Một user ở reddit cho hay, một quán bar ở Mỹ cứ mỗi khi gần đến giờ đóng cửa thì họ sẽ bật nhạc của The Mars Volta và chỉnh cho volume thật lớn. Trong làn âm thanh náo loạn ồn ào khó nắm bắt, chỉ cần chưa đầy 10 phút, quán sẽ vắng sạch trơn. Lý do vì âm nhạc của The Mars Volta luôn là màn thử thách sự kiên nhẫn của những vị khách muốn thưởng thức đồ uống của họ tại quầy, nhưng rồi ai cũng phải đầu hàng.
Xem nào, nhạc của The Mars Volta có thể được diễn tả bằng những thể loại sau: Progressive Rock, Experimental Rock, Hardcore, Psychedelic Rock, Jazz, Classical, Latin, Funk, Noise Rock, Emo Rock. Phần vocal thì được thể hiện có lúc nửa rap nửa hát giống như anh Mike Patton trong ban nhạc Faith No More. Còn gì nữa không? Đó là nhạc Pop thuần túy. Tưởng như một ban nhạc chuyên chơi các loại nhạc phức tạp như vậy thì thể loại Pop còn khuya mới đụng tới. Thế rồi cái album gần nhất cùng tên “The Mars Volta” phát hành năm 2022 lại đầy chất liệu của thứ nhạc nhẹ này, đối lập hẳn âm thanh ồn ào đặc trưng tạo ra bởi hai thành viên chính: Omar Rodríguez-López (guitar, sản xuất nhạc) và Cedric Bixler-Zavala (ca sĩ, sáng tác lời).
Kể ra thì cũng không có gì lạ khi chính hai anh chàng này cũng xuất thân từ cùng một “lò” là ban nhạc At The Drive-In – một trong những nhóm nhạc / nghệ sĩ chơi Post-Hardcore có tầm ảnh hưởng lớn vào cuối những năm 90, đầu thập niên 2000. Giống như những bài nhạc mang phong cách progressive với thời lượng dài và nhiều khúc instrumental break, sự nghiệp âm nhạc của Omar và Cedric có khá nhiều biến động:
Phần 1 – At The Drive-In (ATDI): Thành lập & tan rã
- Năm 1994, ATDI được thành lập.
- Năm 2001, ATDI tan rã bởi định hướng âm nhạc khác nhau giữa bộ đôi Cedric và Omar với những thành viên còn lại. Trong đó Cedric nói rõ anh muốn làm loại nhạc khác bọt hơn, progressive hơn, thay vì chỉ Punk với Hardcore.
Phần 2 – The Mars Volta (TMV): Thành lập & tan rã
- Cùng năm đó, Cedric và Omar lập ra De Facto trước khi lấy tên chính thức là The Mars Volta (TMV) để chơi đúng thứ nhạc họ muốn. (Còn mấy thành viên kia lập band Sparta để chơi thứ nhạc “truyền thống” hơn).
- Năm 2009, ATDI tái hợp lần đầu nhưng không thu âm nhạc phẩm mới.
- Năm 2013, khi mà Omar và Cedric “nghỉ chơi” với nhau, ATDI lại giải tán và TMV cũng tan rã.
Phần 3 - Tái hợp
- Năm 2015, ATDI tái hợp lần hai và sau đó phát hành album in•ter a•li•a (2017).
- Năm 2018, ATDI tạm ngưng, và như các fan dự đoán, khi hai anh Omar và Cedric làm lành, năm 2022 TMV chính thức tái hợp và cho ra album mới The Mars Volta (2022).
Đấy là tôi chưa nói đến các dự án ngoài lề khác của hai anh này và đây mới là câu chuyện tính tới thời điểm hiện tại của bài viết này. Không ai biết được phần kết của TMV hay ATDI rồi sẽ ra sao, bởi chúng đều khó đoán, hệt như chính âm nhạc của họ. Nhưng cái tôi cần nói đến là, bất chấp những biến động trên, bất chấp các thể loại nhạc tạp phế lù mà Omar và Cedric đưa vào, âm nhạc mà hai anh này làm ra, dưới cái tên ATDI hay TMV, đều luôn ở mức từ ok cho đến cực kỳ hay mà những ai yêu nhạc Post-Hardcore hay dòng Progressive Rock thì rất nên thử!
