top of page

Giai điệu buồn của The Verve


All this talk of getting old

It's getting me down my love

Like a cat in a bag, waiting to drown

This time I'm comin' down” 

Giống như một chú mèo đang trôi dạt trên sông, anh đang vô vọng chờ đợi cho đến lúc mình chìm xuống đáy.


Tiếng guitar thùng gõ chậm rãi trên nền violin day dứt. Richard cất giọng hát tiếp:

And I hope you're thinking of me

As you lay down on your side

Now the drugs don't work

They just make you worse

But I know I'll see your face again


Khi ông nằm xuống, anh chỉ mong hình ảnh của anh sẽ ở trong tâm trí ông vì anh biết một điều rằng rồi một ngày anh cũng sẽ được gặp lại người cha của mình.

Chất giọng buồn thảm thiết của Richard Ashcroft càng khiến tôi ngấm từng lời từng nốt anh hát. Với nội dung bài hát không phải về cơn nghiện như tên bài gợi tới, mà là thứ thuốc giảm đau cho người cha bị ung thư của Richard. Ở giai đoạn cuối của căn bệnh, khi mà thuốc cũng không còn tác dụng nữa thì tất cả những gì ông có thể cảm nhận được chỉ là sự đau đớn như chính cảm xúc của anh lúc này.


But I know I'm on a losing streak

'Cause I passed down my old street

And if you wanna show, then just let me know

And I'll sing in your ear again” 

Những kỷ niệm cũ tuổi thơ lại ùa về với Richard. Cái cảm giác nghe tin cha đẻ anh mất vì ung thư năm anh mới 11 tuổi vẫn rõ mồn một trước mắt anh. Rồi giờ đây lại là hình ảnh người cha vợ cũng chuẩn bị ra đi vì căn bệnh ung thư quái ác lại khiến anh nhớ lại kỷ niệm buồn ngày nào. Giống như chú mèo bị thả trôi trên sông chờ đợi đến lúc chìm xuống nước. Hình ảnh đó gợi tới một cái chết đang dần hiện tới mà không ai có thể ngăn được. Sự tột cùng của khổ đau.



Mỗi khi tôi nghe lại bài “The Drugs Don’t Work” của The Verve lòng tôi lại thấy quặn lại. Từng cú gõ đàn, tiếng dàn dây da diết, âm thanh guitar điện văng vẳng nhức nhối phía sau cho giọng hát đầy cảm xúc của người con bất lực trước sự thật sắp mất đi người thân.

Âm nhạc của The Verve là vậy! Kể cả những bài không có những câu chuyện buồn thì giọng hát của Richard vẫn luôn có sự uẩn khúc trong đó. 


Khởi đầu bằng album A Storm In Heaven (1993) cực hay, Richard và cả ban nhạc chơi một loại nhạc kỳ ảo, với những khúc jam dài trên dải hợp âm biến đổi khôn lường. Ấy thế mà tôi lại luôn cảm thấy một sự bế tắc trong đó. 



Không phải bế tắc ở phần nhạc vì những ca khúc như “The Sun The Sea” hay “Butterfly” đều là những chuỗi ngẫu hứng các câu đàn dài hơi như tiếng kèn trumpet và saxophone kéo thời lượng bài hát lên đến 5 tới 6 phút. Mà đó là sự bế tắc tuyệt đẹp ở phần hợp âm nghịch được tạo bởi tiếng guitar điện đầy ma quái mà Nick McCabe chơi cực hiệu quả, tạo cảm giác căng thẳng khó giải toả. Chỉ là sự fade-in mờ đi của các nhạc cụ trước khi mọi thứ trở nên tĩnh lặng cho ca khúc sau tiếp nối là cách giải quyết cho nhạc của The Verve. Nghe nhạc của The Verve trong A Storm In Heaven gợi cho tôi một thứ âm nhạc chịu ảnh hưởng của Pink Floyd với The Doors, kỳ ảo nhưng đượm buồn.

Ở đĩa The Nothern Soul (1995) cũng vậy. Âm thanh dàn dây có làm mềm hơn cũng không giấu được sự u ám trong nhạc của The Verve. Cái nốt cao như đay nghiến của đàn violin ở đầu và cuối bài “History” là sự khổ đau của Richard trong cuộc chia tay với một cuộc tình của anh lúc đó. Cả album này đại diện cho các trạng thái cảm xúc khác nhau của nỗi đau, lãng mạn, mất mát... nhưng đều quy tụ chung một điểm chạm tới trái tim của người nghe.



Do vậy đĩa nhạc Urban Hymns (1997) có thể nói là sự nối tiếp về cảm xúc tất yếu. Dẫu là Richard đã bớt đi những âm sắc nghịch tai đầy bế tắc, các ca khúc trong tuyệt phẩm này vẫn chứa đầy suy tư mà anh gửi vào mỗi bài trong lúc sáng tác. 

Bài hát mở đầu đầy kinh điển “Bitter Sweet Symphony” là hình ảnh được tạo dựng hoàn toàn bằng âm thanh. Một sự hào hùng trong tiếng dàn violin đan xen với giai điệu có phần ảm đạm qua lời hát của Richard tạo vị “ngọt đắng” như chính tiêu đề.

