Tôi thấy chưa bao giờ là thời điểm hợp lý hơn để làm nerd, a.k.a những người có nội tâm khép kín ưa đọc sách, như hiện nay. Hãy nhìn mà xem, những phong trào chống lại bất công và đòi hỏi bình đẳng cho những người thuộc thiểu số, ít hay nhiều cũng đã có được những ghi nhận xứng đáng. Này thì màu da, sắc tộc, này thì tôn giáo, giới tính. Dù thực tế thì chưa có một phong trào nào đòi hỏi sự bình đẳng cho những kẻ mọt sách (hay nerd) như tôi, thì trong bụng tôi cũng cảm thấy yên tâm rằng chuyện đó sẽ sớm muộn xảy ra thôi.
Chí ít thì những kẻ nerd như tôi cũng có hẳn một ngành âm nhạc để vỗ về. Ấy gọi là “Geek Rock”. Và ban nhạc điển hình trong số này là Weezer.
Vậy chính xác thì Geek Rock là gì? Đây chỉ là một tên gọi nhạo báng hay là một nhánh của nhạc Rock thực thụ? Có phải bất cứ ai hát về khoa học viễn tưởng sci-fi đều bị gọi là Geek Rock hay những nghệ sĩ nọ phải học ra từ những trường trong hàng top? Nhầm to, vì những người đặt ra những câu hỏi như vầy đều không tính là dân nerd nên sẽ chẳng thể hiểu được.
Đây nhé, bất cứ ai là nerd như chúng tôi đều biết mình là nerd. Đó là sự khó “hòa nhập” với xã hội, những quan niệm đôi khi ngô nghê về một lãnh vực “hot” nào đó, và thôi thì cả cái tánh tình đôi lúc hơi lè phè. Nếu như cứ tính những thứ phải fantasy hay sci-fi không gần gũi với thực tế mới là những thứ nghe thật “nerd”, thì chẳng hóa ra lâu nay, Rush lừng danh cũng chơi Geek Rock với thứ âm nhạc đậm chất sci-fi của họ hay sao? Hay cả Iron Maiden rồi Ronnie James Dio nữa, những người ưa hát về rồng kiếm và dòng máu anh hùng?
Cụ thể hơn, những thứ hay được cảm nhận rõ ràng nhất trong âm nhạc Nerd/Geek Rock chính là cảm giác bị tách biệt, cô đơn, yêu đơn phương, những điều thú vị nhỏ nhoi mà người khác không thèm quan tâm, và nhiều lúc cả sự bực bội với chính bản thân mình, những cảm giác mà nói ra thì ai cũng có, nhưng với những người nerd thì nó chạm đến cảm xúc một cách nổi bật hơn. Nhưng được cái, những người biết mình là nerd rồi thường sẽ chả quan tâm đến việc người khác nghĩ gì.
Đây nhé, album đầu tay Weezer (thường hay được gọi là Blue album) có lẽ đúng nghĩa là “nhí nhảnh như con cá cảnh”. Trong bối cảnh thế giới năm 1994 lúc ấy hãy còn chìm đắm vào những âm nhạc đầy tính tự sự của Grunge, album Weezer như thổi một luồng gió lạ với những bài hát như “Buddy Holly” được phát liên tục trên MTV, và cả những thứ như “Sweater Song” hay “Say It Isn’t So” đều khiến người nghe cảm thấy thích thú về giai điệu, nhưng luôn ngập ngừng trước việc liệu mình có hiểu đám này đang hát về điều gì không.
Có lẽ vì thế, đặc điểm quan trọng nhất của cái thứ âm nhạc Nerd Rock hay nói riêng là ban nhạc Weezer này chính là cái sự “kệ mịa”. Họ có thể hát về truyện tranh, internet, bữa ăn sáng và cả những thứ bình thường như cân đường hộp sữa, và bất kể người nghe có ngạc nhiên hết đỗi về việc chỉ có nhiêu đó mà cũng phải xây dựng thành bài hát; họ cũng chả bận tâm. Theo một cách nào đó, việc bày tỏ cảm xúc của họ ngay lúc đó mà không cần quan tâm người khác nghĩ gì cũng là một sự can đảm, dù nó có thể không quá to tát để được gọi là Punk Rock hay Emo Rock. Geek Rock vẫn luôn hào phóng và sẵn sàng chia sẻ những ý tưởng về sự bức bối của mình, dù đó chỉ là việc hôm nay ăn không ngon hay đôi giày mới mua không đi vừa chân, cho cả những người nghe không phải là “nerd”.
