top of page

The Cure: người hùng Robert Smith

Vào một ngày đẹp trời tại một thị trấn nhỏ, có một nhóm học sinh cấp 1 bao gồm Cartman, Kyle, StanKenny tham gia hoạt động ngoại khoá khảo cổ. Thằng béo Cartman bỗng tìm thấy một viên đá hình tam giác có vẻ quái quái. Nó chả biết làm gì nên vứt đi.

Thế nhưng thằng cu người Do Thái trong hội, Kyle, lại để ý và nhặt lên. Ông thầy nó nhìn thấy và nhận ra vài dòng chữ cổ đại trên đó.

Mấy ngày sau, tại trường tiểu học của mấy thằng cu con, có một người đàn ông (một nhà phê bình phim không nổi tiếng lắm) đến tìm gặp ông đầu bếp (trước đây là ca sĩ nhạc soul) của trường để dò la tìm hiểu xem nữ ca sĩ Barbara Streisand đã đến thị trấn chưa. Tình cờ liếc thấy trên tivi đang phát chương trình về bọn trẻ con phát hiện ra khối tam giác cổ đại nọ, nhà phê bình phim liền cảnh báo với ông đầu bếp là bọn trẻ con đang gặp nguy hiểm. Ông vô tình biết được là Barbara Streisand đang cố tìm nốt mảnh tam giác còn thiếu đó để lắp thành viên Kim cương của Pantheos, giúp bà biến thành con quái vật cực kỳ lợi hại có thể thống trị thế giới.

Ông phê bình phim và ông đầu bếp chưa kịp tìm ra bọn trẻ con thì Barbara đã tìm được chúng trước ở bến xe buýt. Bà dụ bọn trẻ đưa ra khối tam giác bằng mấy xập tiền. Lúc đầu, Stan, Kyle và Kenny tỏ ra nghi ngờ nhưng thằng Cartman tham lam bị dụ dỗ đi theo bà ca sĩ đến căn nhà trên núi, khiến 3 thằng kia lại phải đi theo. Tại đây, bà ta trói bọn trẻ con lại và tra tấn bằng mấy bài hát của bà khiến cho thằng béo Cartman không chịu được phải đưa ra khối tam giác.

Ghép được viên kim cương cổ đại, Barbara Streisand lập tức biến hình thành con khủng long máy khổng lồ tên là Mecha-Streisand và bắt đầu tàn phá thị trấn của bọn nhỏ bằng cách thải ra đống phân nguyên tử (!).

Nhà phê bình phim lúc này mới bảo với ông đầu bếp gọi ngay cho Robert Smith - ca sĩ của nhóm The Cure đến trợ giúp, còn bản thân ông tự biến thành một con robot khổng lồ để cầm chân Mecha-Streisand, mặc dù ông cũng bị đánh bại nhanh chóng. Bỗng, tòi đâu ra một tay diễn viên (cũng không nổi tiếng lắm) chạy đến giúp bằng việc biến hình thành con rùa có vây khổng lồ... nhưng đánh cũng chả lại. Được cái câu thêm được ít giờ.


Cuối cùng Robert Smith cũng kịp đến. Anh biến hình thành con sâu bướm khổng lồ tên là Smith-Moth. Smith-Moth đánh bại Mecha-Streisand khiến cho con quái vật nổ tung trên vũ trụ.

Quay trở lại hình hài người thường, Robert Smith được cả thị trấn tung hô. Thằng Kyle không quên hét lên với thần tượng của nó: “Disintegration là album hay nhất mọi thời đại!!!!”.

Smith-Moth đập chết Mecha-Streisand

Trên đây là nội dung của một episode trong season đầu tiên của series phim hoạt hình South Park. Với hội làm phim South Park, Robert Smith và nhóm The Cure là thần tượng thực sự. Với bọn trẻ con trong South Park, Robert là người anh hùng giải cứu thị trấn. Với bọn cháu của Robert ngoài đời, chúng tự dưng quay ra thần tượng ông chú mình... sau khi xem tập phim này, mặc cho bao thành tựu mà ông đã đạt được trong ngành âm nhạc trước đó.

Vậy tại sao hội làm phim South Park lại gây dựng nhân vật Robert Smith như một anh hùng thực sự? Tôi nghĩ kể cả Robert không giải cứu thế giới với siêu năng lực của anh, nhưng anh đã giải cứu hội hâm mộ âm nhạc, đặc biệt là đám emo kids (rất hay xuất hiện trong series South Park) bằng thứ âm nhạc độc đáo và lôi cuốn một cách kỳ lạ của anh và nhóm The Cure.


