“Có người nói với anh rằng em có thằng bạn trai
Trông hệt như một cô bạn gái
Mà anh cặp từ tháng Hai năm ngoái
Không gì là bí mật cả, vì anh có đủ tiềm năng"
Đoạn lời trong phần điệp khúc của bài “Somebody Told Me” của ban nhạc The Killers gây ấn tượng với tôi vì sự mỉa mai của nó. Chẳng ai lại đi cua gái như cậu thanh niên trong lời bài hát anh Brandon Flowers hát, khi bảo cô nàng mà anh ta gặp tại nơi đang đi quẩy là họ nên kết đôi chỉ vì cả hai đều chia sẻ chung sở thích về một hình mẫu người yêu cả.
Bài “Somebody” này cùng album đầu tay Hot Fuss cho đến giờ vẫn là nhạc phẩm ưa thích của tôi với ban nhạc The Killers. Bằng cách nào đó nó mang những ấn tượng đặc trưng nhất của ban nhạc, hoặc ít nhất có lẽ vì đây là sản phẩm đầu tay nên những gì gợi nhớ đến Killers đều nằm ở Hot Fuss.
The Killers không phải là một ban nhạc có chất lượng ổn định. Tới nay họ đã phát hành 7 album, nhưng tôi có cảm giác chất lượng nhạc, đặc biệt là sự đồng nhất trong âm thanh đặc trưng của band, có phần đi xuống theo thời gian, khi mà mỗi album đều có một số lượng filler – những bài nhạc có chất lượng làng nhàng để lấp đầy đĩa. Quay đi quay lại, ban nhạc này còn không có nổi “killer sound” / “âm thanh hay đốn tim” như nhạc phẩm đầu tay…… cho đến 17 năm sau, khi mà họ phát hành Pressure Machine – một album có âm thanh khác biệt hẳn những gì người ta biết về The Killers.
***
Để ngẫm về âm nhạc của The Killers, ta cần điểm qua quá trình thay đổi phong cách nhạc trong gần 20 năm sự nghiệp. Mặt tốt là việc thay đổi này nới rộng mọi giới hạn trong sáng tạo nghệ thuật, nhưng mặt xấu là nếu làm không chắc tay thì sự thay đổi đó không đọng lại được nhiều cảm xúc.
Bắt đầu bằng album Hot Fuss (2004). The Killers chính ra đã có được âm thanh “đốn tim” của họ từ đĩa nhạc này rồi. Cái hay của họ là âm nhạc mà band sáng tác nghe giống nhạc của một band Anh Quốc hơn là nhạc của người Mỹ. Giữa vô vàn ban nhạc chơi Punk, Nu Metal, bức tranh âm nhạc của Las Vegas tại nước Mỹ được vẽ một vệt màu sáng và bắt mắt của phong cách lai giữa nhạc Pop lẫn Indie Rock mới của người Anh nhờ sự xuất hiện của The Killers. Ban nhạc dùng tiếng đàn sạch, trộn thêm một chút tiếng sạn lạo xạo vào, và chơi trên nhịp điệu rộn ràng, đối lập hẳn âm guitar điện rè ồn ào và có phần tăm tối của Punk và Nu Metal.
Anh Mark Stoermer chơi bass như một tay guitar lead
Ngay từ bài đầu tiên, “Jenny Was A Friend Of Mine”, ban nhạc đã có phần intro rất ấn tượng, đặc biệt nhờ phần bass mà tay bassist Mark Stoermer chơi như một thứ nhạc cụ lead. Trong ban nhạc The Killers, tôi thích nhất anh Mark, bởi phong cách chơi bass có sự nổi bật và mang lại khác biệt cho nhạc của Killers. Tiếng bass của Mark luôn để lại dấu ấn rõ rệt, lúc nó tạo âm thanh dồn dập, lúc nó nổi lên qua những câu lick chơi nốt cao, lúc nó hát đôi cùng với cả giọng hát của Brandon Flowers.
Quay lại bài “Jenny”, ngoài tiếng bass của Mark, tiếng đàn synth của Brandon đóng vai trò mang âm sắc Pop tươi sáng hơn vào ca khúc mang hơi hướng nhạc của Duran Duran. Rồi chính giọng hát cao, có phần lai phong cách chảnh của mấy anh ca sĩ Anh Quốc của Brandon mới lại là yếu tố gây ấn tượng mạnh, ngang hàng với tiếng bass của Mark Stoermer. Giọng hát của Brandon trong đĩa này vì thế nghe đôi lúc gợi nhớ đến anh Robert Smith – frontman của ban nhạc The Cure. Đó chính là lý do âm nhạc của The Killers có quá nhiều thứ Anh Quốc hơn là quê hương nước Mỹ của họ, điều khiến tôi trong một thời gian dài vẫn cứ lầm tưởng họ là một ban nhạc đến từ nước Anh.
