Vốn yêu mến bài “Sultans Of Swing” của Dire Straits, Donald Fagen và Walter Becker của Steely Dan mới mời bằng được Mark Knopfler đến ghi âm guitar cho album Gaucho (1980) của họ. Chỉ có điều, sự kỹ tính đến khó chịu của Fagen và Becker đã biến sự hâm mộ cuồng nhiệt thành màn tra tấn thực sự dành cho Knopfler. Tay guitar này phải đánh đi đánh lại đoạn solo cho bài “Time Out Of Mind” không biết bao nhiều lần, và cuối cùng, trong đoạn thu âm dài 10 giờ của Knopfler, Steely Dan chỉ chọn ra được “khoảnh khắc” 15 giây “bừng sáng” để cho vào bài!
Jeff Porcaro, tay trống session huyền thoại của thập niên 80s, khi thu cùng Steely Dan cũng bị đối xử chả khá khẩm hơn gì. Danh tiếng của Jeff Porcaro không những đã được chứng tỏ từ phần nhạc cực chất của Toto, anh còn đã từng thu âm với Fagen và Becker cho hai album Pretzel Logic (1974) và Katy Lied (1975) trước đó. Thế mà lần ghi âm cho bài "Gaucho", anh đã phải nện đi nện lại bộ trống từ trưa đến 6h tối. Chưa kể, khi thu âm phần trống đó, mặc kệ các nhạc công khác cứ phải đánh cùng theo và đã có những bản thu cực tốt của các nhạc cụ kia, hai anh Steely Dan vẫn chỉ chăm chăm "soi" phần trống của Porcaro. Kết quả là bản cuối cùng ở bài “Gaucho“ là sản phẩm ghép lại từ 46 bản thu khác nhau.
Rồi, ngoài Porcaro ra, Steely Dan còn có thêm vài tay trống lừng danh như Rick Marotta và đặc biệt là lão tiên bối Bernard Purdie chơi cho Gaucho. Nhưng như vầy vẫn không đủ vừa ý, hai anh này mới bỏ thêm 150 ngàn đô nhờ kỹ sư âm thanh Roger Nichols chế riêng một cái trống điện tử có khả năng tạo âm thanh đầy đặn như người thật đánh chỉ để cho album Gaucho. Cái máy đó đặt tên là WENDEL, và chỉ có ông kỹ sư mới “nói chuyện” được với nó. Ví dụ để tạo ra một tiếng snare ưng ý, ông kỹ sư đã phải gõ bàn phím lạch cạch 20 phút. Rồi khi album Gaucho đó bán được 1 triệu bản, cái máy WENDEL này còn được tặng riêng một tấm đĩa bạch kim.
Hai anh Steely Dan này gợi tôi nhớ đến ông thày dạy nhạc Terence Fletcher với sự kỹ tính đến tàn bạo trong bộ phim Whiplash ngày nào.
Câu chuyện về sự cầu toàn quá độ của bộ đôi Fagen và Becker đã quá nổi tiếng trong giới nghệ sĩ, và đỉnh điểm là khi họ ghi âm đĩa thứ 7, Gaucho, nói trên. Với đôi tai của người trần mắt thịt, tôi thật không nghe ra được sự hoàn hảo trong nhạc của Steely Dan. Thứ chắc tôi cảm nhận rõ nhất ở album này là âm thanh gọn gàng với phần hòa âm nhạc không giống bất kỳ ai, nên ở những bản track đỉnh cao của họ (rất nhiều bài như vậy), chúng có sức hút quả nhiên ghê gớm.
Steely Dan không phải là một ban nhạc Rock kiểu truyền thống.
Đầu tiên, tên ban nhạc có một ý nghĩa thiếu nghiêm túc so với một band chơi nhạc Rock cổ điển. Cái tên đó bắt nguồn từ tên của một cái trym giả chạy bằng hơi nước trong cuốn tiểu thuyết Naked Lunch của nhà văn William S. Burroughs.
Thứ hai, ban nhạc chơi âm nhạc phức tạp hơn Rock thông thường rất nhiều, và ảnh hưởng từ nhạc Jazz trong nhạc của họ thì cũng đã quá rõ. Đúng kiểu câu đùa truyền miệng: rocker thì chơi nhạc 3 hợp âm trước đám đông 1000 người, còn jazzer chơi nhạc 1000 hợp âm trước nhóm 3 người, trớ trêu là vào thời Steely Dan bắt đầu phát hành album thứ ba của họ, cũng là lúc nhạc Punk Rock bắt đầu trỗi dậy. Sự đối lập về số lượng hợp âm trong nhạc Punk Rock và của Steely Dan vì thế hoàn toàn rõ rệt như ngày và đêm.