Một trong những thứ độc đáo mà chỉ có ở The Cure chính là tiếng đàn của Smith.


Có một điều ít người để ý, là mặc dù đội hình của band The Cure bị thay đổi khá nhiều, thành viên kỳ cựu nhất (ngoài nhân vật chính Robert Smith), và là người đóng góp nhiều nhất cho nhóm, là tay bass Simon Gallup. Dù hồi đầu hai gã này đều là những kẻ cứng đầu ương bướng, nhưng sau vài lần cãi vã, cả hai cuối cùng đã trở thành đôi bạn thân. Sự ăn ý giữa hai người trong âm nhạc tốt vô cùng: các bài hát của nhóm đều được Smith và Gallup sáng tác dựa trên nền tảng nhịp điệu của phần trống được soạn cùng với tiếng bass đầy giai điệu của Simon Gallup. Sau đó Smith sẽ thêm thắt phần guitar, hát và cả keyboard nếu cần. Giống như nếu Smith là Sherlock thì Gallup là bác sĩ Watson vậy.

Có thể thấy ngay hầu như các bài của The Cure đều có âm sắc nhịp điệu và tiếng bass rất ngầu. Với chất lượng track  từ âm bass quá xuất sắc của Gallup, sức ép lên Smith cho phần guitar cũng tự nhiên nhiều lên. Không hề gì, vì với bản thân gã vốn sống trong gia đình có cô chị là thần đồng piano, Smith đã từng cay cú chuyển sang luyện guitar để tránh đụng hàng và sự so sánh không đáng có.

Ở hai album đầu của Cure, Three Imaginary BoysSeventeen Seconds, Robert Smith đã sớm phát triển được những câu guitar đặc trưng rất hay. Chẳng hạn như trong bài "Killing An Arab" (vâng, đúng là Arab đấy), Smith đánh tiếng đàn trong trẻo theo bước nhạc của Trung Đông, xen kẽ điểm sót với tiếng guitar điện rè đặc. Không thích kiểu chơi này lắm, nhưng cũng không nói được cái tay cứng đầu này, ông bầu của gã bèn đổ tại cây guitar của Robert Smith là loại rẻ tiền, bắt kiếm con guitar nào ngon hơn thì mới cho đánh phòng thu. Smith lúc đó vốn đang chơi cây guitar mua ở siêu thị, Woolworth top 20, và gã cực thích tiếng của cây này (Robert Smith thu nguyên đĩa Three Imaginary Boys với cây đàn này), bèn miễn cưỡng đi ra ngoài mua một cây Fender JazzMaster cho có lệ. Smith về tháo pickup của cây Woolworth top 20 lắp lên cây JazzMaster để giữ nguyên cái âm thanh ưa thích, và cầm cây guitar Fender Jazzmaster (chỉ là cái vỏ) rồi, ông bầu của The Cure giờ chả còn cớ gì mà bắt bẻ được gã nữa.

Robert Smith và cây Woolworth Top 20

Cách đánh của Smith lúc này đã thể hiện đầy cá tính trong từng câu đàn. Như trong bài "Play For Today" ở đĩa Seventeen Seconds, anh sử dụng kỹ thuật “đánh chuông” trong đoạn intro, hay như phần solo trong đoạn cuối outro của bài "A Forest" cũng là kiểu âm sắc điển hình. Smith tự nhận mình không nằm trong nhóm shredder hay virtuoso, mà thay vào đó, anh hướng tới việc tạo ra âm sắc riêng trong guitar của chính mình, điều mà ở thời của Smith chả mấy ai làm. Thậm chí anh còn có sở thích chỉnh dây lệch tông đi chút, bởi vì với Smith, ngay cả cách nện dây nặng hay nhẹ cũng đòi hỏi việc chỉnh dây khác nhau - thế nên chỉnh dây thật chuẩn bằng máy với Smith là trò nhảm nhí.