Thứ âm thanh “đốn tim” của The Killers khi đó còn được kể thông qua nội dung về một vụ án mạng trong bài hát “Jenny”: “We took a walk that night, but it wasn't the same / We had a fight on the promenade out in the rain / She said she loved me, but she had somewhere to go / She couldn't scream while I held her close / I swore I'd never let her go …… Tell me what you wanna know / Oh, come on, oh, come on, oh, come on / There ain't no motive for this crime / Jenny was a friend of mine / So come on, oh, come on, oh, come on, oh”
Cái chết của cô gái Jenny không có lời giải, cũng như người bạn trai trong bài không được khẳng định rõ ràng có phải thủ phạm hay không. Ngoài “Jenny”, Brandown có viết thêm “Midnight Show” và “Leave The Bourbon On The Shelf” tạo thành bộ ba triology của vụ án mạng. Nhưng cũng chỉ có từng đấy bài mang những nội dung có hơi hướng gần nhất tới ý nghĩa của tên ban nhạc The Killers, và cũng phải để ý đến phần lời thì mới nhìn ra nội dung mang màu sắc đen tối như vậy, khác xa phong cách nhạc tươi sáng mà band này chơi.
Bởi thế nên chúng ta mới có những bài như “Somebody Told Me” mà đã nhắc đến ở trên, kể về chuyện một chàng trai đi cua gái trong quán bar. Về mặt âm nhạc, Mark Stoermer một lần nữa lại là thành viên xuất sắc khi anh luôn tìm được cái cớ để chêm vào câu bass thật hay chơi ở những nốt đàn trên cao, làm nổi bật hẳn khúc nhạc dạo. Ngoài ra, âm thanh “đốn tim” còn là phần trống dồn dập của Ronald Vannucci Jr., tiếng đàn synth và guitar rhythm dồn dập ma quái của Brandon Flowers và Dave Keuning cùng với giai điệu bài hát catchy như một chất gây nghiện.
Sự ảnh hưởng của The Strokes với âm thanh Post-Punk Revival trong album Hot Fuss cũng có thể thấy rõ qua cách chơi đàn dồn dập đập thẳng vào mặt trong đa phần cả đĩa nhạc. Thậm chí ở bài “Mr. Brightside”, phần vocal được chỉnh lo-fi ở ngay đầu trước khi vào bài bằng âm thanh đầy đặn của stereo, rồi trong “All These Things That I’ve Done”, toàn bộ phần vocal đều ở trạng thái lo-fi, cũng là một cách làm nhạc rất “stroky”. Chính Brandon cũng là người hâm mộ nhạc của The Strokes, đến độ anh phải vứt bỏ hẳn nhiều bản thu của band sau khi nghe âm thanh hoàn hảo trong album Is This It của The Strokes.
Âm nhạc nói chung trong album Hot Fuss này rõ ràng không thể sánh bằng Is This It, nhưng nó vẫn mang tới nhiều ấn tượng tốt về mặt tổng thể, vừa gây hứng thú, vừa đủ tạo ra một không khí sôi động cho band khi diễn live, mà vẫn đọng lại một cảm xúc khi nghe nhạc của họ. Và đó chính là ‘’killer sound” mà ban nhạc đã tạo ra.
Tiếc là The Killers lại thay đổi định hướng nhạc ngay sau đó và trong lúc mải mê tìm kiếm một công thức nhạc lớn lao hơn cả “sự sôi động”, họ đã đánh rơi mất âm thanh “killer sound” mà họ đã tìm ra này.
Ngay với album sau đó, Sam’s Town (2006), cái duyên của âm nhạc mang phong cách Ăng lê đã được thay thế bằng âm thanh bùng nổ hơn của nước Mỹ, đặc biệt dưới sự ảnh hưởng của Bruce Springsteen. Hoặc có thể do Brandon Flowers đánh mất những ý nhạc hay, hoặc do tôi không tìm được sự thú vị trong những giai điệu đều đặn, ít bất ngờ, những gì đọng lại nhiều nhất ở Sam’s Town chỉ nằm trong ca khúc cùng tên với album.
