và Lee Ranaldo luôn có những ý tưởng kỳ quặc để phá âm của những cây đàn đó một cách tàn bạo hơn. Họ chế ra những kiểu tuning khác người. Họ nhét đồ để chặn dưới dây đàn tại một vị trí phím đàn nhất định. Họ vặn chỉnh cái ampli chỉ một chút thôi. Thế rồi tự dưng những nhạc cụ phèn đó bỗng tạo ra một thứ âm thanh kỳ diệu, đầy uy lực hoặc có khi âm vang như tiếng chuông nhà thờ. Do vậy, cả khi họ có tiền sắm thêm đàn guitar, Moore và Ranaldo luôn cạy và “dọn dẹp” đàn, từ thay phần ngựa đàn (bridge) và xương đàn (saddle), cho đến các nút vặn chỉnh âm. Thứ còn lại mà họ giữ là giắc cắm dây, nút chỉnh volume và chuyển đổi giữa các pickup.
Không dừng ở đó, Moore và Ranaldo còn nghĩ ra các cách tuning độc đáo khác người để tạo ra những tiếng ồn và âm thanh ngang tai hoàn toàn có chủ ý. Những yếu tố thiếu tính nhạc đó thường gây khó chịu cho người nghe, nhưng nếu được tính toán chuẩn, thì chúng lại có âm sắc cực lạ và vô hình trung, mang những ý nghĩa về âm nhạc không kém gì các hợp âm lạ nhiều màu sắc.
Đây chính là lý do khi nghe nhạc của Sonic Youth, đặc biệt kể từ album EVOL (1986) trở đi, sự kỳ thú chưa bao giờ biến mất. Và như tôi đã nhắc đến ở đầu bài, những gì phát ra từ hai bên loa tạo bởi tiếng đàn của hai anh chơi guitar thật sự giống như những âm thanh đến từ đa vũ trụ. Bởi chúng siêu nhiên và mới mẻ qua những âm thanh chưa từng nghe thấy. Chúng đan xen, giằng xé và điên loạn. Và quan trọng nhất là chúng hay đến mức kỳ ảo.
1. Tuning
Ban nhạc Sonic Youth thành lập từ năm 1981 tại thành phố New York, vào thời điểm cuối của dòng chảy No Wave. Với những âm thanh thể nghiệm giữa những thứ khó nghe nhất, tiếng ồn, các âm thanh ngang phè và mơ hồ về tông nhạc, kết hợp với Free Jazz, Disco, đại loại những dòng nhạc khác biệt hẳn nhất với nhạc Rock, No Wave được tạo ra với mục đích thể hiện thái độ bất cần với những gì gọi là truyền thống hoặc công thức nhất. Cái thái độ đó có khi còn “lồi lõm” hơn cả nhạc Punk Rock ở chính màu sắc âm nhạc. Vậy nên những band của dòng nhạc này như DNA hay The Contortions đều có những điểm chung, ban đầu là khó nghe bởi sự thiếu vắng một cấu trúc nhạc rõ ràng, chưa kể đến các âm thanh méo mó đến khó chịu, nhưng sau đó khi nghe quen thì dần dà cái “thái độ” về khía cạnh nhạc đó lại cực kỳ cá tính.
Học hỏi từ sự sáng tạo không phụ thuộc vào một quy phép nào của No Wave, và chịu ảnh hưởng của những nghệ sĩ ở thế hệ trước như Lou Reed, cụ thể như cách Reed đã từng chế ra kiểu căn dây đàn theo tên gọi “tuning kiểu con đà điểu” với các dây đều ở cùng một cao độ để sáng tác ra bài “The Ostrich”, Thurston Moore và Lee Ranaldo đã nghĩ ra vô số kiểu tuning khác người.
