Jack White là một tay kỳ cục không giống ai. Hắn chỉ thích làm những thứ ít người làm, bởi hắn nghĩ đó mới là làm nghệ thuật. Chưa kể, hắn còn là bậc thầy về việc nghệ thuật hóa những thứ xung quanh hắn.
Ai cũng biết, ban nhạc cơ bản nào cũng thường có tay trống, bass, guitar hoặc keyboard, và ca sĩ. Trống thì để tạo và giữ nhịp điệu, còn guitar và/hoặc keyboard là để tạo nền (hay rhythm) cho giai điệu nhưng thường ở khoảng âm trung và cao. Vậy mới cần anh đánh bass là người tạo ra cầu nối giữa trống và phần rhythm, vì vừa phải chơi theo chuỗi hợp âm của rhythm, vừa phải chơi theo nhịp điệu của trống đặc biệt là ở các nhịp chân bass. Đôi lúc tay keyboard có thể tạo âm bass thì không cần gã đánh bass nữa, nhưng kiểu gì âm trầm này cũng cần có.
Thế nhưng Jack White lại chơi trò tối giản hoàn toàn trong nhạc của White Stripes với đúng 3 yếu tố: trống, guitar và hát.
Jack White có lẽ là một trong những nghệ sĩ giỏi và quan trọng hàng đầu với âm nhạc đầu thế kỷ 21. Hắn bắt đầu với bộ trống từ tuổi lên 5, và lớn lên thì chơi cả trống và guitar ở các band mà gã tham gia. Cái là, trong một lần Jack đề nghị cô vợ mình lúc đấy là Meg White đánh thử nhịp điệu trống đơn giản để hắn chơi thử mấy câu đàn mới chế ra, thì hắn nhận ra một điều là sự sáng tạo của bản thân được đẩy lên đỉnh điểm. Có lẽ do thuận vợ thuận chồng mà Jack cao hứng phun ra tung toé các câu đàn mà hắn cực kỳ thích thú. Từ đó hắn quyết định lập band với cô vợ mình luôn.
Ngạc nhiên là, tiếng trống của Meg rất đơn giản chứ không hề nhiều các câu dồn hay riff. Nhưng tiếng trống của Meg White cực kỳ giàu năng lượng, với tiếng snare nổ chát chúa, tiếng giữ nhịp bằng hi-hat mở hoặc ride cymbal không cần chặn hay bịt, và tiếng kick bass đanh gọn. Và kỳ lạ hơn, Meg White có thể chơi một lèo một tiết tấu cả chục phút không chán mà cũng chả sai nhịp nào. Nói tiếng trống của Meg White truyền cảm như tiếng trống trận cũng không sai – tôi không cho là có nhiều tay trống nữ đánh được tiếng snare nổ như cô – mà chắc cô có nện Jack ngoài đời thì bao sưng mặt.
Dù là Jack lấy họ White từ vợ để thể hiện sự kính trọng với cô vợ nhưng không phải do hắn sợ vợ mà không dám rủ thêm ai vào đánh cùng đâu. Thực tế hắn bị ám ảnh bởi con số 3 thần thánh, có lẽ cũng từ những quan sát từ hồi hắn còn làm ở cửa hàng nội thất, chẳng hạn như chỉ cần bằng ba miếng ghim để giữ một tấm vải, hay ba cái chân để tạo thành một chiếc bàn. Từ đó hắn luôn quanh quẩn con số 3 và thứ âm nhạc hắn theo đuổi cũng dựa trên nền tảng nhạc Blues, là thứ nhạc được xây dựng với chỉ 3 hợp âm chính.
Nhạc của White Stripes từ đó chủ yếu chỉ gồm 3 âm thanh của trống (do Meg đảm nhiệm), guitar và hát do Jack lo toan. Hình ảnh của White Stripes trên bìa đĩa hay clip cũng chỉ tóm gọn có 3 màu: đen, đỏ và trắng (đại diện cho Cái chết, sự giận dữ, và chính họ - White).
Đây cũng là một trong những lý do nhạc của The White Stripes rất kén người nghe khi mọi thứ nó tối giản đến mức cơ bản.
