Trước hết, xin được thứ lỗi với các bạn theo dõi EmoodziK vì bọn này thỉnh thoảng hay lấy Taylor Swift ra làm đề tài để đùa nhạt. Xin được khẳng định chắc chắn là bọn tôi không ghét Taylor, và dù chuyện riêng của cô với rất nhiều anh bạn trai có hư hư thật thật thế nào, chúng tôi vẫn đoan chắc Taylor là cô ca sĩ có tài và xinh gái. Chỉ là chúng tôi chưa "cảm" được nhạc của em thôi.
Nhưng không hiểu do Covid-19 đã đánh quỵ lòng kiên nhẫn của tôi, hay nó đã làm bộc phát những tài năng ẩn giấu, mà cái ngày Taylor Swift đưa thông báo ngắn gọn rằng em sẽ tung album mới với cái tên Folklore, nhìn cái bìa đĩa đen trắng chụp hình cô gái đứng trơ trọi trong khu rừng cùng cái tên rất đỗi nhẹ nhàng, Kroon tôi đây đã tuyên bố với mấy vị còn lại mà rằng: “ta có linh cảm đĩa này sẽ hay đấy”.
Y như rằng, sau khi nghe được hai lần cả album, những phím đàn và giọng hát của Taylor vẫn luôn thi thoảng vang lên trong đầu, thôi thúc tôi nhét hai cái earphone để ngẫm lại từng bài nhạc. Đến giờ thì Folklore chắc chắn thuộc trong những album hay nhất năm 2020 này đối với tôi, mặc dù là những đĩa trước đó của cô gái, cả khi tôi có thử nghe lại lần nữa, vẫn không thể cảm được hơn là bao.
Taylor Swift đã luôn thuộc số ít các nghệ sĩ thành công nhất thị trường âm nhạc quốc tế về mặt thương mại. Số lượng fan đông đảo cả ở Việt Nam đến nỗi mỗi khi cô gái phát hành nhạc mới là có rất nhiều người có những bài phân tích rất chi tiết về các tác phẩm. Album Folklore cũng không nằm ngoài quy luật này! Vậy nên tôi, dù rất hứng, nhưng cũng phải đợi đến khi album này nguội chút mới thử chém gió xem sao.
Trước Folklore
Điều mà cá nhân tôi trước đây chưa bao giờ hợp nhạc của Taylor Swift chính là phần âm nhạc quá “trẻ trung” của cô gái không nhắm đến hội già đầu như bọn tôi. Do đó bài viết này chỉ mang tính chủ quan với một góc nhìn khác từ kẻ không thuộc thị trường mục tiêu. Kể cả hai album 1989 (2014) và Red (2012) vừa được tạp chí Rolling Stone đưa hẳn vào Top 500 Album hay nhất mọi thời đại trong danh sách mới cập nhật, cá nhân tôi vẫn thấy có một sự “nhàm tai” ở phần giai điệu và hoà âm.
Taylor Swift thực ra có một công thức sáng tác nhạc rất đặc trưng hay áp dụng, đó là “giai điệu một nốt”. “Giai điệu một nốt” là chuỗi các nốt liền nhau trong mấy khuông nhạc mà chỉ quanh quẩn ở đúng cao độ của nốt chủ đạo, thường là nốt trong bộ hợp âm làm giọng của cả bài hát.
Với đĩa 1989, công thức này nếu để ý nghe sẽ thấy rất rõ khi giai điệu bị ngang và cứng đơ từ ca khúc đầu tiên “Welcome To New York” và tiếp tục lần lượt ít nhiều xuất hiện ở các track sau đó.
Còn ở đĩa Red mà tôi thấy chất lượng có khá hơn chút, các bài “State Of Grace”, “Red”, “22”, “All Too Well”, “Holy Ground” và mấy track nữa đều có kiểu mở đầu trong đoạn verse giai điệu một nốt nhạc. Dĩ nhiên sẽ có 1-2 nốt ở cao độ liền kề được đưa vào xen kẽ nhưng nốt chính giữ nguyên xuất hiện tần số dày nhất bài và thường kéo dài liền nhau ít nhất 2-3 khuông nhạc. Cách thể hiện giai điệu một nốt này trên nền tempo nhanh vừa phải sẽ cho phép Taylor Swift viết được lời hát dài và đưa người nghe tập trung nội dung hơn. Chưa kể cảm giác “ngang phè” đó tự dưng làm nổi lên những câu nhạc có lên xuống ngay sau đó, đặc biệt khi điệp khúc mà có một giai điệu trầm bổng rõ rệt thì toàn bộ năng lượng và cảm xúc sẽ được dồn hết sự giải toả ở phần điệp khúc.