Được lập ra bởi Donald Fagen (keyboards và hát chính) và Walter Becker (guitar, bass). Hai anh này chia sẻ chung một đam mê: nhạc Jazz – thứ nhạc có sự ảnh hưởng mạnh mẽ trong phong cách và vòng hòa âm của Steely Dan. Nhưng để dễ tiếp cận với những người không nghe nhạc Jazz hơn, hai anh mới nghĩ ra một cách để phổ cập hóa những hợp âm lạ tai. Một mặt để tránh mang tiếng “ra vẻ bác học”, một mặt để làm nuột sự đa dạng đầy tính ngẫu hứng nhưng cũng khó nghe của nhạc Jazz với các đôi tai trần tục, như của tôi.
Âm nhạc là một thứ gì đó vô cùng vi diệu. Với từng đấy nốt nhạc, người nghệ sĩ có thể đánh ra rất nhiều hợp âm khác nhau. Không những thế, với cùng 1 hợp âm, chỉ riêng vị trí của mỗi nốt trên phím đàn khi thay đổi thứ tự là có thể tạo ra âm sắc khác nhau. Thế là Fagen và Becker mới tận dụng một hợp âm có cái tên “μ chord” / “Hợp âm Muy”!?!?. Theo như miêu tả của Becker, hợp âm Muy giúp làm giàu âm sắc cho hợp âm trưởng mà không khiến nó quá jazzy. Nhưng nó không dừng ở việc đưa nốt bậc 2 của hợp âm trưởng, mà theo cách tạo âm sắc của Steely Dan, phải giữ được sự nghịch tai giữa nốt bậc 2 và bậc 3 bằng cách chơi liền nhau, còn nốt gốc (bậc 1) thì lùi ra xa ở một quãng tám khác. Nhờ đó, chúng ta có được một thứ âm nhạc phức tạp vừa đủ mà vẫn nuột.
Một ví dụ rất rõ trong cách đổi hợp âm loằng ngoằng mà chỉ có ai học nhạc lý sâu (không phải tôi) mới cảm thụ hết được là phần intro của bài “Deacon Blues” trong album Aja (1977). Cứ mỗi cặp hợp âm một được kết bằng một Hợp âm Muy, như một cách giải tỏa, nhưng vẫn giữ được độ “căng” nhất định trong âm sắc. Và khi nhìn phần thể hiện trên đàn keyboard sẽ thấy chủ ý của Steely Dan khi ở mỗi cặp hợp âm, nốt cao nhất được giữ nguyên còn nốt trầm nhất bước xuống thấp từng bậc một. Từ đó não bộ người nghe mới thấy có sự liên quan và chuyển tiếp dù cả chùm hợp âm đó đều nghịch tai khi đứng một mình.
Dễ nghe hơn và cũng hay ngang ngửa như thế là đoạn intro đầu của bài “Reelin’ In The Years” ở album đầu Can’t Buy A Thrill (1972), chuỗi hợp âm trưởng được kê thêm nốt bậc 2 làm nền cho phần solo guitar cực hay mà Elliott Randall thể hiện (Jimmy Page sau này từng ca ngợi đây là đoạn solo guitar ưa thích nhất mà ông từng được nghe).
Nhưng rồi đấy, điểm thứ ba khiến Steely Dan không giống một ban nhạc Rock bình thường đó là họ chưa bao giờ có một đội hình cố định. Đến Donald Fagen ban đầu là hát chính nhưng do sợ diễn trên sân khấu nên còn dự phòng thêm một ca sĩ khác trong nhóm. Có điều cuối cùng cũng chỉ có giọng hát của Fagen mới phù hợp nhất với cách thể hiện thứ nhạc trau chuốt và hơi chảnh chọe của Steely Dan. Rất khó có thể tưởng tượng những bài hay như “Night By Night” trong album Pretzel Logic (1974) nếu không phải Fagen đảm nhận mà không bị giảm sự hấp dẫn của nó đi một nửa (như trường hợp bài “Dirty Work” trong đĩa đầu tiên mà một anh khác đảm nhiệm phần hát).
Không chỉ mỗi ông ca sĩ, các nhạc công khác trong ban nhạc ở ngày đầu cũng dần khăn gói ra đi vì không ai chơi được thứ nhạc Fagen và Becker mong muốn. Thành viên cốt lõi cuối cùng vẫn chỉ là bộ đôi sáng lập và sáng tác cho Steely Dan. Viết nhạc khó ắt dẫn đến không ban nhạc cố định nào có thể đánh được. Nhưng đến các nhạc công được thuê theo từng dự án, từng bài nhạc riêng cũng không mấy ai vừa ý được Fagen và Becker.