***
Trong âm nhạc, coda là đoạn nhạc cuối để kết thúc một bài. Độ dài của nó có thể trong vài khuông nhạc hay thậm chí cả một khúc nhạc dài. Chính việc sáng tác đoạn coda này có ảnh hưởng rất lớn đến cảm xúc của một bài nhạc, khi nó có thể nhẹ nhàng hoặc cao trào, một câu nhạc được lặp đi lặp lại trên nền âm lượng fade out nhỏ dần, hay thậm chí chỉ một hợp âm khác với tông giọng của bài cũng là cách tạo ấn tượng với người nghe. Trong âm nhạc hiện đại, thuật ngữ “Outro” được dùng thay thế cho “Coda” với cùng một ý nghĩa.
Trong âm nhạc của những dự án mà hai anh chàng Omar Rodríguez-López và Cedric Bixler-Zavala tạo ra, đoạn outro này không bao giờ bị coi nhẹ và chúng luôn mang đến những bầu không gian và cảm xúc khác lạ, hoặc một yếu tố bất ngờ, dù là trong nhạc của At The Drive-In (ATDI) hay The Mars Volta (TMV).
Phần 1 - At The Drive-In: thành lập & tan rã
Thử lấy bài “Napoleon Solo” trong album In/Casino/Out (1998) của ATDI – bài hát có thời lượng gần 5 phút, dài nhất album. Với cấu trúc hơi phức tạp hơn truyền thống, gồm phần Refrain – Verse 1 – Chorus – Verse 2 – Chorus – Bridge – Refrain – Verse 3 – Outro, giai điệu và nhịp điệu còn được biến đổi khác nhau giữa các verse. Trong khi verse 1 có nhịp điệu đều đặn thì đến Verse 2 cách hát và nhịp trống cũng được thay đổi và biến chuyển trong chính cùng một khúc nhạc này, thể hiện tinh thần progressive nhen nhóm mà Omar và Cedric muốn hướng tới. Thế rồi đoạn kết outro như được kéo dài ra bởi phần lời của verse 3 ngay trước đó. Phong cách kết bài phổ biến sẽ là đoạn chorus / điệp khúc trước outro, nhưng vì ATDI lại nhấn vào đoạn verse, khiến cho bài hát được bắt đầu lại từ đầu, tạo cảm giác như anh ca sĩ Cedric đang muốn quay ngược lại thời gian để gặp lại những người bạn của họ đã ra đi quá sớm ở tuổi 17 trong tai nạn ô tô:
“[Verse 3]
Makes no! Makes no! Makes no! / Seventeen, embalmed, in caskets lowered into the weather / A drizzle, brisk and profound / From this Texas breath exhaled
[Outro]
Strum this broken harp / We were struck by the chords sent from their hearts / This is forever, no turning back, this is forever / (You know, you know) / Yeah, this is forever, no turning back, this is forever / (You know that this is forever) / But you can't get the best of us now”.
Giai điệu đầy chất Emo của đoạn kết của bài nhờ vậy càng mang đầy cảm xúc hơn, và nó gợi cho tôi nhớ tới bài “Limousine” của ban nhạc Brand New sáng tác sau này. Đĩa In/Casino/Out này nhìn chung là một nhạc phẩm hay và ấn tượng của ATDI, nhất là khi các bài của họ được ban nhạc thu âm khi cùng đánh live trong phòng studio để sản phẩm cuối cùng nắm bắt được cảm xúc chân thực và thô ráp nhất. Cái đó có thể nghe rõ cả trong phần hát có chút lạc điệu của Cedric ở một vài chỗ.
Bài dài hơi nhất trong album Relationship Of Command (2000) của ATDI là “Invalid Litter Dept.” với thời gian hơn 6 phút càng cho thấy ý đồ của Cedric và Omar nhằm phá vỡ những rào cản của những bài Punk Rock ngắn gọn. Phần intro với âm sắc trưởng thành hơn qua tiếng guitar của Omar và đồng nghiệp Jim Ward mang màu đen tối của nội dung kể về các vụ án mạng tàn bạo xảy đến với các phụ nữ sống tại Ciudad Juárez ở Mehico – gốc gác của Cedric Bixler-Zavala. Rồi những đoạn verse nửa đọc lời nửa hát sau đó trên nền nhạc hơi chậm hơn so với những phần điệp khúc dồn dập. Nhưng phần kết outro mới là bừng tỉnh qua tiếng hét như đứt họng của Cedric và phần guitar rhythm giật cục bởi Omar.