Sự lặp lại trong nhạc của Taylor Swift nếu có tránh được kiểu giai điệu một nốt ở phần verse thì có khi lại theo một chuỗi những nốt lặp đi lặp lại trong mỗi khuông nhạc như bài “I Knew You Were Trouble”. Các nốt “si la sol fa re” được copy và paste đến 4 khuông nhạc liền nhau. Hoặc như cái câu "ever ever ever" trong bài "We Are Never Getting Back Together" trứ danh mà đến Max Martin phải khen lấy khen để. Tôi thật.
Nhưng cũng không thể phủ nhận là việc sử dụng tính lặp trong giai điệu hay đơn giản nhạc một nốt của Taylor giúp cô gái có được những đoạn điệp khúc cao trào hơn nhưng không phải bài nào cũng đạt cảm xúc cần thiết và hiệu quả, như bài “Blank Space” chẳng hạn. Đấy là chưa nói đến trước đây khi tôi nghe nhạc của cô, thường là tôi sẽ skip luôn bài đó nếu giai điệu và hợp âm giản đơn hoặc nếu có được câu điệp khúc vớt vát lại thì khi trở lại phần verse, sự “nhàm tai” lại ùa về khiến tôi phải chuyển sang nghe nhạc khác.
Tệ hơn là những bài do nhà sản xuất nhạc rất công thức máy móc như Max Martin khi phối hợp với Taylor trong đĩa Red và 1989 lại càng làm tôi tụt cảm xúc ở những đoạn điệp khúc sôi động nhưng rất hời hợt.
Tuy vậy công bằng mà nói, trong album Red của cô gái, khi xuất hiện mấy bản nhạc không chạy theo công thức viết nhạc kể trên, thì lại là những bài có chất lượng, như “The Lucky One”, “I Almost Do” và đặc biệt “Sad Beautiful Tragic”.
Thực ra “giai điệu một nốt” không phải chỉ là bí quyết gì độc quyền của Taylor Swift, nó giờ là thứ không thể thiếu trong nhiều bài hit trên các bảng xếp hạng.
Do đó, tôi cũng giật mình nhìn lại hai nghệ sĩ nữ hát nhạc Pop mainstream gần giống như Taylor mà tôi rất thích, đó là Billie Eilish và Dua Lipa. Và tôi phát hiện là:
Billie Eilish có bài “Bad Guy” cực đặc trưng trong cách dùng “giai điệu một nốt”. Nốt lặp của bài là nốt bậc 3 của giọng bài hát tạo cảm xúc và sau đó còn là nốt bậc 9 trong hợp âm Cm9 rất sáng tạo tiếp theo. Không những thế tiếng đàn bass ở đầu và đàn synth sau đó lại mới là đóng vai trò chơi câu giai điệu trầm bổng chính (nhạc cụ thay lời ca). Ngoài “Bad Guy”, các bài khác của Billie đều không lạm dụng “giai điệu một nốt” này.
Dua Lipa thì có bài “Don’t Start Now” có đoạn một nốt ở phần điệp khúc (ngược với cách của Taylor Swift). Thế thôi! Mỗi bài còn lại đều có những câu giai điệu biến đổi cực bắt tai theo cách nhạc Pop mà rất đi vào lòng người.
Vậy có gì hay ở album Folklore của Taylor Swift lại khiến tôi mê mẩn đến vậy?
Sau khi nghe Folklore
Bỏ qua phần lời có cách kể chuyện đa nghĩa rất khéo léo của cô gái mà rất nhiều người đã phân tích trước đây. Điều đầu tiên rõ nhất chính là không khí sâu lắng đầy cảm xúc mà âm nhạc của Folklore mang lại. Nó là sự tối giản trong phần hoà âm mà Taylor cùng Aaron Dessner (từ ban nhạc indie rock The National) và Jack Antonoff cùng sáng tác và sản xuất.
Thay cho rất nhiều track nhạc cụ thường có trong các album trước, đĩa Folklore chỉ có tiếng đàn piano, đàn guitar, synth làm chủ đạo. Sự hoà hợp giữa những nhạc cụ truyền thống và tiếng đàn điện tử tạo cảm giác huyền ảo có phần ma mị như hình ảnh sương mù phủ quanh cô gái trong cánh rừng ở bìa đĩa.
Âm thanh bị lược bỏ mỏng tang. Tốc độ tempo được giảm xuống chậm rãi. Tự dưng cả không gian âm nhạc đầy những khoảng trống hư vô cho giọng hát của Taylor Swift và giai điệu ca khúc trôi bồng bềnh phiêu lãng. Và như thế thì không thể đi theo công thức “giai điệu một nốt” được nữa rồi, vì như thế sẽ nghe rất kỳ và lộ rõ âm thanh ngang phè. Nhưng thực tế là “một nốt” vẫn xuất hiện như một đặc trưng của nhạc Taylor Swift, chỉ là ít hơn và khác đi thôi.
Ở album này, cô gái không màng tới công thức tạo bản hit nữa và Folklore là một sản phẩm anti-pop đúng nghĩa. Các ca khúc không chỉ bị tối giản về nhạc cụ, mà còn không có cao trào đầy năng lượng tuổi trẻ của nhạc Pop. Ấy vậy mà âm sắc trong nhạc của Taylor lại đẹp hơn trước đây rất nhiều.
