Joe Satriani, cái tên đảm bảo thương hiệu trong ngành virtuoso, thực ra bắt đầu thành công khá muộn, khi anh đã ngoài 30 tuổi, nhưng cũng gây dựng được tên tuổi khá nhanh từ khi anh quyết định chuyển qua phát hành đĩa nặng về các ca khúc instrumental rock, điều mà không mấy người thực hiện ở thời điểm giữa thập niên 80s.
Những năm tháng loay hoay với ban nhạc Squares thời trẻ, và sự ngại ngùng với ánh đèn sân khấu khiến Joe đã có lúc tưởng như yên vị với nghề thày giáo dạy đàn. Chí ít là anh đã đào tạo ra được Steve Vai, Kirk Hammet (Metallica), hay Alex Skolnick (Testament, Trans-Siberian Orchestra, Savatage) giữa rất nhiều cái tên guitar đình đám. Chuỗi album Surfing with the Aliens (1987), Flying in the Blue Dreams (1989) và nhất là The Extremist (1992) chứng kiến sự nghiệp của Joe Satriani thăng tiến theo chiều gần như thẳng đứng, ở một thể loại âm nhạc gây e dè nhất đối với các kênh radio.
Thập niên 90s tiếp tục chứng kiến Time Machine (1993) hay Crystal Planet (1998), nơi Joe Satriani liên tục trình làng các kỹ thuật guitar mới và phá bỏ mọi ước lệ về trình diễn guitar trên sân khấu. Joe Satriani trở thành nghệ sĩ được đề cử nhiều giải grammy thứ 4 trong lịch sử với 15 đề cử, mặc dù anh chưa thắng được lần nào (!!). Cũng hơi tiếc cho một tài năng anh hùng cái thế trong một thể loại không có nhiều người nghe.
Ý thức được việc bước sang thập kỷ mới, từ cuối thập niên 90s, Joe Satriani đã lên một kế hoạch kỹ lưỡng cho việc đa dạng hóa âm nhạc của anh, từ việc lập ra tour diễn siêu hạng G3 (thường là Joe Satriani và Steve Vai kết hợp với một nghệ sĩ virtuoso khác, lúc thì là Eric Johnson, lúc lại là John Petrucci, vân vân), tới việc lập superband với Sammy Hagar (Van Halen), Chad Smith (Ret Hot Chilli Peppers) dưới cái tên Chickenfoot; các sản phẩm âm nhạc solo của anh lại dường như không còn được đón nhận như thời hoàng kim nữa. Kể cả khi đi diễn với G3, Joe Satriani vẫn thường trình diễn các ca khúc từ thập niên 90s.
Không hiểu đó có phải vì sự thờ ơ của khán giả với solo guitar, "căn bệnh" bắt đầu tràn lan từ cuối thập niên 90s, hay vì tiến bộ của công nghệ trong việc sản xuất đàn và hiệu ứng cũng như các kỹ thuật phòng thu đã "spoil" khán giả về những kỹ thuật và kỹ xảo mà thời trước chỉ có những virtuoso làm được. Chỉ thấy là, dường như nhạc của Joe Satriani sau năm 2000 không còn nhiều đột phá như trong thập niên 90s nữa. Trên giá đĩa của tui, có lẽ Joe Satriani là nghệ sỹ duy nhứt mà tui có đủ bộ discography. Nhưng cũng phải thú thật là mỗi khi ngóng Joe Satriani ra đĩa, lại là một lần tui mất công lắng nghe đi tìm những ý tưởng mới trong nhạc của anh.
Hôm nay sẽ không bàn về Crystal Planet hay The Extremist, mà tui xin mạn phép tóm tắt một vài ý tưởng rất đáng nghe của Joe Satriani trong những album sau năm 2000s. Chủ đề không/thời gian và máy móc robot vẫn là chủ đề xuyên suốt, và xin đừng vội trách vì chỉ đưa ra Top 5. Tui biết là nhạc của Joe có nhiều hơn thế.
5. The Souls of Distortion (Is There Love in Space? - 2004)
Wah Wah và tiếng ổn của tạp âm tạo nên nhạc. Rất hay, trong một đĩa khá là đồng đều và làng nhàng. Ca khúc khác đáng chú ý trong đĩa, có lẽ là "If I Could Fly", không phải vì phần nhạc, mà vì vụ lùm xùm khi năm 2008 Joe kiện nhóm Cold Play sử dụng hòa âm và ý tưởng nhạc bài này trong "Viva la Vida" mà không xin phép. Vụ kiện sau đó được Cold Play dàn xếp êm thấm và chi phí dàn xếp không được tiết lộ. Như mọi vụ kiện nhạc nhẽo khác.
4. Premonition (Black Swans and Wormhole Wizards - 2010)
Kết hợp nhiều với phần dây của keyboard, không có quá nhiều trick của Joe Satriani trong đĩa này và hầu hết (hình như tất cả) đều là bổn cũ soạn lại. "Premonition" thực sự nổi bật vì đoạn solo cao trào cũng như đoạn hồi đáp sau đấy rất cảm xúc.
Track đáng chú ý khác cùng album: "Wormhole Wizards".
