top of page

Tom Waits đã làm mới âm thanh như thế nào?

Updated: Jan 21, 2020



Bạn bước vào một căn phòng bé tí với cái cửa mở ra chỉ vừa đủ đặt một cái piano. Bên cạnh căn phòng đó là một loạt những căn phòng nhỏ khác cho mọi người tập dượt nhạc. Bạn đóng cửa vào và nhận ra rằng bốn bức tường mỏng dính và sàn nhà đều rung lên bởi đủ các âm thanh khác nhau từ kèn clarinet, nhạc tango, tiếng đàn piano, đến mấy ban nhạc đang đánh dạo và chỉnh âm thanh và một nhóm người luyện thanh. Nó giống như bạn đang đứng giữa một mớ âm thanh hỗn độn đang bật từ nhiều kênh trên đài cùng một lúc khiến cho bạn không thể tập được đoạn nhạc của mình. Nhưng với ông, đó là thiên đường.


Trên đây là đoạn miêu tả về trải nghiệm âm nhạc kỳ diệu nhất của Tom Waits khi ông bước vào khu tập nhạc ở một toà nhà tại Time Square.

Với người khác, đó là âm thanh, tiếng ồn và tạp âm, nhưng Tom Waits có thể “nhìn” ra được ra âm nhạc từ các dòng chảy âm thanh đang đan chéo xen lẫn vào nhau. Đó cũng là cách ông tự “làm mới” âm nhạc của chính mình vào đầu những năm 1980.


Chính vì vậy nhạc của Tom Waits cũng không hề dễ nghe. Nếu bạn tình cờ nghe thử một bài bất kỳ của ông, khả năng lớn là bạn sẽ nghe một bài mà phải thốt lên là đây có phải là hát đâu. Giọng ca đặc trưng của Tom là thứ âm thanh khàn đặc như đang có cục đờm trong cổ họng và chẳng thấy một chút gì luyến láy hay thậm chí không rõ được sự lên xuống cao độ của các nốt nhạc khi ông hát. Có người nói ông “luyện” được giọng ca này bằng cách úp mặt vào gối hét cho đến khản giọng. Mặc dù vậy, giọng ông chỉ đơn thuần là kết quả của việc uống rượu và hút thuốc quá nhiều của Tom Waits. 


Quay lại chuyện làm mới âm nhạc của Tom, cái mốc đó được đánh dấu vào thời điểm những năm 1980 khi ông phát hành bộ ba đĩa với câu chuyện về một nhân vật tên Frank.

Trước đó vào những năm 1970, Tom đi theo dòng nhạc jazz và giọng hát của ông thời đầu trầm ấm và tình cảm rất nhiều. Lúc đó những album như The Heart Of Saturday Night, Small Change, hay Blue Valentine đều là những giai điệu phiêu của thứ nhạc jazz trên nền piano và sau này cũng đều là những sản phẩm tuyệt đỉnh masterpiece trong ngành âm nhạc. 


Ngỡ tưởng như ông không thể vượt lên cả đỉnh cao đó thì vào đầu thập niên 80, Tom Waits đã làm một cuộc cách mạng âm nhạc của chính mình. Trong khi các nghệ sĩ khác thay đổi bằng việc chuyển đổi các dòng nhạc khác nhau thì Tom Waits lại lấy cảm hứng từ âm thanh từ cuộc sống xung quanh ông.

Tom cảm nhận mỗi âm thanh để biến nó thành nhạc cụ. Âm thanh đó là tiếng kéo ghế lê trên sàn nhà nghe như tiếng kẽo kẹt của phanh xe buýt, là tiếng đập mạnh vào tủ đựng đồ cá nhân hay thậm chí tiếng sập của nắp bồn cầu. Ông còn treo ở nhà những đồ kim loại để thỉnh thoảng dùng búa gõ thay cho bộ trống truyền thống. Với Tom, hầu như không có ranh giới nào giữa tiếng ồn và âm nhạc. Cũng chính vì thế mà nhạc của ông từ thời 1980 trở đi có âm sắc rất độc đáo trong bộ gõ mà tôi vô cùng ưa thích. 

Tom còn thay đổi cả cách sáng tác nhạc. Ông sẽ ngồi nhà bật hai kênh radio cùng một lúc để nghe hai thứ âm thanh đan vào nhau để tìm cảm hứng. Ông còn bật một đoạn nhạc và đứng nghe từ xa để cố tình cảm nhận nó lẫn trong các tạp âm của đường phố. 