Tiếp đến lần lượt các đĩa nhạc được phát hành sau đó. Chúng không hẳn là những album chán, bởi người nghe có thể vẫn tìm được bài hát gây hứng thú, như bài “Joy Ride” có phần bass groovy chơi theo phong cách tương tự band Franz Ferdinand trong album Day & Age (2008), “Wonderful Wonderful” mang màu sắc khác lạ qua phần guitar chơi lạc điệu cực hay ho, phần nhịp điệu bass và trống mê hoặc có phong cách Depeche Mode trong album cùng tên Wonderful Wonderful (2017). Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, trong suốt giai đoạn này, The Killers lại theo đuổi thứ “killer sound” mà theo suy nghĩ của họ, nếu không phải là âm thanh mạnh mẽ của tầng lớp lao động như nhạc Heartland Rock giống Bruce Springsteen thì phải thực sự lớn lao được thể hiện bằng những đoạn điệp khúc hoành tráng giống nhạc của U2 mà bản thân Brandon Flowers cũng luôn cố hát như anh ca sĩ Bono. Qua các bài phỏng vấn trên báo chí, chính Brandon luôn tỏ ý mong muốn (và đôi lần còn tự tin xác nhận) The Killers trở thành một ban nhạc vĩ đại nhất của thế ký 21. Đó là một ước mơ không có gì sai, nhưng nó đã vô tình đẩy anh đi xa khỏi những gì hấp dẫn nhất của The Killers ngày nào trong album Hot Fuss: không màu mè, không khoa trương, không to tác. Tất cả cảm xúc nằm trong giai điệu bắt tai, câu đàn hay, nhịp điệu rập rình, và quan trọng là không cần thiết phải có không gian âm nhạc rộng lớn để mang đi diễn tại các sân vận động.
Tôi đã suýt từ bỏ The Killers cho đến khi nghe album gần nhất Pressure Machine (2021). Tựa như cái bìa đĩa đen trắng có hàng rào thép gai, với hình ảnh những cây thánh giá đằng sau, âm nhạc của Pressure Machine nghe khác hẳn những gì ban nhạc đã từng làm, kể cả nếu so với Hot Fuss.
Chậm rãi… sâu lắng… phiêu lãng…
Đĩa này được sản xuất để nghe trọn vẹn theo cả album chứ không hẳn để chọn ra một vài bài tiêu biểu làm single.
Tất cả những yếu tố đó đưa người nghe tới một The Killers trưởng thành hơn qua màu sắc đồng quê. Vẫn có chút cao vút rộng lớn của nhạc Heartland Rock, nhưng nó không phải lên gân lên cốt. Cái tôi thích ở album này là những âm thanh rè trên chiếc đài radio cũ kỹ ở đầu một số track tạo một không khí rất khác lạ như một bản soundtrack của một bộ phim. Tôi thích tiếng kèn harmonica lảnh lót, tiếng pedal steel guitar, mandolin, rồi cả violin và cello; bù cho những thiếu vắng của tiếng đàn bass chơi bởi Mark Stoermer (Mark không thể tham gia ghi âm vì đại dịch COVID-19 lúc bấy giờ).
Những giây phút lắng đọng mộc mạc qua cây guitar thùng trong bài “Terrible Thing” nối liền ngay sau giai điệu đẹp và nhịp điệu rộn ràng của “Quiet Town” chứng tỏ khả năng sáng tác giai điệu bắt tai của Brandon Flowers vẫn còn đó, chỉ là theo một phong cách khác. Dựa trên một chủ đề xung quanh tuổi thơ của Brandon, nội dung của các bài cũng là những ký ức khó quên của anh, như câu chuyện về cặp đôi học sinh trung học chết vì tai nạn khi băng qua đường tàu trong bài “Quiet Town”, hay về một cậu thiếu niên đồng tính với những suy nghĩ dại dột về việc kết liễu cuộc đời mình, hoặc về một người đàn ông băn khoăn về những ngã rẽ của cuộc đời trong “In Another Life”.
Nếu như Hot Fuss là cái duyên dáng của tuổi trẻ thì Pressure Machine là những suy tư sâu sắc của sự trưởng thành. Tựu chung lại, âm nhạc của album Pressure Machine dù khác xa phong cách nhạc The Killers đã từng theo đuổi nhưng nó lại là sản phẩm hoàn chỉnh nhất của ban nhạc. Tôi biết nhiều fan không ưng album này bởi ban nhạc không chơi những âm thanh hoành tráng để phục vụ cho các điểm show diễn đông người, nhưng nhiều khi thu gọn lại và cô đọng hơn mới chính là hướng đi The Killers nên theo đuổi.
Bởi theo ý kiến cá nhân của tôi, “killer sound” / “âm thanh hay đốn tim” cần được đo bằng cảm xúc trong một bài nhạc, chứ không phải độ hoành tráng của nó.
Hẹn gặp lại!
Kink