Với cách tuning theo trình tự E-B-E-E-A-B, trong đó dây thứ ba và thứ tư ở cùng một cao độ, Sonic Youth chơi bài “Hey Joni” rất hay trong bài Daydream Nation (1988). Dù nội dung không kể về Joni Mitchell, nhưng cái tên được lấy cảm hứng từ cô, người cũng đã sáng tạo ra những kiểu tuning khác thường khi chơi nhạc. Hoặc khác chút sẽ là F#-F#-F#-F#-E-B, trong đó hai dây trầm ở cùng cao độ còn hai dây kế tiếp hơn hai dây trước 1 quãng 8, ban nhạc thể hiện hai bài “Mary-Christ” và “Kool Thing” liền nhau trong album Goo (1990), mà bài đầu nghe tựa như những tiếng chuông vang ở nhà thờ qua âm thanh clean của cây đàn điện.
Việc chỉnh dây như vậy thực sự rất mất thời gian cho việc mày mò cho ra bài nhạc theo ý muốn, và cũng tạo sự khó khăn để đi diễn. Chính thế nên dù các nhạc cụ được Sonic Youth chọn ban đầu toàn những cây rẻ tiền, họ vẫn phải sắm nhiều cây như vậy, để mỗi chiếc được tuning sẵn theo đúng từng bài. Đâm ra có khi cũng chả tiết kiệm được là bao.
Một kiểu tuning khác còn là cách vặn dây căng lên hoặc trùng xuống, chỉ một chút xíu thôi. Làm như vậy cao độ của những dây đó sẽ khác với nốt chuẩn khoảng tầm 1/4 cung, tạo ra âm sắc rất đá nhau với cao độ chuẩn của các dây hay các nhạc cụ còn lại. Giống như trong 4 bài rất hay ở cùng album Evol (1986), “Starpower”, “In The Kingdom #19”, “Death To Our Friends” và “Marilyn Moore”, cây đàn đều vặn theo cách uF#-dF#-uG-G-dA-dA (trong đó “u” là vặn cao lên một chút, còn “d” là vặn trùng xuống một chút). Từ cách chỉnh này, bài “In The Kingdom #19” có tiếng guitar rền phía cuối rất hay, và “Death To Our Friends” thì có âm thanh intro méo mó và câu riff guitar nghe ngang tai kinh khủng. Các bạn cứ tưởng tượng những nốt nhạc ở cao độ chơi vơi như vậy sẽ luôn lạc quẻ khi chơi với những nốt nhạc “bình thường” khác, giống như khi bạn đánh một cây đàn mấy ngày không sử dụng và căn chỉnh vậy.
Cách tuning thứ ba của Sonic Youth còn là hai cây đàn của Thurston Moore và Lee Ranaldo được vặn ở hai kiểu khác nhau để chơi cùng một bài, gọi là split tuning. Hai ví dụ là bài “Dirty Boots” và “Tunic (Song For Karen)” đều ở trong album Goo (1990), mà trong đó như bài “Dirty Boots”, đàn của Moore có một dây nốt G còn đàn của Ranaldo có một dây nốt F# để tạo ra độ nghịch tai.
2. Loạn âm
Việc tuning khác lạ vốn là để có được những “khuôn nhạc” tạo ra những âm thanh trái khoáy, nhưng cách chọn các nốt nhạc để nó vừa quấy phá, mà vẫn không gây sự bức xúc lại nằm ở tài năng của các thành viên trong Sonic Youth.
Với tinh thần No Wave thừa hưởng từ những ngày đầu tiên, bộ đôi Thurston Moore và Kim Gordon (sau này trở thành vợ chồng) mới cùng lập band và sau một vài cái tên, cuối cùng dừng ở Sonic Youth, Moore bỗng dưng có được cảm hứng tìm tòi ra âm thanh của riêng mình. Thế vẫn chưa đủ, khi anh và Gordon tình cờ xem buổi biểu diễn của ban nhạc có Lee Ranaldo chơi guitar trong đó, cả hai người đều choáng váng trước lối chơi guitar hung dữ chưa từng thấy, khiến cho Moore phải mời Ranaldo gia nhập bằng được Sonic Youth. Cả ba người họ, Thurston Moore (guitar), Kim Gordon (bass, guitar) và Lee Ranaldo (guitar) sau đó cùng chia sẻ vai trò vocal và còn thay nhau đánh trống ở những ngày đầu chưa tìm được thành viên ưng ý, mãi cho đến khi sau này gặp được Steve Shelly.