Mặc cho khả năng chơi nhiều loại đàn khác nhau, ông vẫn phá cách nhạc từ việc tập chơi trên các nhạc cụ mà ông chưa bao giờ thử. Với Tom, các ngón tay giống như những chú chó, chúng quen chạy tới những chỗ “quen biết” trên các phím đàn như những thói quen trong tiềm thức. Vì vậy ông phải khám phá cảm hứng từ việc chơi các nhạc cụ khác lạ như marimba, accordion, trombone, bạno.  Đặc biệt phải kể đến chiếc đàn Mellotron mà Tom rất ưa thích. Đó là một loại đàn phím đặc biệt được biết đến như loại sampler đầu tiên khi nó đã được ghi âm sẵn của các loại nhạc cụ khác nhau trên một đoạn băng dài khoảng 7 giây. Khi chơi, người đánh phải bấm đủ mạnh thì mới tạo ra âm thanh. Lúc này đoạn băng sẽ được chạy với tốc độ để ra đúng theo cao độ nốt bấm thông qua bộ tuner trung tâm và vì vậy nếu người chơi giữ phím đàn lâu quá thì sau đó tiếng đàn sẽ bị méo và bắt đầu lẫn tạp âm trước khi ngắt hoàn toàn tiếng do đoạn băng chạy hết độ dài của nó. Điều đặc biệt hơn nữa là dù với cùng một phím trên đàn, mỗi lần người chơi bấm xuống với độ mạnh chỉ khác nhau một chút là âm sắc tạo ra sẽ khác dẫn đến việc chơi trên chiếc đàn này sẽ luôn mang lại bất ngờ và ngẫu hứng như chính độ phiêu của Tom Waits.

Kết quả là đĩa nhạc Swordfishtrombones phát hành năm 1983 đánh dấu cột mốc đột phá của Tom Waits khi ông tạo ra thứ âm nhạc mà còn khó nghe hơn trước, đến nỗi hãng đĩa Asylum mà ông đang ký hợp đồng thu âm từ chối phát hành do quá rủi ro, dẫn đến Tom phải chuyển sang hợp tác với Island. 



Không còn âm thanh jazzy của đàn piano và dàn nhạc mà thay vào đó là thể loại nhạc blues nhưng đầy tính thử nghiệm phát ra từ những nhạc cụ khác lạ với người nghe. 

Các album sau đó như Rain Dogs, Franks Wild Years tiếp tục được đi theo phong cách đó nhưng đều được đánh giá là những album hay nhất mọi thời đại và gộp thành bộ ba triology câu chuyện về một nhân vật tên Frank với một quá khứ điên rồ khi một đêm hắn say khướt rồi đốt luôn ngôi nhà mà vợ hắn và con chó Chihuahua còn đang ngủ ở trong đó. Cách kể chuyện độc đáo của Tom trên nền âm thanh khác lạ thực sự quá khó nghe kể cả với những người đã biết đến ông trước đó. Tuy nhiên khi mọi thứ bắt đầu ngấm thì mọi người mới nhận ra họ “yêu” thứ âm nhạc đó từ lúc nào. Đầu tiên là vượt qua rào cản và làm quen với giọng hát của một người được miêu tả như chuyên súc miệng với đinh ốc mỗi tối. Sau đó là cảm nhận về âm nhạc rất thật, vừa lạ vừa gần gũi, khiến người nghe hình dung ngay ra khung cảnh những bến cảng bẩn thỉu hay nhưng con phố nhỏ hay quán rượu nghèo nàn cho những thuỷ thủ ghé qua mỗi tối, rồi người nghe bắt gặp một kẻ đang uống ly rượu whiskey với dáng vẻ trầm ngâm, trước khi bắt đầu nghe hắn kể chuyện về cuộc đời của hắn. 


Mặc dù không ai biết rõ về đời tư của Tom Waits nhưng người nghe cũng hình dung được nhân vật trong các câu chuyện của ông đều được dựa trên chính bản thân mình. Mặc dù ông có thể không gặp phải quá khứ trớ trêu như nhân vật Frank, nhưng ông cũng là kẻ nghiện ngập với niềm vui mỗi tối là những ly rượu ở quán bar cho đến say khướt.  Chính người vợ Kathleen Brennan là người đã cứu vớt đời ông và bà cũng là người đóng góp lớn cho sự thay đổi trong phong cách âm nhạc của ông mà bây giờ tôi mới xin phép nhắc đến như một nhân tố vô cùng quan trọng trong cuộc cách mạng âm nhạc của Tom Waits.

Kathleen là người truyền cảm hứng cho Tom khi đề nghị ông nghe thử nhạc của Captain Beefheart (nhạc ông này thì thuộc dạng đỉnh điểm của khó nghe - album Trout Mask Replica thuộc top hay nhất mọi thời đại nhưng tôi đến giờ vẫn không hiểu nghe cái gì), và bà cũng là đồng sáng tác với Tom trong các album sau này của ông. Sau bộ ba album trên, các đĩa nhạc từ thập niên 90 trở về sau cũng đều vô cùng xuất sắc như Bone Machine, Mule Variations, Alice, Real Gone và gần đây nhất là Bad As Me (2011). Nhờ Kathleen mà nhạc của Tom vẫn luôn đổi mới nhưng vẫn khác lạ và có dấu ấn riêng của Tom Waits.  


Vì vậy nếu như người ta chia nhạc của Tom ra hai thời kỳ, trước Swordfish và sau Swordfish, thì tôi chia nhạc của ông thành trước và sau khi lấy vợ, và rất may là nửa sau thậm chí còn hay hơn.



Vậy đó, cuối cùng thì EmoodziK cũng có một câu chuyện mà đằng sau thành công của người đàn ông là bóng dáng của người phụ nữ. Bây giờ thì bạn có thể thử nghe nhạc Tom Waits cùng chai whiskey xem thế nào nhé! 


Hẹn gặp lại.


Kroon

589 views
bottom of page