“[Outro]
Callous heels numbed in travel / Endless maps made by their scalpels, scalpels / Callous heels numbed in travel / Endless maps made by their scalpels, scalpels”
Có điều là, như ý tứ gửi gắm trong phần lời ở khúc outro, “You can’t get the best of us now” (trong bài “Napoleon Solo”) và “Endless maps” (trong bài “Invalid Litter Dept.”) kể trên, sự bí bách trong định hướng nhạc bị giới hạn bởi các rào cản được tạo ra từ những ý kiến phản đối, đặc biệt của thành viên chơi guitar Jim Ward, người đã cùng Cedric sáng lập ra ban nhạc ATDI từ những ngày đầu. Nên cũng là dễ hiểu khi hai định hướng nhạc xung khắc với nhau ắt hẳn cũng dẫn tới mâu thuẫn cho sự ban rã của ban nhạc. Cedric và Omar thì muốn album tiếp theo phải như The Piper At The Gates Of Dawn của Pink Floyd, còn Jim Ward và những người còn lại chỉ đơn giản muốn đi theo hướng Alternative Rock.
Phần 2 - The Mars Volta: Thành lập & tan rã
Âm nhạc của The Mars Volta (TMV) không hẳn giống với Pink Floyd như nói đến ở trên. Tuy nhiên, tương tự như các album của Pink, âm nhạc của TMV có sự liền mạch giữa các track và không gian âm nhạc giống như soundtrack của một bộ phim. Sau khi tách khỏi ATDI, được thỏa sức tự do trong sáng tạo, cả Cedric và Omar đã khơi gợi lại những gì hay ho nhất của dòng Progressive Rock, đồng thời mang tới cá tính riêng của họ bằng loạt những thể nghiệm trong các thể loại nhạc, các nhạc cụ, âm thanh, tiếng động, v.v.
Nghe nhạc của TMV tựa như họ cho các “nguyên liệu nhạc” vào cái máy xay sinh tố rồi bật để ngoáy tung chúng lên, và rồi kết quả sẽ luôn là những chuỗi nhạc không lặp lại. Nhưng không vì thế mà nghe nhạc của TMV lại giống như cốc sinh tố với các mùi vị xung khắc với nhau. Nói chính xác hơn, các nhạc phẩm của TMV tựa như một sự hỗn loạn có tổ chức.
Đây này, ca khúc đầu tiên “Son Et Lumiere” ở album đầu tay Deloused In The Comatorium (2003) dù chỉ dài 1 phút 30 giây nhưng màn giới thiệu về âm thanh mới của mà Cedric và Omar nay tạo ra cực kỳ gây sự chú ý. Không chú ý làm sao được, chỉ sau phần nhẹ nhàng trong 1 phút đầu, tiếng guitar và trống dồn dập đập thẳng vào mặt. BỤPPP!!!
Track thứ hai nối liền sau “Inertiatic Esp” nghe liền mạch với track trước. Giọng hát của Cedric cao vút hay vô cùng. Âm hưởng chủ đề của bài từ phần dồn trống nhanh dồn dập ở track trước đó được gợi lại ở mỗi khúc chuyển đoạn ở track nhạc này. Tiếng đàn guitar của Omar giờ đây hay và hiệu quả lắm rồi. Như đoạn giữa của bài, những hiệu ứng kêu rít và âm sắc ngang phè, trên nền trống chơi nhịp điệu cực phức tạp được thể hiện bởi Jon Theodore – người sau này chuyển sang chơi cho Queens Of The Stone Age. Những cú nện trống cũng như phần nhịp của anh được tôn bởi tiếng bass chơi bởi không ai khác chính là Flea mà Omar và Cedric rủ từ Red Hot Chili Peppers sang oánh cùng. Bài “Inertiatic Esp” có phần outro kết thúc nhẹ nhàng, không còn trống và bass, mà chỉ có tiếng hát trên nền hiệu ứng âm thanh kỳ quái. Và chúng lại tiếp tục nối tiếp liền mạch sang track tiếp theo.
Phải nói là cách làm nhạc biến đổi đến mức điên loại, lúc nhanh như chảo chớp, lúc chậm như một bản ballad, lúc ầm ĩ đinh tai nhức óc, lúc lại trầm lắng, xen kẽ nhau trong mỗi bài. Nhưng âm thanh progressive biến đổi đạt hiệu ứng cao nhất nhờ những màn jam nhạc ngẫu hứng chỉ có ở nhạc jazz, nhưng với âm lượng ồn ào của rock.