Quá trình sáng tác của Steely Dan như sau: từ một mẩu đoạn nhạc (có thể là điệp khúc) hoặc lời hát, hai anh này sẽ thử phát triển nó trong 10 phút và nếu không tạo ra cái gì gây ấn tượng, họ sẽ vứt bỏ. Mong muốn của họ là bài nhạc đến một cách tự nhiên. Và thông thường Fagen là người nghĩ ra ý tưởng bài nhạc nhưng sẽ loay hoay phát triển tiếp, còn Becker thì không biết bắt đầu từ đâu nhưng lại rất giỏi hoàn thiện các ý nhạc. Do đó, cả hai đều không sáng tác độc lập mà phải phụ thuộc vào nhau.
Thế rồi, Steely Dan sẽ có các "bản thảo" để mời các nhạc công tới đánh.
Tưởng tượng bạn là người chơi piano / keyboards. Được mời đến thu âm cho Steely Dan và cái bạn nhận được là một bản ghi các hợp âm với phần voicing âm sắc theo mong muốn của hai anh sáng tác. Như thế là đầy đủ lắm rồi.
Và rồi bạn lướt trên những phím đàn theo nhịp điệu giật cục của bài “Fire In The Hole” ở đĩa Can’t Buy A Thrill. Các nốt bạn chơi ngẫu hứng thả vào những khoảng lặng. Tuyệt hay! Chỉ có điều đó là vì bạn là Donald Fagen nên bạn biết thừa ý đồ của người sáng tác khi bạn chính là kẻ đó. Fagen là một nhạc công piano giỏi nhưng với Steely Dan, vai trò này không cố định, mà được nhường cho những tài năng khác.
Thế nên, nếu không phải là Fagen, bạn phải có được độ cảm nhận cực nhạy của anh gõ piano trong bài “Sign In Stranger” trong đĩa The Royal Scam (1976). Tiếng đàn của anh này thể hiện đầy sự ngẫu hứng trên nền beat phong cách Reggae khó chơi, nhưng vẫn khớp với các nhạc cụ khác ở những khúc đảo nhịp.
Hoặc bạn phải như một anh gõ piano khác trong bài “I Got The News” ở đĩa Aja. Thay vì chạy ngón trên phím đàn, ở đây anh bấm những chùm nốt hợp âm hoàn hảo theo đúng âm sắc bài nhạc với độ ngắt nghỉ chuẩn xác, khớp cùng tiếng bass funky. Nhưng không mấy ai biết được, ở đợt thu âm album The Royal Scam trước đó, chỉ vì cũng anh gõ piano này không cảm âm được cùng mọi người mà bị Steely Dan sau đó bắt anh quay qua xóc “lọ muối” với nhạc cụ lắc “shaker” để thu âm bộ gõ cả ngày hôm đó.
Rồi, giờ tưởng tượng bạn là người đánh trống đi. Thứ gọi là "bản thảo" trước mặt bạn chỉ đánh dấu những nhịp nhấn. Còn lại là của bạn tất. Bạn phải “cảm” được từng khoảnh khắc trong bài nhạc. Quan trọng là để chơi đúng ý của Fagen và Becker lại là chuyện khác. Đến như Jeff Porcaro, người hẳn ai cũng biết có khả năng nện mạnh từng nhịp dứt khoát như "Beat It" của Michael Jackson, cũng phải vã mồ hôi suốt 6 tiếng mà cũng không có lượt thu nào ưng ý hoàn toàn với Steely Dan cả.
Còn nếu không bạn phải giỏi cỡ như huyền thoại Bernard Purdie. Ngoài việc giữ nhịp cực chắc, bạn còn nên thể hiện cách cảm nhận nhạc bằng những “ghost” note qua những tiếng snare thả nhẹ nhàng. Và vì dĩ nhiên bạn là Purdie, bạn chính là người được chọn để thể hiện thành thục nhất điệu “Purdie shuffle” như trong bài “Babylon Sisters”. Nhắc mới nhớ Jeff Porcaro cũng làm tí điệu "Purdie shuffle" ngọt như ai trong tuyệt phẩm "Rosanna" trong đĩa Toto IV.
Giờ bạn nghĩ mình chơi bass. Tờ hướng dẫn duy nhất mà Steely Dan đưa chỉ ghi các hợp âm của bài. Đánh nốt nào, theo nhịp gì là việc của bạn. Thực ra, nếu bạn đã là Walter Becker rồi thì chắc bạn thừa hiểu ý tứ nhạc mà bạn sáng tác nên phải chơi ra sao.