3. One Robot's Dream (Super Colossal 2006)
Nhìn chung đĩa Super Colossal nghe rất hay dù không có âm sắc đặc trưng như thời 90s, và có một sự nhảy vọt về sản xuất âm nhạc so với các đĩa trước đó, mà tui không rõ là do kỹ thuật phòng thu hay do Joe đột nhiên ham thích sản xuất hơn trước. Đĩa này được sản xuất rất kỹ, và không hề có cảm giác thiếu vắng đi một tay bass cự phách như Stu Hamm hay Matt Bissonette (Joe phụ trách cả phần guitar lẫn bass) với nhiều câu bass đối ẩm guitar rất đã.
Track One Robot's Dream nhìn chung có âm thanh rất lạ, và nghe đặc biệt trống vắng đến nao người. Tất cả sound trong đĩa này nghe đều rất mới, và tui phải thú nhận là Joe tiếp tục thành công trong việc sản xuất khi từ album live Satriani Live! (2006), đã bê nguyên được toàn bộ âm thanh này lên sân khấu và thu lại y chang. Respect!
Một số track đáng chú ý khác cùng album: "Made of Tears", "A Cool New Way", "Ten Words", và cả title track "Super Colossal".
2. Musterion (Professor Satchafunkilus and the Musterion of Rock 2008)
Có lẽ đĩa này là đĩa đồng đều nhất của Joe Satriani sau 2000s, nhưng mà nhìn chung thì quá nhiều ý tưởng trong đĩa này xào lại của những năm 90s (hèn chi nghe quen).
"Musterion" thì rất tuyệt vời. Matt Bisonette trở lại đầy duyên dáng với cây đàn bass, nhưng thú vị cái là track này lại có phần bass chơi bởi Joe. Đoạn chuyển phỏm sau phần điệp khúc đầu rất tuyệt vời, rất... progressive. Và như mọi lần, khi đã "vào phom" sau cú chuyển, Joe là chuyên gia nhồi phần giai điệu và cao trào lên trước khi dứt điểm bằng một phần chấm mút mượt mà. Toàn bộ được sự hỗ trợ siêu đẳng của tay trống Jeff Campitelli: không hề cầu kỳ nhưng nhịp chắc như đanh. Giống như bản nhạc có chân để đứng và chạy vậy.
Các track đáng nghe khác:"I Just Wanna Rock" (lại nói về robot), "Revelation", và "Come on Baby".
1. Head Rush (album What Happens Next 2018)
Sau 2010, có vẻ Joe Satriani rơi vào khủng hoảng nhân sự khi tay trống đồng đội lâu năm Jeff Campitelli quyết định ngừng cuộc chơi. Không quá khó để nhận ra các album sau của Joe Satriani bị hổng giò thế nào (không phải vô cớ mà Jeff Campitelli được Rolling Stones bầu chọn ở vị trí thứ 50 cho top những tay trống vĩ đại nhất). Thiếu Stu Hamm hay Matt Bissonette ở phần bass, Joe có thể gánh được, chứ thiếu trống thì... chắc hơi mệt.
Vậy mới đáng nói ở chỗ sau hai album nhạt nhòa năm 2013 và 2015, đến đĩa mới nhất, Joe Satriani mời được Chad Smith, vốn là đồng đội ở Supergroup Chickenfoot sang trợ giúp. Chơi tới lun, Glenn Hughes (cựu Deep Purple) cũng nhận lời trám vào vị trí bass.
Hay cái nữa là, hai tay này mới mà không mới. Chad Smith căn tiếng trống và chơi nhịp snare/bass ý chang như thời Jeff Campitalli (dù cách dồn hơi khác chút), còn Glenn Hughes hy sinh bớt lối chơi funky của anh để chơi metal hơn (dù vẫn có một track phô trương với "Super Funky Badass"). Album được thu âm chỉ với ba cây.
"Headrush" là track tôi thích nhất. Đơn giản vì tính cách của Chad Smith và Glenn Hughes nổi lên rất rõ, nhất là những câu vuốt và slap bass và nện Snare tạo khoảng trống trước mỗi cao trào. Bài rất nhanh và kích động nhưng hai tay này rất biết cách điều tiết để tạo những khoảng lặng cần thiết, không thì người nghe... không kịp thở.
Các track đáng chú ý khác: "Thunder High on the Mountain", "Super Funky Badass", "Invisible", "What Happens Next" (và khá nhiều bổn cũ soạn lại).
*
Nhìn lại list thì mới thấy, mỗi bài nằm trong một album. Cũng tốt, khi mấy bài này xứng đáng đại diện cho âm thanh của album đó.
Và Joe Satriani sẽ cho mình nghe gì tiếp đây, khi anh đã hơn 60 tuổi rồi, dù rằng sức đi tour của anh vẫn đáng nể. Đó có lẽ cũng là câu hỏi Joe Satriani tự hỏi mình trong album mới nhất What happens next? (2018) với title track nghe thật ám ảnh.
Hy vọng với sự kết hợp với Chad Smith và Hugh Glenns đủ lâu dài để có thêm những sản phẩm tiếp theo với bộ khung ổn định. Ít nhất là What Happens Next nghe đã đỡ theo kiểu máy móc và du hành rồi đấy. Title track "What Happen Next" cũng có âm thanh rất lạ, nửa hoài niệm, nửa băn khoăn.
Bỗng dưng, tui lại tràn trề hy vọng.
Hẹn gặp lại.
Kai