Có điều là nếu để ý kỹ thì cấu trúc các bài của TMV lại không hề đi ngược truyền thống chút nào, khi cũng lại là verse – chorus – verse – chorus và có thể là bridge – chorus sau đó. Cái không truyền thống dĩ nhiên nằm ở yếu tố bất ngờ trong việc chơi nhạc không theo một khuôn mẫu nào. Đó là lý do mà tôi mới cảm thấy nhạc của TMV giống như một sự hỗn loạn có tổ chức. Hỗn loạn thì rõ, còn tổ chức thì nằm ở cấu trúc bài kể trên.
Chỉ đến khi được làm nhạc TMV, Omar – người gần như sáng tác toàn bộ nhạc cho album đầu tiên này mới được dịp phô diễn ý đồ của anh. Vì thế, anh luôn có các ý tưởng outro để kết thúc bài khác nhau, khi thì đẩy không khí ồn ào trong bài trở về sự yên bình và lắng đọng ở phần kết, khi thì thay hết các nhạc cụ mới chơi trên phần nhịp lẻ đầy bức bối trước đó bằng loạt âm thanh ma quái trong những giây phút cuối cùng, khi thì lặp lại sự ồn ào của phần điệp khúc để kết bài bởi trước đó phần lớn thời lượng đã được dành cho instrumental break cùng loạt các hiệu ứng âm thanh và nhạc cụ khác nhau.
Từ đó, ai nghe nhạc TMV đều không thể đoán được cái gì sẽ đến tiếp theo và bao giờ là phần kết cho một bài, nếu họ không lắng nghe chăm chú.
Album thứ hai Frances The Mute (2005) cũng lại mang đến loạt bất ngờ đó. Ví dụ như bài “The Widow” có phần cấu trúc đơn giản và giai điệu được sáng tác đầy cảm xúc cùng câu đàn solo rất hay của Omar, ấy thế mà ngược với nó là phần outro dài gần hết nửa bài bao gồm một loạt những tiếng động âm thanh quái đản.
Không dừng ở đó, TMV còn đưa sự thể nghiệm với bài cuối cùng trong đĩa “Cassandra Gemini” dài tới hơn 32 phút, được chia ra làm 8 track nhỏ, như để sự thử thách sự kiên nhẫn của người nghe ở mức độ cao hơn. Ngoài ra ở album này, ban nhạc còn sử dụng các nhạc cụ mới chưa xuất hiện trong đĩa đầu, như tiếng kèn trumpet, saxophone, sáo, tuba, trombone, giàn dây đủ cả. Cùng với Flea, tay guitar của RHCP – John Frusciante cũng trở lại nhưng lần này Flea thổi kèn trumpet còn John chơi solo ở hai track khác nhau.
Và cứ thế, TMV phát hành tằng tằng tiếp mấy album nữa với đủ thứ thể nghiệm cho âm nhạc của họ, bao gồm cả âm hưởng nhạc Latin, gốc gác văn hóa của hai anh Cedric và Omar. Dù rằng chất lượng của các album sau không phải cái nào cũng đạt ngang tầm như hai đĩa đầu tiên, chúng cũng là dấu hiệu cho phần biến chuyển khó đoán tiếp theo không ai ngờ của cặp đôi này.
Phần 3: Tái hợp
Đúng ra là cả ATDI và TMV đều đã phải đến hồi kết của nó. Nhất là khi Cedric theo vợ để gia nhập giáo phái Scientology khiến cho anh có những thay đổi cả về tâm tính, dẫn đến những mâu thuẫn với chính Omar. Sau khi thoát khỏi giáo phái này, Cedric mới bừng tỉnh, trở về là con người cũ, và mở ra một chương mới cùng Omar khi hai anh lại tái hợp để cho ra cả album mới của ATDI lẫn TMV.
Một lần nữa, Cedric và Omar chưa bao giờ cạn ý tưởng trong việc đẩy xa giới hạn của sự sáng tạo để lại rồi gây tiếp những bất ngờ thú vị cho ai theo dõi ATDI lẫn TMV.