Các thành viên của ban nhạc có nhiều kiểu biến hoá để tạo sức căng đó trong mỗi bài. Ở bài “Madonna, Sean And Me” trong album Evol, đoạn đầu thi thoảng có những nốt đàn ngang trái lẩn khuất, tuy nhiên rõ ràng nhất là sau khi tiếng đàn guitar thứ hai của Lee Ranaldo cất lên hát cùng Thurston Moore. Cứ hai câu đầu, tiếng đàn hát cùng giai điệu hát, thì đến câu thứ ba nó chọc sâu vào bài và kéo dài những âm thanh nghịch tai. Khó nắm bắt hơn chút là bài “Catholic Block” trong đĩa Sister (1987), câu riff guitar chơi đều đặn những hợp âm truyền thống, nhưng giọng hát của Moore lại có lúc chọn nốt nhạc không nằm trong hợp âm đàn guitar đang chơi.
Tuy nhiên kiểu hoà âm loạn đến mức không thể định hình hợp âm đang chơi là gì thì mới đúng phong cách rõ nét nhất của Sonic Youth. Để làm vậy, Moore và Ranaldo hay dùng các quãng nghịch tai nhất, ví dụ như những cặp nốt cách nhau 1/2 cung hoặc quãng 9 thứ, hoặc chơi các âm giai đá nhau. Bài “Death To Our Friends” ở đĩa Evol đầy rẫy những âm thanh ngang phè ngay từ đầu tiên, tạo cảm giác nhức nhối đay nghiến đôi tai và chỉ đẩy về cân bằng ở một vài khuông nhạc xen giữa. Có điều, ban nhạc làm cho bản instrumental này cực hấp dẫn vì chính màu sắc tiếng đàn rè đặc kẽo kẹt ở khúc giữa khiến cho lúc nó ngưng thì âm thanh clean sau đó dù chơi những nốt nhạc nghịch tai, nó lại như một hợp âm cân bằng. Giống như khi ta cảm thấy ngứa ở trên da, việc gãi giúp ngăn truyền các tín hiệu ngứa tới não, thì trong âm nhạc của Sonic Youth, những tiếng rè giúp làm "lấn át" đi những tiếng ngang tai, tạo ra một trạng thái cân bằng mới của âm nhạc.
Những đoạn instrumental break trong bài “Drunken Butterfly” ở album Dirty (1992) là một ví dụ với tiếng guitar kêu như cưa máy cứa ngang bài hát, nên lúc giọng hát của Kim Gordon cất lên, bài nhạc bỗng trở lại bình thường dù hoà âm các nhạc cụ chơi lúc đó cũng không dễ nghe hơn là bao nhiêu. Thế cũng chưa đủ, nửa cuối bài trong lúc Gordon vẫn đang hát, hai anh guitarist lại chêm vào những nốt nhạc nhức nhối, khiến cho bất kỳ ai đang mày mò các thế bấm và hợp âm thì hẳn cũng phải bỏ cuộc vì mớ âm thanh hỗn loạn đó. Thực sự mà nói kiểu đánh nhạc này cộng với những âm sắc tinh chỉnh để tạo sự mơ hồ cho âm nhạc không chỉ giúp “che đi” tiếng đàn guitar sịn sò hay rẻ tiền, mà còn phù hợp với kiểu đọc không ra đọc, hát không ra hát, và nếu có hát thì các nốt nhạc cũng không vào đúng chuẩn chỉ trong thanh nhạc, thứ giúp “che đi” điểm yếu của chính những nghệ sĩ như Kim Gordon.
3. Cân bằng
Âm nhạc kể ra cũng kỳ lạ. Những lý thuyết về nhạc lý, từ tông giọng, hợp âm, cho đến âm giai, hòa âm đã được dày công xây dựng để các nghệ sĩ có những nền móng vững chắc mà tạo ra một bài nhạc hoàn chỉnh và đúng đắn. Thế nhưng cái gì cũng có thể được tạo ra để mà bị phá bỏ sau đó. Nhạc lý cũng vậy. Từ No Wave cho đến Noise Rock, những âm thanh ngang tai, không rõ ràng về tính nhạc của nó đáng nhẽ sẽ ngay lập tức thành tiếng ồn - kẻ thù số 1 của âm nhạc. Nhưng bằng cách nào đó, Sonic Youth, và những ban nhạc chịu ảnh hưởng của họ sau này như Pixies, Nirvana, My Bloody Valentine, v.v. lại biến “Noise” thành một đặc tính “Nhạc” không thể thiếu.
