top of page

The Black Keys: có “trắng” chẳng nhẽ không có “đen”

Năm 2019 vừa rồi có một trong những quả tái xuất giang hồ gây hứng thú chính là bộ đôi The Black Keys với album Let’s Rock. Sau 5 năm kể từ đĩa Turn Blue, cặp đôi gồm Dan Auerbach (guitar và hát) và Patrick Carney (trống) mới tái hợp sau cái lần Pat đi bơi bị lệch vai, phải huỷ tour diễn sau đó vì không đánh được trống.


Tranh thủ nghỉ ngơi, cả Dan và Pat nhận ra việc họ đã quá mệt mỏi với chuyến lưu diễn dài. Họ đều nhận thấy tình yêu thực sự của họ với ban nhạc và âm nhạc là được sáng tác và thu âm các tác phẩm mới chứ không phải những show diễn. Hơn cả là Dan và Pat cũng cần giành nhiều thời gian cho gia đình và con cái hơn.

Thời gian nghỉ dài cũng khiến Dan quan ngại việc khả năng tan rã của ban nhạc khi mà lần diễn cuối của họ là tại San Francisco, nơi đã có các ban nhạc chia tay nhau sau lần biểu diễn cuối như The Beatles, Sex Pistol, hay The Band. Thế rồi trong lần tham gia mấy dự án âm nhạc riêng, Dan bỗng dưng nhớ đến ông bạn thời thơ ấu Pat nên gọi điện rủ quay lại làm nhạc. Khoảng thời gian nghỉ ngơi dài đó lại mang cho hai tay này có được đầu óc tươi mới và họ quyết định quay về cơ bản như thời còn phát hành mấy album đầu tay. Vì ở mấy đĩa gần đây hai đứa hợp tác khăng khít với tay sản xuất thần sầu Danger Mouse, người cũng bổ sung thêm âm thanh “mới” cho The Black Keys. Nhưng giờ hai cậu này tìm lại cảm hứng nguyên thuỷ từ thời chập chững thuở ban đầu, đó là tự sản xuất nhạc, và chỉ có hai thằng jam nhạc với nhau, Dan đánh guitar và hát, còn Pat nện trống, chơi thể loại mà hai thằng vẫn khoái, blues rock và garage rock.


Các bạn nghe thấy quen quen không? Deja vu chăng?!


Jack White của The White Stripes, ban nhạc từng được coi là người hùng đẩy lùi nhạc pop của boyband/girlband, cũng từng nghĩ vậy đấy. Jack bảo là: “Bọn trẻ giờ chỉ chăm chăm ăn mặc giống hội khác vì bọn nó chẳng biết tạo phong cách riêng, và có bọn nhạc sĩ cũng giống vậy. Khi tao nghe mấy đoạn quảng cáo trên TV mà nhạc nghe bắt chước giống hệt nhạc của tao, tao đã từng tưởng nghĩ đó là nhạc của mình. Hóa ra là đến nửa số đó là The Black Keys. Nửa còn lại là mấy bài nghe na ná vì hội đó không mua bản quyền được nhạc của tôi.”


Đấy, sự so sánh giữa The Black Keys với The White Stripes là không tránh khỏi. Cả hai nhóm đều chỉ có 2 thành viên đánh guitar và trống, cùng chơi nhạc blues rock và garage rock, và tên ban nhạc đều có màu “Trắng” của The White Stripes và “Đen” của The Black Keys. Nhục là The White Stripes lại thành lập trước và thành công sớm hơn. Vậy nên tôi mới thử so sánh xem hai anh “Phím Đen” chơi có giống anh chị “Phệt Trắng” không.


