Trống: “Bụp”, “Chát”, “Bụp”, và “Chát”!
Ezra Koenig: “Đíu ai mà quan tâm đến mấy dấu phẩy Oxford chứ”.
Ezra Koenig hát như vậy ngay trong phần mở bài của bản “Oxford Comma”. Là sinh viên trường đại học danh tiếng Columbia ở Mỹ, vâng không phải trường Oxford, Koenig một lần bắt gặp một hội trên Facebook với cái tên “Hội sinh viên bảo tồn dấu phẩy Oxford”. Dấu phẩy Oxford là dấu phẩy cuối cùng ở loạt những thứ được liệt kê trong một câu, nên nó sẽ xuất hiện trước chữ “và” đứng trước thứ được liệt kê cuối cùng. Trên đoạn bụp chát ở đầu bài, dấu phẩy Oxford là dấu phẩy ngay sau chữ “Bụp” thứ hai. Trong ngữ pháp tiếng Anh hiện đại, sự tồn tại của phẩy này không còn quá quan trọng, và tôi cũng không biết tiếng Việt ta có dùng vậy không.
Thế mà chỉ nhiu chuyện đó thôi đã thành cảm hứng cho Ezra Koenig - tay ca sĩ chính kiêm guitar của ban nhạc Vampire Weekend sáng tác một bài hay đến kỳ quặc.
Dưới bàn tay sản xuất của Rostam Batmanglij, thành viên biết chơi nhiều nhạc cụ của ban nhạc, người thường cùng sáng tác với Koenig và đảm nhiệm sản xuất cho 3 album đầu tay của Vampire Weekend, ca khúc này có một phong cách cực lạ cho bất kỳ ai mới nghe nhạc của band này. Phần phối khí tối giản, chủ đạo ở tiếng keyboard ngắt nghỉ cùng lúc với tiếng bass cùng nhịp trống đều đặn. Đến phần guitar solo phía sau cũng không có gì cầu kỳ, chưa kể nó chỉ là tiếng guitar điện không một chút hiệu ứng distortion hay âm vang.
Vậy nó hay ở chỗ nào? Hay ở cách hát của Koenig trên phần giai điệu rất tươi sáng và cách chọn các nốt tương phản để tạo độ nhấn thông minh. Hay ở phần hát 3 bè ở đoạn sau trên một tiết tấu tương đối nhanh mang màu sắc tươi vui. Hay ở chính phần lời tưởng chừng vô nghĩa khi Koenig sáng tác với cảm hứng từ một thứ có vẻ vô bổ:
“Who gives a fuck about an Oxford comma?
I've seen those English dramas too; they're cruel
So if there's any other way to spell the word
It's fine with me, with me”.
Về vấn đề dấu phẩy Oxford đấy, chàng ca sĩ cũng chả đề cập gì thêm. Anh chỉ mượn nó để thể hiện quan điểm không quan tâm những điều phù phiếm, ví dụ như những cách đánh vần từ ngữ trong văn học Anh.
“All your diction dripping with disdain
Through the pain, I always tell the truth”
Tóm lại chỉ từ một vấn đề của dấu phẩy, anh chàng thể hiện một quan điểm của một anh sinh viên sau này còn làm giáo viên dạy môn tiếng Anh hẳn hoi, là những thứ quy tắc này chả quan trọng tẹo nào. Điều quan trọng ở đây là “sự thật” trong ý nghĩa của câu nói, mà ở vế sau anh còn tag tên của rapper “Lil Jon” vào như hình tượng một người chỉ chuyên nói “sự thật”.
Chỉ vậy thôi. Nhẹ nhàng và có vẻ đơn giản, âm nhạc của Vampire Weekend thực sự lôi cuốn đến khó hiểu. Cũng bởi vì thứ nhạc này nó cũng không đơn giản.
***
Guitar: “Tèo tèo”, “téo téo”, “téo” “teo” “tèo” “teo tèo” “teo” “tèo” “teo”…
Ezra Koenig: “Một cô gái trẻ / Mặc đồ Louis Vuitton / Ngồi cạnh người mẹ / Trên thảm cỏ mềm”
“Giường em dọn chưa? Áo em vẫn mặc chứ? Em có muộn lếu lều như em biết anh muốn thế nào không? / ooh, ooh, ooh, ooh”
“Em có thể thức / Để ngắm bình minh không? Ngắm nhìn các mảng màu / của Benetton”.
