top of page

Yelawolf: hiểu nhầm và coi thường

Đĩa EP Slumdon Bridge của Yelawolf hợp tác với Ed Sheeran chính là đĩa đã khiến tôi có cảm tình với nhạc rap của Yelawolf. Slumdon là cách chơi chữ giữa Slumerican - những kẻ nghèo hèn thấp kén trong địa vị xã hội ở Mỹ với Yelawolf là đại diện - và London - nơi Ed Sheeran đại diện. Và “Bridge” chính là cây cầu nối hai đại diện văn hoá và địa lý đó.


Thực sự cách phối hợp nhạc giữa một tay rapper và một ca sĩ kiêm sáng tác nhạc này ăn ý tốt đến mức đĩa EP phong cách folk pop/hip hop này thuộc top trong các sản phẩm nhạc của riêng Yelawolf hay Ed Sheeran.


Ngoài ra, Yelawolf có mặt trong rất nhiều track với các nghệ sĩ tài năng khác như Bone Thugs, DJ Paul, Travis Barker, Big K.R.I.T., Eminem, Big Boi, hay với Tech N9ne trong bản Worldwide Choppers giữa các anh tài rapper siêu tốc độ.


Thế nhưng sự nghiệp rap của riêng Yelawolf lại không hề suôn sẻ, kể cả khi anh được Eminem ký hợp đồng thu âm với Shady Records từ rất sớm.


HIỂU NHẦM

Ngày 17/6/2015, Dylann Roof - một kẻ theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng mới 21 tuổi đã nã súng vào những người da màu trong một trong những nhà thờ cổ nhất ở Charleston, South Carolina và cướp đi 9 mạng người.


...............

“Goddamn, hold on, moment of silence”

..............

“Nine innocent churchgoing people get murdered / There’s not a word I can utter, there’s not a rhyme I can say / There ain’t no fixing that ever, those people brutally slain / And I refuse to see ways to justify all the blame / That motherf*cker’s insane / I got so mad at my own image, I took down merch / No explaining it now, it’s only making it worse / This fucking coward, this criminal’s, just a puppet, a mental case / But the truth is the truth, he did it because of race / There’s nothing I can describe, the shame that I felt inside / A white boy with the flag committed this homicide”


Giọng của Yelawolf gào lạc đi khi rap đoạn verse thứ hai ở trên trong track “To Whom It May Concern”. 


Không được phát hành chính thức. Không đoạn hook. Tất cả chỉ là lời tự sự chân thành nhất mà tôi từng nghe từ một rapper trong một track dài hơn 8 phút liền.


Trước ngày xảy ra vụ nổ súng trên, tên giết người hàng loạt Dylann có đăng trên mạng hình ảnh hắn chụp với lá cờ liên minh (confederate flag), một lá cờ mà với nhiều người Mỹ, đặc biệt là người da màu, coi đó là biểu tượng của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và chế độ nô lệ.


Trước đó nữa, Yelawolf vô ý đăng đàn phản biện và bảo vệ lá cờ liên minh đó như hình ảnh đại diện cho nơi anh sinh ra, vùng Alabama (vốn cũng thuộc liên minh miền Nam), gây ra hàng loạt ý kiến chống lại chính anh. Chỉ đến khi Big K.R.I.T., bạn thân của Yelawolf, gọi điện giải thích thì anh mới hiểu rằng hình ảnh lá cờ đó đã gây tổn thương biết bao người vì nhiều hình ảnh lịch sử xấu xa.


Chính vì thế bài "To Whom It May Concern" như một lời giải thích và xin lỗi của Yelawolf tới mọi người. 


Sinh ra từ vùng đất Alabama, miền Nam nước Mỹ, Yelawolf đã quá quen với sự nghèo đói nơi anh sống. Không có cha bên cạnh, chỉ có người mẹ, anh như con sói hoang. 


Điều đặc biệt là, vùng đất nơi anh sinh ra lại không có một chút ảnh hưởng nào từ văn hoá người da màu cả. Như trong bài "To Whom It May Concern" đó, Yelawolf có nói đến anh thậm chí không có cả kênh BET (kênh truyền hình chuyên phát nhạc người da màu) và quanh anh chỉ là dân hippies - đều là những kẻ dạy anh sống không phân biệt đến màu da và mọi người đều bình đẳng. Đâu đó trong đám hippies có kẻ ủng hộ cho lá cờ liên minh thì cũng chỉ là sự tôn sùng tổ tiên vùng đất của họ.


Rồi Yela bày tỏ làm sao anh có thể là kẻ phân biệt chủng tộc khi anh có ba đứa con lai với người vợ cũ gốc Phi. Lẫn đâu đó trong bài là sự tủi nhục do một tên sát nhân đã làm xấu hình ảnh những người dân miền Nam như anh.