Bài “cardigan” có một giai điệu và lối hát chịu ảnh hưởng rất rõ của Lana Del Rey. Câu piano làm nền đơn giản nhưng tuyệt đẹp như một giai điệu hát phản chiếu cho tiếng hát của Taylor. Ở đây, cô gái vẫn dùng chiêu “giai điệu một nốt”, nhưng thay vì cho ở phần verse thì cô lùi nó ở đoạn pre chorus: “But I knew you / Dancin' in your Levi's / Drunk under a streetlight, I / I knew you /Hand under my sweatshirt / Baby, kiss it better, I”
Cách dùng các nốt cùng cao độ ở khúc này tạo cảm giác chơi vơi giữa bài mà không bị ngang tai vì tempo bài chậm cho phép Taylor nhả hơi từng nốt đều có hồn, và lại hiệu quả khi sau đó đưa người nghe tới điệp khúc nhẹ nhàng sau đó để giải toả. Để ý thấy là cao độ của điệp khúc trầm xuống, chứ không đẩy cao lên như các album trước hay làm.
Bài “exile” sau đó cũng có một đoạn ngắn trên một nốt nhạc ở phần điệp khúc, kéo dài chỉ hơn một khuông nhạc. Nhưng đoạn nhạc đó không lộ chút điểm yếu nào khi mà giọng nam trầm ấm áp của Justin Vernon (trưởng nhóm Bon Iver) song ca cùng Taylor Swift hay vô cùng.
Bài “seven” có phần một nốt kéo dài liền nhau trong hai khuông nhạc cũng lại ở điệp khúc (ngược với công thức thường dùng của Taylor) “Sweet tea in the summer / Cross your heart, won't tell no other / And though I can't recall your face / I still got love for you / Your braids like a pattern / Love you to the Moon and to Saturn / Passed down like folk songs /The love lasts so long”, nhưng nó bị kẹp giữa bởi phần verse và bridge với giai điệu cực ngọt ngào và đẹp tuyệt vời, mà không cần công thức đẩy cao trào qua những nốt nhạc ở quãng trên.
Các track khác như “my tears ricochet”, “mirrorball”, “august”, “this is me trying”, “illicit affairs” đều là những bản nhạc quyến rũ theo từng cách riêng, không có những đoạn giai điệu một nốt, hoặc nếu xuất hiện thì không quá rõ ràng mang tính rập khuôn. Tất cả cũng nhờ không gian âm nhạc êm đềm của dòng nhạc Folk mà Taylor Swift đi theo trong album này đã loại bỏ bất kỳ công thức tạo hit nào cho nhạc thị trường, đánh dấu một sản phẩm âm nhạc thực sự có ý nghĩa và cho tôi cảm nhận được tài năng đúng nghĩa của cô gái.
Gọi album này là anti-pop nhưng thực tế nó vẫn thành công rực rỡ về mặt thương mại và các fan trung thành của Taylor vẫn khen ngợi hết lời. Thế nên có thêm một người đổi ý như tôi cũng không làm thay đổi cục diện. Chỉ mong là cô gái vẫn tiếp tục theo hướng đi này. Và nếu được, tôi nghĩ Taylor nên có những cách thể hiện giọng hát sáng tạo và bớt đơn điệu hơn, có thể theo cách ma quái mà vẫn mê hoặc như cách Lana Del Rey hay như chính trưởng nhóm của Bon Iver trình bày trong "exile", bài hát hay nhất của album Folklore này.
Năm 2020 quả là một năm tệ hại vì quá nhiều vấn đề, đặc biệt là đại dịch Covid. Nhưng quãng thời gian cách ly lại giúp con người ta sống chậm lại và ngẫm nghĩ lại mọi thứ. Tôi nghĩ Taylor Swift cũng vậy. Cô cũng có thời gian để chiêm nghiệm, nuôi dưỡng một sản phẩm âm nhạc trưởng thành. Biết đâu có khi Folklore mới là album cô vẫn luôn muốn làm nhưng chỉ vì quãng thời gian này mới mang cho cô gái sự dũng cảm để một lần làm thứ mà thị trường chưa chắc đã thích (dù kết quả là ngược lại): viết những giai điệu nhiều màu sắc.
Tôi thấy khá hào hứng chờ đợi sản phẩm tiếp theo của em. Sẽ trở lại là một Taylor Swift "màu mè" với những màn trình diễn hoành tráng như lâu nay, nhưng giai điệu đơn sắc; hay sẽ tiếp tục là một Taylor Swift náu mình trong studio (vì covid hoặc một cái gì đó đại loại thế) và ra những album bìa đen trắng nhưng giai điệu đầy sắc màu?
Nhưng trước mắt thì chúc mừng "em" Covid-19 đã tròn 1 tuổi.
Hẹn gặp lại!
Kroon