Trong một thế giới mà chỉ có hỗn độn, một xã hội chỉ có hỗn loạn thì những hành vi phạm luật sẽ không còn mang những ý nghĩa nổi loạn của nó. Âm nhạc cũng vậy. Nếu chỉ có những âm thanh trái khoáy từ đầu tới cuối bài thì cũng lại không khác gì một công trường xây dựng. Thứ “quen thuộc” là yếu tố cần thiết cho sự cân bằng, dù ít hay nhiều.
Đây chính là lý do mà tôi nể cách chơi nhạc của cả Kim Gordon với cây bass và đặc biệt Steve Shelly sau giàn trống của anh. Câu bass và nhịp trống của hai người này bám và bổ trợ nhau rất chắc chắn, là thứ níu giữ lại tất cả những âm thanh khác đang bay lượn trong không gian âm nhạc. Khả năng giữ nhịp chắc chắn và uy lực mạnh của Shelly chính ra còn nâng các bài nhạc của Sonic Youth lên một tầm mới. Cách chơi lệch nhịp của Shelly trong một bài chậm như “Marilyn Moore” cho tới các câu dồn trống khác nhau đều đặn, dồn dập hay đảo phách ở bài nhanh hơn như “Kool Thing”. Anh chuyển đổi tempo đột ngột để tăng tốc với hai anh guitar kia trong khúc cuối bài “Theresa’s Sound-World” cho tới những đòn nện mạnh kinh hoàng trên các tom sàn ở bài “Sugar Kane”, đến độ tiếng đàn của Kim Gordon cũng nghe được cả độ rung bần bật của những dây bass cô chơi.
Khi mà hoà âm của các bài đa phần khó đoán qua tiếng đàn, nhịp điệu chắc khoẻ của Shelly là yếu tố cực quan trọng để gắn kết những khúc phiêu nhất của Moore lẫn Ranaldo. Đây cũng là lý do mà nhạc của Sonic Youth hay hơn hẳn từ thời album Evol trở đi bởi trước đó drummer Bob Bert không hề mang lại được không khí hừng hực đó để tạo sự cân bằng vững chắc giống như Shelly sau này.
***
Kể từ album Goo trở đi, Sonic Youth cũng chuyển hướng một chút khi họ giảm bớt mật độ các khuông nhạc có tiếng đàn tàn phá mà chuyển sang hướng sáng tác có giai điệu hơn, và nhường những đoạn chọc ngoáy vào các phần chuyển giữa verse và điệp khúc hoặc vào những câu bridge. Giống bài viết của gã Kroon về “Cây cầu” / các đoạn bridge mà EmoodziK đã post trước đây, những thay đổi hợp âm hay đổi tông có khả năng đưa người nghe bay bổng, thì nhạc của Sonic Youth với những nốt nhạc ngang tai sẽ giống như bầu không gian bị xé toạc để lộ ra các khe hở thông với những dòng chảy không gian thời gian song song khác. Rồi khi bài nhạc đẩy lên cao trào bởi sự hỗn loạn, nó cũng như việc người nghe bị đẩy trôi khắp những chiều không gian khác nhau đó rồi ghé qua các vũ trụ ở một nơi không có định nghĩa về nhạc lý như những gì chúng ta đã biết. Âm thanh mà Sonic Youth tạo ra là thứ gì đó thật tràn trề năng lượng và nổi loạn, phá vỡ các “luật lệ” đề ra trong âm nhạc, tựa như ý nghĩa ẩn trong nghệ danh của họ - “Âm Thanh Tuổi Trẻ”, hay để sát nghĩa hơn chắc phải gọi là “Âm Thanh Ngông Cuồng của Tuổi Trẻ”.
Hẹn gặp lại!
Kink