Ở ca khúc “Cape Cod Kwassa Kwassa”, nổi lên rõ nét màu sắc tươi sáng được vay mượn từ âm nhạc đến từ châu Phi - đặc tính của chất nhạc Vampire Weekend, không chỉ gây chú ý cho người nghe mà còn là chất liệu độc đáo khiến họ được các nhà phê bình hết lời khen ngợi. Câu riff guitar điện trong trẻo, không một chút rè đặc. Nó là thứ âm thanh lo-fi đánh nhanh những nốt cao mà gần giống nhất chính là sự ảnh hưởng của album Graceland từ cụ Paul Simon phát hành trước đó hơn 20 năm, cũng từng gây sóng nhờ cách phối âm thanh của nhạc World music, ví dụ như trong bài “Crazy Love, Vol II”. Tiếng guitar tưng tửng như giọng hát của Koenig trong “Cape Cod Kwassa Kwassa” chơi theo lối châu Phi càng đậm màu sắc qua tiếng bộ gõ bongo và cái tên bài hát lấy từ điệu nhảy của Congo - Kwassa Kwassa. Koenig hát về sự ham muốn của chàng trai với cô gái tiểu thư nhà giàu. Nhưng dường như sự khác biệt về tầng lớp xã hội, giữa một người như “Cape Cod” và một người chỉ là “Kwassa Kwassa”, sự ham muốn đó bỗng dưng “thiếu tự nhiên” như là “Peter Gabriel” - một nghệ sĩ gạo cội, được Koenig lôi vào, tag ngay tên ông trong lời bài hát: “But this feels so unnatural, Peter Gabriel too”
Vấn đề ở đây là ý nghĩa đối lập đến từ nửa đầu của tên bài “Cape Cod”, chỗ được coi là một trong những địa điểm du lịch nghỉ mát thuộc hàng xa xỉ đắt đỏ nhất. Những chàng trai của Vampire Weekend - học tại ngôi trường danh giá Columbia, mặc những chiếc áo polo Ralph Lauren, bận quần kaki, đi giày deck shoes của những quý ông; nay lại hát về “Cape Cod” với lời ca về thương hiệu “Louis Vuitton” và “Benetton”. Lẽ bình sinh người ta vẫn thích những mẫu người hình tượng vùng lên từ hoàn cảnh khó khăn, từ tầng lớp lao động, để vươn tới thành công. Ít ai đi tuyên dương những “tấm gương giàu vượt khó” như bốn chàng trai: Ezra Koenig (ca sĩ và guitar), Rostam Batmanglij (đảm nhiệm nhiều nhạc cụ và sản xuất), Chris Baio (bass) và Chris Tomson (trống).
Khi ban nhạc mới chỉ có một hai bài tạo tiếng vang, còn chưa có được album hoàn chỉnh, đã có một sự chú ý và ưu ái đặc biệt bởi thị trường âm nhạc, ắt phải có sự ganh ghét đố kỵ. Họ mới dấy lên một vấn đề nữa là: “Thế tại sao lại đi đặt một địa danh sang trọng “Cape Cod” cạnh cái tên bình dân “Kwassa Kwassa” bắt nguồn vùng đất châu Phi?” Khác gì mấy tay da trắng đi thuộc địa “cướp bóc” văn hoá các nước nghèo khó!
Đến khốn khổ vì mấy ca từ và hình ảnh bảnh bao như công tử nhà lành này mà họ bỗng dưng thành nạn nhân bị tấn công bất đắc dĩ khi các bài báo chĩa mũi dùi vào họ. Họ tưng tửng với hình ảnh ban nhạc, như chính âm nhạc mà họ tạo dựng. Họ không quan tâm những thứ phù phiếm, như mấy cái dấu phẩy Oxford chẳng hạn. Nhưng người ta soi sét từ quần áo của ban nhạc đến dò la chuyện gia thế của mỗi thành viên.