COI THƯỜNG

Tự nhận mình như một Slumerican thuộc tầng đáy của xã hội, Yelawolf còn tự xăm chữ RED ở trên cổ với hàm ý anh chính là một ông "redneck" - một cách gọi miệt thị với người dân miền Nam như anh. Nhưng dù không biết đi săn, lẫn chẳng biết sửa xe như một "redneck" thực thụ, mọi người thường đánh đồng Yelawolf là “redneck” chỉ vì nguồn gốc miền Nam của anh. Chẳng hạn như lần anh đi diễn mở màn cho Wu Tang Clan ở châu Âu, một tên trong đám khán giả chửi thẳng anh “you redneck piece of shit”. Anh thản nhiên và tự hào với hình xăm RED đó. 


Việc Yelawolf đề cập đến sự việc này trong bài "To Whom It May Concern" cũng chỉ để cho thế giới thấy là người miền Nam như anh cũng bị phân biệt và coi thường, nên đừng vội gán cái mác phân biệt chủng tộc lên chính anh khi bản thân Yela cũng là nạn nhân của sự phân biệt gốc gác đó, thậm chí ngay cả từ khán giả nghe nhạc, kể cả là fan hip hop. 


Đĩa Radioactive (2011), sản phẩm đầu tay với hãng đĩa Shady Records mà Yelawolf hoàn toàn nghe lời theo chỉ đạo của đám quản lý cũng như hội producer, là một sự thất bại. Yelawolf quyết tâm tạo ra sản phẩm âm nhạc mà anh tâm huyết, bắt nguồn từ chính nguồn gốc miền Nam của mình, nơi mà hip hop luôn bị coi nhẹ hơn so với hai trung tâm là miền Đông và miên Tây nước Mỹ.


Được là chính mình, Yelawolf như trở thành một Johnny Cash trong thể loại hip hop khi đã quyết định mix giữa nhạc country với tiếng guitar thùng và nhạc rap. Với dân nghe hip hop, họ không chỉ khó chịu với cái giọng thô kệch lè phè miền Nam của anh, mà cả thứ nhạc country cũng hoàn toàn đối lập với thứ nhạc cool như nhạc rap chỉ khiến mọi người vội vàng chê bai. Dĩ nhiên đó cũng là từ những người không dành thời gian tìm hiểu âm nhạc Yelawolf.


Nhưng với tôi, hướng đi này của Yelawolf mới chính là điều độc đáo và tài năng ở anh, dù rằng Yela tự biết là anh đang đi theo “thị trường ngách” trong nhạc hip hop mang ảnh hưởng của nhạc country. Sản phẩm cuối cùng hóa ra lại là một sản phẩm âm nhạc đặc sắc.


SỰ NGHIỆP

Anh có nói cái lối mòn mà nhiều rapper mắc phải là trong khi các thể loại nhạc khác đòi hỏi sự thống nhất tổng thể trong lời ca, giai điệu và hoà âm thì trong nhạc rap, lời rap lại dường như có thể dễ dàng mix vào bất kỳ phần beat nào được đưa ra. Vậy nên Yelawolf chủ ý tạo ra thứ nhạc rap phải thực sự là âm nhạc khi từng đoạn trong bài được gắn kết chặt chẽ không chỉ ở nội dung mà còn cả ở phần hoà âm. 


Sự gắn kết này bắt đầu thể hiện từ đĩa Love Story (2015). Trong album này, anh hát và rap xen kẽ nhau rất hoà hợp khiến cho người nghe khó có thể tưởng tượng đoạn rap đó có thể được rap trên một beat nào khác. Bởi vì thực ra đoạn rap đó cần có giai điệu liền sau và cả những câu bridge ít thấy trong nhạc hip hop.


Lấy ví dụ như bài "American You", Yelawolf để đoạn intro bằng câu guitar điện rất nhẹ và anh cất tiếng hát như một tay ca sĩ nhạc đồng quê, nhưng vẫn không quên hát với tiết tấu có phần nhanh như đang rap để sau đó thì sẽ có riêng một đoạn rap hẳn hoi.


Bài "Til It’s Gone" - một trong những bài hay nhất của Yela, những đoạn verse được anh rap dồn dập và nhấn ở từng nhịp rồi sau đó hút vào câu hook là lời hát giai điệu cực hay, tất cả trên nền guitar thùng và beat trống không cầu kỳ.


Bài "Empty Bottles" cũng vậy, xen kẽ rap và hát nhưng rồi có hẳn đoạn bridge mà Yelawolf rap nhanh kiểu sở trường nghe rất phê mà phần beat biến đổi liên tục.