Đầu tiên là sự hợp tác khởi đầu của DanPat cũng rất tình cờ khi Dan muốn mượn studio “ghẻ” của Pat để ghi âm với ban nhạc mà anh đi lượm lặt ở ngoài. Nhưng hôm đó chả có ma nào xuất hiện, Dan bèn jam cùng Pat. Được cái hai cậu này quen nhau từ năm còn học cấp một do ở cùng khu phố. Dù cho phong cách trái ngược, Dan thì cool hơn chút vì là đội trưởng đội bóng đá còn Pat thì như tay mọt sách không chơi với ai, nhưng do hai đứa đều có nền tảng tiếp xúc âm nhạc từ bé nên cái điểm chung đó gắn cảm xúc chúng với nhau. Vì vậy lần jam đầu đó, Dan và Pat thu âm rất ăn ý.


Sự đồng cảm và hiểu ý giữa hai người bạn này vẫn duy trì đến giờ mà mỗi lần đánh đàn, đặc biệt tại studio là phải ở khoảng cách đủ gần để có thể nhìn nhau mà ra hiệu. Sự đồng điệu và hiểu ý của The Black Keys cũng na ná như cách Jack WhiteMeg White giao tiếp bằng mắt với nhau. Nếu có khác thì chắc là Jack và Meg hiểu nhau vì đã có thời là vợ chồng, còn Dan và Pat là hai anh đực rựa và sau này đều có gia đình riêng. Chưa kể đến Jack dường như chủ động biến tấu trên nền nhạc đều đặn của Meg còn sự phối hợp giữa Dan và Pat đồng đều hơn.


Ở 4 album đầu tay của Black Keys, sự so sánh với The White Stripes là khó tránh khỏi. Vì lúc này đây, nhạc của The Black Keys cũng tối giản thô sơ trên hai nhạc cụ của trống và guitar (không có bass), nhất là dòng nhạc garage rock và blues rock thì lại càng khiến những câu guitar bluesy xen kẽ giữa những lời hát càng vạch ra sự tương tự giữa hai ban nhạc. Có điều, tôi thấy nhạc của White Stripes nghiêng về garage rock hơn còn Black Keys thì thiên về blues rock hơn, và 4 đĩa đầu tay của The Black Keys, The Big Come Up, Thickfreakness, Rubber Factory, Magic Potion thì nghe không sướng bằng nhạc của Stripes. Điển hình trong không gian âm nhạc tối giản của 3 mảng âm thanh: guitar, trống và hát, thì tiếng guitar của Jack nổi hơn với sự ngẫu hứng, bẩn bựa và cá tính. Còn với Dan, anh chơi đàn hay nhưng do anh và Pat cùng dàn đều vai trò hơn nên tự nhiên không có nhiều câu đàn đáng nhớ. Bản thân tiếng trống đơn giản nhưng như giã chày của Meg cũng là thứ mang lại màu sắc đặc trưng cho Stripes nên dẫu cho nhạc của Keys dầy tiếng hơn, nó mất đi sự độc đáo và thô kệch kiểu garage rock, chưa kể cách làm dày nhạc của Jack bằng cách phủ trống những khoảng lặng bằng các câu lick độc chiêu.


Thành ra nhạc của The Black Keys nghe không giống như The White Stripes đâu. Điều đó càng được chứng tỏ khi Dan và Pat gặp Danger Mouse.