Sự tối giản đầu tiên nằm ở tiếng trống đơn giản của Meg. Cái cặp đôi này làm tôi liên tưởng đến mấy lần đi ăn phở nó phải có tiếng băm thịt cạch cạch bên tai nghe nó mới đủ vị. Jack giống như ông chủ quán phở một ngày đông khách quá bảo vợ ra giúp băm thịt bò tái. Xong ông chủ quán phở nghe tiếng bụp chát bụp chát có lý vãi, chợt thăng hoa nấu ra món phở gia truyền đặc sắc. Món phở không có hành (không có bass mà).
Mặc dù vậy, nhiều người chê Meg đánh trống kém vì thiếu tính kỹ thuật và biến đổi trong cách đánh, dẫn đến nhiều khi bài nào cũng giống bài nào. Tuy nhiên nếu để ý kỹ thì thực ra lối đánh của cô lại là âm sắc đặc trưng của nhạc The White Stripes. Ở một số bài như "The Union Forever", hay "Aluminum", tiếng trống của Meg đánh cùng nhịp điệu với câu riff của Jack, làm dày tiếng câu guitar hơn và tạo ra khoảng trống giữa mỗi nhịp điệu. Còn nếu lấy bài "Seven Nation Army" ra, hay "Hardest Button To Button", thì cách đánh đơn giản của Meg lại hợp với bài hát vô cùng. Bạn cứ thử nghĩ một nhịp điệu phức tạp hơn mà gắn vô hai bài này là mất ngay màu sắc đặc trưng ngay. Hoặc ngược lại nếu chỉ nghe tiếng trống của hai bài này là có người sẽ nhận ra ngay bài nào của nhóm White Stripes.
Thế nên Jack cực kỳ thích món thịt bò mà cô vợ chuẩn bị. Không biết hắn có chém gió không mà hắn bảo nếu kể cả siêu sao Neil Peart của band Rush vào chơi thì chưa chắc hắn đã có cảm hứng jam cùng như với Meg. Có người đồn thậm chí chính Jack đề nghị Meg không tập thêm kỹ thuật trống vì hắn muốn giữ sự đơn giản nhất trong nhịp điệu.
Sự tối giản thứ hai là loại bỏ một lớp đệm là âm trầm của bass. Nhiều khi tôi cũng không hiểu sao Jack có thể chơi trội khi bỏ mặc một yếu tố quan trọng như vậy. Giả sử White Stripes chơi acoustic thì không có bass cũng không sao. Nhưng đằng này có trống lại bỏ bass. Chẳng khác gì ăn cơm thiếu bát canh, hay phở không có hành, nó ... sao ấy. Thế nên đã có tay bass tên Steven McDonald của nhóm Redd Kross đã mix thử âm bass mà gã đánh thêm vào mấy bài của White Stripes. Các bạn biết kết quả thế nào không ạ? Tiếng bass của Steven phù hợp với nhịp điệu và hoà âm nhưng lại không hề hoà hợp với nhạc của White Stripes. Nó ngay lập tức làm mất đi cái “thô kệch” cực kỳ đặc trưng của hội này. Đúng là phải nghe bản có bass mới thấy cái chất “không bass” độc đáo mà Jack White nghĩ ra. Kể cả trong bài "Seven Nation Army", đâu đó có nghe tiếng bass cực đặc trưng của bài thì chỉ là do Jack dùng phơ tạo hiệu ứng giả lập cho guitar thấp xuống 1 quãng tám. Như vậy là vẫn đảm bảo yếu tố con số 3 thần thánh.
Và cuối cùng, sự tối giản thứ ba chính là âm thanh “mỏng” của quá ít track nhạc trong White Stripes. Với Jack sự giới hạn này là nguồn cảm hứng để hắn thể hiện phô diễn tài năng. Đầu tiên là nhịp điệu trống đơn giản mà đanh gọn của Meg tạo ra những khoảng lặng giữa các nhịp, khiến cho người nghe chú ý đến câu đàn uốn éo bluesy mà Jack phô diễn hơn. Thiếu âm bass cũng là cơ hội để Jack chơi những âm thanh đục ngầu kiểu garage rock để có được âm sắc thô ráp nhất, bởi kiểu âm thanh đó đâm ra lại dễ hòa hợp với bộ trống. Không quá khi có vài nhà phê bình cho rằng White Stripes đã thực sự hồi sinh thứ nhạc Garage Rock của thập niên 60s.