Ngược hẳn những lời phê phán đó, thực tế là Ezra Koenig sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh xuất thân từ tầng lớp lao động người Do Thái, Rostam Batmanglij thì thuộc gốc gác người nhập cư từ Iran khi bố mẹ anh phải chạy khỏi đất nước từ năm 1979, Chris Baio có gốc gác Ý và Chris Tomson sinh ra trong một gia đình nông dân. Cả bốn chàng trai đều theo học ở Columbia theo dạng học bổng và có các khoản nợ phải trả, chứ không phải từ những gia đình dư dả về kinh tế hay có nguồn gốc thượng lưu “da trắng” như báo chí lầm tưởng. Và chốn “Cape Cod” đó cũng chỉ mới có Koenig biết qua chứ các thành viên còn lại tuyệt nhiên chưa ai được ghé chân tới.
Thế nên để suy diễn nghĩa đen những tiêu đề bài hát của Vampire Weekend chỉ tổ phí thời gian. Bởi ý nghĩa thực trong nhạc của họ còn sâu xa hơn thế, và nó nằm ở chính trí tuệ, âm nhạc và lời ca của những cậu sinh viên ưu tú.
Từ những lời tố cáo thiếu cơ sở của mấy ông báo chí, trong album thứ hai Contra (2010), ở bài “Cousins”, Koenig dùng ca từ đá xoáy ngay đám phê bình nên tìm hiểu cho kỹ trước khi phát biểu: “Ồ mấy ông sinh ra có đủ 10 ngón tay thì cũng nên dùng cho đủ hết cả 10”.
Và như cố tình nhại lại cái hình ảnh gia thế khủng bị người khác gắn mác cho mình, các chàng trai Vampire Weekend đặt tên hẳn một bài “Diplomat’s Son” - giống như cách người Việt Nam hay gọi “con ông chủ tịch”, dù nội dung thay vào đó lại kể về mối tình đồng giới của nhân vật trong bài, cảm hứng từ chính thành viên Rostam Batmanglij - người sau đó tiết lộ giới tính thật của mình.
Âm nhạc của Vampire Weekend là vậy. Họ như giỡn cợt để mỉa mai lại những sự vụ xảy đến với ban nhạc, như thể những cái tên bài hát chỉ là cái vỏ ngoài cải trang, dành cho những người tìm hiểu sâu trong lời bài hát và tiểu sử của mỗi thành viên thì mới hiểu được họ, trước khi đưa ra phán xét.
Duy có sự thật duy nhất vẫn được mọi người ghi nhận từ đầu đến giờ, đó là cá tính sáng tạo đầy khác biệt trong gu nhạc rất “khác bọt” của Vampire Weekend. Kiểu nhạc của họ có thể không phù hợp với tất cả đối tượng người yêu nhạc, nhưng với những ai đã hợp thì thì các album của band đều nằm trong số các tác phẩm gối đầu giường của họ.
Trước đấy, hai album đầu tay của ban nhạc mang đầy những câu chuyện của tuổi trẻ, với không khí vui tươi qua chất liệu nhạc rất sáng. Cái tài trong làm nhạc của Batmanglij - thành viên chơi đủ nhạc cụ guitar, keyboard, bass và trống lẫn đảm nhiệm vai trò sản xuất nhạc cho band - đóng góp lớn cho sự độc đáo của Vampire Weekend. Nếu nghe qua phần phối khí, nhạc của Vampire là sự giản lược và âm thanh mỏng như cách làm nhạc của The Neptunes, người mà cả Batmanglij và Koenig đều chịu ảnh hưởng. Không chỉ có sự mới lạ của không khí World Music đến từ nhạc vùng đất châu Phi, nó còn mang không khí nhạc Indie Rock màu sắc rất Anh Quốc của một band lập ra ở Mỹ. Giọng hát cao với giọng điệu có chút chảnh của Erza Koenig; tiếng trống tiết tấu nhanh với nhịp điệu cà tưng của Chris Tomson, rất chuẩn với phong cách đàn guitar mà Koenig chơi; âm bass groovy đầy đặn của Chris Baio - anh chàng được rủ vào band nhờ thuộc các câu riff của Metallica; và dĩ nhiên phần hoà âm guitar thứ hai hoặc tiếng keyboard trẻ trung của Rostam Batmanglij.
Vũ khí bí mật của Vampire Weekend còn nằm ở những thứ mà Rostam Batmanglij đưa thêm trong phần hoà khí như dàn strings, nổi bật trong bài “M79”, hoặc khúc đổi nhịp về nửa cuối bài “Diplomat’s Son”, và nhiều nữa, điều cho thấy âm nhạc Vampire Weekend thực tế phức tạp hơn nhiều so với cái âm thanh tưng tửng tưởng như “vô hại” nếu nghe lúc đầu.
