Nhạc điên, guitar riff ồn ào nhất có thể, đổi nhịp liên tục theo từng đoạn nhạc trong mỗi bài, hát la hét ầm ĩ nhưng cũng có thể lập tức rên rỉ thê lương vào mic.
Đó là những từ miêu tả thô mộc nhất về nhạc của System Of A Down (SOAD) với các thành viên đều người Mỹ gốc Amernia. 90% nguồn sáng tạo đến từ ca sĩ Serj Tankian và tay guitar Daron Malakian.
Nhạc của các anh kỳ lạ hơn hẳn các band rock khác: đem mix thứ nhạc của vùng Trung Đông với progressive metal, rồi vặn hết đàn xuống một màu tối nặng nề theo phong cách Nu metal. Thực ra, một mình SOAD chơi nhạc một kiểu của họ mà không thể định ra các anh chơi theo dòng nào.
Để tôi kể lại cảm giác khi lần đầu được người bạn giới thiệu nhạc SOAD, và bài đầu tiên hắn bật cho tôi là bài Chop Suey kinh điển.
Dạo đầu là phần guitar acoustic gảy tiết tấu nhanh như thít dần một cái nút vào cổ họng trên nền trống lạch cạch trước khi cả band nhảy vào dã hết các thứ nặng nhất có thể: tiếng riff nặng trịch, tiếng trống đập ầm ầm với tempo rất nhanh. Thế nhưng sau đó mọi thứ dừng phắt lại khi Serj hát câu “wake up” và tiếp nối bằng một chuỗi “chubba chubba chub” gì gì đấy mà tôi chả hiểu đếch gì vì nó quá nhanh. Cho đến giờ tôi cũng chả buồn xem lyrics và may thay thấy mọi người bảo bài này cũng chẳng có ý nghĩa gì cả vì đến Rick Rubin sản xuất cho album này cũng không hiểu nó nói về cái gì.
Cái dị trong kiểu hát của Serj Tankian là mặc dù ít người hiểu anh đang gào cái gì, nhưng tất cả mọi người đều “cảm” được anh đang định nói gì. Tôi cá là tất cả mọi người đều “ngấm’’ cái sự giận giữ của SOAD.
Nếu chỉ giận dữ không thì đơn giản quá, nhạc của các anh chơi còn rất nặng tính progressive khi mỗi bài đều có những biến chuyển nhịp điệu và giai điệu liên tục theo hai thái cực hoàn toàn đối lập. Lúc mà tempo nhanh thì phải cực nhanh và mọi nhạc cụ phải chơi ầm ĩ và khàn đặc nhất có thể nhưng sau đó là chuyển ngay sang chậm rãi và êm ắng nhẹ nhàng cả ở cách hát và cách chơi nhạc. Nhờ đó cảm xúc người nghe cũng được lên xuống liên tục, giống như ta đang ngồi chơi mấy trò cảm giác mạnh ở công viên ý. Trước khi đến hồi căng thẳng thì được mọi người được thư giãn ngắm cảnh một chút, sau đó đến hồi tăng tốc thì mọi tiếng hét thất thanh cất lên cùng nhịp với độ uốn lượn của tàu xen kẽ với một số khúc chậm rãi để anh em lấy lại tinh thần.
Phải nói là SOAD có tài năng rất dị, thế nên chính Rick Rubin cũng tin tưởng mà yêu cầu mỗi thành viên cứ chơi “bay” nhất có thể vì ông muốn tạo ra một thứ âm thanh không ban nhạc nào khác có. Khoái cái sự điên loạn của SOAD, giá đĩa của tôi lập tức có thêm Steal this album!, và sau này là Mesmerize và Hypnotize.
Để tạo ra âm thanh đặc trưng của họ, SOAD có cách sáng tác và phối âm riêng. Đầu tiên là việc sử dụng âm giai thứ hoà âm với đa phần hợp âm thứ, đặc biệt trong những đoạn lắng để có màu sắc buồn nhưng “epic” (chưa kể là quãng (khoảng cách giữa hai nốt) trong câu hát và tiếng đàn cũng thường là quãng thứ) Đáng nói là, âm thanh đặc trưng của nhạc Trung Đông rất dễ “bay” trên các hợp âm thứ (Nếu bạn tò mò và có cây đàn trong tay, thì có thể nghịch với sắc nhạc Trung Đông khi thay 2 quãng 1 bằng 1 quãng 1.5 và một quãng 0.5, chẳng hạn như C-D#-E, rồi F-G#-A trên hợp âm Am. Thử xem).
Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi ban nhạc còn sử dụng thêm nhạc cụ đàn mandolin điện, sitar, đàn oud của người Ả Rập để làm giàu hơn màu sắc Trung Đông cũng như khác lạ hơn trong nhạc của họ. Trong Toxicity, Daron đã phối cho guitar và các nhạc cụ dây có những lúc lên tới 12 bè (trong khi đó thường chỉ là 2 trong đĩa đầu tay “System of a down”)
Bên cạnh đó, giọng hát của Serj Tankian cũng là kiểu giọng hát khá “độc” trong làng nhạc Rock vì anh vừa có thể gào thét giận dữ, vừa có thể hát sâu lắng (và còn luyến láy kiểu Trung Đông), chưa kể anh vừa có thể lên xuống rất nét ở những nốt có cao độ sát sàn sạt nhau, vừa có thể vút lên và thả xuống rất mịn từ nốt rất cao xuống rất thấp mà không cần quá cố gắng. Giọng của Serj Tankian phủ khắp khoảng 4.2 quãng tám.
Lan man một chút, có hai điều ám ảnh trong âm nhạc của SOAD khiến tôi hay lăn tăn: một đến từ vụ diệt chủng người Armenia năm 1915 (Thổ Nhĩ Kỳ khi đó thảm sát hơn 1.5 triệu người Armenia), và hai là từ Charles Manson kẻ giết người hàng loạt. Điều thứ nhất có thể hiểu được, vì chính ông của Serj Tankian là người sống sót sau vụ thảm sát đó, và anh thề làm mọi thứ để thế giới ghi nhận sự kiện lịch sử đó. Chính bài “Arto” không có tiếng hát nhưng nghe rất buồn thảm chính là thứ Serj Tankian dành cho các nhạn nhân từ gần một thế kỷ trước. Không những thế Serj dường như làm tất cả để Thế giới nhìn nhận vụ thảm sát đó là một vụ diệt chủng chứ không phải giết người hàng loạt đơn thuần như cách Thổ Nhĩ Kỳ ra sức biện minh.
Vậy còn Charles Manson và cuộc chiến màu da đầy tranh cãi, kết quả là các vụ giết người hàng loạt của Hội kín the Manson Family. ATWA lấy cảm hứng từ chính Charles Manson, người phát triển thuyết Helter skelter và race-apocalypse, và ngay cả Malakian cũng đã từng đăng đàn phát biểu đầy tranh cãi khi anh cho rằng anh không đồng ý với cái án Chung thân dành cho Charles Manson từ những năm 70s (!)
Chưa hết, Toxicity phát hành và lên no.1 ngay trong tuần đầu tiên, 1 tuần ngay trước sự kiện 11 tháng 9, “”Chop Suey!”, lúc đầu có tên là “Suicide” nhưng hãng đĩa không chịu do có câu hát “I cry when angels deserve to die.” SOAD lập tức lọt vào tầm ngắm của CIA.
Hãy nói về Charles Manson và ngày tận thế sắc tộc Helter Skelter vào một ngay khác. Tôi chỉ băn khoăn, phải chăng có một điều gì đó ở đây giữa giết người hàng loạt, và xung đột sắc tộc? Và hơn thế, tôi cố gắng tự giải thích việc các anh vẫn mang theo những thứ đó trong hơi thở của âm nhạc của thời hiện đại. Hay việc tạo ra thứ âm nhạc “không giống ai” như là một cách gây chú ý trước thế giới trước thông điệp của các anh? Trùng hợp thay, khi các anh ngừng ra đĩa, thế giới càng ngày càng trở nên bất ổn với nạn khủng bố và càng ngày càng nhiều vụ giết người hàng loạt ngay trước mắt mọi người.