Cũng vì hai chàng trai này không có phong cách màu mè như White Stripes nên họ cũng theo đuổi sự nghiệp âm nhạc chậm rãi hơn. Không thích theo mấy hãng đĩa to đùng. Không muốn bán bản quyền nhạc cho mấy clip quảng cáo vị sợ mang tiếng “sell-out” dù thiếu tiền bỏ mẹ. Cái lần họ từ chối khoản tiền 200 ngàn bảng pound bán nhạc cho một đoạn quảng cáo khiến agent của họ suýt điên loạn khi mà hai người lúc đó chỉ kiếm được có 539 đô cho một lần biểu diễn. Rồi đến khi đói quá, Dan và Pat mới quyết định thương mại hoá nhạc họ cho mấy chương trình thì họ mới dư dả. Tính đến giờ, nhạc của The Black Keys nhan nhản trên đến hơn 300 chương trình quảng cáo khác nhau, thứ mà Jack White luôn từ chối. Nhưng không vì thế mà Dan và Pat đã "sell out", dù hai anh đã rất cởi mở hơn rồi. Vì thế lần hợp tác với Danger Mouse cho album Attack & Release và tiếp tục như thế cho Brothers, El CaminoTurn Blue, đã mở rộng cánh cửa cho Dan và Pat ra thế giới. The Black Keys trở thành cái tên nổi tiếng mà có show được trả đến tiền triệu Đô la. Cái mới mà Danger Mouse mang lại cho The Black Keys là kỹ năng sản xuất với máy móc chuyên nghiệp, bổ sung tiếng bass rồi keyboard để nhạc mềm tiếng hơn và còn giúp đồng sáng tác cho Dan và Pat. Nhạc của The Black Keys vì thế bắt đầu không còn bị so sánh với The White Stripes. Cái chất blues với giọng hát và giai điệu soulful của Dan vẫn luôn là điểm mạnh của nhóm, nhưng nhờ Danger Mouse mà nó được tô vẽ đậm nổi bật hơn. Chứ không phải là do Dan hay Pat thua kém gì với Jack và Meg về tài năng hay kỹ thuật. Nếu nói đến Dan. Để so anh với Jack White thì cũng hơi khập khiễng. Như đã nói ở trên, khả năng dẫn dắt và ngẫu hứng của Jack khi ở The White Stripes là thượng thừa. Những câu lick của Jack nghe đều bất ngờ và nổi bật. Còn Dan thì cố tình lùi về chơi ngang với Pat, thay vì cố phô trương kỹ thuật. Với nền tảng và ảnh hưởng bluegrass, âm sắc luôn là thứ quan trọng nhất với Dan. Anh chủ đích luyện guitar thuần thục nhưng không chú tâm để cố thành một bậc thầy guitar. Anh nắm đủ kỹ thuật và chơi slide giỏi. Anh cũng thể hiện khả năng solo guitar chỉ khi thực sự thuận cho bài hát, như trong "Remember When (Side B)", "Little Black Submarines".

Mục đích chính của Dan là tạo cho nhạc của The Black Keys một màu sắc riêng. Càng về sau này, ý đồ đó càng được bộc lộ rõ. Như một nghệ sĩ vẽ tranh, Dan dùng đàn guitar để tô vẽ cho bức tranh âm nhạc đó chứ không phải lấy cây guitar ra làm hình chủ đạo. Đây chính là điểm khác biệt lớn với Jack White. Không có phương thức tiếp cận nào nhỉnh hơn khi so hai người này, nên tin tốt là người nghe có thể thưởng thức tài năng không bị lẫn lộn của Dan hay Jack.

Nếu lấy bài "Run Right Back" trong đĩa El Camino ra làm ví dụ sẽ thấy sự chú tâm về giai điệu của Dan trong nhạc của The Black Keys. Khi bạn nghĩ giai điệu đoạn verse đã lên xuống êm ái thế nào thì đến điệp khúc nó còn catchy hơn, rồi đến câu đàn lại còn “kêu tai” hơn nữa. Tự dưng đến nước đó rồi thì lời bài hát không còn quá quan trọng nữa. Nhiều bài khác của The Black Keys cũng vậy, như "Dead And Gone", "So He Won’t Break", v.v.

Đặc điểm chung của nhạc The Black Keys vì vậy là vòng hoà âm bluesy và soulful êm tai hơn, khi so với âm thanh hay theo kiểu thô ráp của The White Stripes. Cũng vì thế, giọng hát mà Dan mang lại cũng ngọt ngào hơn tiếng hát chảnh choẹ của Jack. Dan hát nhẹ nhàng tình cảm và như cách anh thử giọng giả thanh falsetto trong Stop Stop, mọi thứ đều cân bằng tương phản giữa giọng hát và tiếng guitar rè đặc.