No change, I can't change, I can't change, I can't change,

But I'm here in my mold, I am here in my mold.

And I'm a million different people from one day to the next

I can't change my mold, no, no, no, no, no, no, no



Mượn câu nhạc dàn dây được dựng lại từ bài “The Last Time” của nhóm nhạc The Rolling Stones để làm tương phản phần giai điệu khi Richard hát “I can’t change” một cách hoàn hảo. Mỉa mai thay, cũng vì 5 nốt nhạc bằng dàn dây đó đã dẫn đến vụ kiện tụng um xùm của mấy tay manager cũ của Stones khiến Richard và các thành viên The Verve phải “cay đắng” chấp nhận mất 100% tiền bản quyền cho ca khúc thành công nhất của nhóm dù đã xin phép quyền sử dụng trước đó.

Đến ca khúc "Sonnet", dù đã cố giấu diếm bằng hợp âm trưởng khẳng khái ở đầu bài, nhưng The Verve vẫn kéo người nghe hút về màu sắc buồn. Nghe Richard hát “my lord” đầy rung động về một kẻ si tình khi người kia không còn tình cảm xưa cũ nữa. “Catching The Butterfly”, “Space And Time” và “Weeping Willow” tiếp tục tô vẽ nên bức tranh huyền ảo, thể hiện đẳng cấp sáng tác nhạc của Richard ở một tầm cao hơn nhiều đồng nghiệp cùng thời. Richard vì thế là một trong số ít người hiếm hoi được anh em nhà Gallagher trong Oasis kính nể và được Chris Martin của Coldplay ca tụng là “ca sĩ hát hay nhất thế giới”.


Tới đĩa Urban Hymns, trình độ sáng tác nhạc của Richard Ashcroft đã ở độ chín muồi. Vậy nên nằm giữa nhiều ca khúc xuất sắc trong cùng album, “The Drugs Don’t Work” vẫn nổi lên với một giai điệu đẹp đến rợn người, là tuyệt khúc mà luôn chạm tới tận cùng cảm xúc của tôi mỗi lần nghe. 


Khác với nhiều người, họ sẽ tìm đến những giai điệu vui vẻ để thay đổi tâm trạng. Còn tôi bị cuốn với nhạc của The Verve và đặc biệt là bài “The Drugs Don’t Work” mà với tôi đó là ca khúc buồn nhất mà tôi đã từng nghe. 


Có điều tôi nghe không để mình chìm sâu hơn trong sự phiền muộn. Ngược lại, nhạc buồn và đặc biệt The Verve và ca khúc “The Drugs Don’t Work” đó mang lại một cảm giác xoa dịu của “ai đó” đang đồng cảm với chính mình. Và kỳ diệu là sau đó, tôi như trút được bầu tâm sự bản thân để tìm thấy lại được sự cân bằng.


“‘Cause baby, ooo, if heaven falls, I'm coming, too

Just like you said, you leave my life, I'm better off dead


Giọng hát Richard nghẹn lại. Khi người cha nhắm mắt ra đi, mọi thứ  như sụp đổ xuống, khiến anh cảm thấy muốn được chết theo ông.


Ấy vậy nhưng nhạc của The Verve không hoàn toàn bế tắc. Ở cuối bài hát, khi Richard hiểu ra rằng hình ảnh người cha sẽ không bao giờ phai nhoà và anh sẽ gặp lại ông trong những suy nghĩ, những giấc mơ, thì anh nhận ra được ý nghĩa của cuộc sống. Cảm giác đó phút chốc vực lại tinh thần, cho anh vượt qua nỗi đau.

Yeah, I know I'll see your face again

I'm never going down, I'm never coming down

No more, no more, no more, no more, no more

I'm never coming down, I'm never going down

No more, no more, no more, no more, no more

I'm never going down, I'm never coming down

No more, no more, no more, no more, no more.....


Khúc hát trên lặp đi lặp lại cho đến khi bài hát nhoà đi. Nhưng lần này lại khác. Bài hát không kết thúc trong bế tắc. Thay vào đó là một hợp âm trưởng tươi sáng hơn được kéo giữ ở cuối bài níu lại một cảm xúc tích cực hơn.

I'm never going down, I'm never coming down

No more, no more, no more, no more, no more


Tôi nghĩ việc Richard sáng tác những ca khúc buồn cũng giống cảm giác của người nghe những bài hát đó. Anh cũng tìm được sự đồng cảm, tự nhận ra chân lý và từ đó lấy lại được sự cân bằng trong cuộc sống. Đó là điều tuyệt diệu ở âm nhạc khi nó nói cho chúng ta thứ ngôn ngữ mà mỗi người tự có được cảm nhận riêng. 



Nhưng đấy, nghe khoa học đồn là tác dụng của âm nhạc đâm ra đều mang tác động tích cực đến tâm trạng người nghe, kể cả khi đó là những bản nhạc buồn.


Hẹn gặp lại!

Kink

952 views
bottom of page