“Wake up in the morning feeling like I'm not awake at all

Take a Tylenol, shake it off

Wanna take another shot of Jack but Jack D shot me with a sawed-off”


Giọng hát của Yelawolf thì dù không phải có nghề như một ca sĩ, nhưng sức cuốn hút thì có thừa. Trong đĩa Love Story này, Yela dành hẳn mấy track như "Devil In My Veins", "Have A Good Flight", "Tennessee Love" chủ yếu là anh hát những câu hát cực tình và buồn.


Sau Love Story, Yela phát hành một đĩa EP tên H.O.T.E.L cũng cực kỳ hay và sâu lắng đến lặng người. Đó là sự đối lập trong khoảng lặng không có trống cho câu hát  ở đoạn hook với đoạn verse rap dầy nhạc cụ hơn trong bài "Renegades" hay bài "Someday". Chẳng hạn như trong bài Renegades có đoạn hook:


“From entrepreneurs, losers to users and renegades

For factory workers, servers and hustlers all the same

Single mothers and others, nobodies, prisoners, no-names

For entrepreneurs, losers to users and runaways”


Yela gieo vần các từ gần như liền nhau ở âm “-neurs”, “-sers”, “-kers”, “-vers”, “-lers”, ..v..v... khiến cho câu rap của anh cuốn lấy nhau nghe rất kêu.


Không dừng ở đó, tính sáng tạo của Yela tiếp tục được đẩy lên cao ở album Trial By Fire (2017) khi anh trực tiếp tham gia sản xuất beat. Vẫn với phong cách lai nhạc đồng quê, lần này Yela mời Travis Barker chơi trống và Flea - tay bass của Red Hot Chili Peppers vào bài Punk tiết tấu nhanh. Khi mà Flea cố tình gảy bass lệch nhịp với trống của Travis và chỉ hội tụ sau một vài khuông nhạc nhất định, tạo cơ hội cho Yela tha hồ bắn rap nhanh.


Hay như trong bài "Row Your Boat" với nội dung đầy ý nghĩa về sự tàn bạo của đám cảnh sát, Yela sử dụng từ cuối cùng ở mỗi câu để làm từ đầu cho câu rap liền sau trong cả bài. Kỹ thuật này khó chả kém gì việc lặp vần đa âm khi không chỉ phải đảm bảo giữ nguyên vần cuối câu trong cả đoạn verse mà còn luôn bị bó buộc bởi luật lặp từ đó:


“You said you don't wanna die but still you want to go to heaven

Heaven's not a place that you can scare me into changing everything that I believe in

Leavin' what is keeping you from walkin' out the door and livin' life like there's a reason

Reason is the fear of change will leave a person locked inside a dark and mental prison

Prisoners of war, the war is media, they feed to you graffiti up your vision

Visionary super scary future they will shoot ya' they will loot ya' they are killin'

Killin' power of the power that exists above us is a problem, it's a sentence

Sentence you to pull and push and jump, when they say jump you say how high

There is no limit

Limit what they sell and what they're givin'”


Đầy đủ tài năng từ rap cho đến hát hay khả năng cảm thụ âm nhạc và sản xuất nhạc, Yelawolf mới cho thấy cái tinh tế của kẻ từ vùng “nông thôn” đi làm nhạc thế nào. Anh vẫn tiếp tục theo đuổi kiểu của mình dù rằng anh tự hiểu rằng phong cách nhạc chẳng giống ai của anh không hề dễ vươn tới số đông.


Không giống như đa số người Mỹ cố tình lơ đi sự phân biệt hoàn cảnh, gốc gác vẫn hiện hữu hàng ngày và tung hô nước Mỹ như đỉnh cao của sự công bằng, Yelawolf có lẽ là người cảm nhận rõ nhất những hiểu nhầm, coi thường, và định kiến chỉ vì nguồn gốc của anh. May thay, với những kẻ từ một đất nước, xã hội và văn hoá khác như tôi, vẫn có thể tự do cảm nhận nhạc hip hop theo cách riêng của mình và nhờ thế coi trọng âm nhạc của Yelawolf.

Cũng phải nói là tôi rất ưng album Ghetto Cowboy mới của Yela sau khi chia tay với Shady Records. Tôi thích tiếng bass điện tử cực ngầu trong "Unnatural Born Killer” hay lối rap đầy năng lượng trong “So Long” và nhiều bài rất hay khác trong đĩa.


Dù rằng tôi nghĩ là dân Mỹ chắc cũng lại chả để ý cái album này đâu, nhất là khi không còn Eminem hậu thuẫn nữa.


Hẹn gặp lại.


Kunt

444 views
bottom of page