Thế nên, tôi cho rằng SOAD và âm nhạc của họ, là những người rất dũng cảm khi cố gắng gây chú ý với thế giới theo cách của họ. Chưa kể, dân tộc Armenian quá nhỏ bé trước thế giới này (có khoảng 3 triệu người ở Armenia, và hơn 1 triệu ở Mỹ là số đông, và tôn giáo của họ đa số là đạo Thiên chúa), và thậm chí các thành viên trong SOAD còn đôi khi bị phân biệt chủng tộc ngay trong chính show diễn của họ. Serj luôn kiên định với tiếng nói của SOAD, khi trong show diễn, Serj thường trò chuyện với khán giả về hai điều mà SOAD luôn mang lại: 1- Rock, và 2- sự nhắc nhở với mọi người về tội ác diệt chủng của Thổ nhĩ kỳ.
Và nếu như bỏ qua yếu tối chính trị, mà mục đích của SOAD là muốn đưa đến cho người nghe một âm nhạc giàu cảm xúc - dù đó có thể là cảm giác kỳ quặc khi nghe đoạn verse với chuỗi giai điệu rất dị rồi để rồi sau đó là lặng đi với phần bridge hoặc điệp khúc giai điệu buồn cao trào - thì đối với họ, người nghe thấy quái hay không không phải là vấn đề. Quan trọng là, vượt qua sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, và sự ảnh hưởng, người nghe luôn cảm nhận rất rõ thông điệp của SOAD. May nữa, là sự khác lạ và hòa trộn giữa âm nhạc giữa Đông và Tây này lại cực hay về mặt nghệ thuật, thế nên đến Metallica cũng trở thành fan của hội SOAD này. Mesmerize và Hypnotize sau này cũng đạt 2 cái No 1 trong cùng một năm, điều mà trước đó chỉ có Beatles và Guns n Roses làm được.
Vậy đó, bạn có thể thấy nhạc của SOAD là sự tổng hợp của tất cả những đối lập:
Tiết tấu nhanh vs. chậm mà đôi lúc như dừng hẳn lại;
Âm thanh ồn ào vs. khoảng lắng đọng;
Giai điệu kỳ quặc vs. giai điệu đẹp buồn dẫn dắt ngay sau đó qua sự đổi tông liên tục của bài hát;
Tiếng hát trầm ấm của Serj vs. tiếng hét ở những câu bridge hay tiếng hát hơi the thé của Daron;
*** Bỏ qua những thứ gây tranh cãi, hay những lăn tăn của tôi về ý định của SOAD, với góc nhìn của một người nghe nhạc thuần túy, tôi nghĩ SOAD đã rất thành công khi muốn truyền đạt tới người nghe về các góc nhìn khác nhau trong cuộc sống. Chẳng thế mà lời bài hát của các anh cũng luôn hướng tới những bất đồng trong xã hội, ví dụ như ''BYOB'' nêu bật chuyện bất công khi người nghèo phải đi ra chiến trường, hay ''Violent Pornography'' chê trách sự hạ nhục hình ảnh của người phụ nữ. Và dù đó là thông điệp như thế nào, SOAD cũng rất giỏi với khả năng trào phúng và châm biếm khi phê phán hay nói chuyện chính trị. Chẳng hạn như những khúc chuyển rất nhí nhố như trong ''Radio/Video'', vừa hài hước vừa làm nhẹ đi tính nghiêm túc của nội dung lời hát, hay như ''Cigaro'' nói toẹt về hình ảnh dương vật để liên tưởng đến bộ máy quan liêu,.
Thế nên không chỉ có bọn tôi, mà các chuyên gia đầu ngành cũng thấy khó để xếp hạng nhạc SOAD vào thể loại nào. Ấy thế mà, anh Daron lại tự nhận là nhạc của SOAD có khi lại là nhạc pop (!). Tôi nghĩ đấy là anh chỉ trào phúng thôi, chứ nhạc pop mà như thế thì fan nhạc pop chạy mất dép.
Chỉ tiếc là từ khi đĩa Hypnotize được phát hành, cũng đã 13 năm rồi SOAD chưa bận tâm sáng tác thêm album mới. Và fan vẫn phải xào đi xào lại Steal This Album, Toxicity, và bộ đôi Mesmerize và Hypnotize.
Hy vọng các anh sẽ tiếp tục tìm cách để truyền cảm hứng, chứ không phải đã bỏ cuộc trước thế giới.
Hẹn gặp lại thứ 5.
Kink