Nhưng cũng nhanh thôi, sau thành công ngoài sức tưởng tượng của album đầu tay Weezer 1994, trưởng nhóm kiêm guitar kiêm hát chính kiêm sáng tác chính và cũng là kẻ nhìn nerd nhất band, Rivers Cuomo, quyết định ngưng hoạt động của ban nhạc để đi học ở trường Harvard. Ba anh còn lại là tay trống Patrick Wilson, tay bass Matt Sharp, và tay guitar Brian Bell đều sẵn lòng chờ bạn đi học và làm việc với những dự án riêng rẽ của họ.
Cũng trong thời gian ở Harvard này, Cuomo nhận được một lá thơ từ một fan hâm mộ gửi từ Nhật Bản. Không biết trong thơ viết gì, nhưng có vẻ gây xúc động cho Cuomo một cách dữ dội và anh cảm thấy yêu cô gái này ngay tắp lự. Chiến đấu với sự cô đơn và tách biệt trong trường đại học, Cuomo giờ có thêm cả cảm giác muộn phiền vì nghĩ rằng không bao giờ có thể gặp được cô gái người Nhật kia. Thậm chí kể cả khi có gặp, Cuomo cũng tưởng tượng ra rằng cô đó cũng hoàn toàn có khi chỉ là một cô bé mười bốn tuổi và cũng chả biết nói tiếng Anh.
Album thứ hai của Weezer mang tên Pinkerton được ghi âm và phát hành không lâu sau đó với âm thanh khá là thô ráp và lời lẽ thì đầy tăm tối so với album đầu tay lừng danh kia. Cô gái người Nhật được xuất hiện trong 2 bài ("Across The Sea" và "El Sorcho"), còn tên album thì cũng được lấy từ một nhân vật BF Pinkerton từ trong vở Opera Madama Butterfly, một nhân vật từng cưới và sau đó bỏ rơi một cô gái người Nhật tên là Butterfly (cũng là track cuối của album này).
Nhưng điều đặc biệt nhất ở album Pinkerton này là nó bán rất tệ so với album đầu tay (4 lần platinum), và thậm chí còn bị độc giả của tờ báo Rolling Stones lừng danh bình chọn là album tệ nhất của năm 1996. Nếu như điều đó chưa đủ kỳ lạ, thì năm 2002, độc giả của tờ tạp chí này bình chọn Pinkerton ở vị trí thứ 16 trong những album hay nhất mọi thời đại. Tức là thậm chí nó còn hay hơn cả Blue album.
Đây là một album cần được nghe đi nghe lại để ngấm. Hoặc có lẽ cần những cậu thanh niên của năm 1996 lớn hơn một chút để hiểu ra. Có lẽ không có sự diễn đạt nào tốt hơn như thế dành cho Geek Rock.
Ở trung tâm của album Pinkterton với rặt những lời lẽ đầy tự sự và cả những sự nhảm nhí đó, là một cái đầu cô đơn lúc nào cũng miên man nghĩ đến gái, gái, và gái. Ngay từ bài đầu tiên, Cuomo đã than phiền về việc không thể tìm ra được tình yêu đích thực giữa tất cả những cuộc làm tình vô nghĩa với rất nhiều cô gái xung quanh. Và quay đi quay lại một hồi, ở bài cuối cùng, Cuomo cũng “nhắm mắt đưa chân” tới những cuộc làm tình vô nghĩa nhưng bởi vì “cơ thể mách bảo”.
Đồng đội của Cuomo là tay bass Matt Sharp cảm nhận rất rõ ảnh hưởng từ sự cô lập của Cuomo, tới mức sau khi làm xong album Pinkerton, anh này quyết định rời khỏi Weezer vì tư tưởng âm nhạc đã không còn giống như Rivers Cuomo dạo trước.