Trong album in•ter a•li•a (2017) cùng ATDI, sự thiếu vắng của tay guitar và người sáng lập Jim Ward lại cho thấy nhạc của ATDI được bẻ lái thêm lần nữa. Âm thanh đập thẳng vào mặt của TMV được chuyển hóa sang ATDI nhưng vẫn theo phong cách nhạc Post-Hardcore mà ATDI được biết tới. Nhiều người không thích đĩa này của ATDI, nhưng với tôi, đây thực sự là nhạc phẩm không thể thiếu với những ai là fan của cặp đôi Cedric và Omar. Bởi sự biến đổi progressive vẫn ẩn náu ở trong đó, không phải bị kím nén như trước, mà lại được cài cắm tinh tế để phục vụ mục đích của mỗi bài.
Mà tôi có nói ở trên là ai nghe nhạc TMV cũng đều mong chờ điều không thể đoán được đúng không? Và với ATDI lần tái hợp này cũng vậy. Không ai ngờ cách làm nhạc thẳng tuột lần này của ban nhạc với thời lượng chỉ từ hơn 3 phút cho đến 4 phút cho mỗi track khiến cho các bài đều được kết thúc đột ngột. Chúng không hề hụt hẫng, nhưng theo cái “tiêu chuẩn” của Omar và Cedric, thì cách kết bài này như cú phanh gấp sau những màn đua lượn lách tốc độ thần kỳ.
Thế nên ta có thể đoán nhạc của TMV trong album mới của họ cũng phải có gì đó khác hẳn. Đúng là như vậy. Như đã nói đến ở đầu bài, giữa vô vàn các thể loại nhạc được trộn lẫn, nhạc Pop nhẹ nhàng chưa bao giờ là nguyên liệu được cân nhắc làm chủ đạo. Vậy mà album The Mars Volta (2022) lại đi bước đi khác thường như vậy. Nó như cú tát vào mặt những ai mong chờ những màn đột phá về tốc độ và âm lượng. Có điều là với những nghệ sĩ thể nghiệm một phong cách mới lạ so với những sản phẩm trước của họ, không phải ai cũng giữ được cái chất cho mình. Ví dụ như lần ban nhạc Linkin Park phát hành album One More Light với màu sắc nhẹ nhàng khác xa chất Nu Metal thường thấy. Điều mà Linkin Park làm sai không phải ở việc quay ngoắt trong thể loại nhạc, mà là âm thanh Pop ở đĩa này không hề hay và được trau chuốt để thành một sản phẩm chất lượng.
Nhưng với TMV, album mới của họ là một bằng chứng của việc thay đổi dù gây sốc nhưng lại vẫn tạo ấn tượng tốt, thậm chí tốt hơn nhiều những album trước đó dưới cái tên TMV.
Thực sự tôi nể phục tài năng của hai anh chàng Cedric và Omar sau album mới lạ tai này. Các track trong đĩa được giảm thời lượng đáng kể, chỉ còn quanh 3-4 phút, đúng theo tiêu chuẩn nhạc Pop. Không có phần nhịp điệu nhanh nhanh chóng chóng, không còn tiếng guitar điện rè đặc chơi những câu riff nghịch tai. Thế mà họ lại vẫn giữ được cái chất TMV, đó là yếu tố progressive nằm ở những đoạn trống chơi đổi số chỉ nhịp trong bài, đó là cách hòa âm không đơn giản qua các chuỗi hợp âm phong phú và biến chuyển đẹp, đó là những nhịp lẻ kỳ lạ nghịch tai làm nền cho phần giai điệu ngọt ngào rất Pop này. Bởi thế tổng thể, nhạc của đĩa này lại rất hay theo nét riêng của nó.
Vì vậy, giống như ở album năm 2017 của ATDI, đĩa nhạc này của TMV không còn cần những đoạn kết outro phức tạp cầu kỳ như trước nữa, nhất là khi chính những album dưới từng nghệ danh này đã là sự biến chuyển sang một thời kỳ mới đầy bất ngờ cho fan âm nhạc của họ. Sự thay đổi liên tục này có thể đánh mất một số lượng fan chỉ mê thứ nhạc có sự cân bằng của thành viên Jim Ward trong At The Drive-In, hay âm thanh đậm chất progressive phức tạp và ồn ào với The Mars Volta, nhưng những ai lắng nghe và tìm kiếm nét đẹp mới trong đó thì chắc chắn sẽ thỏa mãn đôi tai họ, như chính tôi đây. Chẳng phải đó là một yếu tố progressive trong sự nghiệp âm nhạc của họ sao?
Ít ra thì, với album mới này của The Mars Volta, việc đuổi khách khỏi quán bar vào những phút cuối để đóng cửa sẽ không còn hiệu nghiệm nữa.
Hẹn gặp lại!
Kink