Đỉnh điểm trong tạo ra âm thanh guitar rất “The Cure” là khi Robert Smith được sờ vào cây Fender Bass VI mà tay sản xuất nhạc cho nhóm lúc đó - Mike Hedges chôm được từ một hội khác. Cây đàn này đâm ra cũng chả khác gì cây guitar bình thường trong mắt của Smith, trừ việc nó được chỉnh thấp hơn 1 quãng tám (octave) nên tiếng trầm hơn guitar thường. Smith như tìm được thế giới mới, và anh gắn chặt với nó ngay sau đó và tạo ra những bản nhạc kinh điển của The Cure từ đĩa Faith (1981). Trong bài "Primary" chẳng hạn, Robert Smith đánh song song câu nhạc với tiếng bass của Simon Gallup ở một bè khác và chen vào những nốt ở dải cao hơn nhưng âm thanh lạch tạch hơn do dây đàn dầy hơn guitar bình thường. Từ đó tiếng đàn kiểu “The Cure” được khai phá.


Trong đĩa Disintegration (1989) mà thằng cu Kyle hét ầm ĩ là đĩa hay nhất mọi thời đại, cây Fender Bass VI được sử dụng tối đa. Thậm chí có bài cả Smith và Gallup đều cùng đánh cây đàn này (dĩ nhiên Smith sẽ không đánh dải âm trầm vì ai cần lo phần bass khi đã có Gallup) Mặc dù với tôi, album này không phải là khoái khẩu nhất - do tiếng keyboard được tôn lên nhiều quá làm mềm phần rock đi khiến cho tôi không cảm nhận được âm thanh guitar độc đáo của Robert một cách trọn vẹn - màu sắc đen tối của nó vẫn là một thứ đặc sản. Hồi ấy, Robert Smith muốn thu âm một album thật "thất vọng" để phản ánh sự chán nản của anh lúc đó. Hãng đĩa cho rằng phát hành nhạc kiểu đó thì hơi ghê răng, và Smith lập tức đáp trả rằng "hãng đĩa chả biết mịa The cure có thể làm gì và chữ "The cure" nghĩa là gì". Album này sau đó lọt vào top 10 ở 11 (vâng, mười một) nước và bán 2 triệu bản chỉ riêng ở Mỹ.


Sau này, Smith vẫn tiếp tục khám phá thêm các loại đàn khác nhau nhằm phát triển thêm âm thanh cho riêng mình. Người nghe nếu để ý kỹ thì sẽ cảm nhận được sự phức tạp, không phải theo cách kỹ thuật tốc độ, mà ở hiệu ứng âm thanh được tạo ra từ tiếng đàn của Smith. Anh được coi là một trong những bậc thầy trong cách sử dụng các hiệu ứng flanger, phaser và chorus. Bản thân anh cũng không quá chú trọng đến guitar solo như dòng nhạc rock vốn dĩ “phải” có ở thời điểm đó. Một mình anh tự chọn hướng đi riêng và chỉ đánh những câu solo trong một bài nếu thật sự cần thiết, về mặt âm nhạc. Đơn giản cũng được, chừng nào nó phù hợp với mục đích nghệ thuật của dòng nhạc anh theo đuổi.

Quay lại câu chuyện trong South Park, nhân vật sâu bướm Smith-Moth mà Robert biến hình thực ra là lấy cảm hứng từ bài "Cartepillar" của The Cure trong đĩa The Top. Trong bài này Robert Smith chơi cả bass, guitar và kéo cả violin.


Robert Smith có thể không phải là một người hùng guitar như trong suy nghĩ thông thường về mấy bác guitar hero khác (như Jimi Hendrix, Ritchie Blackmore, Jimmy Page) nhưng cách sử dụng đàn của anh vẫn xứng đáng có vị trí trang trọng giữa các guitar hero, như là một trong những người tiên phong thử nghiệm các âm sắc sáng tạo và độc đáo nhất, cũng như tiên phong phát triển âm thanh new wave và khởi nguồn cho dòng gothic rock.


Robert Smith, giống như ngoại hình của anh, là biểu tượng của sự ngang ngược mặc kệ tất cả các thói quen và sự thực dụng của ngành công nghiệp âm nhạc, mà chỉ tin vào mỗi đôi tai của mình.


The Cure và Robert Smith được ghi danh vào Rock n Roll Hall Of Fame tháng 2 năm 2019, khiến Smith hơi bất ngờ vì "kiểu gì bọn tao cũng vào thôi, nhưng sao sớm thế?".

Đấy, gấu thế mới đánh bại được cả Barbara Streisand chứ.


Hẹn gặp lại

Kink



618 views

Recent Posts

See All
bottom of page