Jack đúng là như một gã ba đầu sáu tay, thoả sức sáng tác những câu đàn đầy màu sắc khác nhau, hay vô cùng, và các bài hát của White Stripes đều nghe qua tưởng đơn giản nhưng mỗi bài đều có nét riêng.
Kể ra Jack cũng quá giỏi đi, một mình cân phần nhạc điệu trong guitar thùng ở "Apple Blossom", guitar điện bluesy ở "Death Letter", đánh kèm cả câu bass ở dây trầm (dùng thêm một đường giả lập bass) song song với guitar riff trong "Seven Nation Army" như đã nói ở trên, rồi thì màn trình diễn solo tiếng rè đặc của chất garage rock cực hay ở "Ball And Biscuit" và cả phần piano ở "The Denial Twist".
Tôi chưa từng thấy ai không thích Seven Nation Army, thậm chí chỉ cần nghe một lần là nhớ như in câu riff trong bài đó, chưa nói đến chuyện nó còn lẩn quẩn trong đầu. Đỉnh điểm là những lần Jack White chuẩn bị ra sân khấu cho phần encore, các fan ở dưới đã hát câu riff của Seven Nation Army. Trong các buổi biểu diễn, có lẽ việc các fan hát theo một câu nổi tiếng hoặc một đoạn “hò ơ…” điệp khúc là chuyện đương nhiên. Nhưng các fan đồng thanh một câu riff để gọi band quay ra, tôi cho là không có nhiều band làm được.
Trống rồi nhé, đàn rồi nhé, và nhân tố thứ ba làm nên nhạc White Stripes chính là lối hát lệch nhịp ngẫu hứng và giọng hát cá tính có phần chảnh choẹ của Jack. Thi thoảng có sự góp giọng của Meg ở mấy bản acoustic như "In The Cold, Cold Night".
Mặc dù Jack tự nhận là nhạc của The White Stripes “rất Jack White” khi hắn tự lo khâu sáng tác, đánh đàn và hát, thì khi hắn chuyển sang solo sau này, nhạc trong các album solo của hắn nghe vẫn khác hẳn. Vì dù cho hắn được xổ lồng thử nghiệm các loại âm thanh (mà thú thật tôi có khoái hơn so với nhạc của White Stripes do sự đầy đặn của âm nhạc của Jack), sự độc đáo của The White Stripes qua tiếng trống giản đơn nhưng chắc nịch của Meg, và phần rhythm được tạo ra bởi ba đầu sáu tay của Jack với bất cứ thứ gì hắn có trong tay và bỏ qua âm bass vẫn là điểm khác biệt cực đặc sắc. Và hơn cả, nhạc White Stripes chinh phục người nghe chính ở âm sắc dù thô kệch nhưng lại có cảm xúc rất rõ trắng đen của Jack, vượt lên trên sự quan trọng của kỹ thuật chơi nhạc hay ý nghĩa của lời bài hát.
Và cuộc phiêu lưu của White Stripes chỉ dừng lại khi Meg quá mệt mỏi với triệu chứng rối loạn sau sang chấn (ASD - Acute Stress Disorder) gây ra do lịch làm việc dày đặc. Jack chấp nhận chuyện đó, cũng một phần vì hắn thông cảm với áp lực lẫn những chê bai không xứng đáng nhắm vào Meg White, trong khi thực tế là tài năng của cô chưa bao giờ được thừa nhận xứng đáng.
Còn nữa, Meg và Jack đã ly dị vào năm 2000, trước khi họ đạt được danh vọng với album De Stijl, nhưng cặp đôi này vẫn cùng nhau cho ra 4 album White Blood Cells, Elephant, Get Behind Me Satan và Icky Thump. Thế nên câu chuyện băm thịt của người vợ Meg White chỉ mang tính hình tượng mà tôi muốn vẽ lên để tôn vinh vai trò của người phụ nữ trong thành công của cánh đàn ông, chứ thực ra vai trò giữ lửa của Jack quan trọng lắm.
Mà biết đâu đấy, có khi chính vì Jack và Meg sớm ly dị nên White Stripes giữ được sự gắn kết và đẻ ra mấy album thành công liền. Chứ khi không có bà vợ nào lại để chồng làm phát ngôn viên bằng việc hát chính và trả lời phỏng vấn cho ban nhạc cơ chứ?
Hẹn gặp lại.
Kink