Còn không bạn phải là Chuck Rainey, người thường xuyên thu âm cho những nghệ sĩ hàng đầu như Louis Armstrong, Quincy Jones, hay Aretha Franklin thì mới cân lại được sự độc đoán của Becker. Trong bài “Peg” ở đĩa Aja, Rainey được dặn đúng một câu là: “Đừng có chơi kiểu slapping”, vì lúc đó kỹ thuật này rất được chuộng mà hai anh Steely Dan thì ghét nhất đú trend. Rainey chơi mượt thật, nhưng cứ đến đoạn bridge là ông vờ quay đàn đi chỗ khác khuất tầm nhìn để chơi slapping vì cái ông cảm được ở khúc này là nó phải đánh vậy mới hay. Dĩ nhiên hai anh kia không hay biết gì.
Cuối cùng, bạn giờ sẽ là cầm thủ guitar nổi tiếng. Bạn không có bản thảo gì hết. Hướng dẫn duy nhất mà bạn nhận được là mấy câu miêu tả trao đổi bằng lời từ hai anh tác giả bài hát. Ca khúc bạn được chỉ dẫn để chơi chính là “Peg”. Có điều là đến anh tác giả kiêm guitarist Walter Becker cũng đầu hàng không đánh nổi đoạn solo vừa ý mình thì nói gì đến bạn phải đi dò ý một người đối diện, để đánh sao cho vừa tai người ta. Bảy anh trước đó, trong đó có cả Becker và siêu cầm thủ Larry Carlton, đều thu rồi và không đạt, dù hầu như lần nào thu âm xong, mỗi người trong số họ đều cảm thấy rất ưng ý. Còn với Becker và Fagen, một lỗi nhỏ là đủ để hai anh vứt hết và mời một người mới đến thử vai.
Lần này người may mắn là Jay Graydon, tay guitar kiêm kỹ sư phòng thu lừng danh ở LA đã từng thu cả pop lẫn rock và r&b suốt thập niên 70s. Nhưng suốt một tiếng rưỡi, Jay chơi thử đủ các kiểu giai điệu Jazz cũng không vừa lòng Steely Dan. Thế rồi Becker bảo chơi thử kiểu nhạc Blues đi. Bạn sẽ làm gì? Hợp âm lúc đó là Cmaj7 với nốt bậc 7 là nốt Si (B), trong khi với hợp âm blues thì phải chơi ở C7 và nốt bậc 7 sẽ là nốt Si giáng (Bb)!?! Với Jay Graydon, ông đành chêm nốt Bb xen giữa câu solo để nghe câu đàn "thoáng chút" bluesy rồi lập tức quay về hoà âm gốc. Nhưng cũng nhờ chiêu thức đó, câu đàn solo của Graydon cuối cùng được chọn. Bởi vì nó hoàn hảo!
Dĩ nhiên với một ban nhạc Rock như Steely Dan, họ có rất nhiều bài nhạc có phần solo guitar cực hay khác nữa. Ngoài “Peg” kể trên, hay “Reelin’ In The Years” được Jimmy Page ca ngợi, ban nhạc còn có “Chain Lightning” trong đĩa Katy Lied (1975) với tiếng đàn trơn mượt, “Don’t Take Me Alive” trong The Royal Scam với câu đàn đau đớn hay “Kid Charlemagne” với tiếng đàn sắc lẹm do các cầm thủ guitar khác nhau thể hiện.
Kết quả là qua các album cực trau chuốt, bộ đôi Fagen cùng Becker có vô vàn bài nhạc với những đoạn instrumental hay tê tái. Đó là kết quả của thời gian giam mình trong studio dài đằng đẵng (và cả hy sinh không biểu diễn live) để tạo nên sự phối hợp nhịp nhàng giữa các nhạc công luôn sẵn sàng trong tâm thế bị đuổi dù chỉ một lỗi nhỏ, tất cả là vì sự cầu toàn quá lớn của Steely Dan.
Thôi thì với những nhạc công không được chọn cũng đành tự an ủi rằng, việc thay đổi nhạc công trong mỗi bài, mỗi dự án là điều phổ biến trong dòng nhạc Jazz mà Fagen và Becker ưa chuộng. Còn thì cái thói thích “bắt bẻ” người khác của hai anh này coi như là người ta thuê mình thì người ta có quyền thôi.
Dù sao thì thành công về cả mặt thương mại lẫn nghệ thuật mà Steely Dan có được vẫn là điều thuyết phục đảm bảo nhất đối với những người cộng tác với hai anh, bất chấp thứ âm nhạc có phần nghệ thuật bác học này không giống một band Rock nào trên thị trường.
RIP Walter Becker (3.9.2017)
Hẹn gặp lại!
Kink