Thế là từ một Blue Album bán được hàng triệu đĩa với giai điệu “nhí nhảnh” trên nền nhạc nặng và đầy sức mạnh, Rivers Cuomo đã tạo ra album Pinkerton sau đó đầy tăm tối và âm thanh đục ngầu chỉ sau quãng thời gian “đày đọa” ở trường Harvard và bệnh hoạn tới mức ngửi cả bức thư của fan hâm mộ gởi từ Nhật trong khi tưởng tượng ra cô đó “tự sướng” thế nào. Tôi thấy về độ nặng, album này cũng chả thua kém gì những âm nhạc đến từ Seattle dù rằng ý tưởng thì không hề giống nhau. Quan trọng hơn, Cuomo không ngại gì trong việc thể hiện những suy nghĩ kỳ quặc (thậm chí có thể bị gọi là biến thái nếu như album đó được phát hành vào thời điểm bây giờ). Dù rằng việc này chắc chắn ít nhiều đã loại bớt đi rất nhiều fan hâm mộ nữ giới của Weezer, sự công nhận của khán giả cho album này vài năm sau đó đã chứng tỏ hai điều: đám đông những con người emo ngày một nhiều, và có lẽ sự dũng cảm của Rivers Cuomo là thứ đáng được ghi nhận.
“They don't make stationery like this where I'm from
So fragile, so refined
So I sniff, and I lick, your envelope
And fall to little pieces every time
I wonder what clothes you wear to school
I wonder how you decorate your room
I wonder how you touch yourself and curse myself for being across the sea”
Có lẽ Blue Album và Pinkerton có đầy đủ các cung bậc cảm xúc cho những kẻ nerd như tôi, những người có thể ngây ngô trong một lĩnh vực nào đó và có thể vui đùa với những niềm vui nhỏ nhoi, nhưng cũng sẵn sàng (hoặc tự nhiên chấp nhận) dành rất nhiều thời gian để đào sâu vào một nỗi buồn hay sự mất mát nào đó.
Mang theo công thức đó, Weezer tiếp tục ra những album tiếp theo vẫn hát về những điều chả đâu vào đâu cả sau đó, và những bài nghe thật nhảm như “Beverly Hills” hay “Porks and Beans” vẫn tiếp tục trở thành hit và trở nên nổi tiếng. Dù rằng không có một album nào sau đó của Weezer, dù là màu lam hay màu hồng, có thể đạt được sức hút như của Blue album hay Pinkerton.
Tôi chỉ không thích cách mà các fan luôn tìm cách phàn nàn về âm nhạc của Weezer khi không có lại được âm thanh poppy như Blue album, hay ý tưởng như trong Pinkerton. Thực ra thì tới cả Metallica suốt nhiều năm cũng đâu có được lại âm nhạc “chất như nước cất” của họ từ trước thời Black Album đâu?
Ở chiều ngược lại, Weezer còn làm được nhiều hơn thế cho các fan của mình. Họ cộng tác cùng cùng B.o.B trong album Hip Hop của anh này, hát cùng The Muppets, họ hát cho nhạc phim Frozen, họ thậm chí còn tạo ra một chiếc du thuyền cruise mang tên Weezer để dành cho các fan của họ, nơi Weezer sẽ biểu diễn phục vụ hàng đêm. Một hành động hiển nhiên là dành cho các nerd fan bởi lẽ những người bình thường hẳn chỉ lên cruise khi họ đã già, tỏ ra khá giả, hoặc có khi chỉ để níu kéo cuộc hôn nhân sắp đổ vỡ.
Vào năm 2017, có một fan nữ của Weezer mang tên Mary đăng đàn trên twitter kêu gọi Weezer cover lại bài hát nổi tiếng “Africa” của Toto, Weezer đã đáp lại bằng bản cover bài này thật, dù rằng thứ âm nhạc của Weezer và Toto thì chắc chả có tí liên quan nào.
Weezer thậm chí còn rủ cả "Weird Al" Yankovic, một Geek Rocker quen thuộc khác, hát cùng ca khúc này như để chứng minh đanh thép rằng đây chỉ là một ca khúc của thể loại Geek Rock.
Thế nên tôi vẫn tiếp tục nghe Weezer, như một nguồn giải trí vô tận về những điều thật đơn giản xung quanh nhưng có thể được xây dựng nên thành một bài hát hoành tráng, khi thi thoảng lại tìm ra những ý tưởng hài hước trong các video của họ, cũng như tận hưởng cái mục đích âm nhạc thật đơn giản nhưng xuyên suốt của họ: phải vui.
Biết đâu lâu nay Weezer đã kịp làm ra được một thứ hay ho như Pinkerton nữa, nhưng phải mất nhiều năm sau mọi người mới nhận ra?
Hẹn gặp lại.
Kcid