Nói đến Pat - nếu việc so sánh giữa Dan với Jack đã hơi khập khiễng rồi - so sánh giữa Pat với Meg White càng cà thọt hơn. Meg thì không phải sinh ra để đánh trống: cô "nện" chúng. Vì vậy tiếng trống đanh và khoẻ đều đều của Meg là âm thanh vô cùng đặc trưng. Còn ngoài ra cô không nắm nhiều chiêu trò khác. Pat hóa ra cũng gần như vậy. Anh không buồn luyện nhiều trò như chơi hai chân bass thật nhanh, hay khoa chân múa tay những câu fill dồn trống điên loạn. Tempo mà Pat hay chơi nhất là quanh quanh 85-110 trong đó mức 92 là anh thoải mái nhất. Ở đĩa Brothers, nhịp độ trong khoảng đó, nhưng Pat và Dan nhận thấy khó gây sôi động khi đánh live. Vì thế tốc độ trong El Camino được tăng lên 125-130. Tốc độ nhanh hơn khiến Pat phải luyện tập chút và ngạc nhiên là có những bài như "Lonely Boy" mà nhịp điệu cực đơn giản nhưng anh chưa bao giờ đánh trước đó nên thậm chí phải "tập căn bản" lại.

Tự nhận là mình không phải tay trống giỏi và anh cũng chẳng bận tâm những lời nhận xét tiêu cực từ một số người nghe chỉ vì Pat không chơi những câu fill quái chiêu. Bản thân bộ trống anh set up cũng vừa đủ cho nhu cầu dùng thực sự. Vì cái Pat muốn là âm thanh tạo ra đúng ý anh muốn trong tầm kiểm soát. Như bài "Strange Time", Pat thể hiện uy lực trong sự kiểm soát âm lượng. Do vậy tiếng trống của anh kha khá giống Meg ở điểm thẳng thừng và tối giản (dù là không quá tối giản đến như Meg). Tuy vậy, cái anh khác Meg là sự biến đổi nhịp điệu và tốc độ của Pat, mà Dan cực khoái khi được dẫn dắt tiếng đàn theo.

**** Trong đĩa mới nhất Let’s Rock (2019), sự quay ngược về cơ bản của Dan và Pat tự dưng lại tạo sự mới mẻ cho The Black Keys. Chỉ có hai đồng chí tự sản xuất và chơi đàn. Dan giờ kiêm thêm cả bass cho phần thu âm. Không có keyboard. Tiếng keyboard mà có trong "Walk Across The Water" là được bật từ trống điện tử. Nhờ kỹ năng sản xuất thu âm có kinh nghiệm và cũng do dư dả về tiền bạc hơn, nên chất lượng âm thanh của Let’s Rock tốt hơn hẳn so với hồi nhà nghèo. Đã thế đôi bạn nhồi thêm tiếng bass cũng giúp “chiếc bánh mỳ” giờ đã có thêm nhân thịt cũng dễ ăn hơn bánh mỳ khô hồi xưa, ngon ngang ngửa nồi phở mà vợ chồng hờ Jack White và Meg White từng nấu. Jack thì giờ cũng hết hậm hực The Black Keys rồi. Pat cũng thế, không lên Twitter méc mọi người việc Jack định đánh anh như thế nào nữa. Cái lần Jack thu âm cho album mới của band Raconteurs của anh, Pat còn ghé qua cho mượn cái micro. Nói Jack đừng giận chứ hắn cứ bảo The Black Keys bắt chước The White Stripes hồi đầu, nhưng từ lúc solo cho đến giờ với các dự án khác như của Raconteurs, Jack cũng toàn chơi nhạc bluesy và soul giống The Black Keys.

Hẹn gặp lại.

Kink

309 views

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page