Nếu như album đầu tiên được Batmanglij tạo ra đủ để cho ban nhạc có thể chơi live dễ dàng, thì đến đĩa thứ hai, yếu tố này giảm còn 50/50 khi âm thanh điện tử được anh đưa vào như một bước tiến thay đổi trong âm nhạc. Thế nên đến album thứ ba mà tôi yêu thích nhất – Modern Vampires Of The City (2013), bước tiến tiếp theo mà Batmanglij tạo ra lúc này, cùng với sự hỗ trợ của Ariel Rechtshaid (người đã sản xuất nhạc cho Haim, Usher, Adele, Madonna), là tạo ra một nhạc phẩm mang nhiều hiệu ứng âm sắc điện tử hơn bao giờ hết
Album này cũng là sản phẩm trưởng thành nhất trong bộ ba triology của nhóm, khi tiết tấu có chậm hơn, có lắng đọng hơn trước như “Obvious Bicycle”, “Hannah Hunt”. Mấy bài tempo nhanh theo phong cách Vampire Weekend trước đây như “Unbelievers” và “Finger Back” thì màu tối có phảng phất ở những đoạn chuyển hợp âm thứ, hoặc âm sắc có phần rè đặc hơn trước. Thế nên mấy track như “Diane Young” trong đĩa này có thể được xếp vào hạng “ồn ào” theo tiêu chuẩn của ban nhạc. Về lời hát, ở album này ta mới có những bài kể về sự chán nản vô vọng với cuộc đời (bài “Obvious Bicycle”), về một mối tình buồn của đôi tình nhân có hoàn cảnh khác nhau (bài “Hannah Hunt”), hoặc một chút “vui” về cái chết, sự ra đi khi còn ở tuổi trẻ (qua cách chơi chữ “dying young” ở bài “Diane Young”). Và với bài “Ya Hey” thuộc top những ca khúc hay nhất của Vampire Weekend, ngoài sự cầu kỳ trong phần âm nhạc, lời ca của nó như một sự tổng thể về các dòng suy nghĩ phức tạp của Koenig đối với cuộc đời, tôn giáo và niềm tin. Một lần nữa, những tiêu đề của các bài hát của Vampire Weekend lại như những vỏ bọc cải trang bên ngoài cho các nội dung sâu xa nằm ở trong những từ ngữ mà Erza Koenig lựa chọn, luôn mang nhiều hàm ý.
Modern Vampires Of The City không chỉ kết thúc một bộ ba triology mà cũng là tác phẩm hợp tác chính thức cuối cùng với Rostam Batmanglij với danh nghĩa thành viên ban nhạc. Vì thế album gần nhất – Father Of The Bride phát hành năm 2019, không chỉ khác hơn từ bìa đĩa (không còn là những tấm hình chụp phim Polaroid như trước), mà đến cả số bài và thời lượng nay dài gấp đôi. Ngay từ ca khúc đầu “Hold You Now” của đĩa đã mang một không khí khác xưa trong nhạc của Vampire Weekend. Thay vì những thứ gây cuốn hút qua nhịp điệu được Batmanglij trước đây sản xuất một cách rất độc đáo thì giờ sự cuốn hút dồn về mặt giai điệu ngọt ngào mà Koenig sáng tác. Thế nên album này vẫn là một album cực hay của ban nhạc. Họ vẫn giữ được phong cách đặt tên bài hát dường như không liên quan đến nội dung. Những cái tên như “Unbearably White” và “Rich Man” hẳn phải khiến fan của ban nhạc bật cười khi ban nhạc vẫn không dừng mỉa mai những chuyện hiểu nhầm ngày đầu. Và quan trọng là, ở album này, dù âm thanh và lời ca tiếp tục già dặn hơn trước nữa, ban nhạc vẫn lưu giữ được những màu sắc tươi sáng rất đặc trưng – rất “Vampire”.
Ồ vậy ra là không chỉ mỗi tên bài hát, cái tên ban nhạc “Ngày cuối tuần của Ma cà rồng” này xem ra cũng chẳng ăn nhập gì đến những thứ gọi là “tươi sáng” trong âm nhạc của họ.
Hẹn gặp lại!
Kink